Thay đổi thái độ, gạt bỏ lòng tham để khôi phục niềm tin - Dân Làm Báo

Thay đổi thái độ, gạt bỏ lòng tham để khôi phục niềm tin

Hồ Bất KhuấtCách đây mấy tháng, một người bạn tôi là Tổng biên tập một tờ tạp chí bảo tôi: “Ông viết cho tôi một bài về Nghị quyết IV!”. Tôi từ chối vì nghĩ rằng, đây là việc lớn, có hàng triệu người quan tâm và hàng trăm người viết rồi. Nhưng nay lại đã có Nghị quyết V, trong khi việc chuẩn huấn Đảng theo lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa thấy thực hiện được là bao. Nghĩ thế, tôi viết bài này xin góp một tiếng nói. 

Sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian để hiểu nhân dân hơn 

Văn học dân gian là một loại hình văn học mà ở đó ý chí, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân được bày tỏ rõ ràng và đầy đủ nhất. Sinh thời cụ Vũ Ngọc Phan đã làm được một công việc hết sức có ý nghĩa là sưu tầm, nghiên cứu và chỉ rõ những giá trị to lớn của văn học dân gian. 

Không chỉ ở Việt Nam , mà các dân tộc trên thế giới đều coi trọng văn học dân gian, nghiên cứu kỹ càng để hiểu được nhân dân nghĩ gì về thời họ đang sống. Tôi có cái may mắn được các giáo sư người Nga hướng dẫn tỷ mỷ điều này. Hơn thế nữa, tôi được tham gia sưu tầm, nghiên cứu và tự hiểu được nhiều điều qua văn học dân gian Nga hiện đại. 

Tôi xin được đưa ra vài ví dụ. 

+ Trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, một đơn vị Hồng quân bị quân Đức bao vây. Người chỉ huy Hồng quân muốn phá vòng vây. Ông hô xung phong nhiều lần nhưng không người lính nào hưởng ứng vì hỏa lực quân Đức quá mạnh. Suy nghĩ một lúc, ông hô to: “Xung phong không mất tiền!”. Thế là tất cả những người lính của ông vùng dậy, lao lên. Quân Đức trở tay không kịp… 

Câu chuyện này phản ánh tâm lý thích tất cả những gì không mất tiền của người dân Liên Xô ở giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội: y tế, giáo dục không mất tiền; bánh mì, đường trắng ở các nhà ăn không mất tiền… 

Được nghe những câu chuyện như thế này rất thú vị. Nhưng tôi phát hoảng khi nghe loại chuyện đả phá lãnh đạo. 

+ Hai người đàn ông Nga gặp nhau: 
   - Này, cậu có biết là Sidorov bị bắt hôm qua rồi không? 
   - Thế à, vì sao bị bắt? 
   - Vì anh ta bảo bộ trưởng ngu. 
   - Thế là anh ta bị bắt vì tôi lăng mạ người khác?! 
   - Không, anh ta bị bắt vì tội làm lộ… bí mật quốc gia. 

+ Tổng bí thư ĐCS Liên Xô ra thành phố Ngôi Sao gặp các nhà du hành vũ trụ và nói: 
   - Người Mỹ đã lên mặt trăng rồi, các anh phải lên mặt trời! 
   - Kính thưa Tổng bí thư! Mặt trời nóng lắm… 
   - Anh tưởng tôi không biết đấy à?! Tôi đâu có ngu để bắt các anh lên đó vào ban
     ngày! Các anh lên đó vào ban đêm! 

Đây là những câu chuyện vui xuất hiện vào cuối những năm bảy mươi của thế kỷ XX, khi Liên Xô lâm vào tình trạng trì trệ, lãnh đạo tại vị quá lâu, bảo thủ, lạc hậu, không nắm bắt được tình hình, không đáp ứng được đòi hỏi thực tế. 

Còn năm 2008, ông Putin sau 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống, đã rút lui. Ông Medvedev làm Tổng thống và bổ nhiệm ông Putin làm Thủ tướng. Lúc đó đã xuất hiện câu chuyện như sau: 

+ Một buổi sáng năm 2023, Putin và Medvedev ngủ dậy. Putin hỏi: 
   - Hôm nay ai là Tổng thống, ai là Thủ tướng ấy nhỉ? 
   - Tôi nhớ không chính xác lắm,- Medvedev trả lời,- hình như tôi là Thủ tướng. 
   - Vậy ông chạy đi mua bia đi! 

Câu chuyện này cho thấy đại bộ phân nhân dân Nga chấp nhận và mong muốn ông Putin và ông Medvedev thay nhau (và liên kết với nhau) lãnh đạo nước Nga. 

Ở Việt Nam văn học dân gian cũng phát triển rất mạnh mẽ và thể hiện khá chính xác tâm trạng của nhân dân. Trong chiến tranh, những câu nói nôm na đã trở thành thành ngữ, thành khẩu hiệu: Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người! Xe chưa qua, nhà không tiếc!... Thể hiện quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất nước nhà của nhân dân ta. 

Hiện nay thì khác. Nạn học giả, bằng thật, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng… đã làm nhân dân mệt mỏi, mất lòng tin. Trong hoàn cảnh như vậy có rất nhiều chuyện tiếu lâm ra đời. Tôi xin đưa ra vài, ba chuyện để chứng minh. 

Nạn học giả, bằng thật bị chế giễu: 

+ Một Phó Giáo sư trẻ đến gặp một Giáo sư già nhờ thẩm định, nhận xét một luận án tiến sỹ. Anh ta tái mặt khi thấy vị Giáo sư đáng kính viết: “Tôi thấy bản luận án này không có chút giá trị khoa học nào”. Ậm ừ một lúc rồi anh ta cũng nói: 

- Kính thưa Giáo sư! Đây là luận án của một nhân vật sắp tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Vì vậy mong Giáo sư nhận xét thế nào để có thể bảo vệ thành công! 

- Buộc phải thế à?- Vị Giáo sư hỏi lại. 

- Bắt buộc phải như thế ạ! 

Vị Giáo sư đáng kính nhăn mặt và đặt bút viết tiếp: “…nhưng nó không thua kém bất kỳ bản luận án nào loại như thế này được bảo vệ trước nó”. 

Niềm tin mù quáng bị mang ra cười cợt: 

+ Một phóng viên về công tác ở một thành phố miền trung – nơi có tinh thần cách mạng kiên cường nhất – và rất ngạc nhiên khi thấy người dân nơi đây không dùng ô hay áo mưa đi ngoài phố dưới trời mưa tầm tã. Anh chặn một người đàn ông luống tuổi và lẽ phép hỏi: 

- Thưa cụ, tại sao mọi người không dùng ô hay áo mưa ạ? Lạ lùng thật đấy! 

- Có anh lạ thì có! Mọi người không dùng ô hay áo mưa vì đài Đảng báo: Hôm nay ngày nắng, đêm không mưa. 

- Nhưng thực tế là đang mưa mà… 

- Anh không tin vào đài Đảng à?! Đài Đảng đã nói “ngày nắng, đêm không mưa” thì phải tin là như vậy chứ! 

Thói nói dối bị bóc mẽ: 

+ Tôi có anh bạn to cao, đẹp trai, ăn nói rất có duyên và có nhà to với đầy đủ tiện nghi, nhưng mãi chưa lấy được vợ. Tôi chất vấn: 

- Cậu cũng có tuổi rồi đấy, bằng tuổi cậu người ta đã có con vào đại học, sao cậu vẫn độc thân? 

- Thì chưa có người yêu, chưa cô gái nào đồng ý làm vợ mình, làm sao mà cưới? 

- Vậy cậu không biết tán gái à? Thích cô nào thì cứ khen người ta, rồi tỏ tình, rồi hứa hẹn là xong ngay thôi mà! 

- Mình cũng đã làm thế, nói còn hay hơn cậu, nhưng tất cả các cô gái đều nói: “Anh nói như Đảng nói ấy, ai mà tin được?!”. 

Những câu chuyện trên đây chứng tỏ niềm tin của nhân dân và Đảng đã bị giảm sút. Điều này nhiều vị lãnh đạo đã nhận định và chỉ ra rồi. Có điều những vị đó nói bằng ngôn ngữ chính luận, còn dân thì nói bằng những chuyện vui, ngắn gọn nhưng sâu sắc. 

Đảng lãnh đạo toàn diện và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng những gì chưa làm được thì cũng phải thẳng thắn thừa nhận để khắc phục. Hiện tượng thành tích thì nhận, khuyết điểm thì chối đã đi vào ca dao: Mất mùa là bởi thiên tai/Được mùa do có thiên tài Đảng ta

Có một câu ca dao ra đời lâu lắm rồi, ít nhất là trước Cách mạnh tháng Tám 1945, nhưng nay được nhiều bà mẹ ngâm nga ru con: Con ơi nhớ lấy câu này/Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan. Không phải ngẫu nhiên nhiều người lại nhớ tới câu ca dao này. 

Nhìn vào thực tế, thay đổi cách nói, cách nhìn nhận, trả lại những gì mình không xứng đáng hưởng 

Từ trước đến nay, nhiều người nói: Dân biết ơn Đảng. Thời cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”, dân biết ơn Đảng là đúng. Nay dân đang bị mất đất, khó biết ơn Đảng lắm. Hơn nữa, qua mấy cuộc chiến tranh tàn khốc, nhân dân đã hy sinh hàng triệu con em mình để có một đất nước thống nhất và phát triển như hiện nay. Nhưng những thành quả cách mạng, thành quả của chiến thắng, Đảng hưởng là chính chứ dân được hưởng mấy. Vì vậy bây giờ phải nói: Đảng biết ơn dân mới đúng. Nếu Đảng thừa nhận điều này thì dân cũng được an ủi phần nào. 

Tuy nhiên, để khôi phục lòng tin, không chỉ đơn giản có thế. Trong tình hình hiện nay, muốn khôi phục lòng tin của nhân dân, Đảng phải làm những việc mạnh mẽ và cụ thể, và có thể hơi “đau đớn”. 

Trước hết, một số lãnh đạo cao cấp từ trung ương đến địa phương phải từ bỏ đặc quyền đặc lợi của mình. Tôi xin gợi ý cụ thể thế này: 

Trước đây Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều biệt thự công vụ. Nay phần lớn số biệt thự đó đã trở thành nhà tư nhân, thuộc quyền sở hữu của cựu hoặc cán bộ lãnh đạo cao cấp. Theo tôi, nếu các vị này tự nguyện trả lại (còn các vị ấy nhận nhà khác ở xa hơn, nhỏ hơn, vừa để ở thôi) để tiếp tục làm nhà công vụ thì rất hay. Bởi vì, Bộ xây dựng cho hay, hiện nay Hà Nội cần phải xây mới hàng trăm biệt thự công vụ. Xây mới cũng được thôi nhưng làm gì có đất ở gần Quảng trường Ba Đình nữa?! Mà nhà công vụ thì cần phải gần Hội trường Ba Đình đang được xây dựng lại. 

Tôi gợi ý điều này bởi vì tôi có quen một người – anh quê ở xứ Nghệ, vào TP Hồ Chí Minh công tác, làm đến chức Ủy viên thường vụ Thành ủy, nay đã về hưu. Điều anh có vẻ băn khoăn là mình không làm gì được nhiều nhưng nay được sở hữu ngôi biệt thự tới cả ngàn cây vàng. Anh không đủ mạnh mẽ để tự mình trả lại ngôi biệt thự đó, nhưng bây giờ nếu Đảng chủ trương như vậy, biến thành phong trào, chắc chắn anh vui lòng trả. 

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, cán bộ từ cấp thứ trưởng trở lên ở Hà Nội được mua đất giá ưu đãi ở Hồ Tây, Mỹ Đình và một số nơi khác. Tôi có mấy người bạn hàm thứ trưởng được hưởng điều này nên tôi biết rõ. Tôi cho rằng điều này là không hợp pháp vì sau khi bước vào thời kỳ đổi mới, theo đuổi nền kinh tế thị trường, Nhà nước Việt Nam không có chủ trương bao cấp nhà ở, đất ở nữa. Vì vậy những ai được mua đất giá ưu đãi nên tự nguyện nộp lại phần chênh lệch. 

Việc cán bộ được mua đất giá ưu đãi không chỉ có ở cấp trung ương mà các cấp địa phương cũng có. Vì thế, nếu thực hiện được điều này, ngân sách sẽ có thêm một khoản tiền không nhỏ. 

Chắc nhiều người sẽ nói rằng: Lấy tiền đâu ra mà nộp? Có phải quan chức nào cũng có sẵn tiền mặt đâu! 

Đúng là như vậy, tôi lại có một gợi ý tiếp theo, mà nếu thực hiện được, sẽ có tiền. 

Ta đang chắt chiu từng đồng ngoại tệ, sao lại mang hàng tỷ USD gửi ngân hàng nước ngoài? 

Thời gian gần đây, một số nguồn tin nước ngoài công bố một danh sách những người Việt Nam có tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài với số tiền khá lớn. Là người có kinh nghiệm nên tôi không vội tin ngay (có nhiều con số khó tin lắm!) mà tham khảo ý kiến của một người kỳ cựu trong ngành ngân hàng. Bà ta nói: “Chúng tôi có biết chuyện này và chúng tôi có danh sách riêng. Số tiền thì ít hơn, nhưng số người thì nhiều hơn”. 

Như vậy thì chẳng có gì để nghi ngờ là một số lượng ngoại tệ đáng kể của chúng ta đã bị chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài. Nhân dịp thực hiện Nghị quyết IV, Đảng nên động viên những ai đã chuyển ra nước ngoài, hãy chuyển trở về. Nếu họ không tự nguyện làm, Quốc hội, Trung ương Đảng nên vào cuộc. 

Từ xưa đến thời gian gần đây, ngân hàng nước ngoài, nhất là các ngân hàng ở Thụy Sỹ giữ bí mật tuyệt đối cho khách hàng. Nhưng từ sau những biến động trong “mùa xuân Ả rập”, nhất là sau khi Gaddafi ở Libya bị lật đổ, một số ngân hàng đã đồng ý tiết lộ và hợp tác giải quyết. Nếu cơ quan có uy tín, có quyền lực của Nhà nước Việt Nam đặt vấn đề, có thể họ sẽ hợp tác. Nhưng trước hết nên dựa vào tinh thần tự nguyện, trách nhiệm đảng viên của những người có tài khoản ở nước ngoài. Nếu họ tự nguyện chuyển tiền về là tốt nhất. 

Xin được lưu ý một điều! 

Trên đây là những gợi ý có tính đề nghị của tôi. Còn một việc nữa tôi chỉ lưu ý vì vấn đề này mới, chưa biết nó tác động tiêu cực hay tích cực đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội nước ta. 

Đó là việc hiện nay có khá nhiều con cái của các quan chức cao cấp được đề bạt nắm giữ những chức vụ quan trọng. Trước hiện tượng này, người dân bàn tán sôi nổi và tỏ vẻ lo sợ là cái cảnh Con vua nối nghiệp làm vua/Con sãi ở cháu lại quét lá đa sẽ tái diễn. Hơn nữa, điều này không giống với thế hệ lãnh đạo lớp trước. Những người con của các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Duy Hưng, Văn Tiến Dũng, Chú Huy Mân, Lê Trọng Tấn… được đào tạo rất bài bản (100 người được xem là “hạt giống đỏ” được chính Bác Hồ chủ trương gửi đi học ở Liên Xô từ năm 1954) nhưng họ hầu như không tham gia chính trường, không có cấp, hàm cao trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Điều này chứng tỏ thế hệ lãnh đạo lớp trước rất có ý thức giữ gìn hình ảnh của mình nên họ được kính trọng, được dân tin. 

Tôi chưa dám kết luận là việc con cái các vị lãnh đạo cao cấp được bố trí nắm giữ những chức vụ quan trọng làm ảnh hưởng xấu đến niềm tin của dân vào Đảng. Tôi chỉ nói rằng hiện tượng này đang đặt ra những nghi vấn, những bàn tán xôn xao trong dân. Vì vậy tốt hơn hết Đảng cần nói rõ về điều này, phân tích và giải thích cái lợi, cái hại của nó. Người làm việc này thích hợp nhất có lẽ là ông Tô Huy Rứa vì ông giữa chức Trưởng Ban Tổ chức trung ương, đồng thời có cô con gái mới 24 tuổi đã giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị một doanh nghiệp xây dựng. Đây chưa hẳn là việc không tốt, nhưng nó cần được giải thích rõ ràng, minh bạch để dân hiểu. 

Trên đây là những ý kiến của tôi đóng góp vào việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị trung ương IV của Đảng: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Có thể sẽ có người cho rằng, những đề nghị và gợi ý của tôi gay gắt, thẳng thắn và quyết liệt quá. Đúng vậy, nhưng để giải quyết những vấn đề cấp bách thì phải có những biện pháp quyết liệt. Nếu không làm quyết liệt như vậy, mọi việc sẽ không có gì chuyển biến.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo