THẾ HỆ F 2007 - 2011 - Dân Làm Báo

THẾ HỆ F 2007 - 2011

Lời giới thiệu

Bạn đọc thân mến, 

Lenin đã nói: “Nhận thức là một quá trình”. Nhận thức vốn dĩ đã là một con đường dài. Từ nhận thức đến hành động, đường còn xa gấp vạn lần. 

Nhưng trong những năm gần đây, ở Việt Nam và trên thế giới, đã xuất hiện những biến cố mới mẻ, cho thấy một sự thật khác: Nhận thức vẫn là một quá trình, nhưng cùng với sự xuất hiện của Internet, quá trình ấy được rút ngắn đáng kể; và từ nhận thức đến hành động vẫn có một khoảng cách, nhưng khoảng cách ấy cũng ngắn lại, không còn là “đường xa vạn dặm” nữa.

Từ Iran, tới Ukraine, từ Trung Đông tới châu Phi, châu Á, khắp nơi trên thế giới đều có những bằng chứng về sức mạnh của Internet, “quyền lực của thế giới ảo” trong công cuộc nâng cao dân trí, minh bạch hóa, và trên tất cả, dân chủ hóa. Evegeny Morozov, nhà nghiên cứu hoài nghi nhất về mối liên hệ giữa Internet và cách mạng dân chủ, cũng thừa nhận: “Ở Ukraine, những nhà hoạt động trẻ tuổi dựa vào các công nghệ thông tin - truyền thông mới để huy động người ủng hộ trong suốt cuộc Cách mạng Cam. Những người bất đồng ở Colombia sử dụng Facebook để tổ chức các cuộc tuần hành khổng lồ chống lực lượng du kích cánh hữu FARC. Những bức ảnh gây sốc và có giá trị mạnh mẽ xuất phát từ Myanmar suốt trong các cuộc đấu tranh phản đối chính phủ năm 2007 – nhiều bức trong đó là do các blogger bản địa chụp bằng điện thoại di động – đã nhanh chóng được lưu hành khắp thế giới. Các nhà hoạt động dân chủ ở đất nước Zimbabwe của Robert Mugabe sử dụng web để tra lại gian lận phiếu trong bầu cử hồi năm ngoái, và dùng điện thoại di động để chụp hình các bản kết quả bầu cử có lúc được bày tạm ra ngoài thùng phiếu (sau đó chúng sẽ là bằng chứng hữu ích của sự bất tuân luật). Rất nhiều ví dụ khác – từ Iran, Ai Cập, Nga, Belarus, và nhất là Trung Quốc – chứng minh tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ trong việc hỗ trợ những người bất đồng” (Boston Review, ĐT biên dịch). 

Và những biến cố chính trị lớn lao xảy ra đầu năm 2011 tại Ai Cập và Tunisia, phần nào đó là cả Yemen, Lybia, đã cho thấy rõ ràng hơn bao giờ hết sức mạnh xóa tan bóng tối độc tài của mạng xã hội. “Mùa xuân Ảrập” sẽ mãi mãi đi vào trong lịch sử như một chiến thắng rực rỡ của “xã hội dân sự” trên mạng, của những blogger, những commentator (mà ở Việt Nam chúng ta, có người dịch là “còm sĩ”); và tóm lại, của những con người yêu mến, khát khao dân chủ, và sử dụng Internet làm công cụ truyền tải khát vọng của họ. 

Bạn đọc thân mến, 

Cuốn sách bạn đang mở ra đây không phải là một tuyển tập những bài tiểu luận triết học, chính trị, khoa học sâu sắc của một tư tưởng gia hay một nhà bác học tài danh. Nó chỉ là một tập hợp các “entry”, các bài viết trên mạng, của những blogger và commentator Việt Nam. Với tính chất là các entry bám sát thời sự, nhiều bài còn đơn sơ, giản dị cả về nội dung lẫn hành văn, thậm chí chứa không ít… lỗi chính tả. Nhưng đây vẫn là một tuyển tập hết sức đặc biệt, bởi vì nó ghi lại tâm tư, cảm xúc của blogger Việt Nam trong những cuộc “lên mạng” và “xuống đường” kéo dài suốt từ năm 2007 đến năm 2011, theo cùng những biến cố căng thẳng của đất nước trong quan hệ với bá quyền phương Bắc: Trung Quốc lập thành phố Tam Sa, mưu toan sáp nhập Trường Sa và Hoàng Sa vào lãnh thổ; Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt Nam; Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh II và tàu Viking II của Việt Nam… Cứ mỗi một lần tập đoàn bá quyền Bắc Kinh gây hấn với Việt Nam, là một lần “Biển Đông nổi sóng”, cộng đồng mạng Việt Nam sôi sục, và những cuộc biểu tình lại nổ ra bất chấp sự o ép, trấn áp, đe dọa và bưng bít của những thế lực lãnh đạo vốn ưa sử dụng tấm màn không minh bạch làm công cụ che đỡ cho mình. 

Và với mỗi cuộc biểu tình như thế, hàng trăm cây bút chuyên và không chuyên lại lên mạng và xuống đường. Họ viết, chia sẻ, kể lại những câu chuyện đấu tranh. Họ “bút chiến”, tấn công không khoan nhượng vào sự bưng bít thông tin. Họ chống độc tài và bá quyền. Nhưng trên tất cả, những gì họ viết là sự thể hiện khát vọng của nhiều thế hệ, cái khát vọng được cất lên tiếng nói của mình, có ý kiến về những quyết định lớn lao của đất nước, tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam dân chủ, tự do. Họ đã mơ ước và đã đấu tranh như thế, bất chấp sự trấn áp của những thế lực bảo thủ, thái độ vô cảm đôi lúc đến tàn nhẫn của số đông nhân dân – những người cũng là nạn nhân của sự bưng bít, mà chưa bao giờ được hưởng vị ngọt của tự do. 

Và như thế, cuốn sách này thực chất ghi lại một chặng đường lịch sử của Việt Nam. Chỉ có bốn năm thôi, nhưng đó đã là một giai đoạn đầy sóng gió và rất đáng ghi nhớ trong công cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ. 

Bạn đọc có thể thấy, trong cuốn sách, có cả những bài viết theo một hướng khác, một giọng khác, trái ngược hẳn đa số còn lại. Nhưng những bài viết đó cũng phản ánh một góc nhìn mà người đọc cần ghi nhận và có thể đưa ra thảo luận, vì thế chúng được đưa vào tuyển tập, với sự tôn trọng tinh thần đa nguyên. 

Các bạn có thể xem cuốn sách như một tập “nhật ký” lưu lại những ngày tháng đáng nhớ của cả một thế hệ đầy cởi mở, tự tin, gắn bó với mạng Internet, sống hiện đại và có trách nhiệm với cộng đồng, mà chúng tôi xin được gọi bằng cái tên đầy tự hào: Thế hệ F. 

Mùa thu 2011 

Nhà Xuất bản Liên Mạng
danlambaovn.blogspot.com


Để tải sách về máy, bạn đọc sử dụng đường link sau : 
http://www.4shared.com/office/RmXHf8sR/The_he_F_2007_-_2011.html

Trang bìa :




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo