Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Một người con gái đẹp (mỹ nhân) đang gặp hoạn nạn thì được một người tài giỏi, dũng cảm (anh hùng) đến cứu. Những cảnh tương tự dù mỹ nhân chưa hẳn là người đẹp, anh hùng chỉ là người bình thường, hoạn nạn chưa phải là nguy kịch, gay cấn, nhưng để tôn vinh những hành động tốt, cao thượng, người ta vẫn gọi là cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân”.
Thạch Sanh bắn hạ đại bàng giải cứu công chúa Quỳnh Nga là cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân”,trong truyện cổ tích “Thạch Sanh” vốn rất quen thuộc với người Việt Nam.
Cảnh Lục Vân Tiên (nhân vật chính trong truyện thơ cùng tên của nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu) trừng trị tướng cướp Phong Lai, cứu nàng Kiều Nguyệt Nga thoát khỏi tay hắn cũng là cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân” trong truyện.
Còn vô số cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân” trong văn học và trong đời thường mà bất kỳ ai cũng có thể biết hoặc chứng kiến.
Một hệ quả thường xảy ra của cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân” là: sau khi được “anh hùng” cứu thoát, “mỹ nhân” khâm phục tài năng, cử chỉ nghĩa hiệp và từ đó nảy sinh tình yêu với người anh hùng; tất nhiên người anh hùng cũng rất ít khi bỏ lỡ cơ hội này. Hệ quả này thường được gọi là một kết thúc có hậu. Nhưng chính cái kết thúc có hậu này lại bị nhiều kẻ “anh hùng” lợi dụng bằng cách dựng nên những cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân” rởm để lừa, chiếm đoạt người đẹp. Chúng thường có các mô típ sau:
Mô típ 1 – Các “anh hùng” bí mật tự tạo ra những hoạn nạn cho “mỹ nhân” rồi đến giải cứu. Vì là các hoạn nạn do họ tạo ra nên chỉ cần một chút cố gắng, mạo hiểm vẫn cứu được mỹ nhân.
Mô típ 2 - “Mỹ nhân” dù không gặp phải hoạn nạn nhưng kẻ “anh hùng”vẫn cho là nàng gặp “hoạn nạn” rồi ra tay cứu giúp. Để thực hiện được “chiêu” này, người “anh hùng”còn phải tuyên truyền để người khác thấy là “mỹ nhân” đã lâm nạn thực sự và vu cho một số người là kẻ xấu đã gây nên “hoạn nạn”.
Mô típ 3 – Chính các “anh hùng”đã gây ra hoạn nạn cho các “mỹ nhân” nhưng khi buộc phải giải thoát, họ lại tự nhận là công lao của mình.
Trong các mô típ trên, các “anh hùng” đều có mục đích cuối cùng là chiếm được các “người đẹp” hoặc chí ít cũng là cảm tình của “người đẹp”. Đa phần các “người đẹp” khi về sống với những “anh hùng” này đều ở vào cảnh “khóc dở, mếu dở”. Trong đời thường, văn học đã có nhiều cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân” rởm thuộc mô típ 1. Chẳng hạn để chinh phục được người đẹp, chàng tạo dựng những hoạn nạn cho nàng, sau đó mới ra tay cứu giúp. Về sau, nếu vở kịch chẳng may bị bại lộ thì tình yêu, hạnh phúc gia đình thực sự sẽ giúp nàng cũng dễ dàng tha thứ cho chàng, còn gia đình đang trong cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, sự thật bại lộ này có thể dẫn tới đổ vỡ.
Trong vài chục năm gần đây đã có nhiều cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân” rởm trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai “anh hùng”.
Cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân”rởm đầu tiên phải kể đến là quả lừa lịch sử của Đảng Cộng sản với dân tộc mang tên “Cách mạng tháng 8/1945”. Sau khi đầu hàng đồng minh, chính quyền Nhật chọn lập nên một chính phủ để trao trả độc lập cho Việt Nam, do nhà sử học Trần Trọng Kim đứng đầu. Chính phủ này bao gồm các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng trong, ngoài nước. Trong thời gian điều hành, chính phủ Trần Trọng Kim đã làm được một số việc thiết thực cho dân tộc, cho đất nước. Nhưng chính phủ này chỉ tồn tại được 4 tháng đến cuối tháng 8 thì bị lật đổ bằng cái mà sau này người ta gọi là “Cách mạng tháng 8 vĩ đại”. Đây là cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân”rởm. “Anh hùng”trong màn kịch đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, “mỹ nhân” là dân tộc Việt Nam. Theo như “anh hùng” (Đảng Cộng sản) thì “mỹ nhân” (dân tộc Việt Nam) đang gặp “hoạn nạn” là nằm trong tay chính phủ “bù nhìn”, “thân Nhật” Trần Trọng Kim, cần phải được giải thoát bằng cách đánh đổ chính phủ này. Sau này, từ những đau thương mà dân tộc phải gánh chịu như hàng vạn người bị chết oan trong cải cách ruộng đất, cảnh nồi da nấu thịt trong chiến tranh Nam Bắc, cảnh đất nước tụt hậu nghèo đói người Việt phải đi làm thuê, làm dâu cho xứ người bị đối xử như nô lệ,… “mỹ nhân”mới thấy: nếu không bị “giải thoát” khỏi “hoạn nạn” trên thì chắc chắn sẽ không phải chịu những cảnh này. Và rất có thể một chính phủ “thân Nhật” Trần Trọng Kim sẽ khiến cho đất nước Việt Nam dù không bằng được nước Nhật, cũng không đến nỗi tụt hậu tới trăm năm như Việt Nam ngày nay. Cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân” rởm trên thuộc mô típ 2, nhưng hiện giờ Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không ngừng tuyên truyền và bắt lịch sử công nhận nó là cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân” thật.
Cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân” rởm thứ hai là màn kịch mang tên “giải phóng miền nam”. Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, hiệp định Giơ ne vơ được ký kết quy định sau 2 năm Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nếu chính quyền miền Bắc và miền Nam tuân thủ hiệp định thì chỉ sau 2 năm nước Việt Nam sẽ thống nhất, không có cảnh người Việt giết chóc lẫn nhau, hao người tốn của. Nhưng chính quyền cộng sản miền Bắc đã phá hoại hiệp định. Họ đã cho các cán bộ ở lại (nằm vùng) để chuẩn bị cho cuộc chiến thôn tính miền Nam. Các nghị quyết của đảng giai đoạn đó đều nêu rõ phải giải quyết miền Nam bằng vũ lực. Liên tục trong các năm trong thập niên 60, đầu 70 của thế kỷ trước họ đã cho quân đội xâm nhập miền Nam. Lập ra mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam để hợp thức hóa việc thôn tính miền Nam của họ trước công luận quốc tế. Sau năm 1975, sau khi thôn tính được miền Nam thì tổ chức mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam cũng bị xóa sổ. Màn kịch “anh hùng cứu mỹ nhân” rởm này cũng thuộc mô típ 2. “Anh hùng” là Đảng Cộng sản Việt Nam và họ cũng lừa bịp để nhân dân miền Bắc cùng đóng vai này. “Mỹ nhân” là nhân dân miền Nam. “Hoạn nạn” của nhân dân miền Nam được họ tuyên truyền cho nhân dân miền Bắc là “nhân dân miền Nam phải sống rên xiết dưới chế độ Mỹ Ngụy cần phải được giải phóng”. Sự thật của “hoạn nạn”này chỉ có nhân dân miền Nam là rõ nhất, và giờ đây mọi người dân Việt Nam đều biết.
Cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân” rởm thứ 3 thuộc mô típ 3 có tên là “công cuộc đổi mới của đảng”. Vai “anh hùng” của cảnh này tất nhiên là Đảng Cộng sản và vai “mỹ nhân” vẫn là nhân dân Việt Nam. Hoạn nạn của “mỹ nhân” là bị chế độ quan liêu bao cấp, chính sách hợp tác hóa, chính sách ngăn sông cấm chợ,…. làm cho đói rách, thiếu thốn, khổ sở trong hàng chục năm. Ai cũng dễ dàng nhận ra đây là cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân” rởm. Bởi những chính sách trên đều được đề xuất từ những bộ óc ngu xuẩn, bảo thủ, giáo điều của chính vị “anh hùng” là lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Còn rất nhiều cảnh “anh hùng cứu mỹ nhân” rởm nữa. Không kể hết ra, nhưng những cảnh này đều có một điểm chung là đảng cộng sản bao giờ cũng thủ vai “anh hùng”, “mỹ nhân” là dân tộc Việt Nam được đảng “cứu thoát” đều bị buộc phải “ngậm bồ hòn khen ngọt”, tối ngày luôn phải nhắc đi, nhắc lại: “Đảng Cộng sản Việt Nam anh hùng, quang vinh đã có công cứu dân tộc thoát khỏi cảnh này, cảnh nọ,…”
8/2012
Trần Hoàng Lan
* Bài viết đã đăng trên trang Talawas năm 2010