Nữ lưu chi khí - Dân Làm Báo

Nữ lưu chi khí

David Thiên Ngọc (Danlambao)Trước khi nói về cái khí phách của nữ nhi VN. Tôi xin kể ra đây một câu chuyện (cứ cho là có thật) xảy ra bên Tàu cách đây khoảng 2.400 năm dưới thời nhà Đông Chu (770-221 TCN). Nhà Đông Chu trải qua hai thời là Xuân Thu (770-479 TCN) và Chiến Quốc (479-221 TCN). Chuyện xảy ra thời Chiến Quốc. Lúc này nước Tàu loạn lạc và phân tán ra thành hàng trăm nước cát cứ khắp nơi tùy theo mạnh yếu... nhưng đều thần phục dưới trướng nhà Chu và tôn là Thiên Tử. Trong số hàng trăm nước đó chỉ có bảy nước được xem là mạnh và được gọi là thất hùng gồm: Tần, Tề, Sở, Ngụy, Triệu, Yên và Hàn. 

Bấy giờ các nước mạnh thường đem quân đánh chiếm lẫn nhau và các nước khác để gây thanh thế cho mình. 

Ngày nọ, quân Tần kéo sang đánh chiếm Tề. Qua đến biên giới Tề, tướng quân Tần nhìn xa xa thấy có một người phụ nữ tay bế một đứa bé và tay kia dắt một đứa nữa chạy giặc. Đến khi gần đuổi kịp thì thấy bà ta bỏ đứa bé đang bế xuống và bế đứa kia lên chạy thục mạng, bỏ đứa nhỏ còn lại sau lưng. Thấy điều lạ. Tướng Tần quyết đuổi theo để tỏ rõ nguồn cơn. Khi đối diện với người phụ nữ tướng Tần hỏi rõ đứa bé đang bế là sao? và đứa nhỏ bỏ lại là gì mà trước đó bà bế trên tay? Người phụ nữ Tề Quốc bình tĩnh trả lời:

- Đứa bé tôi bỏ lại là con ruột do tôi đẻ ra và đứa tôi đang bảo vệ đây chỉ là cháu họ mồ côi. Khi chưa nguy cấp thì tôi lo cho con đẻ nhiều hơn. Nhưng đứa con tôi trí tuệ không bằng đứa cháu. Nó không làm nên việc lớn được. Còn đứa cháu thì ngược lại. Giờ phút lâm nguy tôi phải hy sinh con đẻ mà giữ lại đứa cháu với hy vọng rằng sau này nó có thể cứu nguy cho đất nước, trả thù cho Tề Quốc! 

Nghe đến đây tướng Tần quay mặt lại trước ba quân mà phán rằng:

- Ta không thể đánh Tề. Một nữ nhi bình thường mà ý chí như vậy còn các anh hùng hào kiệt nữa thì sao? Lui binh! 

Tuy câu chuyện có phần cường điệu, tôn vinh chí khí của nữ nhi trong bối cảnh nước Tàu loạn lạc, việc này ắc không có. Riêng về VN ta, thực tế lịch sử đã chứng minh hùng hồn bằng người thật và được suy tôn thờ phụng hàng ngàn năm qua. Liệt nữ Trưng Trắc, Trưng Nhị vị nữ Vương đầu tiên của dân tộc ta đã in đậm khí tiết, ý chí quật cường, lãnh đạo ba quân đạp bằng con sóng dữ, bảo vệ sơn hà lập vương triều dựng nước năm 40 CN. Sau đó vì thế giặc quá đông, ngập tràn như vũ bão. Sức yếu thế cô không giữ được giang san nhưng nêu cao khí tiết, thà chết chứ không qui hàng giặc. Hai bà đã trầm mình để giữ trọn khí hùng anh. Nêu gương liệt nữ rạng ngời muôn thuở... 

Một Triệu thị Trinh xông pha giết giặc khí phách mà rằng "Tôi muốn cỡi con gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Tàu (Ngô), giành lại giang san, cởi ách nộ lệ, chứ tôi không chịu khom lưng..." ở độ tuổi 16 trăng tròn! 

Một Trần Thị Dung dưới hai thời Lý, Trần nổi tiếng đảm lược giúp vua giữ vững sơn hà vỗ yên bờ cõi. Công lao của bà không nhỏ. 

Một Nhiếp chính Ỷ Lan tài trí vẹn toàn, thao lược dưới thời nhà Lý cũng lưu danh trong sử sách. Rồi một Huyền Trân, Ngọc Hân... cũng đáng khắc ghi. 

Gần hơn nữa, Cô Bắc Cô Giang không hề xem trọng tấm thân dù đang tuổi thanh xuân, cũng quyết một lòng ra đi vì đất nước, hiến trọn thân ngà... thà nát với cỏ cây. 

Ngày nay trước sự bạo tàn của tập đoàn bá quyền phương bắc, hàng ngàn năm luôn nuôi mộng xâm lăng nước ta lại có những anh hùng liệt nữ nêu trên đã soi sáng con đường đấu tranh giữ nước, hy sinh ở độ tuổi mười sáu đôi mươi. Thật vẻ vang thay, rạng ngời thay những anh hùng liệt nữ nước Nam. 

Trước tình thế đất nước lâm nguy. Với truyền thống và ý chí của dân tộc ta. Nữ nhi Việt Nam luôn rạng ngời trong mọi chặng đường lịch sử. 

Trong bão lửa hôm nay. Một Bùi thị Minh Hằng kiên cường bất khuất trước sự bạo tàn của bè lũ bán nước hại dân, hèn hạ với giặc đã ra tay đày đọa xác thân phụ nữ. Nhìn hình ảnh của Minh Hằng trước và sau khi ra khỏi trại phục hồi nhân phẩm mà nói đúng hơn là trại tù thì ta thấy rõ! Tuy thế nhưng giọng nói và ý chí của chị rõ ràng là mạnh hơn, vang hơn và cương quyết rắn rỏi hơn... hiển nhiên là những việc làm của chị hoàn toàn cho quốc gia dân tộc. Lấy tư cách cá nhân tôi tôn vinh chị. 

Một Huỳnh Thục Vi ngạo nghễ, bất khuất với bạo quyền, sắc bén trong lý luận, tư duy. Vững vàng trong lập trường, ý chí dù tuổi đời ở độ đôi mươi. Cảm phục thay! với ý chí đó, tư duy đó, tầm nhìn đó và nhất là trái tim đó những trang nam nhi ở độ "Nhi bất hoặc" chưa chắc mấy ai đã đạt thành! Cộng thêm lòng dũng cảm không nao núng trước "Thân gái dặm trường, đêm hôm tù tội..." và những nỗi hiểm nguy đang rình rập, đe dọa từng giờ. Tôi xin vinh danh em với một lời thán phục kèm theo một phút chạnh lòng... 

Một Trịnh Kim Tiến. Tuổi đời còn quá trẻ. Có thể nói ở lứa tuổi của em có người còn "Ăn chưa no, lo chưa tới". Thế mà em quên cả thân mình, không ngại hiểm nguy, băng mình trong bão dữ để đi tìm công lý cho xã hội, nhân dân. Em cũng muốn đạp bằng con sóng lớn để đem lại an lành cho dân tộc VN. Tôi cũng xin nghiêng mình bái phục em. 

Một Tạ Phong Tần cũng quyết đem xác thân đền nghì tiên tổ. Một Phạm Thanh Nghiên kiên cường bất khuất với tinh thần bảo vệ biển đảo... Tất cả các bạn, các em tôi vô cùng cảm kích và nếu được mọi người dân VN cho phép tôi xin thay mặt gởi đến tất cả một lời tri ân sâu xa nhất. Sử sách sẽ ghi đậm tên tuổi các bạn, các em và mãi mãi sẽ là những nét son tươi thắm. 

Ngày 15/7/2012 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo