Sự sống vốn rất trân quý, nhưng vì thế nó cũng luôn bất ổn, mong manh, vì phải chứa đựng, thậm chí là đối mặt với những rủi ro. Như sống đối mặt với cái chết. Như khỏe mạnh đối mặt với ốm đau. Như hạnh phúc đối mặt với bất hạnh.
Khi đó, nghề chữa bệnh, trị bệnh ra đời. Có khi chữa bệnh thể chất, có khi chữa bệnh...tâm hồn. Và không thể khác, y đức là cái căn cốt nhất, phẩm chất đầu tiên, duy nhất và cuối cùng của người thầy thuốc trên hành trình nhân thế của họ.
Có lẽ khó có nghề nào cao cả và được kính trọng hơn nghề y. Vì sứ mạng "cứu người" của nó.
Cũng có lẽ, khó có nghề nào có một lời thề trọn vẹn và được tạc trong lịch sử y học nhân loại, như Lời thề Hippocrates.
Tha hóa và... tăm tối
Nhưng, tự lúc nào, trong xã hội ta, nghề y trở thành một trong những nghề lắm... thị phi? Nói điều này, người viết bài xin được xin lỗi những thầy thuốc chân chính, có lương tâm, luôn nặng lòng trước những số phận con người không may bất hạnh bởi bệnh tật, tai ương.
Lâu nay, có một câu nói trong chính trị: Quyền lực dễ dẫn đến sự tha hóa. Câu nói đó hóa ra, không loại trừ cả nghề y. Quyền lực ở đây là quyền lực cứu người. Và sự tha hóa, tiếc thay cũng đã bộc lộ hết chân tướng của nó, đến xấu hổ.
Đó là câu chuyện của bà bác sĩ T. B. H, Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, vừa bị cách chức vì liên quan đến nghi vấn pha loãng máu để...truyền cho bệnh nhân. Sự việc bắt đầu bằng hiện tượng thân nhân nhiều người bệnh phản ánh bệnh nhân- người nhà của họ được truyền máu, nhưng sức khỏe ngày một sa sút.
Thật ra trước đó, thông tin nhiều tờ báo cho biết, lâu nay, tại Khoa Xét nghiệm của BV Đa khoa Hà Tĩnh, đã diễn ra một việc thật ... "thất y đức". Mỗi bịch máu 250 cc bị chia thành 2-3 bịch, và được tiêm...nước muối sinh lý vào cho đủ trọng lượng. Và loại "máu nước muối" đó được dùng để truyền cho bệnh nhân cấp cứu hoặc cho người cần máu.
Đương nhiên, điều gì đến phải đến.
Kết quả thanh tra đã phát hiện: Có 4 túi máu bất thường nằm trên tủ máu của bộ phận huyết học -Khoa Xét nghiệm. Qua kiểm tra, 4 túi máu đều có phần huyết cầu thấp hơn so với các túi máu khác, chỉ còn 1/3 đến 1/2 so với quy định.
Quá trình truyền máu tại khoa Xét nghiệm bộc lộ một số sai phạm, vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động truyền máu. Việc quản lý, bảo quản và sử dụng máu trái với qui định của Bộ Y tế." ((Thanh niên online, ngày 4/7).
Ảnh minh họa: SGTT |
Đọc tin mà thấy rùng mình. Máu pha loãng, hay lương tâm các vị thầy thuốc đã bị ...pha loãng, đến thành nước lã? Nhạt thếch, giá băng tính người, và tình người.
Người viết bài kinh hoàng tự hỏi: Điều gì đang xảy ra trong tâm hồn mỗi con người chúng ta ở đời sống này? Điều gì đang xảy ra trong tâm hồn những người được gọi là thầy thuốc kia, như bà T. B. H?
Khái niệm "thầy thuốc", mà ở đây lại là một người phụ nữ, luôn hàm chứa tất cả những phẩm cách "người" đẹp nhất- nhân ái, vị tha, bao dung... Hóa ra, nó hàm chứa tất cả những gì ma quái đáng sợ nhất- tối tăm, tham lam, nhẫn tâm...
Lâu nay, người ta thường nghe nói về sự "rút ruột" công trình. Bê tông cốt thép hóa ...cốt tre. Xi măng hóa...cát. Nay, người ta toan tính và đang tâm đến mức rút ruột cả bịch máu, thì kinh khủng quá. Nó thất đức, tàn tệ quá. Mất hết tính người. Đó cũng chính là tội ác!
Phải chăng, cái chủ nghĩa "phong bì" đang... định hướng, đưa đường dẫn lối cả trí não, con tim mù lòa của con người, như bà bác sĩ T. B.H? Máu thì đỏ, nhưng chắc chắn, trong lý lịch hành nghề của bà T. B. H từ đây, đã có một "vết đen" điếm nhục.
Chua chát nhất, ngày càng có nhiều người thầy thuốc chuyên chữa bệnh thể chất cho con người, nhưng lương tâm họ, tâm hồn họ, xem ra, lại rất cần có pháp luật chữa trị.
"Tắc mạch" gì?
Ông bà chúng ta từ xưa đã có câu tổng kết: Cửa sinh là cửa tử, để nói hết cái mong manh, cái nguy hiểm của người đàn bà khi phải "vượt cạn"- sinh nở. Chả thế, ca dao có câu: Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà vượt cạn đơn côi một mình.
Nhưng chưa bao giờ, ở thời hiện đại, y học phát triển với những điều kiện kỹ thuật cùng kiến thức sinh sản của nhân loại giàu có, phong phú như hiện nay, mà cái cửa sinh là cửa tử lại đe dọa sự sống của người đàn bà Việt nghiệt ngã đến vậy?
Liên tiếp, mới hơn tháng rưỡi (từ 18/4 đến 31/5) đã có gần 10 vụ tai biến sản khoa làm các sản phụ và bé sơ sinh tử vong, khiến dư luận xã hội từ kinh hoàng chuyển sang phẫn nộ, bất bình.
Vì chất lượng y tế ở các bệnh viện lâu nay vốn đã khiến niềm tin của người dân bị...tổn thương nặng. Còn như GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó CT Hội Sản phụ khoa VN, một thầy thuốc rất nổi tiếng trong lĩnh vực này đã phải đau xót: Sản phụ tử vong nhiều, dân căm phẫn là đúng!
Căm phẫn vì nghi ngờ sự vô cảm, sự thờ ơ, trước sinh mạng con người của nhiều thầy thuốc ở nhiều bệnh viện đã thành khá phổ biến, thậm chí có trường hợp còn gian dối để trốn tránh trách nhiệm.
Mới đây, cơ quan chức năng đã phải vào cuộc, điều tra trường hợp tử vong của sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, do hồ sơ bệnh án của người sản phụ không may này (thuộc Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi) bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự- chỉnh sửa bệnh án.
Căm phẫn và cả đau khổ vô cùng, vì tuy nghi ngờ, nhưng người dân lại luôn...đơn độc trước "lý lẽ" của các bệnh viện.
Đó là do: Người dân không có chuyên môn, không đủ khả năng thẩm định dịch vụ y tế được nhận có đúng không. Sự can thiệp, chỉ định của bác sĩ là sớm hay muộn, chính xác hay sai lầm...
...Trong khi đó ở xã hội ta, hệ thống thanh tra y tế chưa hoạt động độc lập. Chưa có một hệ thống giám sát độc lập đủ sức "đối trọng" với ngành y tế (ở khía cạnh chuyên môn)
Rút cục, họ đành chấp nhận những bất hạnh, rủi ro, của người ruột thịt, ngậm ngùi biện lẽ đó là số phận, dù tâm không phục.
Đáng chú ý, về phía các bệnh viện, đều có một cách lý giải chung- thực chất giông giống sự... ngụy biện khi cho rằng, nguyên nhân các ca tử vong rơi vào các tai biến "hiếm gặp" trên thế giới như thuyên tắc ối, thuyên tắc phổi. Điều đó có thực không?
