Mục đích và phương tiện - Dân Làm Báo

Mục đích và phương tiện

Trần Trường Sa (Danlambao) Từ thuở niên thiếu, chúng ta ai cũng đã tiếp xúc với cặp phạm trù: “mục đích và phương tiện”. Vì mục đích, chúng ta chọn lựa phương tiện phù hợp để giúp ta đạt được mục đích. Đó là điều không học thuyết nào chối bỏ cả.

Thế nhưng, buồn thay, sự đời vẫn có lắm kẻ chạy theo phương tiện, làm nô lệ cho phương tiện... mà quên đi cái mục đích ban đầu.

Ai cũng biết, ngày nay tiền là phương tiện thanh toán cho mục đích cuộc sống của con người. Để đạt được mục đích ăn no, mặc ấm, nhà ở khang trang, vui chơi, đi du lịch, giải trí... trong thời đại ngày nay chúng ta đều phải có tiền để thanh toán. Vì vậy trong dân gian từ lâu đã lưu truyền câu vè : “Tiền là tiên, là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng của nịnh thần, là cán cân công lý; vì vậy có tiền là nhất trí, là hết ý”. Đồng tiền từ chỗ là phương tiện (tích cực), do quá say mê đồng tiền mà xã hội suy đồi đã biến đồng tiền thành cứu cánh (tiêu cực). Từ đó, đồng tiền được tôn thờ và với nhiều người nó trở thành mục đích cuộc sống tự lúc nào chẳng hay. Nhiều người say mê kiếm tiền, quên cả con cái, ông bà, cha mẹ (những người này đôi khi rất keo kiệt với cha mẹ), quên cả bản thân mình; họ sắm nhiều nhà, nhiều xe... nhưng khổ nỗi: đêm họ cũng chỉ ngủ có một giường, mỗi lúc đi đâu họ cũng chỉ đi có một xe, ăn không ngon, ngủ không yên vì chẳng có thời gian và đầu óc phải quay cuồng tìm mưu tính kế để kiếm tiền... Họ phải làm ra tiền không những chỉ để sắm nhà, sắm xe... mà còn phải phục vụ lại những thứ họ sắm ra (bảo quản, chăm sóc).

Một đất nước, đôi khi cũng có sự nhầm lẫn như vậy! Sự nhầm lẫn này, đối với một con người thì làm cho họ sống vất vả, sống nô lệ, sống không hạnh phúc mà cái mục đích ban đầu của họ không đạt được. Đối với một đất nước, sự nhầm lẫn này làm cho xã hội chậm tiến bộ, thoái hóa, suy đồi và từ đó trở nên bất an.

Khi đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, tầng lớp sĩ phu phong kiến thì bảo thủ, chỉ lập những căn cứ chống lại giặc Pháp, không xây dựng được mặt trận đấu tranh toàn quốc, không hấp thu được sự tiến bộ của thế giới phương tây, nên không đủ lực để đánh đuổi giặc Pháp. Tầng lớp trí thức mới vừa hình thành thì quá mỏng, cụ Phan Chu Trinh kêu gọi canh tân thì cần nhiều thời gian. Lúc đấy, chỉ có con đường chủ nghĩa xã hội là nhanh chóng quy tụ được đông đảo công nhân và nông dân nhất mới mong đáp ứng được mong mỏi nôn nóng giành độc lập cho nước nhà. Vậy thì CNXH là phương tiện mà nhân dân chọn lựa để giải phóng dân tộc, giành chính quyền. CNXH không phải là mục đích nhân dân ta hướng tới. Nhân dân dùng CNXH làm phương tiện để giành chính quyền về cho nhân dân chứ không phải giành chính quyền về cho CNXH.

Mọi sai lầm bắt đầu từ đây, từ chỗ “CNXH là phương tiện để giải phóng dân tộc” tiến tới “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” là tiền đề cho mọi sai lầm sau này. Nhân dân sau khi giành được độc lập rồi, hết mục tiêu đấu tranh lại bị gắn cho một cái tròng XHCN (vốn là thứ xa lạ với đại bộ phận quần chúng nhân dân Việt Nam). Điều này thể hiện rỏ ở các bà mẹ Việt Nam anh hùng miền Nam. Họ là những người nuôi dưỡng cán bộ cách mạng chống lại chế độ VNCH do sự tồn tại của quân đội Mỹ tại miền Nam; nhưng sau 1975 họ ngỡ ngàng khi ruộng đất của họ bị cưỡng chế vào hợp tác xã. Thất vọng hơn nhiều người trong số họ đã dành hết vàng bạc còn lại cho con cháu vượt biên sang Mỹ tìm tự do, mà nay chúng trở về thành Việt kiều yêu nước !

Mọi hậu quả tai hại là do lãnh đạo cộng sản đã cố tình biến CHXH từ phương tiện giải phóng dân tộc trở thành mục đích mà dân tộc phải gắn bó trong suốt quá trình xây dựng đất nước.

Hảy nhìn sang Nam Phi, xem họ đã kiên trì đấu tranh xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc Apacthai gian khổ và khốc liệt thế nào. Phương tiện đấu tranh của họ là hàng triệu công nhân da đen ở các hầm mỏ. Nhưng sau khi cách mạng thành công, họ sẳn sàng trao chính quyền cho người da trắng. Phần lớn thành viên chính phủ là người da trắng. Tổng thống Mandela nhanh chóng rời khỏi chính trường sau một nhiệm kỳ ngắn ngủi (dù rằng nếu như ở Việt Nam ta thì ông ta dể dàng được tung hô “muôn măm”, “vĩ đại”, “sống mãi”...). Đó là vì giới lãnh đạo da đen đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi chủng tộc; họ biết và thừa nhận người da trắng quản lý đất nước tốt hơn họ. Đấy chính là sự vĩ đại của Mandela (dù chẳng người Nam Phi nào suy tôn ông là vĩ đại cả). Phật đã dạy “kẻ thù khó chiến thắng nhất chính là bản thân mình".

Giới lãnh đạo cộng sán đã lảnh đạo nhân dân giành lại chính quền cho nhân dân. Nhưng Đảng không giao lại chính quyền cho nhân dân. Đảng nắm hết mọi quyền hành (thể hiện qua điều 4 hiến pháp nước CHXHCNVN). Đảng quên rằng Đảng là phương tiện để nhân dân giành lấy chính quyền. Đảng bắt buộc nhân dân phải xây dựng đảng. Nhân dân ta buộc lòng phải xem Đảng là mục đích mà quên đi mục đích của nhân dân là kiếm tìm độc lập dân tộc, xã hội dân chủ công bằng. Giới lãnh đạo cộng sản đã không vượt qua được chính mình. Than ôi ! 

Ngày nay, lý thuyết kinh tế của CNCS đã phá sản hoàn toàn. Đảng vẫn không chịu rời bỏ vũ đài chính trị. Đảng xem làm chính trị là độc quyền của đảng. Nhất cử nhất động của người dân đều bị theo dỏi. Kẻ nào ngoài đảng nói đến chính trị đều bị cho là kẻ xấu. Biểu tình chống ngoại xâm cũng bị cho là bị kẻ xấu lợi dụng. Đảng cộng sản Việt Nam đang điều hành nền kinh tế tư bản! Vì thế mà nền kinh tế thị trường Việt Nam bộc lộ rõ nét là một nền kinh tế tư bản lũng đoạn, độc quyền và man rợ. CNXH trở thành một bóng ma thực sự vì chẳng ai biết hình thù nó như thế nào cả. Những người đi kiếm tìm CNXH cũng giống như những người đi tìm tiền nhưng chẳng biết tiền giúp được gì cho cuộc sống của họ. Có chăng họ chỉ có một khoái cảm duy nhất là “đươc có nhiều tiền”. 

Hởi những người đi kiếm tìm CNXH ! Hảy tỉnh lại đi ! Hảy tự tìm câu trả lời cho vấn đề : CNXH là gì? CNXH đem lại gì cho quốc gia dân tộc ngoài việc giành chính quyền (tưởng rằng về tay nhân dân, không ngờ về tay đảng) ?

Nếu bảo rằng đảng lãnh đạo nhân dân giành chính quyền thì đương nhiên chính quyền phải về tay đảng. Như thế thì quá tầm thường, vì như thế đảng đã phản bội lại mục đích ban đầu là độc lập và dân chủ tự do cho nhân dân. 

28/7/2012

Trần Trường Sa


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo