VOA - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông - Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cho biết bà ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam nhằm góp phần giải quyết các vấn đề ở Biển Đông đang có tranh chấp, nhưng bà tin rằng quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản này cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ nhân quyền.
Theo tin của AP, sau cuộc hội kiến Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm thứ ba tại Hà Nội, bà Clinton nói rằng bà tiếp tục quan tâm một cách đặc biệt về tình trạng thiếu tự do internet, cùng với việc các nhà báo, blogger, luật sư và những người bất đồng chính kiến bị cầm tù vì bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa.
Việt Nam lâu nay vẫn khẳng định chỉ có những người vi phạm pháp luật mới bị cầm tù.
Ngoại trưởng Clinton cũng cho biết bà hy vọng Diễn đàn Khu vực ASEAN tổ chức ở Campuchia trong tuần này sẽ có được tiến bộ trong việc hình thành một bộ qui tắc hành xử để giúp giải quyết các vụ tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình.
Vùng biển có nhiều tài nguyên thiên nhiên và có tầm quan trọng cao về mặt chiến lược này là nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa 6 nước Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.
Hôm qua, Quốc Vụ Khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kim Hourn cho biết ngay trong ngày thứ nhất của cuộc họp ở Phnom Penh các vị ngoại trưởng của các nước ASEAN đã đồng ý với nhau về bộ qui tắc hành xử Biển Đông, thường được gọi tắt là COC.
Ông Kao Kim Hourn nói rằng “Chiều nay các vị ngoại trưởng đã họp và thông qua những yếu tố then chốt của COC, chỉ trong nội bộ các nước thành viên, và từ nay họ sẽ bắt đầu thảo luận với Trung Quốc.”
Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cũng cho báo chí biết rằng các nước ASEAN đã đồng ý với nhau về COC sau cuộc thảo luận có nhiều thành quả. Ông nói thêm rằng đây là một cuộc thảo luận rất suôn sẻ giữa tất cả các nước thành viên và nước thành viên nào cũng có quyền bày tỏ ý kiến của mình.
Nguồn: AP, Xinhua
*
RFI - Tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ cổ vũ cho dân chủ và quyền tự do ngôn luận
Ngoại trưởng Hillary Clinton và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 10/07/2012 (Reuters)
Trọng Nghĩa - Ghé thăm Việt Nam ngày 10/07/2012 hôm nay với trọng tâm kinh tế thương mại được tuyên bố công khai, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã tỏ thái độ ủng hộ Việt Nam trên vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, bà cũng không ngần ngại cổ vũ cho dân chủ, bày tỏ mối quan ngại về tình hình tự do ngôn luận bị hạn chế tại Việt Nam. Các tuyên bố về nhân quyền của bà Clinton được cho là nhằm đáp ứng những lời kêu gọi của giới bảo vệ nhân quyền trong những ngày gần đây.
Phát biểu vào hôm nay sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, sau khi nhấn mạnh đến lợi ích mà Việt Nam có thể thu hoạch được trong khuôn khổ khối tự do mậu dịch gọi là Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP đang được thương thuyết, bà Hillary Clinton đã lưu ý là thỏa thuận TPP đòi hỏi những « tiêu chuẩn cao hơn », và Việt Nam cần « mở rộng thêm không gian cho tự do trao đổi ý tưởng, tăng cường các quy định của pháp luật và tôn trọng các quyền phổ quát của tất cả những người lao động của mình, kể cả việc cho tự do thành lập công đoàn ».
Nhấn mạnh ý kiến bà đã nêu lên vào hôm qua tại Mông Cổ, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng các quốc gia châu Á, với các hệ thống chính trị khép kín, cũng phải để ý đến những lời kêu gọi dân chủ hóa rộng rãi hơn, vì điều đó sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế của họ phát triển.
Theo bà Clinton : « Dân chủ và thịnh vượng song hành với nhau. Cải cách chính trị và tăng trưởng kinh tế liên kết với nhau. Tiến trình dấn thân sâu hơn của Mỹ trong khu vực này sẽ hỗ trợ tiến bộ trên cả hai hướng đó ».
Mặt khác, Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết là bà đã nêu lên mối quan ngại của Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, « trong đó có cả những vụ bắt giam các nhà đấu tranh, các luật sư, và các blogger vốn đã phát biểu ý kiên và quan điểm một cách ôn hòa ». Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ không nêu danh tánh cụ thể của những người này.
Theo AFP, bà Clinton đã phải chịu nhiều sức ép, muốn bà phải lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề nhân quyền. Vào hôm qua, một dân biểu Mỹ - Frank Wolf, đảng Cộng hòa - đã công khai đòi Washington cách chức đại sứ Mỹ David Shear tại Việt Nam, cho rằng nhân vật này thiếu quan tâm đến vấn đề nhân quyền.
Cùng lúc, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, trong một bản thông báo, cũng kêu gọi bà Clinton thúc giục Chính quyền Việt Nam giảm thiểu các hạn chế chặt chẽ quyền tự do trên Internet và trả tự do cho hàng chục blogger đang bị giam cầm.
Theo AFP, dân biểu Frank Wolf là một người nổi tiếng thẳng thắn trong lãnh vực nhân quyền. Trong một bức thư gởi Tổng thống Mỹ Barack Obama được ông công bố hôm qua, ông đã than phiền là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã không giữ lời hứa là sẽ mời một số nhân vật đấu tranh cho nhân quyền, blogger và các nhân vật tôn giáo tại Việt Nam đến Đại sứ quán nhân lễ Quốc khánh Hoa Kỳ 04/07 vừa qua.
Khi bị truy hỏi về lý do vì sao không mời, thì đại sứ David Shear cho biết là ông đã mời một vài nhà hoạt động thuộc xã hội dân sự, nhưng rồi lại nói rằng ông cần duy trì một « sự cân bằng ». Hành động của Đại sứ Mỹ tại Hà Nội bị dân biểu Wolf cho không xứng đáng với vai trò một người đại diện cho nước Mỹ, và ông đòi là phải cách chức nhân vật này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ bà Victoria Nuland đã lên tiếng bảo vệ ông Shear, xác định rằng vị Đại sứ Mỹ ở Việt Nam có liên lạc với rất nhiều giới tại Việt Nam, bao gồm cả những nhân vật hoạt động dân chủ và lãnh đạo tôn giáo. Ông đã mời đại diện của các nhóm này đến buổi tiếp tân nhân ngày 04/07.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: Đại sứ David Shear được cả Tổng thống Obama lẫn Ngoại trưởng Clinton « tin tưởng hoàn toàn ».
*
BBC - Bà Clinton tiếp xúc lãnh đạo Việt Nam
Bà Clinton muốn Việt Nam mở rộng lối vào cho doanh nhân Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đánh giá cao nỗ lực ngoại giao của Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông, nhưng cũng nói Hà Nội cần nỗ lực hơn trong bảo vệ nhân quyền.
Bà Ngoại trưởng cũng nói hai nước có thể sẽ đạt thỏa thuận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước cuối năm.
Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ở Hà Nội hôm 10/7, bà Clinton nói Washington ủng hộ nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
“Hoa Kỳ đánh giá rất cao sự đóng góp của Việt Nam để có giải pháp ngoại giao hợp tác cho các tranh chấp và giảm căng thẳng ở Biển Nam Trung Hoa.”
“Chúng tôi hy vọng Asean sẽ có tiến bộ nhanh chóng với Trung Quốc hướng đến bộ quy tắc ứng xử hiệu quả nhằm bảo đảm khi xảy ra thách thức, chúng được điều chỉnh và giải quyết hòa bình thông qua quá trình thống nhất phù hợp với tiêu chuẩn luật quốc tế,” bà Clinton tuyên bố.
Bà cũng nói bà lo ngại về thiếu tự do trên mạng, cùng với việc bắt giam các phóng viên, blogger, luật sư và bất đồng chính kiến.
Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ trong cuộc gặp với người tương nhiệm, bà đã nêu vụ xử sắp diễn ra với các blogger thuộc Câu lạc bộ Nhà báo Tự do.
Ông Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày), Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn) và Tạ Phong Tần, sẽ bị đưa ra xét xử trong vụ án này.
“Chúng tôi lo ngại về hạn chế tự do ngôn luận trên mạng và phiên xử sắp tới với những người sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do,” bà Clinton cho biết.
Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định chỉ những ai vi phạm pháp luật mới bị bắt giam.
Ngoại trưởng Mỹ cũng công khai đề cập vấn đề chất da cam gây tranh cãi.
“Tôi đã nỗ lực rất nhiều để bảo đảm Hoa Kỳ đang đối diện vấn đề chất da cam. Đó là di sản mà chúng tôi vẫn quan tâm và đã tăng cam kết tài chính.”
“Ông bộ trưởng [Phạm Bình Minh] và tôi đã thảo luận về một kế hoạch dài hạn, để có thể nhìn tới không chỉ từng năm, mà nhìn về tương lai,” bà Clinton phát biểu.
Gặp lãnh đạo Việt Nam
Tại Hà Nội hôm 10/7, Ngoại trưởng Mỹ đã tiếp xúc với cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thông Tấn xã Việt Nam nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “hai bên cần tiếp tục nỗ lực tăng cường quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới”
Ngoại trưởng Mỹ đã có cuộc gặp với Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng
Việt Nam xác nhận Thủ tướng Dũng và bà Clinton đã trao đổi về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và hợp tác tiểu vùng sông Mekong.
Theo Thông Tấn xã Việt Nam, hai người khẳng định tranh chấp chủ quyền “cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Việt Nam được cho là mong muốn phát triển quan hệ với Mỹ vượt quá mức độ thương mại. Nước này đã nói rõ rằng họ muốn có mối quan hệ chặt chẽ hơn với nước từng là cựu thù chiến tranh của họ trong bối cảnh căng thẳng về chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.
Nói tại Hà Nội, bà Clinton nhấn mạnh Việt Nam “đã trở thành lãnh đạo ở tiểu vùng sông Mekong và Đông Nam Á, nơi Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ các quyền lợi chiến lược”.
Hiệp định TPP
Một điểm nhấn của chuyến thăm ngắn ở Hà Nội là việc bà Clinton nói bà hy vọng hai nước có thể sẽ đạt thỏa thuận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước cuối năm.
“Các kinh tế gia trông đợi Việt Nam sẽ thuộc số các nước có lợi nhất nhờ TPP.”
“Chúng tôi hy vọng hoàn tất thỏa thuận trước cuối năm,” bà Clinton nói.
Bà nói TPP sẽ giảm bớt rảo cản thương mại nhưng tăng tiêu chuẩn về nhiều lĩnh vực như điều kiện lao động, bảo vệ môi trường, bảo hộ tài sản trí tuệ.
“Sẽ phải có thêm không gian cho sự trao đổi tư tưởng tự do, củng cố pháp quyền, tôn trọng quyền của mọi người lao động trong đó có quyền lập công đoàn,” bà nói.
Hai chính thể vẫn còn nhiều khác biệt về tự do ngôn luận
Cũng trong một ngày nhiều hoạt động, Ngoại trưởng Mỹ có mặt ở Đại học Ngoại thương Hà Nội để kỷ niệm 20 năm Chương trình Học bổng Fulbright của chính phủ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Tham dự chương trình là hơn 200 cựu sinh viên chương trình Fulbright và một số chương trình giáo dục khác của Hoa Kỳ, cùng với các sinh viên Đại học Ngoại thương.
Sứ quán Mỹ cho biết từ 20 năm qua, chương trình Fulbright đã đưa hơn 1.000 sinh viên, giáo viên và học giả Việt Nam sang Hoa Kỳ để học tập và nghiên cứu nâng cao.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tiếp hơn 20 doanh nghiệp Mỹ đi cùng bà Clinton.
Theo số liệu chính thức của chính phủ Mỹ thì năm ngoái Mỹ thâm hụt 13,2 tỷ đôla trong giao thương với Việt Nam. Tuy nhiên nền kinh tế dựa vào ngoại thương của quốc gia này đang cần một cú hích.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm xuống còn 4,38% trong nửa đầu năm 2012. Đây là tốc độ tăng trưởng chậm chạp nhất của nước này trong ba năm trở lại đây do tác động của các yếu tố như lạm phát cao và các khó khăn ở châu Âu.
“Tôi nghĩ một trong những điều then chốt ở đây là nếu chúng ta nhìn vào Asean thì sẽ thấy đây là một trong những khu vực trung lưu phát triển nhanh nhất trên thế giới,” một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với các phóng viên tháp tùng bà Clinton.
“Và nếu chúng ta xem xét đâu là thành tố quan trọng trong sự phục hồi kinh tế của Mỹ thì rõ ràng xuất khẩu sẽ đóng vai trò trung tâm, nhất là xuất khẩu sang châu Á,” quan chức này nói thêm với điều kiện giấu tên.
*
RFI - Ngoại trưởng Mỹ đi Việt Nam: Biển Đông và thương mại là trọng tâm
Ngoại trưởng Hillary Clinton và phái đoàn Mỹ tiếp xúc
với phái đoàn Việt Nam tại Hà Nội, ngày 10/07/2012 (Reuters)
Mai Vân / Trọng Nghĩa - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến Hà Nội vào hôm nay 10/07/2012 trong một chuyến công du sẽ kéo dài đến ngày mai. Theo phía Hoa Kỳ, những hồ sơ lớn được thảo luận trong chuyến ghé thăm lần này chủ yếu liên quan đến thương mại. Tuy nhiên, hồ sơ Biển Đông cũng nổi bật trong các cuộc thảo luận Mỹ - Việt.
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Trung Quốc căng thẳng trở lại sau một loạt động thái quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông, và nhất là khi cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều sẽ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN ARF ngày 12/07 tới đây ở Phnom Penh, hồ sơ Biển Đông cũng nổi bật trong các cuộc thảo luận Mỹ - Việt.
Ngay sau khi đặt chân xuống Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ đã tiếp xúc ngay với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh. Theo hãng tin Pháp AFP, chương trình làm việc của bà Hillary Clinton tại Việt Nam còn bao gồm các cuộc thảo luận với các lãnh đạo khác của Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ có một buổi nói chuyện với sinh viên cũng như đại diện của giới doanh nhân Mỹ và Việt Nam.
Phát biểu tại Hà Nội, bà Hillary Clinton ghi nhận là đã có những thay đổi « rất đáng chú ý » tại Việt Nam, và quan hệ hợp tác giữa hai nước đang « phát triển đều đặn ». Ngoại trưởng Mỹ còn xác nhận là hai nước cùng chia sẻ "những lợi ích chiến lược quan trọng" trong các vấn đề như Biển Đông.
Vào hôm qua, ngay khi bà Clinton còn ở Mông Cổ, phía Mỹ đã cho biết là tại Hà Nội, Ngoại trưởng cũng sẽ thảo luận với phía Việt Nam về « những diễn biến gần đây trong vùng, như ở Biển Đông ». Một quan chức ngoại giao Mỹ tiết lộ là bà Clinton rất muốn đích thân « lắng nghe, từ cấp cao », lập trường của Việt Nam tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ARF ngày 12/07.
Về phần mình, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết là hai bên đều nhất trí rằng tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua « các biện pháp hòa bình ». Ông đồng thời bày tỏ hy vọng là quan hệ song phương Mỹ-Việt sẽ « phát triển một cách mạnh mẽ » trong những năm tới.
Riêng về việc thúc đẩy hợp tác thương mại, trọng tâm chính chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ lần này, Ngoại trưởng Việt Nam xác định với đồng nhiệm Mỹ rằng : « Có nhiều cơ hội cho thương mại và đầu tư sẽ được mở ra sau chuyến thăm này. Đầu tư và các thương mại sẽ luôn luôn là một động lực trong quan hệ song phương của chúng ta ».
Theo AFP, Hoa Kỳ đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế hiện đang bị hụt hơi của mình bằng cách tăng gia xuất khẩu qua các thị trường Châu Á, hiện rất năng đông. Ngoại trưởng Mỹ muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam và các nước ASEAN nói chung, trước tham vọng ngày càng cao của Trung Quốc trên mặt kinh tế cũng như về lãnh thổ.
Một viên chức ngoại giao tháp tùng theo bà Clinton đã giải thích với báo chí rằng : « Một trong những chìa khóa ở đây, khi ta nhìn trường hợp ASEAN, là tầng lớp trung lưu tại đây thuộc loại phát triển nhanh nhất thế giới (...)Vai trò của ngành xuất khẩu, đặc biệt là qua Châu Á, rất quan trọng đối với sự vực dậy của nền kinh tế Mỹ ».
Viên chức xin ẩn danh này còn nói thêm là đang « cố gắng khuyến khích những người chưa bao giờ nghĩ đến việc xuất khẩu hãy nỗ lực thêm và hướng về Châu Á nói chung ». Theo số liệu của Mỹ, thất thu thương mại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam lên đến 13,2 tỷ đô la vào năm 2011.
Phát biểu tại Hà Nội hôm nay, bà Clinton đã hoan nghênh sự phát triển của thương mại song phương Mỹ - Việt, đã tăng « hầu như là từ số không vào năm 1995 lên thành hơn 22 tỷ đô la hiện nay, », nhưng theo bà tiềm năng còn cao hơn nữa. Đối với Ngoại trưởng Mỹ, Việt Nam có thể có lợi ích đáng kể nếu khối mậu dịch Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP – mà cả Việt Nam lẫn Mỹ đang đàm phán cùng với nhiều nước khác - được hình thành vào cuối năm nay.
*
VOA - Việt Nam, Hoa Kỳ đồng ý tăng cường quan hệ thương mại
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh tại nhà khách chính phủ ở Hà Nội, ngày 10/7/2012. Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết đầu tư và thương mại sẽ luôn là động lực thúc đẩy cho các mối quan hệ song phương Việt-Mỹ.
Theo tin của hãng thông tấn Pháp, ông Phạm Bình Minh tuyên bố như thế hôm thứ ba tại Hà Nội sau khi tiếp kiến ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, người đang thực hiện chuyến công du hai ngày ở Việt Nam. Ông Phạm Bình Minh nói thêm rằng “Sẽ có nhiều cơ hội thương mại và đầu tư sau chuyến viếng thăm này”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Clinton cho biết đã có những thay đổi “đáng kể” ở Việt Nam trong thời gian qua và sự hợp tác giữa hai nước đang “lớn mạnh một cách đều đặn”. Bà nói thêm rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có chung “những quyền lợi chiến lược quan trọng” đối với những vấn đề như Biển Đông.
Ông Phạm Bình Minh nói rằng đôi bên đồng ý với nhau là vụ tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết thông qua “các biện pháp hòa bình” và ông hy vọng quan hệ Việt-Mỹ sẽ lớn mạnh rất nhiều trong những năm tới đây.
Ngoại trưởng Clinton cho biết kim ngạch thương mại Việt-Mỹ đã gia tăng “từ chỗ hầu như không có gì vào năm 1995 cho tới chỗ nhiều hơn 22 tỉ đô la hôm nay”, nhưng vẫn còn tiềm năng để gia tăng nhiều hơn nữa.
Bà nói rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi đáng kể nếu hiệp định mậu dịch tự do Xuyên Thái bình dương (TPP) được đúc kết vào cuối năm nay, nhưng hiệp định này đòi hỏi “những tiêu chuẩn cao hơn” và Việt Nam cần phải “tạo thêm không gian cho sự trao đổi ý kiến, tăng cường pháp trị, và tôn trọng các quyền phổ cập của người lao động, kể cả quyền tự do thành lập nghiệp đoàn.”
Bà Clinton cho rằng dân chủ và thịnh vượng đi chung với nhau, và cải cách kinh tế có liên hệ chặt chẽ với cải cách chính trị.
Nguồn: AFP, Bloomberg
http://www.voatiengviet.com/content/vietnam-hoa-ky-dong-y-tang-cuong-quan-he-thuong-mai/1381846.html
*
RFA - Biển Đông & Nhân quyền trong chuyến thăm VN của Ngoại trưởng Mỹ
Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2012-07-09
Vấn đề biển Đông và nhân quyền có lẽ là các chủ đề chính mà bà Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ đề cập với giới cầm quyền trong chuyến sang thăm Việt Nam.
AFP - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
bắt tay tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội ngày 10 tháng 7 năm 2012.
Song về góc độ nhìn nhận sự việc thì dư luận lại có các ý kiến không giống nhau. Vậy các ý kiến này đã lập luận như thế nào? Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường trình sau.
Chính sách biển Đông
Bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hawaii hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Clinton từng tuyên bố Mỹ coi trọng và thúc đẩy hơn nữa trong hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Mỹ cũng mong muốn nâng tầm quan hệ, hướng tới đối tác chiến lược giữa hai quốc gia. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Đông. Với câu hỏi trong bối cảnh vấn đề biển Đông đang nóng lên, đâu là chính sách tối ưu mà Việt Nam cần thực hiện trong quan hệ với Mỹ, chúng tôi được ông Dương Danh Dy cho biết như sau:
“Theo tôi, chính sách biển Đông không phải là mối quan hệ tay đôi giữa Việt Nam với Trung Quốc, điều này trên thế giới đều biết rõ cả. Bây giờ nó là một bộ phận cấu thành của quốc tế trong thời đại hội nhập này. Hiện nay do Trung Quốc cố tình gây chuyện kiếm cớ, tình hình biển Đông đang nóng lên.
Tôi nghĩ việc bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đến thăm Việt Nam lần này, là nó khác với những lúc khác. Thế thì nó là như thế nào? Tôi nghĩ là trong vấn đề đối phó với Trung Quốc ở biển Đông, nó không phải là vấn đề tay đôi giữa Việt Nam và Trung Quốc nữa. Nhưng mà tôi vẫn phải nhấn mạnh một điều rằng, đối với người Việt Nam; trước hết chúng tôi tin tưởng vào chính nghĩa, tin tưởng vào lực lượng của bản thân chúng tôi. Lực lượng tôi muốn nói ở đây là cả tinh thần lẫn vật chất.
Đồng thời, chúng tôi rất coi trọng sự ủng hộ về tinh thần, thậm chí cả về vật chất của các nước có lòng tốt trên thế giới. Trong đó, chúng tôi không loại trừ Mỹ. Cho nên Mỹ giúp đỡ được chúng tôi về tinh thần, về vật chất hay về bất kỳ điều gì nữa trong việc làm cho tình hình biển Đông ổn định; làm cho sự xung đột giảm căng thẳng đi, chúng tôi đều hoan nghênh.”
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton khởi đầu chuyến công du Pháp, Nhật Bản, Mông Cổ, Việt Nam, Lào, Campuchia, Ai Cập và Israel rời Washington, DC vào ngày 05 tháng 7. Courtesy state.gov
Mỗi năm, khoảng hơn ngàn tỷ đôla hàng hóa của Mỹ đi qua khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Là điều dễ hiểu khi Mỹ quan tâm đặc biệt tới việc tìm giải pháp cho căng thẳng ở Biển Đông. Liên hệ đến mối tương quan quyền lợi giữa các quốc gia, Luật sư Lê Quốc Quân cho chúng tôi biết ý kiến về vấn đề biển Đông, như sau:
“Tôi cho rằng gần đây Trung Quốc tiến hành gây hấn quá nhiều với Việt Nam. Thực tế Việt Nam thì nhỏ, yếu hơn so với Trung Quốc. Tất nhiên, nếu như chúng ta nhìn cách tổng thể thì thấy rằng chỉ có chính quyền Hoa Kỳ hoặc những sức mạnh Hoa Kỳ đang có mới có thể đủ sức răn đe. Hoặc đủ sức làm cho Trung Quốc phải suy nghĩ, cân nhắc trong việc đối xử với các nước Đông Nam Á nói chung, và riêng đối với Việt Nam.
Theo quan điểm Hoa Kỳ sẽ giữ gìn sự ổn định, chống leo thang gây hấn ở biển Đông. Cũng như là đảm bảo quyền tự do hàng hải của các tàu Hoa Kỳ. Tôi kỳ vọng là bà Hillary Clinton sẽ can thiệp nhiều hơn, mạnh hơn.”
Mức độ cải thiện nhân quyền
Bên cạnh vấn đề biển Đông, không ít chính khách Mỹ cho rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia có tiến triển hơn nữa hay không là phụ thuộc vào mức độ cải thiện hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. Với sự khác biệt về hệ thống chính trị giữa hai nước, thực tế cho thấy có những thừa nhận không giống nhau trong các vấn đề nhân quyền. Với câu hỏi, liệu rằng Việt Nam và Mỹ có cùng nhau vượt qua được rào cản này hay không, chúng tôi được ông Dương Danh Dy trả lời như sau:
“Theo tôi, hoàn toàn có thể vượt qua được. Mỹ là một nước kinh tế thị trường, Việt Nam bây giờ cũng là kinh tế thị trường. Tất nhiên là, chúng tôi có cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là sự gặp nhau lớn nhất về cơ sở kinh tế. Cho nên tôi nghĩ, người Mỹ thì cứ hơi nhấn mạnh cách quá đáng đến chuyện nhân quyền, để gây sức ép với Việt Nam. Nhưng mà tôi nghĩ, cái chung nhất: hai bên cùng là kinh tế thị trường. Lấy hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc.”
Quả thật, yếu tố kinh tế chiếm phần quan trọng trong việc xác lập các mối quan hệ chính trị. Vậy liệu những giá trị về nhân quyền có tính phổ quát hay không, hay chúng sẽ tùy thuộc vào việc nhìn nhận qua các lăng kính chính trị. Cũng câu hỏi với ông Dương Danh Dy, chúng tôi đã phỏng vấn Luật sư Lê Quốc Quân thì được ông ấy cho biết:
“Tôi rất là hy vọng rằng bà Ngoại trưởng sẽ đề cập đến vấn đề nhân quyền. Và tôi tin rằng, ít nhiều gì bà cũng sẽ đề cập đến chuyện đấy. Và đề cập là một điều rất tốt rồi. Thế còn lại, có những bước cải thiện một cách đột biến, hoặc tích cực lớn thì tôi không hy vọng như vậy.
Tôi nghĩ trong tầm chiến lược lâu dài thì chắc chắn là không thể vượt qua hay là đồng hóa được như thế. Bởi vì giá trị nhân quyền là một giá trị phổ quát cho tất cả mọi người trên thế gian này. Đó là quyền của con người, từ ngàn xưa đến nay, bây giờ vẫn vậy. Nó trải dài từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam; từ những người da đen, những người nô lệ. Hoa Kỳ đang cổ súy những giá trị như vậy. Cho nên không thể nói rằng, vì chế độ chính trị khác nhau mà có những cái nhìn về nhân quyền khác nhau.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng là một trong giai đoạn ngắn hạn, có tính sách lược thì biết đâu Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ có những đồng thuận nhất định với nhau, để giải quyết một số vấn đề ngắn hạn nào đó. Mà người ta đành gác lại một bên những giá trị nhân quyền, theo nghĩa là: Ừ thôi, tôi quan niệm như thế này thì là theo thế này, còn anh quan niệm như thế kia là việc của anh. Chúng ta tạm thời gác lại để làm những việc nhất định, để hướng đến một quá trình lâu dài hơn.
Nhưng dứt điểm, không thể có chuyện hai bên nhìn nhận ở 2 góc độ khác nhau mà vẫn cứ đi song song trong một quãng đường dài, mang tính chiến lược được.”
Việt Nam có khá nhiều kinh nghiệm khi chạm vào cuộc chơi quyền lực giữa các cường quốc. Hiệp định Geneva năm 1954 hay Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 là những bài học lịch sử điển hình trong các quan hệ quốc tế liên quan đến Việt Nam.