Thần tượng - kẻ cơ hội - Dân Làm Báo

Thần tượng - kẻ cơ hội

Thùy Linh - Lại thêm một đề văn mà nhiều người đánh giá là hay, phù hợp với thực tế và bớt sự khô khan, giáo điều trước đây. Đề bài khối C rằng: "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu". Và khối D: "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa". Và nếu móc hai đề này thì sẽ có chân dung “con người thời đại” ở Việt Nam mấy chục năm qua: thần tượng của nhiều người chính là con người cơ hội. Vì sao? Bởi chính sự giả dối để che đậy con người thật đã tạo ra những mẫu người cơ hội thăng tiến, có chức vụ (cao và rất cao), trở thành niềm mơ ước, là khát vọng phấn đấu của nhiều người trong đường đời. Tại sao phải giả dối ư? Có vô vàn nguyên nhân mà mỗi người có thể lý giải, cuối cùng qui kết về con đường lệch chuẩn khiến con người lệch chuẩn, chơi vơi, hoang mang, nhồi sọ, che đậy…để sống, chiến đấu và học tập theo gương các bậc tiền bối. Cứ mỗi mùa đại hội Đảng, chính quyền, đoàn thể từ cấp thấp đến cấp cao là cơ hội cho những tham vọng “chiến đấu quên mình”, miễn sao đạt được mục đích. Cứ ngẫm ma xem nhé… 

Chúng ta có quá nhiều khẩu hiệu như kiểu “lập thành tích chào mừng…”. Vậy thì giờ đổ lỗi ai đây? Đã chứng minh hầu như cái gì được làm ra từ “lập thành tích chào mừng…” đều là đồ bỏ. Nhiều công trình, con đường…xây dựng từ “chào mừng” chưa qua nổi một năm “thành tích” đã chứng minh cho thiên hạ thấy, họ-những kẻ làm ra công trình ấy là kẻ cơ hội hay không? Mà không hiếm nhé, nhan nhản khắp nơi, báo chí nói rác tai, thiên hạ chán không muốn nghe thêm nữa. Nhưng đến giờ “công trình chào mừng thành tích…” vẫn chưa hề giảm, chưa hề cải thiện. Cơ hội rút tiền đầu tư cho “chào mừng” để ăn cắp, tham nhũng là nét nổi bật ở các cơ quan nhà nước hiện nay mỗi khi có dịp. Trong nghành giáo dục thì chạy theo thành tích nên mới có sự kiện “đồi Ngô” và chuyện “người đương thời” Đỗ Việt Khoa sống dở chết dở với đồng nghịêp, cấp trên. Mà chuyện thành tích của học sinh liên quan đến thăng chức của giáo viên. Vậy không biết khi ra đề và chấm bài thi của học sinh, nhiều giáo viên thuộc loại “chào mừng thành tích” có nhìn lại mình không?

Xét về bản chất “cơ hội” thì đâu xấu xa gì? Con người biết nắm lấy cơ hội để làm lợi lạc cho đời sống tinh thần, trí tuệ, để sống tử tế, cao hơn là cống hiến cho cuộc đời thì quá tốt và nên hướng đến. Nhưng sao xã hội VN hôm nay, kẻ cơ hội khiến người ta căm ghét và khinh bỉ như vậy? Và kẻ cơ hội nhiều hơn bao giờ hết…Cơ hội kiếm ghế ngồi, cơ hội tham nhũng, cơ hội che giấu mình, cơ hội kết bè đảng…Bởi thế mà chúng ta quá ít thành tựu là đúng với logic. Trong khi gần như rất ít cơ hội tử tế, tích cực, thuận lợi được chia đều cho mọi người, nhất là những số phận kém may mắn, không có mối quan hệ, không có tiếng nói…với xã hội. Liệu con cái của nông dân, dân nghèo trình độ thường thường, thậm chí còn bị nghi ngờ về phông văn hoá có thể trở thành uỷ vein TW, dự khuyết để thành bí thư tỉnh uỷ, thứ trưởng ở tuổi ngoài 30, 40 được không? Liệu có bạn trẻ nào dám phân tích những trường hợp đặc biệt này về thói cơ hội không?

Mới vừa rồi, Nguyễn Hoàng Nguyên-Uỷ viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh viết một bài đưa lên facebook đã bị nhiều người phản ứng vì anh Nguyên cho rằng, việc đi biểu tình phản đối Trung Quốc gọi Hoàng Sa là Tam Sa và phân 9 lô trên biển Đông để mời gọi thầu là “lợi dụng lòng yêu nước”, và tất nhiên đó là những người cơ hội. Không ngạc nhiên vì từ năm ngoái đến giờ, chính quyền luôn coi những người tham gia biểu tình là “cơ hội chính trị”, cùng giuộc với những kẻ cơ hội chính trị khác theo quan điểm của họ. Đọc bài viết của anh ta mà thấy buồn cho khá nhiều người trẻ tuổi hôm nay. Nhiều người mà Nguyên gọi là “lợi dụng lòng yêu nước” đang gặp nhiều khó khăn từ phía chính quyền: mất việc làm, mất chỗ ở, cấm xuất cảnh, bị thẩm vấn, gây khó dễ…Cơ hội gì dành cho họ hay chính những người như Nguyên sẽ ghi điểm để (có thể) dành được lá phiếu cho quá trình thăng chức sau này? 


