BBC - Vừa ra tù, ông Lê Thăng Long, người bị xử trong vụ án năm 2010 cùng luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức nói về thời gian ở tù và dự án 'Con đường Việt Nam'. Được trả tự do sáu tháng trước hạn hôm 4/6 vừa qua, nhà đấu tranh dân chủ dân chủ Lê Thăng Long, sinh năm 1967, cho BBC biết qua điện thoại hôm 11/6 rằng tình hình sức khỏe của ông là bình thường. Ông cũng nhắc lại giai đoạn mới bị bắt và các cuộc trao đổi với những người trong vụ việc bị bắt năm 2009:
Ông Lê Thăng Long: Giai đoạn đầu tiên khi tôi mới bị bắt là giai đoạn có những bất ngờ, hay đặc biệt đối với tôi và sau đó thì cũng quen dần. Đột nhiên mình bị mất tự do, đó cũng là một cái bất ngờ và những việc mình làm theo những gì đúng đắn mà tự nhiên, đột ngột mình bị khép vào những tội danh và điều đó làm cho tôi thấy bất ngờ.
BBC: Trong thời gian đó ông đã gặp lại ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định trong tù không? Lần cuối gặp lại ông Thức và ông Định như thế nào?
Lần cuối tôi gặp anh Định khoảng ngày 10/08/2010. Chúng tôi lên ở trại trên Xuân Lộc khoảng hơn một tháng thì anh Định bị chuyển đi, còn lại tôi với anh Thức ở trại giam Xuân Lộc trong khu gọi là khu cách ly. Tôi gặp anh Thức lần cuối cách đây hai tháng. Tôi được chuyển lên khu hình sự, khu các anh em án hình sự, và sau đó tôi được đưa về nhà và hiện nay đang bị quản chế.
BBC: Trong thời gian gặp gỡ đó các ông đã nói chuyện, bàn thảo những gì?
Chúng tôi đã bàn những dự tính, dự định chúng tôi đã có từ trước, trước khi bị bắt. Những dự định đó là làm sao để thực hiện được những phong trào rộng rãi trong nhân dân để tìm ra con đường làm sao phù hợp cho đất nước Việt Nam.
BBC: Thời gian ở trong tù ông có được biết tin tức, tình hình bên ngoài như thế nào không?
Thực sự ra chúng tôi bị hạn chế về tin tức, chỉ được đọc báo Nhân Dân và xem thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam. Còn các thông tin khác thì chúng tôi bị hạn chế, không được tiếp cận.
BBC: Theo những thông tin chúng tôi được biết, ông được thả sớm trước 6 tháng. Điều này liên quan gì đến lời nhận tội trước đó?
Đúng như vậy. Tôi đã được giảm hai lần, mỗi lần ba tháng.
BBC: Ông giải thích thêm một chút được không? Ông được giảm hai lần mỗi lần ba tháng là do đồng ý nhận tội?
Tại phiên tòa phúc thẩm, phút cuối tôi đã nhận tội nên được giảm một năm rưỡi, tức là 18 tháng. Và trong quá trình thi hành án, có chương trình gọi là chương trình thi đua giữa các người tù. Trong bốn tiêu chuẩn thi đua đó, tiêu chuẩn đầu tiên là chấp nhận, thành khẩn hối cải, nhận tội lỗi của mình. Do đó vì tôi nhận tội nên được giảm hai lần, mỗi lần hai tháng. Còn đối với những trường hợp như của chúng tôi mà không nhận tội thì không được giảm án, sẽ bị xếp loại yếu.
BBC: Ông có biết về tình hình ông Nguyễn Tiến Trung hiện nay ra sao?
Ông Lê Thăng Long từng được báo chí Việt Nam ca ngợi là một doanh nhân thành công
Tôi cũng vừa gặp bố mẹ của anh Nguyễn Tiến Trung cách đây gần một tuần sau khi tôi về đây, nghe nói anh sức khỏe bình thường, vẫn tốt. Hiện nay anh đang ở trại Phan Đăng Lưu của thành phố, Ủy ban thành phố.
BBC: Trước đó chúng tôi được biết các ông đã từ chối bản nhận tội này, có phải do muốn được giảm án nên nhận tội?
Trước đó tôi đã tuyệt thực hai lần, một lần sau sơ thẩm và một lần trước phúc thẩm. Đối với lần trước phúc thẩm thì tôi đã được bên trại đưa vào bệnh viện để truyền nước biển và các thuốc khác để tôi phục hồi để ra tòa. Và khi ra tòa hai lần, tôi thấy những tiếng nói của mình không được lắng nghe một cách khách quan, do đó để có thể sớm nhất ra tù trong điều kiện như vậy thì là những lời nhận tội vào những phút cuối cùng.
BBC: Những công an hay cán bộ chấp pháp đã tiếp xúc với ông thuộc cấp nào?
Người cấp cao nhất đã gặp tôi trong quá trình thẩm vấn là ông Nguyễn Văn Hưởng.
BBC: Trong cuộc tiếp xúc đó Thượng tướng Hưởng đã nói gì với ông?
Đó là trong quá trình điều tra, thì tôi cũng thẳng thắn nói với ông Hưởng là tôi không có tội.
BBC: Mục tiêu sắp tới của ông là gì?
Tôi vừa chính thức thay mặt ba anh trên phát động phong trào mang tên Con đường Việt Nam, chúng tôi rất mong để làm sao có một sự phát triển tốt cho đất nước không có sự hận thù, cực đoan, đạp đổ, phân biệt quá khứ, phân biệt chính kiến, làm sao trong yêu thương và làm sao cho đất nước chúng ta phát triển tốt nhất và đoàn kết với nhau. Rất mong các bạn ủng hộ chương trình này làm sao cho Việt Nam phát triển và đóng góp vào hòa bình thế giới. Mục tiêu sắp tới của tôi là làm sao hình thành được phong trào cùng với các anh em và làm sao để phong trào này lớn mạnh để đem lại con đường đi tới dân chủ và thịnh vượng cho đất nước Việt Nam.
BBC: Hiện đang trong thời gian quản chế, ông làm thế nào để thực hiện điều này?
Hiện nay quản chế [với tôi] giới hạn trong một khu vực địa lý. Nhưng chúng ta có thể nói là sức mạnh thời đại này là sức mạnh trí thức và sức mạnh thế giới phẳng. Việc này có thể thực hiện được nếu chúng ta có ý chí, có tình yêu thương mãnh liệt và có quyết tâm.