Sách “Thế hệ F” về biểu tình yêu nước tại Việt Nam - Dân Làm Báo

Sách “Thế hệ F” về biểu tình yêu nước tại Việt Nam

HÀ NỘI (NV) - Một tuyển tập lưu trữ lại những bài viết trên mạng của giới blogger Việt Nam được xuất bản theo dạng eBook trên mạng, mang tên “Thế hệ F: 2007-2011”.

Chữ “F” trong tựa sách không được giải thích, nhưng được giới blogger Việt Nam hiểu là thế hệ những người lên tiếng trên mạng. Chữ “F” có thể hiểu là viết tắt của Facebook, nhưng được hiểu với nghĩa rộng hơn là không riêng một trang mạng xã hội nào.

Sách bao gồm những bài viết đăng trên mạng, của nhiều tác giả với nhiều cách nhìn khác nhau, được giới thiệu là “ghi lại tâm tư, cảm xúc của blogger Việt Nam trong những cuộc 'lên mạng' và 'xuống đường' kèo dài suốt từ năm 2007 đến năm 2011, theo cùng những biến cố căng thẳng của đất nước trong quan hệ với bá quyền phương Bắc.”

Sách do nhà xuất bản Liên Mạng thực hiện. Trong số những tác giả có bài đăng trong “Thế hệ F,” có cả một người đang bị an ninh Việt Nam giam giữ và truy tố tội “tuyên truyền chống nhà nước,” là blogger Anhbasg, tức Luật gia Phan Thanh Hải.

Giới blogger xuất hiện trong tuyển tập không chỉ có những người chỉ có mặt trên mạng, mà còn có những nhân vật nổi tiếng trong nhiều lãnh vực khác nhau, như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà giáo Vũ Thị Phương Anh, nhà khảo cổ “Hậu Khảo Cổ Nguyễn,” nhà thơ Lynh Bacardi, và khá nhiều nhà báo: Huy Ðức, Nguyễn Thông, Ðoan Trang, Trịnh Hữu Long, Trung Bảo...

Tuyển tập này cũng có những bài viết với ý kiến ngược lại với ý đa số. Nhà xuất bản cho rằng “những bài viết đó cũng phản ánh một góc nhìn mà người đọc cần ghi nhận và có thể đưa ra thảo luận,” nên được đưa vào sách “với sự tôn trọng tinh thần đa nguyên”.

Mở đầu với bài thơ “Những huyết cầu tổ quốc” của thi sĩ quá cố Ðinh Vũ Hoàng Nguyên, cuốn “Thế hệ F” có 5 phần. Phần đầu “Ðêm trước” gồm những những bài viết về tâm tư của người trẻ dẫn tới việc người ta đi biểu tình.

Phần thứ nhì “Xuống Ðường” ghi lại tường thuật của người tham gia biểu tình năm 2007 cũng như năm 2011. Cũng trong phần này có tường thuật những gì lãnh tụ chính quyền hứa hẹn với thanh niên biểu tình, trong bài của blogger Thiên Sầu năm 2007 và nhà thơ Ðỗ Trung Quân năm 2011.

Phần sau “Chia Lửa” gồm những bài viết của người bên ngoài Việt Nam. Trong số này có bài ở Pháp, Nhật, Na Uy, Hungary, Mỹ, và một bài của André Menras tức Hồ Cương Quyết, một người Pháp sống tại Việt Nam.

Phần kế tiếp, “Vô Cảm,” mở đầu với bài viết của Thông Tấn Xã Việt Nam “về việc một số người tụ tập gần đại sứ quán Trung Quốc”. Phần này giới thiệu những bài viết ghi cảm tưởng và phản ứng với cuộc xuống đường biểu tình của thanh niên.

Phần chót, “Yêu nước,” về tình yêu nước với biển đảo cũng như những ý kiến, bài phân tích, về sự yêu nước trong hành động biểu tình.

Cuốn sách tự hào là đã “ghi lại một chặng đường lịch sử của Việt Nam”. Chặng đường này tuy chỉ kéo dài 4 năm, nhưng là 4 năm thật độc đáo với hai đợt biểu tình lớn chống Trung Quốc thể hiện lòng yêu nước của người dân, và những phản ứng độc nhất vô nhị của nhà cầm quyền.

Ðộc giả có thể tải cuốn sách này về trên trang mạng Người Việt Online tại đây, hoặc trên trang Google Docs tại đây.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo