Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Trên thế gian này không có đâu “trác lạc” bằng nước Việt Nam thời kỳ đồ đảng đổ đốn, khi thế lực ngoại bang xâm lược càng tăng thì những cuộc xuống đường biểu tình của công dân bày tỏ lòng yêu nước càng vắng. Kỷ niệm một năm ngày 5 tháng 6 - theo sự hiểu biết của cá nhân - chỉ có được trên thế giới ảo internet.
Sự vắng bặt những “dấu chân kỷ niệm” hôm nay, ngày 5 tháng 6 năm 2012, khi giặc ngoại xâm chẳng những còn đó mà còn trắng trợn táo bạo hơn trong mưu đồ thôn tính Việt Nam, không có nghĩa là người dân Việt đã khuất phục do tinh thần nhu nhược của mình, nhưng do sự đàn áp dã man qui mô của bọn cầm quyền nhu nhược bán nước cầu vinh hèn với giặc ác với dân.
Nhìn ra bên ngoài, một vụ Thiên An Môn yêu sách / bị coi là chống lại nhà cầm quyền đã 23 năm rồi mà người Trung Hoa vẫn tổ chức được ngày kỷ niệm, tuy chỉ tại Hong Kong, Trùng Khánh hay những chỗ khác quảng trường Thiên An Môn nơi đã xảy ra biến cố lịch sử đầy can trường và đẫm máu làm chấn động cả thế giới loài người. Ấy vậy mà người Việt Nam lại không thể xuống đường kỷ niệm một năm ngày biểu tình bày tỏ lòng yêu nước không phải để chống lại nhà cầm quyền nhưng để cùng nhà cầm quyền chống lại giặc xâm lăng đang lăm le ngoài biển đảo, trên đất liền. Điều này chứng tỏ tập đoàn tay sai công cụ của ngoại bang phương bắc đã bị nô lệ hóa đến chừng nào, nếu không nói là gian manh tàn độc với đồng bào mình hơn cả quan thầy chúng.
Nhưng trong khi bẻ gãy được thân cây, cành cầy, chà đạp lên hoa lá, chúng đã vô tình gieo thêm giống mầm.
Kỷ niệm một năm ngày 5/6 xuống đường bảo vệ tổ quốc, không thực hiện được trên đường phố, nhưng tinh thần ái quốc được mọi tầng lớp dân Việt gieo rắc đi bốn phương trời qua mạng lưới thông tin toàn cầu là vũ khí hiện đại vừa đánh sập nhiều tên bạo chúa, điển hình qua những bài viết “Hồn Biển Đông linh thiêng” và “Họ là ai giữa tháng 6 ngày 5” của Đặng Huy Văn, “Ngày ấy bây giờ” của Sông Kôn, “Quyết đấu tranh dể cứu quốc và sinh tồn” của Chu Chi Nam, “Những ngày không thể quên” của Hồng Phi, “Ngày 5 tháng 6” của Lê Dủ Chân, “Một năm đã qua đi” của Châu Đình An, “Hồi tưởng ngày này năm trước” của Lê Nguyên, “Ngày lịch sử” của Thiên Ngọc, “Biểu tình chống Trung Quốc xâm lược” của Đại Nghĩa, “Biểu tình-Đất nước gọi đứng lên” của Văn Vũ, “Biểu tình chống TQ đã lộ rõ bản chất lãnh đạo đảng” của Hoàng Việt, “Viết cho bác nhân ngày “cứu nước” 5 tháng 6” của Anh Việt, “Viết gì cho ngày 5 tháng 6” của Mẹ Nấm, “Những ngày chủ nhật gieo mầm” của Bùi Tín, “Tôi chưa được đi biểu tình” của Nguyễn Hoàng Vi, “Khi tổ quốc gọi ta” của Trịnh Kim Tiến trên Dân Làm Báo và vô số những bài viết về ngày 5 tháng 6 trên những trang báo mạng khác.
Khi viết đến cuối bài thì tác giả đọc được bản tin “Sài Gòn kỷ niệm một năm ngày xuống đường phản đối Trung Quốc xâm hại lãnh hải Việt Nam” trên trang Danlambao.
Những hạt mầm Tự do Dân chủ Ái quốc sẽ nở rộ và chắc chắn không có thanh gươm lá chắn nào có thể bảo vệ được bạo quyền bán nước hại dân.