Ông Dương Danh Dy, nhà nghiên cứu Trung Quốc : "...Đây là dịp tốt để giáo dục cụ thể cho nhân dân hiểu những nguy cơ này. Thậm chí, nếu cần đi biểu tình phản đối Trung Quốc, tôi cũng sẽ đi biểu tình. Chúng ta phải chuẩn bị về mọi mặt, từ pháp lý, ngoại giao, giáo dục nhân dân, tuyên tuyền quốc tế, chuẩn bị đến cả thực lực quân sự và tuyên truyền đối với những bạn gần, bạn xa… "
*
Mạnh Đồng (Đất Việt) - Tuyên bố mời thầu dầu khí chưa phải là hành động cuối cùng, mà có thể Trung Quốc sẽ có những bước đi hơn nữa. Không gì khác, chúng ta cần phải chuẩn bị về mọi mặt, từ pháp lý, ngoại giao, giáo dục nhân dân, tuyên tuyền quốc tế, cho đến cả thực lực quân sự.
Nhận định trên được ông Dương Danh Dy, nhà nghiên cứu Trung Quốc, đưa ra trong cuộc trao đổi với Đất Việt, xung quanh việc Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mới đây đã ngang nhiên công khai chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm sâu trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông Dương Danh Dy cho biết:
- Chiến lược biển Đông của Trung Quốc có 2 yếu tố bất biến: lúc đầu người ta chỉ thấy yếu tố bá quyền, bành trướng, nhưng yếu tố sống còn của Trung Quốc là buộc phải phát triển ra biển. Vì sau 30 năm khai thác, Trung Quốc cơ bản đã cạn kiệt tài nguyên trên biển cũng như trên đất liền. Không những vậy, quá trình ấy còn làm cho đất canh tác bị thu hẹp, nguồn nước bị ô nhiễm…, buộc họ phải hướng ra biển. Nhưng biển Bắc giáp Nga và Nhật Bản, là những quốc gia có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh, khó khả thi nên họ buộc phải chuyển hướng xuống biển Đông vì khu vực này vừa giàu tài nguyên và được đánh giá là yếu thế hơn Trung Quốc.
Khi tôi còn ở Trung Quốc, tôi đã được xem bản kết quả thăm dò khoáng sản ở biển Đông của Trung Quốc. Họ đã thăm dò tài nguyên ở Trường Sa từ rất lâu rồi, đã biết chỗ nào có dầu, chỗ nào có thiếc và những tài nguyên khác…
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy: “Phải thấy ý đồ của Trung Quốc đối với biển Đông, họ không còn “giấu mình chờ thời” như trước đây. Phải nhìn tận gốc của vấn đề để thấy rằng tuyên bố mời thầu ở khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam chưa phải là hành động ghê gớm nhất, mà họ có thể có những bước đi xa hơn nữa”.
- Phải chăng vì thế mà Trung Quốc đã không còn “giấu mình chờ thời” nữa, mà sẵn sàng hành động ngang ngược, phi pháp để cố tình đạt được mục đích?
- Theo tôi được biết, các đại hội 16, 17 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt một trong những mục tiêu đến năm 2020 là GDP tăng gấp 4 lần năm 2020 và vượt Anh, Pháp, Đức, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Giữa năm 2010, GDP của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế thứ 2 trên thế giới và trong nội bộ Trung Quốc có ý định phải đuổi kịp Mỹ. Song song với tiềm lực về kinh tế, Trung Quốc nghĩ rằng thực lực của họ đang lớn mạnh, Trung Quốc nghĩ rằng phải có hành động mạnh mẽ hơn trên biển Đông và thể hiện quan điểm rõ ràng biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ. Điều này có nghĩa là biển Đông giống như Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông, nếu nước khác động đến sẽ xảy ra chiến tranh. Đó chính là nguyên nhân khiến Trung Quốc hành động mạnh mẽ hơn.
Chúng ta đã thấy Trung Quốc tiến hành cắt cáp của tàu Bình Minh của Việt Nam, tranh chấp bãi cạn với Philippines, gần đây là mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; rồi tuyên bố chủ quyền trên giấy… Song song với tuyên bố chủ quyền trên giấy, Trung Quốc còn tuyên bố sẽ cho thuê, đấu thầu các đảo không người ở trên vùng biển của Trung Quốc. Điều này rất nguy hiểm.
Cho nên, phải thấy ý đồ của Trung Quốc đối với biển Đông, họ không còn “giấu mình chờ thời” như trước đây. Phải nhìn tận gốc của vấn đề để thấy rằng tuyên bố mời thầu ở khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam chưa phải là hành động ghê gớm nhất, mà họ có thể có những bước đi xa hơn nữa. Theo tôi, Trung Quốc có thể sẽ có những hành động khác như: cho lính giả làm dân ra bãi đá ngầm Trường Sa làm giàn khoan để thử phản ứng của Việt Nam. Hoặc dù không đánh chiếm cả quần đảo, nhưng có thể họ sẽ chiếm 1 hoặc 2 trong số những đảo do Việt Nam đang quản lý để thử phản ứng của Việt Nam, thử phản ứng của thế giới, nếu không ăn thua thì rút, nếu có cơ hội thì lấn tới…
Thêm vào đó, nội bộ của Trung Quốc cũng đang đấu tranh mạnh mẽ, và thường trong những cuộc đấu tranh nội bộ đó, họ đều chuyển hướng dư luận và hành động ra ngoài biên giới nước họ. Do vậy, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ lưỡng mọi điều kiện thì khó có thể biết điều gì xảy ra.
- Trung Quốc đã đóng tàu, đóng giàn khoan rất đồ sộ, đưa tàu hải giám ra biển Đông, có nghĩa là họ chuẩn bị từ khá lâu rồi. Chúng ta phải nói gì, nói như thế nào với các doanh nghiệp nước ngoài có ý định hợp tác với Trung Quốc, sau khi Trung Quốc chào thầu 9 lô dầu khí thuộc Việt Nam?
- Theo tôi, ít doanh nghiệp nước ngoài nào dám vào đầu tư tại 9 lô dầu khí thuộc chủ quyền của Việt Nam, vì giàn khoan đầu tư hàng tỷ USD, lại trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tính toán rất kỹ.
Tôi đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam: “Các doanh nghiệp Việt Nam và những đơn vị nước ngoài hợp tác với Việt Nam đang thăm dò, khai thác ở vùng biển nói trên một cách bình thường”. Phải tin như thế nào, phải có sức mạnh như thế nào mới dám nói như vậy.
- Trước những hành động ngang ngược đó, đâu là những việc mà chúng ta cần phải làm ngay, không chần chừ và e ngại?
- Trước hết, chúng ta phải cố gắng giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nhưng nhân dịp này, phải làm cho dân thấy rõ những nguy cơ đó. Đây là dịp tốt để giáo dục cụ thể cho nhân dân hiểu những nguy cơ này. Thậm chí, nếu cần đi biểu tình phản đối Trung Quốc, tôi cũng sẽ đi biểu tình. Chúng ta phải chuẩn bị về mọi mặt, từ pháp lý, ngoại giao, giáo dục nhân dân, tuyên tuyền quốc tế, chuẩn bị đến cả thực lực quân sự và tuyên truyền đối với những bạn gần, bạn xa…
Thật ra, thế giới cũng hiểu thực lực của chúng ta, cũng hiểu ý đồ bành trướng của Trung Quốc, nên việc tuyên truyền cho thế giới hiểu là việc cần làm thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, theo tôi, cần vạch ra những điểm mạnh, điểm yếu của trung Quốc để có đối sách hợp lý. Chẳng hạn vừa rồi, tại Hội thảo quốc tế về biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức tại Mỹ, Việt Nam cũng đã thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, còn Trung Quốc, dù bị rất nhiều chuyên gia nước ngoài phê phán, nhưng họ có phản bác được điều gì đâu. Đó cũng là điều chúng ta nên tận dụng. Kể cả xảy ra tranh chấp, xung đột vũ trang thì Trung Quốc cũng có rất ít bạn bè, đồng minh, cái đó cũng cần được tận dụng để tuyên truyền, đấu tranh.
Xin cảm ơn ông!
Mạnh Đồng (thực hiện)
http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Phai-co-doi-sach-hop-ly-voi-buoc-di-xa-hon-cua-TQ/20127/220245.datviet
http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Phai-co-doi-sach-hop-ly-voi-buoc-di-xa-hon-cua-TQ/20127/220245.datviet