Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét - Dân Làm Báo

Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét

Yêu ai cứ bảo là yêu 
Ghét ai cứ bảo là ghét 
Dù ai ngon ngọt nuông chiều 
Cũng không nói yêu thành ghét

Trần Việt Trình (Danlambao)Đó là bốn câu thơ khẳng khái mà đọc lên ai cũng biết là của nhà thơ Phùng Quán cũng như khi nói đến Phùng Quán ai cũng nghĩ ngay tới bốn câu thơ này.

Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932 tại xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1945, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông tham gia Vệ quốc quân, sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, rồi đoàn Văn công Liên khu IV. Đầu năm 1954, ông làm cho Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị của quân đội miền Bắc. Ông là cháu gọi Tố Hữu bằng cậu.

Nhà thơ Phùng Quán là một tài năng độc đáo trên văn đàn của Việt Nam từ giữa thế kỷ XX đến nay. Tác phẩm đầu tay “Vượt côn đảo” của ông đã đánh dấu thành công bước đầu của một cây bút có tài, nhiều triển vọng nhưng ông được biết đến nhiều hơn sau thời gianĐổi mới. Tuy nhiên, số phận trớ trêu đã sớm đưa ông vào thử thách, ông nổi tiếng sớm và cũng gặp trắc trở rất sớm.

Trước khi tác phẩm biên khảo Trăm hoa đua nở trên đất Bắc ra đời, tên tuổi của Phùng Quán chỉ được biết tới ở miền Bắc. Khi miền Nam biết tới ông, chính là lúc ông đang sống không ra sống, chết không ra chết. Năm phong trào Nhân Văn lên cao điểm là lúc ông chỉ mới 24 tuổi.

Ngày ấy, Phùng Quán tham gia Nhân Văn Giai Phẩm bằng hai bài thơ “Lời Mẹ Dặn”“Chống tham ô lãng phí”. Khi phong trào này bị nhà cầm quyền Hà Nội dẹp tan, Phùng Quán bị kỷ luật, bị rút mất tư cách hội viên Hội Nhà văn và phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi, từ Thái Nguyên, Việt Trì, Thanh Hóa, tới Thái Bình.

Bài thơ Chống tham ô lãng phí trong Giai phẩm mùa Thu tập II (tháng 9 năm 1956) của Phùng Quán bị cho là “nói xấu chế độ”. Ông tự bạch: “22 tuổi tôi phải dấn thân vào một cuộc chiến đấu còn nguy hiểm hơn, là chống tệ quan liêu, ăn cắp, lãng phí của công và thói dối trá đạo đức giả, những hiểm họa đang rình phục tổ quốc và nhân dân tôi”. Sau nhiều lần “được” học tập, “tự” kiểm điểm và bị “đấu tố”, Phùng Quán bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn, bị đưa ra khỏi biên chế Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi ông đã theo Vệ Quốc đoàn từ tuổi thiếu niên, rồi phải đi lao động cải tạo nhiều năm. Đối với người gốc miền Nam, cô thế giữa giữa miền Bắc như Phùng Quán, bị kỷ luật như vậy rất là đáng sợ. Bị coi là “phản động”, ai cũng tìm cách xa lánh, lại bị khai trừ khỏi môi trường quen thuộc, xa bạn bè, dễ làm người trẻ tuổi trở nên hoang mang tuyệt vọng. Nhưng Phùng Quán thì không! Ông vẫn sống, hiên ngang sống và sáng tác hay hơn, quyết liệt hơn. Sau khi các báo Nhân văn, Giai phẩm bị đình bản, nhà nước cho phép Hội Văn nghệ xuất bản tuần báo Văn do Nguyễn Công Hoan làm chủ bút với mục đích chấn chỉnh lại tình hình văn nghệ, Phùng Quán đã tái xuất hiện trên báo Văn số 21, ra ngày tháng 9 năm 1957 với bài thơ Lời Mẹ Dặn gây xôn xao dư luận. Lập tức bài thơ được nhiều người chép lại, học thuộc và truyền tụng như một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn của người cầm bút, của trí thức văn nghệ sĩ miền Bắc. Bài thơ “Lời Mẹ Dặn” có những đoạn như sau:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng “Lời Mẹ Dặn” thủa lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đó.

Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật chọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá.

Hình ảnh dùng dao viết văn lên đá mà Phùng Quán đưa ra thật bi tráng và quyết liệt đến rợn người. Bài thơ mang đậm tính phản kháng, đã nói lên những điều tối kỵ, trực tiếp chạm đến một nhân vật mà đọc lên ai cũng nghĩ đến ngay, đó là chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó còn nhắm vào giáo dục miền Bắc lúc ấy là từ nhỏ tới lớn mọi người được dạy yêu bác Hồ, dầu có yêu hay không.

“Lời Mẹ Dặn” là bài thơ tự sự rất dễ hiểu, dễ nhớ, không có gì mới lạ về cấu trúc, về thơ pháp, nhưng lại chứa đựng một tư tưởng nhân văn lớn lao, thể hiện bản lĩnh bất khuất của tác giả trước bạo quyền. 55 năm qua, “Lời Mẹ Dặn” đã trở thành tài sản tâm hồn của bao thế hệ thanh niên VN ở cả hai miền Nam Bắc. Bài thơ không còn là thơ như chúng ta hằng mong đợi ở thơ. Đó là một bản tuyên ngôn cho nhân phẩm dưới dạng thi ca. Bản tuyên ngôn thật giản dị. Phùng Quán không đòi hỏi gì hơn là quét sạch những rác rưởi trong xã hội và yêu cầu các nhà văn phải trung thành với chính mình. Ông bị khủng bố chỉ vì dám nói thẳng nói thật.

Cuộc đời ông là một chuỗi dài đau đớn từ thể xác đến tâm hồn. Ông bị liệt vào thành phần phản động, không thể dung tha. Thơ văn của ông bị tẩy chay, không được in ấn. Ông bị trù dập, bị đàn áp và bị xua đuổi khỏi cuộc sống. Vậy mà ông vẫn kiên cường, ưỡn ngực trước mọi thế lực. Với bài thơ “Lời Mẹ Dặn”, ông trở thành một biểu tượng, và đã trở thành bất tử.

Mãi cho tới thời gian “đổi mới”, trước đó không một tác phẩm nào của Phùng Quán được xuất bản. Mười năm sau ngày mang án Nhân văn, ông âm thầm thai nghén một tác phẩm dữ dội khác: “Tuổi thơ dữ dội”. Đến năm 1988, cuốn tiểu thuyết này của ông mới được xuất bản và nhận giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó.

Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng như: Hoa sen, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, ... Bài thơ mang tên “Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ giòng” là một tuyệt tác khác của ông. Khái niệm ngay thẳng được ông áp dụng trên từng trang giấy, có giòng kẻ. Ông thuyết phục được người đọc về điều mà ông cho là chân lý đối với một nhà văn, nhất là nhà văn trong thời đại giả nhân giả nghĩa, chỉ sống còn khi biết tâng bốc và cúi đầu.

Phùng Quán không nổi tiếng từ các tác phẩm văn xuôi mà những bài thơ rực lửa ông sáng tác mới thật sự đưa ông lên đỉnh vinh quang của sự nghiệp cầm bút cúa ông. Thơ ông khắc khoải một niềm đau của người trí thức trước những nhố nhăng của chế độ, từ tham nhũng tiền bạc đến tham nhũng quyền lực, từ ăn cắp, đến giết người nhằm củng cố quyền uy. Phùng Quán lên tiếng mạnh mẽ bằng những lời thơ bất khuất và bất chấp.

Thơ Phùng Quán không làm dáng, ông viết thẳng, viết thực, và xoáy vào những vấn đề nóng bỏng gai góc của xã hội. Sự kiện Nhân Văn Giai Phẩm làm ông nổi tiếng và cũng làm ông sức tàn lực kiệt. Có điều là, sức càng yếu thơ của ông càng mạnh. 

Dường như thơ là liều thuốc duy nhất giúp ông đứng vững, giúp ông chống chọi với sự khủng hoảng niềm tin. 

Có những lúc ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy

Thật vậy, nhà thơ Phùng Quán đã vịn thơ mà đứng dậy. Thơ giúp ông đứng vững để tiếp tục làm một nhà thơ chân thật, chân thật trọn đời. Vì đã chọn làm một nhà thơ chân thật nên trong suốt 30 năm ông đã phải sống trong đói nghèo, trong túng quẫn, trong đơn độc và trong hất hủi.

Phùng Quán vốn là người nhiệt thành yêu nước. Khi còn niên thiếu ông đã xung phong làm liên lạc viên cho các mặt trận, rồi trở thành một người lính, quyết tâm bảo vệ tổ quốc chống ngoại xâm. Ông lao mình vào súng đạn của quân thù ước mong rằng cuộc chiến đấu mà ông góp phần sẽ mang lại tự do, cơm no áo ấm cho đồng bào ông. Nào ngờ khi bóng quân thù biến mất thì ông ngỡ ngàng nhận ra mình lại đối đầu với một chế độ cai trị còn hà khắc hơn cả quân xâm lược. Do đó trong những tác phẩm văn thơ của ông, người ta bắt gặp lại anh lính tiền phong ngày nào, ngày nay bắn ra những viên đạn là những dòng thơ, những lời văn quyết liệt như nhắm bắn thẳng vào quân thù trước mặt. 

Thật vậy, chỉ với hai bài thơ, Phùng Quán đã hành xử như một người lính xung kích trên văn đàn. Do vậy mà ông đã bị trù dập, lăng nhục, tước đoạt quyền sống trong mấy chục năm dài. Ông thổ lộ:

“Tôi đã trả giá cho Thơ bằng 30 năm tốt đẹp của đời mình.Từ năm 24 tuổi cho tới năm 56 tuổi, cơ chế quan liêu đã đánh trả tôi đến chí mạng. Tước đoạt của tôi quyền lao động thiêng liêng: sáng tác, xuất bản, quyền được sinh sống cho ra một con người. Và dìm ngập tôi trong bùn nhơ, lăng nhục trước công luận. 

Chịu chừng ấy đầy ải, lim thép sắt cũng gẫy gục. Nhưng Thơ đã cứu tôi, giúp tôi đứng vững, dậy tôi dũng khí bền gan. 

... Hai mươi mốt tuổi, tôi, người lính chiến bước thẳng vào làng văn với cuốn tiểu thuyết đầu tay kể chuyện những người vượt ngục thất bại. Ngay sau đó tôi được coi là nhà văn. Nhưng với tôi Thơ mới là tất cả. Thơ là mạng sống, lý lịch của đời tôi ...”

Nàng Thơ của ông chính là cuộc đời. Cuộc đời của ông là một bài thơ hùng tráng, lẫm liệt, quật cường. Cho dù cuộc đời đối với ông có tệ bạc, phũ phàng thế nào chăng nữa, ông vẫn chiến đấu, vẫn làm thơ cho cuộc đời tươi tốt hơn. Rồi ông buồn bã tiếp:

“Cạn thơ giữa cuộc đời, tôi quyết định rời bỏ thành phố, gia đình, bạn hữu, giữa cái tuổi năm mươi, lên rừng đào tìm mạch thơ giữa thiên nhiên. 

Tôi đã sống suốt ba năm trong cái lán lợp tranh nứa, giữa một bãi đất phù sa cổ hoang vu, vùng đồi núi Thái Nguyên, mọc lút đầu cỏ dại và cây trinh nữ xanh. Xung quanh bãi đất hoang, con suối lớn Linh Nham vây bọc. Bàn ghế là rễ cây chết tôi lặn lên từ lòng suối. Giường nằm là cây cơi cổ thụ bị bão xô bật gốc, con suối Linh Nham mang từ rừng đại ngàn về, dâng lũ lên đến tận thềm lán, trao tặng tôi. Tôi vạt bằng mặt trên thân cây bằng rìu, rồi đục lõm sâu xuống, phảng phất hình cái áo quan; mùa đông nằm vào đó tránh được cái giá rét và sơn lam chướng khí. Tôi sống cùng một con chó, một con heo, một bầy gà; ăn bắp, sắn, rau lang, ốc suối, tôm cá tự đánh bắt lấy.”

Suốt ba mươi hai năm bị đoạ đày dai dẳng, Phùng Quán không bao giờ vì những áp lực mà uốn cong cái lưng thẳng của ông, uốn cong ngòi bút cũng như uốn cong lời nói của ông. Ông không thể đầu hàng, ông không thể thỏa hiệp bởi một lý do giản dị: ông là tác giả những dòng thơ khẳng khái, không bóng bẩy, nhưng quyết liệt. 

Bản chất của Phùng Quán là một người lính quật cường. Ông vùng vẫy trong nghịch cảnh, ông không đầu hàng cho dù nhóm Nhân Văn đã bị đánh tan tành. Những tên tuổi như Trần Dần, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Văn Cao, Trần Lê Văn, Sĩ Ngọc, ... tan tác trong một sớm một chiều, biến thành những con người tiều tụy, trở thành những mảnh đời vất vưởng không nơi ăn chốn ở. Đó là những người đã nổi, còn biết bao người đã ngã quỵ trong tăm tối!?

Phùng Quán vốn là người nặng nghĩa với quê hương. Năm 1984, gần 10 năm sau ngày đất nước giao thông, cũng là sau gần 30 năm thăng trầm, lận đận, ông trở về thăm lại làng Thanh Thủy Thượng. Bà con, bạn bè, dân làng tụ tập lại thật đông thăm ông. Buổi gặp mặt được tổ chức khá long trọng. Khi Phùng Quán bước ra, tất cả bỗng im lặng, trùng xuống, ông bàng hoàng, đứng ngây ra như trời trồng, hai tay run rẩy, bưng lấy mặt, rồi òa khóc. Ông nhận ra rằng, đất mẹ yêu thương sau bao nhiêu năm xa cách, vẫn dang rộng cánh tay đón ông trở về. Ông liền quỳ sụp xuống, chắp hai tay vừa vái lạy tạ đất làng, vừa nghẹn ngào, nấc lên: 

Con xin lạy quê hương!

Rồi đứng lên đọc những câu thơ ứng tác thần kỳ. Bài thơ “Tạ” ra đời. 

Sau cuộc trường chinh ba mươi năm
Quì rạp xuống đất làng
Con tạ
Con tạ đất làng quê
Thấm đẫm bao máu anh hùng đã khuất
Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt
Không lá cây nào không mặn chát gian lao…

Tiếng nấc của ông hòa cùng nhiều tiếng nấc khác. Ông nói: “Cái chính là mình vẫn giữ được bản chất người lính, không làm điều gì phải hổ thẹn với quê hương nơi sinh ra một nhà thơ như mình”. Ông tâm tình:

Ba mươi năm tôi bị dìm trong bùn-nhơ-lăng-nhục
Nhưng cuối cùng
Quê hương đã nhận ra
Trái–tim–thơ–trong-sạch 
Và gương-mặt-Thơ-bi-thiết của tôi…

Những năm Phùng Quán ở tuổi 27-28, khi cái bẫy đời ập xuống đầu ông, ông đã phải câu cá trộm, uống rượu chịu và viết văn chui để sống. Vì không được dùng tên mình, trong suốt ba mươi hai năm trời mầy mò trong tăm tối để mưu sinh, ông đã phải viết chui dưới hàng chục bút hiệu khác nhau, hơn năm chục quyển sách dầy mỏng. Ông được các bạn văn cùng thời ưa ái đặt cho là “Cá trộm - Rượu chịu - Văn chui”.

Mỗi bài thơ đều có số phận của nó. “Lời Mẹ Dặn” là một tuyệt tác thơ của dân tộc, dù bị vùi dập, nó vẫn sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng người yêu thơ. “Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai cầm dao doạ giết… Cũng không nói ghét thành yêu” 

Nhà thơ Phùng Quán đã đoan chắc như vậy khi nhìn lại quãng đời 30 năm ông đã sống trong bóng tối của bạc đãi, đe dọa, sống trong cảnh lưu đày ngay giữa lòng Hà Nội, nơi đó từ thuở thiếu thời ông đã từng đổ máu để giữ gìn. Những lúc ngã lòng là những lúc nhà thơ Phùng Quán phải chọn một trong hai thái độ làm người: tiếp tục chịu đựng khó khăn, đói khát, tiếp tục đi câu cá trộm, viết văn chui hay cúi đầu khuất phục như Chế Lan Viên, như Xuân Diệu, ... tô son điểm phấn cho một chế độ đã phản bội xương máu của đồng bào, phản bội ước mơ của dân tộc.

Cho tới nay, những ngôi sao Nhân Văn vẫn còn là những chứng nhân cho một giai đoạn khốc liệt của lịch sử Việt Nam cận đại. Phùng Quán là tay xung kích trẻ tuổi nhất của toàn nhóm Nhân Văn. Ông đã đứng thật thẳng trên đôi chân, cái cổ tuy gầy gò khẳng khiu nhưng không bao giờ chịu gục xuống.

Cho đến năm 1995 nhà cầm quyền CSVN muốn xoa dịu những người trong Nhân Văn Giai Phẩm nên họ hứa in cho mỗi người một tập thơ và 5 triệu tiền nhuận bút. Thế nhưng, họ buộc Phùng Quán phải bỏ bài thơ “Lời Mẹ Dặn”, Phùng Quán nhất định không chịu. Sau khi ông chết họ mới chịu in cho ông tập thơ này. Năm 2007, Phùng Quán được nhà nước CSVN truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng cùng với Trần Dần, Hoàng Cầm và Lê Đạt, một giải thưởng cao quý giành cho những tài năng đích thực của đất nước.

Nói về những nhà văn đích thực của miền Bắc, bốn chục năm trước là những Phan Khôi, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Văn Cao, Lê Đạt, ... bây giờ là những Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lưu Quang Vũ, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Trần Văn Thủy, ... Những nhà văn, nhà thơ đích thực trong nước hầu như đã làm được nhiều việc đáng kể, đã mô tả gần đủ xã hội họ đang sống. Để làm được điều này, trong gần nửa thế kỷ qua có nhiều nhà văn trước khi ngã xuống đã bị sỉ nhục, bị đầy ải, bị trấn áp.

Thuở sinh thời, Phùng Quán khao khát được trở về quê hương. Ông mơ ước có một chiếc đò nhỏ để những ngày cuối đời được câu cá uống rượu đọc thơ dọc sông Hương. Ông cũng nhiều lần bày tỏ nguyện vọng được cùng vợ về yên nghỉ trên đất mẹ Thanh Thủy Thượng. Năm 1994, khi xây mộ bố mẹ, ông tự đắp cho mình nấm mộ gió ở bên cạnh và bảo với anh em họ Phùng rằng “Đây là chỗ tôi nằm”. Ước nguyện của ông sau đó đã thành sự thật.

Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà nội. Năm 2010, sau khi vợ ông là nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm mất, thể theo nguyện vọng của ông lúc sinh thời, gia đình và bạn bè đã đưa hài cốt ông bà về án táng tại quê nhà. Bạn hữu và những người Việt yêu mến ngưỡng mộ ông ở các nước đã đóng góp xây cho hai vợ chồng ông một lăng mộ khang trang ở một vị trí rất thơ mộng tại khu nghĩa trang Ngoại Viên Hưng, phía Tây Thủy Dương cách Huế 6 km về phía nam. Trưa ngày tháng 1 năm 2011, di hài nhà thơ Phùng Quán và bà Vũ Thị Bội Trâm đã trở về với đất làng Thanh Thủy Thượng, Hương Thủy, Thừa Thiên, Huế như lời di chúc năm nào của ông. Vũ Thị Bội Trâm, người vợ thuỷ chung của ông, người mà khi yêu Phùng Quán, Đảng khuyên “không nên lấy đứa nhân văn” đã khẳng khái trả lời “Tôi tin anh ấy là người tốt, thời gian sẽ trả lời”. Bà Vũ Thị Bội Trâm đã không lầm. Thời gian đã trả lời rồi đó.

Mộ nhà thơ Phùng Quán và vợ Vũ Thị Bội Trâm - Ảnh: THÁI LỘC

Những đóng góp của Phùng Quán trên lãnh vực văn học với hàng chục tác phẩm văn chương thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước tuy lớn, nhưng không lớn bằng chính cuộc sống của ông. Sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, cuối cùng thì nhà thơ cũng đã nằm xuống yên nghỉ. Tiếc thay cho một nhà thơ đã vì sự sống còn của một xã hội, một dân tộc mà hứng chịu không biết bao nhiêu là oan khiên và cay đắng. Bị lăng nhục, bị chèn ép đến độ không được sống như một con người. Vậy mà ông vẫn không bao giờ oán hận cuộc đời. Ông vẫn thản nhiên sống như một con người.

Sau khi nằm xuống, tên ông được tỉnh Thừa Thiên Huế đặt cho con đường lớn ngay tại Thị xã Hương Thủy, quê hương ông. Như vậy là sao? Chẳng lẻ chính quyền địa phương Thừa Thiên đã dám qua mặt trung ương, tuỳ tiện ưu ái ban tặng phẩm này cho một công dân gốc Huế đã nằm xuống sau khi lội ngược giòng với Đảng và nhà nước mấy chục năm dài? Hay đây là một đòn phép của nhà cầm quyền hòng chứng tỏ sự “đổi mới” và “hoà giải yêu thương”? Thôi thì cứ tạm xem như đó là món quà cuối đời đền ơn ông. Ông xứng đáng được hưởng tặng phẩm đó.

Con đường mang tên Phùng Quán dài 5,850 km, từ Km 83, Quốc lộ 1A đối diện cổng làng Thanh Thủy Thượng, đi qua lăng mộ ông. Đi lên nữa là chiến khu Dương Hòa, nơi ông đi theo Việt Minh từ năm 1946. Ông đã ra đi và trở về trên chính con đường mang tên ông. 

Phùng Quán là nhà văn nhà thơ có số phận đặc biệt. Tên tuổi và cuộc đời của ông luôn gắn liền với những giai thoại pha chút huyền thoại. Bài viết này xin ghi lại đôi điều về nhân vật bất khuất này như một nén nhang tưởng niệm ông. Ông đã chiến đấu như một người lính bảo vệ quê hương tổ quốc. Ông cũng đã sống như một nhà văn nhà thơ, viết những lời như bản tuyên ngôn của những người cầm bút chống lại bạo quyền. Và ông cũng đã chết như một con người. Sống không hề biết cúi đầu, sống đớn đau và bị trù dập liên tục như vậy mà kéo dài được sự sống dưới một chế độ khắc nghiệt của CSVN được hơn 60 năm thì quả là một kỷ lục!

18 tháng 6 năm 2012

Trần Việt Trình



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo