Bộ Tài chính sẽ là trả lương cho công chức “nằm vùng” tại DNNN. Công chức này sẽ chịu trách nhiệm theo dõi, báo cáo mọi hoạt động, quyết định, diễn biến… của ban lãnh đạo DNNN nhằm phát hiện sớm các rủi ro cũng như các quyết định “liều” của những nhân vật như Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng…
Bằng Lĩnh (Phapluattp) - Trước những lo ngại về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với các cú “đắm tàu” của Vinashin, Vinalines… Bộ Tài chính đang dự thảo một đề án “cài người” vào DNNN để giám sát.
Cụ thể, theo thông báo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam sau cuộc họp Chính phủ tháng 6, dự kiến của Bộ Tài chính sẽ là trả lương cho công chức “nằm vùng” tại DNNN. Công chức này sẽ chịu trách nhiệm theo dõi, báo cáo mọi hoạt động, quyết định, diễn biến… của ban lãnh đạo DNNN nhằm phát hiện sớm các rủi ro cũng như các quyết định “liều” của những nhân vật như Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng…
Mới nghe thì có vẻ như đó là quyết sách mang tính đột phá, có thể giúp trấn an dư luận về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Song nếu nhìn lại thì các cơ chế đại diện, giám sát như thế đã triển khai nhiều lần mà chưa khi nào có sự đánh giá toàn diện cả.
Cụ thể, ngay Hội đồng Quản trị (HĐQT) - nay là Hội đồng Thành viên - tại DNNN thì đều là người của Nhà nước cử đến đại diện cho phần vốn của Nhà nước tại DNNN. Trong HĐQT một số DNNN lớn (như dầu khí) còn có thành viên là thứ trưởng đương chức; ngoài ra cơ cấu còn có phân công người giữ vị trí trưởng ban kiểm soát, tức là tất cả những con người này đều có nhiệm vụ theo dõi, bảo toàn và phát triển phần vốn của DNNN.
Hơn thế, ngoài các thiết chế thuộc về nội bộ DNNN, mới đây Bộ Tài chính còn lập ra một DN “đặc thù” chuyên giám sát và quản lý phần vốn tại DNNN theo mô hình DN, là SCIC. Loại DN này vừa cấp vốn theo hình thức đầu tư (thông qua mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn…), vừa cử người đến trực tiếp đại diện cho phần vốn của Nhà nước, có trường hợp còn kiêm luôn vị trí điều hành.
Tuy nhiều cơ chế “đại diện” như vậy, song vừa qua đã xảy ra hàng loạt “sự cố” gây mất vốn nhà nước mà nguyên nhân chính từ phía người “đại diện”. Nhà nước mất tiền, người “đại diện” bị đi tù hoặc truy nã, dân thì bức xúc… hết vụ nọ đến vụ kia nhưng rồi không ai chỉ ra đích danh nguyên nhân chốt của vấn đề. Đó chính là vì các vị “đại diện” đều không phải là người bỏ vốn ra kinh doanh nên vì nhiều lý do, họ đã không làm tốt chức năng đại diện một cách thực chất.
Vậy thì phương án “cài người” mà Bộ Tài chính đang dự kiến sẽ vẫn chỉ là một loại “bình mới, rượu cũ” mà thôi.
Phương án khả dĩ nhất vẫn là đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, đa dạng hóa thành phần các “ông chủ” của DNNN; áp đặt các phương thức công khai, minh bạch như các công ty đại chúng (loại đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán) để các nhà đầu tư nhỏ, dân chúng giám sát.