Liệu có thí sinh nào hiểu được khía cạnh “ve sầu thoát xác” của “cơ hội chính trị” này không nhỉ? Và họ có đủ dũng cảm để phân tích về kẻ cơ hội hay không? Chắc chắn là không, vì họ cũng phải nắm lấy cơ hội thi đỗ. Không đỗ đại học ở VN thì không có cơ hội nào để kiếm được công việc tốt, kiếm tiền tốt…Và với đề bài này sẽ cho ra lò những bài văn không sai dưới con mắt dung tục nhưng không bao giờ chạm đến được bản chất của câu nói trên. Đáng thương cho các thí sinh…Giả sử những cán bộ đoàn như Nguyễn Hoàng Nguyên thăng tiến theo lớp đàn anh là Đinh bộ trưởng bây giờ trở thành “thần tượng” để lớp trẻ phấn đấu thì là thảm họa cho đất nước. Vậy thì kẻ cơ hội mới thực sự cần thần tượng và rêu rao về thần tượng của họ. Nó giống như hiện tượng tâm lý của người trẻ tuổi non nớt luôn cần đến thần tượng để làm chỗ dựa tinh thần cho họ. Càng sống, có thêm kinh nghiệm thì nét tâm lý kia dần biến mất, thay vào đó là sự thông cảm, chia sẻ, yêu thương, đồng cảm, cảm phục…giữa con người với con người. 

Vậy tại sao đề bài thi lại cho rằng “ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa”? Nếu một người mà cứ ngưỡng mộ thần tượng suốt cuộc đời thì e rằng khó mà trưởng thành? Thần tượng của họ phải dịch chuyển dần về hướng Vẻ Đẹp, Nhân Loại, Nhân Văn, Chân-Thiện-Mỹ… chứ không thể ôm mang chỉ một hình tượng cụ thể, con người cụ thể. Tất nhiên cũng có rất ít những con người như Thánh nhân, ví dụ Đức Phật, Chúa Giêsu, sau này là Mẹ Teresa, Mahatman Ghandi…để ta ngưỡng mộ và ngưỡng vọng. Nhưng ngưỡng mộ Đức Phật hay Chúa Giêsu là để tu tập theo những đạo hạnh mà các Ngài đã chỉ ra chứ không để nhìn ngắm, nghe, khoe khoang… 


Thế nên khi kẻ cơ hội lấy ai đó làm thần tượng thì dễ trở thành thảm họa là đúng logic. Họ mê muội hoặc giả vờ mê muội, cốt để đạt mục đích. Và đó là thảm họa cho xã hội, cho tuổi trẻ vốn đã thiếu những tấm gương nay lại bị “thảm họa thần tượng” dội xuống đầu nên cuống quýt tìm đâu đó bên ngoài, vay mượn những thần tượng vốn rất cần cho lứa tuổi non nớt…Tuổi trẻ chới với, bấp bênh, hoang mang, bối rối…là chuỵên thường gặp hiện nay.

Về những thần tượng (hoặc gần như thần tượng) mà truyền thông, giáo dục xây đắp, tuyên truyền, tuổi trẻ luôn nghi ngờ, phản ứng vì giữa “thần tượng” với cuộc đời là một đại dương khác biệt.


Con đường nào cho một người trẻ tuổi bước vào đời?

Dường như chỉ có một “biểu mẫu” để lớp trẻ phấn đấu, noi theo nếu họ theo đuổi con đường học vấn: kiếm việc làm trong các cơ quan nhà nước bằng mọi giá, dù phải đút lót kiếm việc, vào đảng, tạo quan hệ với cấp trên để đặt chân vào con đường thăng tiến. Đây là con đường phổ biến bao năm qua và đến giờ vẫn thịnh hành. Muốn thế họ tự biến mình thành kẻ cơ hội từ lúc nào không hay. Vì tự cổ chí kim, Nho giáo đã dạy cho người ta học là để làm quan. Tư duy đó càng sâu nặng với cơ chế xin-cho bao năm qua.

Thế nên không hề nói quá nếu bảo rằng, con người thời đại chính là kẻ cơ hội - thần tượng của khá nhiều bạn trẻ. Đáng thương thay!

*Ảnh: lấy từ internet.

Thùy Linh


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo