Tản mạn về luật biển - Dân Làm Báo

Tản mạn về luật biển

Trần Hoàng Lan (Danlambao)Có người đã phê phán hệ thống pháp luật ở Việt Nam "Việt Nam có một rừng luật nhưng lại chuyên sử dụng luật rừng", ám chỉ hệ thống pháp luật ở Việt Nam rối rắm, phức tạp, chồng chéo mà thực hiện thì không nghiêm. Sở dĩ như vậy vì những điều luật này được quốc hội bù nhìn gồm toàn đảng viên soạn thảo ra là để bảo vệ chế độ độc tài, độc đảng. Cũng trong "rừng luật" còn có những điều luật sinh ra chỉ có mỗi một tác dụng là "trang trí" nghĩa là cho nhân dân trong nước, công luận quốc tế thấy rằng "có nó". Hy vọng luật biển vừa ra đời không thuộc vào loại đó...

*

Ngày 21 tháng 6 tại phiên cuối của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13 với sự nhất trí cao đã thông qua luật biển. 55 điều trong 7 chương, gồm các quy định về việc sử dụng, quản lý, bảo vệ biển đảo. Đặc biệt chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được khẳng định ngay tai điều 1. 

Luật biển vừa "ra đời" đã ngay lập tức được toàn dân quan tâm, ủng hộ. Xen vào những cái nhìn trái chiều về kinh tế, xã hội, an ninh, ngoại giao,... của hai "lề báo" là những bài cùng ca ngợi, kỳ vọng vào luật biển. Người ta coi sự kiện "Quốc hội thông qua luật biển" là tin vui, thỏa mãn lòng yêu nước của nhân dân. Ví luật biển như vũ khí pháp lý sắc bén, như công cụ cần thiết để bảo vệ chủ quyền biển đảo, như hành lang pháp lý cho kinh tế phát triển, có tác dụng tranh thủ được hậu thuẫn của quốc tế về biển Đông,... Người ta tổ chức các cuộc biểu tình, tuần hành yêu nước phản đối Trung Quốc, ủng hộ luật biển ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn. Thậm chí có cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh còn yêu cầu Quốc hội truy tìm danh tính của kẻ dám "nói không" với luật biển. Nhân sự kiện trên, một bài báo ở Nhật đã nêu "đối sách ngoại giao với Trung Quốc của Việt Nam" ra làm tấm gương để chính phủ của mình học tập (*). 

Một điều luật khác mà xã hội hiện cũng đang đòi hỏi phải ban hành cấp thiết vì nó tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình đã được ghi trong hiến pháp. Đó là luật biểu tình."Thai nghén" từ rất lâu, trước quốc hội thủ tướng đã công khai giao cho bộ công an soạn thảo, nhưng đến giờ vẫn chưa "ra đời" và cũng chưa biết đến khi nào. Mà ngay từ khi thảo luận để đưa vào dự án luật nó đã bị một số ý kiến phản đối công khai. Điển hình là ý kiến của ông nghị Hoàng Hữu Phước với câu “biểu tình là sự ô danh Việt Nam chưa đủ điều kiện để đài thọ cho sự ô danh đó”

So với luật biểu tình, luật biển có phần "may mắn" hơn. Nó được thông qua một cách "chớp nhoáng", mặc dù có một đại biểu bí mật chống lại bằng cách nhấn nút thì tỷ lệ 495/496 vẫn có thể coi như là tuyệt đối. Vừa "ra đời" nó đã "phát huy tác dụng" là làm cho Trung Quốc phải "nổi đóa". VOA cho biết" ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua luật biển thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân của Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Việt Nam, Nguyễn Văn Thơ, yêu cầu Hà Nội phải chỉnh sửa ngay lập tức vì luật mới của Việt Nam ‘vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc’ tại Biển Đông". Còn theo BBC "Trung Quốc lần đầu xác nhận thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa, ngay sau khi Việt Nam thông qua Luật Biển". Nhưng có lẽ đó cũng là những tác dụng duy nhất của luật biển. Các biểu hiện khó hiểu kể từ khi thông qua luật biển sau đây làm cho những ai quan tâm, ủng hộ, kỳ vọng vào nó phải nản lòng.

Có vẻ như không muốn dư luận chú ý. Luật biển được thông qua một cách "chớp nhoáng" cùng với một loạt các điều luật khác trong ngày họp cuối cùng. 

Không một tờ báo chính thống nào đăng tải toàn văn luật biển.

Phải chăng vì "sợ làn cây cong"(**) sau vụ Văn Giang mà VOV ngày trước đăng tin về luật biển ngày sau lại gỡ xuống. 

Luật biển thông qua 21/6/2012 nhưng phải tới 1/1/2013 mới có hiệu lực. Tại sao? Liệu rằng sau 6 tháng thứ "vũ khí" này có còn "sắc bén"?

Giống y chang như khi ủng hộ khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa của thủ tướng trước quốc hội cách đây gần 1 năm. Các cuộc biểu tình, tuần hành ôn hòa ủng hộ luật biển cũng bị ngăn chặn, theo dõi, bắt bớ. 

Không ai phủ nhận luật biển là vũ khí pháp lý sắc bén. Nhưng có giành lại, giữ được chủ quyền biển đảo hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng nó. 

Đã từ lâu, tự cho mình là "đỉnh cao trí tuệ" đảng và nhà nước vẫn thường kênh kiệu: "quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là việc lớn nhân dân hãy để nhà nước lo". Họ đã bỏ ngoài tai các ý kiến đóng góp trái chiều của nhân dân về quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Đồng thời vu cho những người yêu nước tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược là những kẻ "gây rối trật tự công cộng", "xâm hại an ninh quốc gia", "tiếp tay cho các thế lực thù địch" hoặc phạm một tội nào đó để bắt bỏ tù, đưa vào trại phục hồi nhân phẩm như đã từng làm với nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải biệt danh Điếu Cày, cô Phan Thị Thanh Nghiên, cô Bùi Thị Minh Hằng,.... Những hành động ác với dân đó không ngoài mục đích làm vừa lòng để dựa dẫm vào Trung Quốc hòng tiếp tục duy trì chế độ độc tài thối nát nhằm vơ vét trục lợi, bất chấp tương lai dân tộc, đất nước. Mà nhiều khả năng là những kẻ cầm đầu chế độ đã ngấm ngầm cam kết làm tay sai, bán dần đất nước cho ngoại bang. 

Kết cục là trong vài chục năm trở lại đây quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đã bị thua thiệt đủ đường. Mất đất, mất đảo có nguy cơ mất cả biển Đông. Kinh tế, chính trị thì ngày càng lệ thuộc. Gần đây khi Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ép trên biển Đông qua các hành động bắn giết, bắt bớ ngư dân, ngang nhiên xâm phạm hải phận của Việt Nam. Thay vì phải có những hành động kiên quyết, cứng rắn. Đảng, nhà nước Việt Nam một mặt phản đối lấy lệ để xoa dịu dư luận, mặt khác vẫn gia tăng tình hữu nghị "4 tốt, 16 chữ vàng", quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, cam kết dẹp tan các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, vẫn kiên quyết chủ trương đàm phán song phương không đưa các tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Với những "đối sách ngoại giao" trên thì việc lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa để thực hiện điều 1 của luật biển là điều không tưởng. Như vậy dù có hiệu lực ngay từ bây giờ hay 6 tháng nữa thì thứ "vũ khí sắc bén" là luật biển cũng không thể giúp Việt Nam giữ và giành lại chủ quyền biển đảo lại càng không thể. Vì nhân dân đã bị tập đoàn lãnh đạo (đang bị nghi ngờ là có hành vi bán nước) tước mất quyền sử dụng. Sau 21/6. 

Đã có những đấu khẩu đanh thép giữa ngoại giao hai nước. 

Lại tiếp tục có tin ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ tịch thu tàu thuyền. 

Vượt "tường lửa" đã nghe được lời của Điếu Cày từ trong ngục tối. 

Có người đã phê phán hệ thống pháp luật ở Việt Nam "Việt Nam có một rừng luật nhưng lại chuyên sử dụng luật rừng", ám chỉ hệ thống pháp luật ở Việt Nam rối rắm, phức tạp, chồng chéo mà thực hiện thì không nghiêm. Cũng chưa hẳn là đúng. "Rừng luật" ở Việt Nam có rất nhiều điều luật trái với các công ước quốc tế lại được thực hiện, xét xử rất nghiêm. Chẳng hạn như các điều luật 79, 88 trong bộ luật hình sự quy định các tội danh tuyên truyền chống đảng, chống nhà nước, chống chế độ. Đảng, nhà nước sẵn sàng huy động không hạn chế "nhân tài, vật lực" của hệ thống chính quyền, đoàn thể để ngăn chặn, trừng trị những công dân phạm các luật đó. Sở dĩ như vậy vì những điều luật này được quốc hội bù nhìn gồm toàn đảng viên soạn thảo ra là để bảo vệ chế độ độc tài, độc đảng. Cũng trong "rừng luật" còn có những điều luật sinh ra chỉ có mỗi một tác dụng là "trang trí" nghĩa là cho nhân dân trong nước, công luận quốc tế thấy rằng "có nó". Hy vọng luật biển vừa ra đời không thuộc vào loại đó.



7/2012 


_______________________________

Chú thích: 

(*) Trong bài "Nhật Bản nên học theo Việt Nam" của tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản).
(**) Trong hai câu: "Thiếp như con én lạc đàn / Phải tên giờ đã sợ làn cây cong" của Truyện Kiều.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo