Đỗ Trường - Thanh Tùng (Thanh Niên) - Vụ công nhân Nông trường cao su Cù Bị (H.Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu) phản ánh trong thức ăn có giòi đã gióng lên hồi chuông báo động về bữa ăn cho người lao động.
Vụ việc được phát hiện trưa 17.8, khi hai vợ chồng ông Lê Chí Cường (48 tuổi, công nhân Tổ 3, Nông trường cao su Cù Bị) đến Cơ sở Dũng Hà - đơn vị cung cấp suất cơm cho công nhân (CN) nông trường - để lấy cơm về dùng (thay vì cơ sở mang đến giao cho CN tại lô cao su). Khi về đến nhà, mở suất cơm (đựng trong cà mèn) ra thì vợ chồng ông Cường phát hiện có giòi trong thức ăn, liền quay lại nông trường để báo cho mọi người biết. Sau khi kiểm tra, đại diện tổ thanh tra sản xuất, tổ sản xuất, tổ công đoàn... lập biên bản, ghi nhận có 9 suất cơm có giòi nên đã đem gần 100 suất cơm còn lại trả Cơ sở Dũng Hà; đồng thời báo cho cơ quan chức năng làm rõ.
Bữa ăn công nhân ở một doanh nghiệp tại Bình Dương - Ảnh: Đỗ Trường
Hàng loạt vụ ngộ độc
Ngày 25.6, hàng trăm CN Công ty TNHH Fujikura (KCN VSIP I, Thuận An, Bình Dương) sau bữa ăn tối đã phải nhập viện cấp cứu do bị nôn ói dữ dội.
Ngày 4.7, khoảng 180 CN Công ty TNHH may công nghiệp thương mại Trường Vinh và Công ty TNHH quốc tế Smart Elegant (Q.12, TP.HCM) phải nhập viện sau bữa cơm tối tại công ty. Cùng thời điểm, trên 100 CN Công ty của TNHH Takson Vina (Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng phải nhập viện sau bữa ăn chiều tại công ty.
Ngày 10.7, trên 50 CN Công ty Thịnh Việt (Bình Dương) phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng nôn ói, đau bụng, nhức đầu, ngất xỉu, do ngộ độc thực phẩm.
Mới đây, UBND H.Gò Dầu (Tây Ninh) đã xử phạt hành chính Cơ sở bếp ăn tập thể của bà Lâm Thị Kiểu (ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) 15 triệu đồng do vi phạm về ATVSTP. Vụ việc xảy ra ngày 26.4 tại Công ty PouLi Việt Nam (chuyên gia công, xuất khẩu giày thể thao đóng tại KCN Phước Đông - Bời Lời). Vào buổi ăn trưa cùng ngày, nhiều CN truyền tai nhau thông tin bảo vệ công ty phát hiện thức ăn bốc mùi hôi thối. Nghe vậy, nhiều CN bỏ cơm, dẫn đến 10 CN bị ngất xỉu. Ngay sau đó, Đoàn liên ngành ATVSTP H.Gò Dầu tiến hành kiểm tra, buộc Công ty PouLi Việt Nam phải tiêu hủy tại chỗ 1.600 suất ăn, tạm đình chỉ hợp đồng cung cấp cơm giữa bà Kiểu. Đoàn liên ngành phát hiện bà Kiểu sử dụng thịt heo đã “quá đát”, 7/8 mẫu nhiễm vi khuẩn độc hại.
Theo quan sát của PV Thanh Niên, những năm gần đây mặc dù giá cả thực phẩm đã gia tăng rất nhiều, nhưng giá cho mỗi suất ăn CN hầu như không được điều chỉnh. Nếu như năm 2008 - 2009, giá mỗi suất ăn các công ty đặt mua cho CN từ 8.000 đến trên dưới 10.000 đồng, thì nay chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng. Đã vậy, một đơn vị cung cấp suất ăn tại TP.HCM còn tiết lộ, giá trị thực (đã trừ phí phục vụ, huê hồng, bảo hiểm...) của mỗi suất ăn chỉ bằng 60-70% giá công bố. Mới nhìn qua, bữa ăn cũng có đủ 4 món chính (cơm, canh, mặn, xào), nhưng do giá thấp nên các đơn vị cung cấp suất ăn thường sử dụng nguyên liệu thực phẩm “chợ chiều”, kém chất lượng để còn có lời. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngộ độc thực phẩm liên tục xảy ra.
Tại hội nghị về chủ đề dinh dưỡng được tổ chức ở TP.HCM hồi đầu tháng 8 vừa qua, báo cáo của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho biết qua khảo sát hơn 400 CN làm việc ở khu công nghiệp cho thấy, tình trạng thiếu năng lượng thường xuyên diễn ra ở CN chiếm gần 30%. Ngoài ra, tỷ lệ thiếu máu được khảo sát là 19,2%; còn tỷ lệ thiếu chất i ốt lên đến 70%. Đặc biệt, tình trạng thiếu máu rất đáng báo động ở nữ CN. Điều đó nói lên thực tế ăn uống thiếu thốn của CN; suất ăn không đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể cần...
Đỗ Trường - Thanh Tùng