Kết quả điều tra tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, giai đoạn 2006-2007, (Viện Chiến lược và Chính sách y tế- Bộ Y tế) công bố vào tháng 4/2011 cho biết: 71,5% các tử vong mẹ là do các nguyên nhân trực tiếp và 16,3% là do các nguyên nhân gián tiếp. Đáng chú ý trong số 71,5%, chỉ có khoảng 4,1% trường hợp tử vong mẹ là do tắc ối, một tỉ lệ thấp nhất trong số các nguyên nhân gây tử vong mẹ.
Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, hơn một tháng rưỡi, có tới 6/9 trường hợp tử vong mẹ được kết luận là thuyên tắc ối (hay còn gọi là tắc mạch ối). Điều này có thuyết phục được dư luận xã hội không?
Liệu có "mẫu số chung" về năng lực chuyên môn cộng với trách nhiệm thầy thuốc, khiến cho không ít sản phụ và trẻ sơ sinh phải chết oan không?
Sản phụ tắc mạch ối, hay chính các thầy thuốc, các bệnh viện đang tắc mạch...trách nhiệm?
Đám tang của một sản phụ tử vong bất thường tại bệnh viện |
Kết quả điều tra cũng cho thấy, nơi để xảy ra tai biến sản khoa gây tử vong tập trung nhất ở bệnh viện tỉnh (62,5%), bệnh viện huyện 16% và bệnh viện trung ương 6,5%. Tỷ lệ này logic với thực tế xã hội VN.
Thông thường, sản phụ ở xa không có nhiều điều kiện lên các bệnh viên TƯ, và không tin vào tuyến huyện, nên thường tập trung vào bệnh viện tuyến tỉnh. Trong những cái dở (huyện, tỉnh), họ chọn cái đỡ dở (tỉnh) hơn cả. Đâu ngờ, kết cục lại bi thảm nhất!
Thực trạng đau lòng về tỷ lệ sản phụ, trẻ sơ sinh tử vong, cũng chỉ là một phần nhỏ phản chiếu "lỗi hệ thống" của ngành y tế, hàm chứa 3 "khuyết tật" lớn:
- Chất lượng đào tạo của các trường y và khâu tuyển dụng bác sĩ ở các địa phương đều có vấn đề.
- Các trang thiết bị kỹ thuật y tế chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác năng lực chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc sản khoa, của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trang thiết bị y tế chưa tương ứng với những đổi mới về kỹ thuật và công nghệ.
Trong ngành y, môi trường hành nghề, nghiên cứu y học, và thiết bị kỹ thuật, mang ý nghĩa điểm tựa quan trọng cho sự tiến bộ hoặc lạc hậu về chuyên môn của người thầy thuốc.
- Những tiêu cực của "thời kim tiền" đã thổi một luồng gió ...độc vào đội ngũ thầy thuốc, mà ngành y tế thì "bó tay.com", không có phương thuốc cứu chữa.
Có lẽ không có ngành nào, mà quyền hành coi thường, mắng mỏ con người, thậm chí nhẫn tâm, lại công khai như ở ngành y, trong khi lương tâm và trách nhiệm thầy thuốc lại...bỏ ngỏ. Đến mức có trường hợp, người nhà bệnh nhân đuổi đánh, hành hung cả thầy thuốc. Cái bi kịch đó luôn rình rập các bệnh viện và các thầy thuốc, nói điều gì?
Trong nhiều ý kiến, người viết bài rất chú ý đến giải pháp của TS, bác sỹ Trần Thị Hoa, Giám đốc điều hành Dự án Khu liên hợp bệnh viện CHI (huyện Đông Anh, Hà Nội). Giải pháp này không mới, vì thực chất là nó quay về ...cái cũ, nhưng là cái cũ phù hợp thực tiễn VN, rất có hiệu quả, nhưng đã bị lãng quên.
Đó là nên thiết lập lại chương trình Chăm sóc Sản khoa/ Làm mẹ An toàn phủ khắp trong cả nước.
Theo bác sĩ Trần Thị Hoa, chương trình này do WHO/UNICEF/UNPFA khởi xướng tại nhiều quốc gia ở Á và Phi, bắt đầu từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ XX.
Với chương trình này, có thể ngăn chặn tối đa các tai biến này cũng như có thể hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong mẹ và em bé, với điều kiện phụ nữ trong suốt thời kỳ mang thai được tiếp cận dịch vụ Chăm sóc Sản khoa đúng cách.
Câu trả lời bây giờ, thuộc Bộ Y tế.
Chỉ mong "thấy mình được là...người"!
Có một sự ngẫu nhiên, nhưng không hay lắm, thậm chí gây "phản cảm".
Đó là vào đúng lúc dư luận xã hội hết sức phẫn nộ, bất bình vì dồn dập hiện tượng các sản phụ, trẻ sơ sinh tử vong, thì Viện Nhi Trung ương bắt đầu thu phí "giá cắt cổ". Nằm viện 1 tháng ở Khu Điều trị tự nguyện A, 1 bệnh nhi phải nộp gần... 100 triệu đồng.
Đây chỉ là 1 ví dụ cụ thể của việc thực hiện chính sách "xã hội hóa", bên cạnh khung viện phí mới do Liên bộ Y tế - Tài chính mới ban hành.
Đáng chú ý nhất, nếu như Thủ đô Hà Nội, 1 trong những địa phương có thu nhập cao trong cả nước, chỉ định áp dụng mức viện phí bằng 73% - 86% khung giá quy định, thì có tới 16 tỉnh, hầu hết đều thuộc các tỉnh nghèo, khó khăn như Lào Cai, Sơn La, Đắk Lắk, Sóc Trăng..., đề xuất áp dụng 90% - 100% khung viện phí.
Nếu vậy, thì những người bệnh nghèo "tắc mạch...túi", chắc chỉ có nước đi theo những sản phụ bị tắc mạch ối, mà thôi!
Người viết bài chợt nhớ tới câu trả lời của một quan chức ngành y tế trước đây, khi bị chất vấn về việc tăng viện phí liệu có tăng chất lượng chữa bệnh? Câu trả lời thật bất ngờ: Chưa dám khẳng định, vì chất lượng chữa bệnh... phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện khác!
Xin miễn bình luận cho câu trả lời này, vì nó quá khôn mà không ...ngoan tí nào.
Còn những người bệnh giàu có thì sao?
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế, mỗi năm có khoảng 40.000 người VN ra nước ngoài chữa bệnh ở Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan..., với khoảng 1 tỉ USD viện phí. Dĩ nhiên, viện phí rất cao. Thậm chí, trong đó, có không ít người bệnh là bác sĩ. Xã hội ta đã có hiện tượng "tị nạn giáo dục", liệu nay sẽ có hiện tượng "tị nạn...y tế" không?
Ngày càng nhiều người bỏ tiền ra nước ngoài chữa bệnh. Ảnh minh họa |
Vì sao?
Câu trả lời của 1 bệnh nhân đã sang bệnh viện M.Elizabeth (Singapore) chữa bệnh ung thư gan: Vào Bạch Mai và sang bệnh viện này, kết quả chẩn đoán và hướng điều trị không khác nhau nhiều. Nhưng sang bệnh viện ở Singapore, tôi mới thấy mình được là... người.
Vì không có cái ngột ngạt, 3- 4 người mắc trọng bệnh phải nằm chung một giường. Không bị "cò" bủa vây, không bị bác sỹ quát mắng, không bị thủ tục hành chính "hành hạ". Không có những khoản "không có hóa đơn" như ở bệnh viện VN.
Ở đó, chỉ có mỗi cái duy nhất: Đó là lòng nhân ái với người bệnh của các thầy thuốc, khiến người bệnh thấy mình được an ủi, và cảm thông.
Không phải ngẫu nhiên, trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, gọi bệnh viện là "nhà thương". Đâu chỉ là cách giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, mà cái chính, ngay khái niệm "nhà thương" đã toát lên bản chất nhân bản của nơi chữa trị, cứu giúp những con người không may ốm đau, mắc bệnh.
Tự lúc nào, nhà thương thành "nhà...ghét" trong con mắt người dân?
Y tế là 1 trong những ngành đem lại hạnh phúc hoặc u buồn cho 1 dân tộc.
Nhìn vào y tế nước Việt, người ta sẽ thấy nước Việt hạnh phúc hay nước Việt...buồn?
Kỳ Duyên
---------------------
Nguồn tham khảo: