Chuyện lạ "gia đình trị" ở một xã nghèo.. - Dân Làm Báo

Chuyện lạ "gia đình trị" ở một xã nghèo..

Tính cồng kềnh và thiếu hiệu quả của bộ máy hành chính cấp địa phương từ lâu đã là một đề tài được đem ra mổ xẻ. 500 cán bộ trong một xã có hợp lý? Nhưng với người dân, con số cán bộ có là bao nhiêu đi nữa thì vấn đề là họ đang phải đóng những khoản phí không hề nhỏ để nuôi bộ máy này.

Tính cồng kềnh và thiếu hiệu quả của bộ máy hành chính cấp địa phương từ lâu đã là một đề tài được đem ra mổ xẻ. Trong một bản tin Thời sự gần đây, chúng tôi đã phản ánh câu chuyện gây tranh cãi về số lượng cán bộ ước tính lên tới 500 người, tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương - Thanh Hóa. Con số chính xác là bao nhiêu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải rà soát và báo cáo thủ tướng Chính phủ. Nhưng với người dân, con số cán bộ có là bao nhiêu đi nữa thì vấn đề là họ đang phải đóng những khoản phí không hề nhỏ để nuôi bộ máy này. Rất nhiều trong những khoản phí đó, người dân cho là họ bị thu trái pháp luật. Ẩn đằng sau những bức xúc của người dân về việc phải nộp phí để nuôi cán bộ chính là nỗi thất vọng của họ về sự thiếu hiệu quả của đội ngũ cán bộ này.

Xã Thanh Hương la một xã nghèo vùng biên giới của tỉnh Nghệ An. Tính cả cán bộ chuyên trách lẫn bán chuyên trách, cộng từ trên xã xuống dưới 13 xóm cũng hơn 200 người. Chưa thể đánh giá con số cán bộ này là nhiều hay ít, nhưng nhìn vào sơ đồ này, thì có thể hiểu được vì sao người dân ở xã Thanh Hương dùng cụm từ “gia đình trị” để nói về cung cách cơ cấu cán bộ của xã.

Ông Nguyễn Bá Lý, Bí thư đương nhiệm của xã Thanh Hương, trước đó có 13 năm làm chủ tịch xã. Kể từ khi ông Lý nắm giữ vị trí chủ chốt thì người thân trong gia đình và tộc họ của ông cũng lần lượt được tham gia bộ máy cán bộ xã.
Trụ sở UBND xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá. (Ảnh: dantri)
Danh sách ấy bao gồm:

- Chánh Văn phòng UBND xã là ông Nguyễn Bá Duẩn - con trai ông Lý. Ông Duẩn còn nhận thêm tiền phụ cấp cho chức danh “Nội vụ, tôn giáo, dân tộc thi đua và khen thưởng”.

- Chức danh “Quản lý văn hóa xã”, thuộc về ông Nguyễn Bá Công, anh họ ông Nguyễn Bá Lý.

- Phụ trách Văn thư lưu trữ của xã là ông Nguyễn Bá Tùng - anh trai ông Lý.

- Một người em họ của ông Lý, cũng có tên là Nguyễn Bá Tùng, giữ chức xã đội phó kiêm trung đội trưởng dân quân tự vệ.

- Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Thanh Hương thì do một người em họ khác của ông Lý, ông Nguyễn Bá Toàn đảm nhiệm.

- Cháu ruột ông Nguyễn Bá Lý, anh Nguyễn Bá Sơn vừa là Bí thư chi đoàn xã, và cũng nằm trong Ban chấp hành Đảng bộ xã.

Thậm chí, Trưởng ban Tài chính – Kế toán xã, từ năm 1998 đến năm 2004, do em dâu ông Nguyễn Bá Lý là bà Nguyễn Thị Tuất nắm giữ. Mẹ truyền con nối, sau khi bà Tuất về hưu, thì đến lượt con bà - cô Nguyễn Thị Phượng lên thay.

Ông Nguyễn Bá Lý, nhân vật trung tâm của cây gia phả rất khó tin này, lại có cách giải thích hết sức đơn giản. Ông nói: “Riêng tôi không có gì cá nhân trong đó cả! Vì, anh em có trình độ, có năng lực có trách nhiệm thì người ta làm thôi! Kể cả em tôi đây, có năng lực có trình độ thì dân bầu cũng bình thường!”.

Để đánh giá năng lực và trách nhiệm của chính quyền xã chỉ cần nhìn vào cây cột điện đổ tại xã này. Nó bị đổ từ năm 2008 khiến hơn 200 hộ dân 3 xóm 11, 12, 13 của xã Thanh Hương luôn phải sống trong cảnh thiếu điện. Đến nay, nếu không tự bỏ tiền ra làm đường điện tạm, thì không biết đến bao gio họ mới có điện để dùng.

Thế nhưng, tất cả gần 6.000 nhân khẩu cả xã, đều bị bổ đầu ra nộp một khoản 200.000 đồng, có tên gọi là “trả nợ đường điện”. Thực chất, đây là khoản thâm hụt ngân sách, mà chính quyền xã Thanh Hương không biết trông vào đâu để trả được ngoài khoản thu của dân!

Ông Nguyễn Công Tấn - Xóm trưởng xóm 6 - xã Thanh Hương bức xúc: “Nhân dân đã hàng chục lần, nhiều nhất là 45 người, ít nhất là 25 người trực tiếp xuống phòng tiếp dân của UBND tỉnh phản ánh, khiếu kiện, yêu cầu UBND tỉnh vào cuộc để giải quyết. Nhưng cuối cùng giải quyết là cứ giao về cho UBND huyện và huyện ủy. Tất cả nằm trong im lặng!”.

Ông bí thư đảng ủy xã Thanh Hương thì lại cho rằng, xét đúng ra thì ông có công trong việc tìm ra phương cách thanh toán nợ đọng cho xã nhà!

Ông Nguyễn Bá Lý tự tin nói: “Tôi làm việc cứ cái gì có lợi cho dân thì tôi làm! Cái nợ này cũng thế, quyết xong kể cả ngày mai tôi nghỉ cũng được! Bởi vì nó có lợi cho dân mà! Mình mà để lại, nợ càng ngày càng nhiều, chồng chất ra càng lớn! Cuối cùng nghị quyết ra, bàn với dân chỗ này là dân tự nguyện đóng góp chứ không phải là ép. Dân giờ sau khi trả xong là no ấm, thoải mái!”.

Trong hóa đơn thu khoản “trả nợ đường điện” của một người dân huyện Thanh Hương có ghi chữ “đóng góp”. Nhưng nó cũng được ghi rõ trong phần “các khoản phải nộp” của một quyển sổ có tên “Sổ theo dõi thu, nộp các loại quỹ nghĩa vụ của hộ gia đình”!

Theo nghị định 92 của thủ tướng chính phủ số lượng cán bộ chuyên trách ở cấp xã chỉ được bố trí không quá 25 người, còn những người hoạt động không chuyên trách chỉ được bố trí không quá 22 người. Nhưng theo thống kê của Vụ chính quyền địa phương Bộ Nội Vụ, hiện cả nước có khoảng 130.000 thôn với hơn 570.000 cán bộ thôn nghĩa là trung bình mỗi thôn, người dân phải đóng góp để trả lương cho khoảng 170 cán bộ.

Trong bài viết mới đây của Ông Nguyễn Sỹ Dũng, phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội có tựa đề “Lạm phát đầy tớ” lý giải sự cồng kềnh của bộ máy hành chính ở nước ta. Ông Nguyễn Sỹ Dũng phân tích: “Cơ quan trên thì nghĩ việc cho cấp dưới, rồi cấp dưới lại nghĩ thêm việc cho mình nữa thành thử ra là chúng ta có một cái hệ thống hết sức là bận rộn. Công việc của chúng ta rất là nhiều nhưng mà thử hỏi nhiều như vậy thì người dân người ta có cần cái nhiều đó không? Người dân thực sự hưởng lợi gì từ cái sự bận rộn của chúng ta? Đó là câu hỏi cơ bản nhất cần phải trả lời. Nếu người dân thực sự không hưởng lợi từ sự bận rộn của chúng ta thì chúng ta bận rộn làm gì?”.

Một điều dễ nhận thấy khi phóng viên đến làm việc với các UBND xã chính là những cuộc họp. Ủy ban thường họp cho những định hướng công việc, giải quyết các vấn đề của người dân cho 3 tháng, 6 tháng sắp tới, nghĩa là rất có định hướng, rất có kế hoạch. Tuy nhiên, họp là một chuyện, còn vấn đề có được giải quyết nhanh hay không lại là chuyện khác. Cũng như cán bộ nhiều là một chuyện, còn những vấn đề của người dân có ít đi hay không, lại là một chuyện khác nữa. 

Tác giả : Gia Hiền


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo