Vứt mẹ cái khẩu hiệu
Còn đảng là còn mình.
Thế mai kia đảng chết,
*
Nói với cháu rể
1.
Mày rót bác cốc nước,
Rồi bác nói điều này.
Năm ngoái bác phản đối,
Không cho cháu lấy mày.
Vì sao ư? Đơn giản
Vì mày là công an.
May, giờ bác vẫn thấy
Mày ngoan, hoặc còn ngoan.
Công bằng ra mà nói,
Công an cũng chẳng sao.
Hơn thế, còn cần thiết,
Nhưng chẳng hiểu thế nào
Giờ lắm đứa tệ quá,
Đạp vào mặt người ta,
Còn giở các trò bẩn,
Đánh đập cả đàn bà.
Giả sử, mai “dự án”
Nó cướp đất nhà mày,
Mày có để lặp lại
Vụ Vân Giang gần đây?
Vợ mày đang có chửa.
Bác mừng cho chúng mày.
Nếu có đứa đạp nó,
Mày sẽ nghĩ sao đây?
Lại nữa, bác bị bắt,
Mày cứ nói thật lòng,
Người ta bảo mày bắn,
Mày có bắn bác không?
Mà bác thì mày biết,
Như mấy lão nông dân,
Làm sao mà “thù địch”,
Mà “phản động”, vân vân.
Nói thật cho mày biết,
Bác yêu đất nước này,
Người Văn Giang cũng vậy,
Hơn gấp vạn chúng mày.
Vứt mẹ cái khẩu hiệu
Còn đảng là còn mình.
Thế mai kia đảng chết,
Không lẽ mày quyên sinh?
Bác là người ngoài đảng.
Mày vào đảng, không sao,
Miễn là mày thực sự
Vì quốc dân, đồng bào.
Mày thừa biết chúng nó,
Cái bọn “vì nhân dân”
Đang ăn cướp trắng trợn,
Pháp luật chúng đếch cần.
Sống ở đời, cháu ạ,
Có nghề mới có ăn.
Làm công an cũng được,
Nhưng phải nhớ vì dân.
Mà dân là bố mẹ,
Là bác, là vợ mày.
Chứ mày nghe bọn xấu
Làm ngược lại là gay,
Là có tội, cháu ạ.
Chưa nói chuyện ở đời
Có cái luật nhân quả,
Tức là luật của trời.
Nhân tiện đây bác kể,
Chỗ bác cháu thân tình,
Một câu chuyện của Phật,
Cháu nghe mà ngẫm mình.
2.
Có nhân thì có quả.
Đó là luật của Trời.
Cũng là luật của Phật,
Ứng nghiệm với mọi người
Một lần, khi giảng pháp,
Với tôn giả, sư thầy,
Phật Thích Ca đã kể
Một câu chuyện thế này.
Có một con bò nọ,
Nhân khi vắng người chăn,
Đã xuống ăn ruộng lúa
Của một người nông dân.
Ông này rất độc ác,
Tức giận, mắng con bò:
“Tao vất vả, nhịn đói,
Mà mày thì ăn no.
Mày phải trả giá đắt.
Tao sẽ cắt lưỡi mày,
Để mày phải ghi nhớ
Không ăn lúa từ nay.”
Nói đoạn, ông cắt lưỡi
Con bò này đáng thương.
Nó không hiểu, nghĩ lúa
Là loại cỏ bình thường.
Còn ông nông dân ấy
Sau sinh ba người con,
Tất cả đều khỏe mạnh,
Cả thể xác, tâm hồn.
Có điều cả ba đứa
Không ai hiểu vì sao
Câm, suốt ngày lặng lẽ,
Không nói được tiếng nào.
Các thầy thuốc bất lực.
Ông bố thì buồn lo.
Và rồi ông chợt nhớ
Chuyện xưa cắt lưỡi bò.
Giờ hối thì đã muộn.
Ở lành thì gặp hiền.
Sống ác thì gặp ác.
Mọi cái có nhân duyên.
“Đời là thế, - Phật nói. -
Xưa nay chưa có người
Thoát được luật nhân quả.
Bởi đó là Luật Đời.”
Bọn Tởm
Ngẫm người xưa mà nể.
Thúc Tề và Bá Di
Nhường nhau mãi ngôi báu
Không được, cùng bỏ đi.
Sau, hai người lên núi,
Chỉ sống bằng lá cây,
Ghét nhà Chu, thà chết,
Không ăn thóc nước này.
Có người nói, cây lá
Thuộc đất Chu Vũ vương.
Hai ông không ăn nữa,
Rồi chết, nghĩ mà thương.
Giờ ta, cứ nói thẳng,
Chẳng ai nhường ngôi nhau.
Đồng chí, anh em đấy,
Mà oánh nhau vỡ đầu.
Còn cái bọn bên dưới,
Bọn quan tham, mị dân,
Chúng không chỉ ăn thóc,
Còn ăn đất, ăn phân.
Còn có một bọn nữa,
Bọn có chữ giả mù,
Giả câm điếc, lặng lẽ
Ăn bổng lộc nhà Chu.
Bọn này khôn lắm đấy,
Khôn hơn chúng ta nhiều.
Khi thời cuộc thay đổi,
Theo gió, chúng đổi chiều.
Ai muốn, tôi xin cá,
Mà những một ăn mười,
Rằng lúc ấy bọn chúng,
Hăng hái hơn mọi người,
Chúng chửi bọn đã chết,
Mà chửi to, rất to,
Và rằng chúng dân chủ,
Suốt đời vì tự do.
Giờ thì chúng, xin lỗi,
Bận “chuyên môn” hàng ngày.
Thế đấy, các bác ạ.
Rất tởm là bọn này.