- Cử tri quận 4, TP.HCM đặt câu hỏi cho Chủ tịch nước về việc quy trách nhiệm cá nhân khi quản lý lỏng lẻo, để thất thoát tài sản nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Ngày 23/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp xúc cử tri với cử tri quận 4, TP.HCM để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, vừa bế mạc trước đó 2 ngày.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Bùi Công Sự (phường 16) bày tỏ lo ngại về tình trạng quản lý lỏng lẻo hiện nay của cơ quan chức năng. Cụ thể là việc khai thác sa khoáng, vàng bạc, ti tan… đã để lại hậu quả nghiêm trọng về môi trường, mà cuối cùng thì người dân phải lãnh đủ hậu quả. Tiếp đó là việc để cho người nước ngoài vào mọi địa bàn thu mua nông, hải sản, nuôi trồng không tuân thủ luật lệ của nhà nước, thao túng giá cả, gây thiệt hại cho người dân. Không chỉ vậy, còn có dấu hiệu phá hoại nền kinh tế, phá hoại thương hiệu hàng hóa mà gần 20 năm qua Việt Nam xây dựng mới có được.
“Đề nghị Quốc hội, Nhà nước xem lại con người trong hệ thống của mình. Đặc biệt là cần quy trách nhiệm tập thể, cá nhân gây ra hậu quả, chứ không thể nói mãi việc rút kinh nghiệm nghiêm khắc, nhưng nói xong cho an dân rồi để đấy”, ông Sự nêu.
Ông cũng cho rằng, cần có chế tài đình chỉ chức vụ để thay thế những cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng quan điểm, cử tri Tiêu Tôn Lượng (phường 9, quận 4) cho rằng để phát triển nền nông nghiệp và xuất khẩu nông sản, Nhà nước cần có chính sách, giải pháp cụ thể để giúp người nông dân an tâm đầu tư phát triển, nhất là để tránh tình trạng bị người nước ngoài thao túng. “Làm sao để không còn tình trạng như tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thời gian vừa qua, tư thương Trung Quốc vào làm lũng đoạn nền kinh tế sông nước”, ông Lượng bức xúc.
Trả lời thắc mắc của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, người nước ngoài vào Việt Nam mua sản phẩm, mở phòng mạch, nuôi cá... ngoài một số chấp hành pháp luật, cũng có một số không chấp hành pháp luật của Việt Nam.
“Tôi mong cô bác với nhiều tư cách khác nhau nhắc nhở các cấp chính quyền chức năng kiểm soát, giám sát. Quan trọng nhất, tôi nghĩ rằng tự trách mình, trách cơ quan chức năng kiểm tra kiểm soát chưa làm tròn trách nhiệm”, ông Sang nói.
Bức xúc trước thực trạng thời gian qua, một số tổng công ty, tập đoàn nhà nước như Vinalines, Vinashin… đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, nhưng không thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm, không thấy ai đưa đơn từ chức mà chỉ nói rút kinh nghiệm. “Người dân chúng tôi rất không đồng tình. Cá nhân làm sai, tập thể phải chịu, toàn dân phải gánh nợ, điều đó thật không công bằng”, cử tri Hoàng Hữu Hiền (phường 3) phản ánh.
Đồng tình, cử tri Nguyễn Quốc Việt (phường 3) cho rằng phải quyết liệt điều tra, quy trách nhiệm và mạnh tay xử lý những tiêu cực như thế này. Có vậy người dân mới có thêm lòng tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Nhà nước.
Ngoài ra, nhiều cử tri cũng quan tâm đến lãi suất cho vay của các ngân hàng. Nhất là tình trạng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng trên bờ vực phá sản do thiếu vốn, trên thực tế chẳng mấy doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để vực dậy sản xuất.
Vấn đề này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, giải pháp căn cơ, lâu dài là phải ổn định kinh tế vĩ mô để tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là đầu tư công, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước. “Nếu chỉ xử lý trước mắt mà không nhìn về lâu dài thì nay mai lại lạm phát nữa”, ông Sang nói.
Cũng theo Chủ tịch nước, những sai phạm của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, sự tắc trách của các địa phương trong việc chưa quản lý tốt người nước ngoài nhập cư… sẽ được đôn đốc, nhắc nhở, kiểm soát kỹ hơn, sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu và có chế tài xử lý.
Quốc Thái