Thơ Thái Bá Tân - Chiếc cầu, viên sỏi và cây táo - Dân Làm Báo

Thơ Thái Bá Tân - Chiếc cầu, viên sỏi và cây táo

Thái Bá Tân (Danlambao) - Ai ra cái lệnh ấy. Lệnh quân ta phá cầu. Để đồng đội đơn độc. Giữa vòng vây quân Tàu? Câu chuyện chỉ có thế. Dù có thật hay không. Nhưng cả một đại đội. Đã chết bên kia sông... Câu chuyện này có thật. Tin hay không thì tùy. Cứ hỏi biển thì biết. Biển kia, đang thầm thì... Ông lão ngồi xuống nghỉ. Tựa lưng ông bạn già. Cây táo vui, muốn khóc. Đôi mắt lệ ướt nhòa...


BALLAD VỀ MỘT ĐẠI ĐỘI BỊ BỎ RƠI 

Tôi mới nghe kể lại 
Một câu chuyện đau lòng. 
Có thể là chuyện thật, 
Cũng có thể là không. 

Chuyện kể rằng, lần ấy, 
Khi đánh nhau với Tàu, 
Quân ta và quân địch 
Cách nhau một chiếc cầu. 

Bỗng từ trên có lệnh 
Một đại đội xung phong 
Vượt qua cây cầu ấy, 
Sang bờ bên kia sông. 

Thế mà lạ, sau đó, 
Hai bên đang đánh nhau, 
Có lệnh từ trên xuống. 
Lần này lệnh phá cầu!

Câu chuyện chỉ có thế. 
Một đại đội sang sông, 
Rồi phá cầu, theo lệnh... 
Nghe mà nhói trong lòng. 

Ừ, mà một đại đội 
Biên chế bao nhiêu người? 
Một trăm, hay năm chục, 
Bị đồng đội bỏ rơi? 

Có thể là chuyện thật, 
Cũng có thể là không. 
Sao lòng tôi đau nhói, 
Đau nhói mãi trong lòng. 

Ai ra cái lệnh ấy, 
Lệnh quân ta phá cầu, 
Để đồng đội đơn độc 
Giữa vòng vây quân Tàu? 

Câu chuyện chỉ có thế, 
Dù có thật hay không, 
Nhưng cả một đại đội 
Đã chết bên kia sông. 


BALLAD VỀ CÔ BÉ VÀ NHỮNG VIÊN SỎI 

Ngày ấy, sau giải phóng, 
Sau giải phóng mới phiền, 
Có một gia đình nọ 
Lên tàu đi vượt biên. 

Không cần biết chi tiết, 
Chỉ cần biết cả nhà 
Chết hết, may còn lại 
Cô bé và người cha. 

Người cha và cô bé 
Lênh đênh giữa biển trời 
Ròng rã sáu tuần lễ, 
Sáu tuần, chỉ hai người. 

Cuối cùng cô bé ấy 
Cũng đến được đất liền, 
Tất nhiên ở nước khác, 
Ở nước khác, tất nhiên. 

Có điều bố cô chết 
Để cô được tự do. 
Bố cô đã lấy máu, 
Lấy máu mình nuôi cô. 

Được tự do, cô bé 
Hàng ngày ra biển ngồi. 
Tay nghịch những viên sỏi, 
Mắt nhìn xa, xa vời. 

Cô còn bé, thậm chí 
Không biết rằng người nào 
Đã gây nên điều ấy, 
Làm gì và vì sao? 

Vì sao bố cô chết,? 
Và vì sao việc cô 
Phải uống máu người bố 
Để đến bờ tự do?


Câu chuyện này có thật, 
Tin hay không thì tùy. 
Cứ hỏi biển thì biết. 
Biển kia, đang thầm thì. 

Biển thầm thì thương xót, 
Xót thương một kiếp người. 
Một kiếp người bé nhỏ 
Phiêu diêu giữa biển đời... 




NÓI VỚI CON 

Bố sợ con sướng quá, 
Không khéo lại hóa rồ. 
Lương cao, tiền rủng rỉnh, 
Vô tâm và vô lo. 

Một bữa các con nhậu, 
Đâu đó ngoài cửa hàng 
Bằng tháng lương hưu bố, 
Ấy là loại xoàng xoàng. 

Đồ cái gì cũng xịn, 
Từ nhà đến ô tô, 
Dù trong đó một nửa 
Là tiền bố mẹ cho. 

Không sao, thích thì diện, 
Có tiền cứ ăn chơi. 
Nhưng bố mẹ tiết kiệm, 
Đừng chê và đừng cười. 

Mỗi thời nó một khác. 
Con cái hơn mẹ cha, 
Là điều tốt, rất tốt, 
Là đáng mừng, nhưng mà... 

Nhưng mà đời, con ạ, 
Không chỉ có miếng ăn, 
Còn có cả cái khác, 
Nôm na là tinh thần. 

Nhà văn Nga Tchekhov, 
Nói con người phải luôn 
Làm cho mình thêm đẹp, 
Cả thể chất, tâm hồn. 

Con no đủ, hạnh phúc, 
Bố mẹ mừng, tất nhiên, 
Nhưng còn mừng hơn nữa 
Nếu con biết buồn phiền 

Khi thấy người khác khổ, 
Còn đói ăn hàng ngày. 
Người như thế nhiều lắm. 
Con nên nhớ điều này. 

Đã định không muốn nói, 
Nhưng nói thì nói luôn - 
Xưa, bố mẹ chuyên nhịn 
Để mua sữa nuôi con. 

Và còn chuyện này nữa. 
Chuyện quá khứ nước nhà. 
Nó nặng lắm, con ạ, 
Nặng, buồn và xót xa. 

Tất cả cái nặng ấy, 
Bố chất lên vai mình, 
Để con khỏi mất ngủ, 
Khỏi buồn mà kém xinh. 

Thì đời nào chả vậy, 
Như một lẽ tự nhiên: 
Cha mẹ nhận giông tố 
Cho con cháu bình yên. 

Con nghe, chắc hiểu bố 
Muốn ở con điều gì. 
Cứ diện, cứ ăn hiệu, 
Ô tô con cứ đi. 

Bố chỉ muốn thỉnh thoảng, 
Thỉnh thoảng thôi, đôi lần 
Con nhìn quanh để thấy 
Cái khổ của người dân. 

Con du học từ bé. 
Rất may còn về nhà. 
Một núi tiền của bố, 
Cũng là của dân ta. 

Vậy gắng mà trả nghĩa. 
Bố mẹ thì không cần. 
Trả người con mắc nợ, 
Là đất nước, nhân dân. 

Bố mẹ và đất nước 
Đã cho con ra đời. 
Nếu chẳng may vấp ngã, 
Thì bố mẹ là người 

Sẽ đỡ con đứng dậy. 
Đất nước cũng sẵn lòng 
Nâng đỡ con lần nữa, 
Để con lại thành công. 

Nhân tiện đây, bố kể, 
Ừ, thời gian đang còn, 
Một câu chuyện bổ ích 
Bố viết riêng cho con. 

Ngày xưa có cây táo, 
Lá xum xuê và dày. 
Một cậu bé rất thích 
Chơi với nó hàng ngày. 

Cậu thường leo lên nó, 
Hái quả ăn ngon lành. 
Trưa mệt, cậu nằm ngủ 
Dưới tán lá cây xanh. 

Cậu bé yêu cây táo 
Chân thành và ngây thơ. 
Cây táo cũng yêu cậu, 
Ngày nào nó cũng chờ. 

Thời gian trôi, cậu bé 
Cứ lớn dần, lớn dần, 
Cậu bận học, có vẻ 
Đã quên người bạn thân. 

Một hôm cậu xuất hiện, 
Đôi mắt thoáng buồn rầu. 
Cây táo hồ hởi nói: 
“Nào, ta chơi với nhau!” 

Cậu bé đáp: “Xin lỗi, 
Tớ đã lớn, buồn sao, 
Không thể chơi với cậu 
Vui vẻ như ngày nào. 

Tớ muốn đồ chơi đẹp, 
Mà lại không có tiền.” 
Cây táo nói: “Thật tiếc, 
Tớ cũng không, tất nhiên, 

Nhưng cậu có thể hái 
Táo của tớ trên cây. 
Cách ấy tớ có thể 
Giúp được cậu lần này.” 

Cậu bé nghe, sung sướng 
Hái hết táo mang đi, 
Rồi không thấy quay lại. 
Cây buồn, không nói gì. 

Bỗng một hôm, cậu bé, 
Giờ là người đàn ông, 
Quay lại gặp cây táo, 
Nhiều phiền muộn trong lòng. 

Lần nữa ông xin lỗi: 
“Tớ đã có gia đình, 
Mà nhà thì chưa có, 
Một ngôi nhà của mình.” 

Cây táo đáp: “Thật tiếc, 
Tớ cũng không có nhà. 
Nhưng cậu có thể chặt 
Cành lá tớ xùm xòa. 

Hy vọng cậu đủ gỗ 
Để xây nhà cho mình. 
Ngôi nhà quan trọng lắm 
Khi cậu có gia đình.” 

Người đàn ông sung sướng 
Chặt hết cành mang đi, 
Không một lần quay lại. 
Cây buồn, không nói gì. 

Rất cô đơn và lạnh 
Khi gió bão, mưa sa, 
Nhưng cây táo hạnh phúc 
Biết bạn mình có nhà. 

Người đàn ông lại đến, 
Mái tóc bạc trên đầu. 
Cây táo thấy, vui sướng: 
“Nào, ta chơi với nhau!” 

“Không, tớ già, muốn nghỉ. 
Bao phiền muộn trong lòng. 
Tớ cần chiếc thuyền nhỏ. 
Cậu giúp tớ được không?” 

“Thế thì chặt thân tớ, 
Để đóng một con tàu. 
Cậu tha hồ chơi biển, 
Sẽ không thấy buồn rầu.” 

Ông già chặt cây táo, 
Thuê xe đến mang đi 
Rồi không hề quay lại. 
Cây buồn, không nói gì. 

Cuối cùng ông cũng đến, 
Một ông lão yếu gầy. 
“Tớ không còn gì nữa 
Để cho cậu lần này, - 

Cây nói. - Không còn táo 
Để cậu thích thì ăn.” 
Ông lão đáp: “Răng rụng, 
Không nhai được, không cần.” 

“Thân tớ không còn nữa 
Để leo như ngày nào.” 
“Đã qua rồi thời đó. 
Ừ, cái thời vui sao.” 

“Vậy thì tớ quả thật 
Không còn gì để cho, 
Ngoài gốc cây và rễ 
Đang mục dần thành tro.” 

“Bây giờ, - ông lão nói. - 
Tớ quả không cần nhiều. 
Chỉ một nơi để nghỉ 
Và để sưởi nắng chiều.” 

“Thế thì tốt, thật tốt. 
Tớ giúp cậu lần này. 
Để tựa và để nghỉ, 
Gì tốt hơn gốc cây?” 

Ông lão ngồi xuống nghỉ, 
Tựa lưng ông bạn già. 
Cây táo vui, muốn khóc, 
Đôi mắt lệ ướt nhòa.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo