T.Dũng (NLĐ) - Chiều 26-7, đại tá Ngô Văn Phương, Trưởng Công an huyện Văn Giang - Hưng Yên, đã xác nhận ngoài 2 công an, 3 người còn lại tham gia đánh 2 nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang trong khi 2 nhà báo này đang tác nghiệp về vụ cưỡng chế thu hồi đất dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark) vào ngày 24-4 là người của Công ty TNHH V & T.
2 nhà báo VOV bị đánh trong buổi cưỡng chế ở Văn Giang. Ảnh cắt từ clip
Theo ông Phương, 3 người này là Nguyễn Xuân Biên, Lê Văn Băng và Cao Như Mác, có nhiệm vụ bảo vệ máy xúc, máy ủi của doanh nghiệp tại hiện trường vụ cưỡng chế thu hồi đất.
Đại tá Ngô Văn Phương cho rằng việc 3 người này tham gia vụ đánh 2 nhà báo VOV là do họ bức xúc, nóng nảy bởi nhiều chuyện và do nhầm tưởng nhà báo là người dân. Ông Phương cho biết Công an huyện Văn Giang đã xử phạt hành chính 3 người này do có hành vi gây rối trật tự công cộng, với mức phạt 1,5 triệu đồng/người.
*
'Không đủ cơ sở truy tố'
BBC - Công an Hưng Yên vừa công bố kết quả điều tra vụ hai phóng viên báo đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bị hành hung hồi tháng Tư.
Theo kết quả vừa công bố hôm 25/7, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên quyết định thi hành kỉ luật, cách chức Thượng úy Đặng Quang Hoàng, phó đội trưởng Công an huyện Văn Giang, người trực tiếp dùng gậy đánh nhà báo Nguyễn Ngọc Năm.
Ba công nhân của Công ty vận tải xây dựng V&T có mặt tại hiện trường hôm đó cũng bị điều tra về hành vi đánh hai ông Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long, trưởng phòng và phóng viên Ban Thời sự-Chính trị-Kinh tế (thuộc Trung tâm tin của VOV).
Tuy nhiên, Công an Hưng Yên nói "không đủ cơ sở" để khởi tố hình sự đối với các đối tượng kể trên.
Giám đốc Công an tình Hưng Yên cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính với ba công nhân của V&T.
Phía công ty TNHH V&T từ chối đưa ra lời bình luận về trách nhiệm đối với ba công nhân của mình.
Video được cho là quay cảnh các phóng viên VOV bị cảnh sát vây đánh hiện vẫn nằm tràn lan trên các trang mạng
Trong bản công bố kết quả điều tra, công an tỉnh Hưng Yên cho biết “không đủ cơ sở để khởi tố tội gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác” theo các điều khoản Bộ Luật Hình Sự vì kiến nghị không khởi tố cán bộ của hai nhà báo và việc vắng mặt của kết quả kiểm định thương tích.
Luật sư Nguyễn Nguyên thuộc công ty luật Hưng Nguyên tại Hà Nội trả lời phỏng vấn BBC:
“Các hai điều khoản trong bộ luật hình sự qui định về tội cố ý gây thương tích đều đòi hỏi kết quả giám định thương tích của nạn nhân.”
“Tuy nhiên vì hai nhà báo đã không chịu để giám định thương tích, đồng thời kiến nghị truy tố cán bộ công an trước pháp luật vì thế viện kiểm sát không có cơ sở để điều tra hình sự.”
Luật sư Nguyên cũng cho rằng quyết định phạt hành chính đối với ba công nhân hợp đồng của công ty TNHH V&T và cách chức ông Đặng Quang Hoàng là hoàn toàn công bằng, hợp lí và theo khuôn khổ pháp luật nói chúng và ngành công an nói riêng.
Công an được quyền đánh nặng hơn?
Cả hai nhà báo VOV Đàm Văn Đồng và Hán Phi Long đều kiến nghị không truy tố cán bộ công an cũng như từ chối kiểm định thương tích
Bộ Luật Hình sự Việt Nam có hai điều khoản riêng biệt qui định mức phạt tội cố ý gây thương tích dành cho người thường và nguời thi hành công vụ:
Điều 104: Tội cố ý gây thương tích cho người khác bởi người thường sẽ bị phạt cải tạo đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm, với điều kiện kết quả kiểm định của nạn nhân chứng nhận thương tích từ 11% trở lên.
Điều 107: Cũng qui định xử lí cải tạo đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm tội dùng vũ lực ngoài trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích cho người khác đối với người thi hành công vụ, tuy nhiên mức độ kiểm định thương tích phải ở trên 31%.
Cả hai phóng viên VOV bị vây đánh khi xuống hiện trường tìm hiểu vụ cưỡng chế đất tại Văn Giang, Hưng Yên, ngày 24/4.
Có ý kiến nói họ bị vây đánh "nhầm" vì tác nghiệp trong lúc không đeo thẻ nhà báo.