Mưa bão “lột trần” chất lượng công trình - Dân Làm Báo

Mưa bão “lột trần” chất lượng công trình

NLĐ - Sau khi cơn bão số 5 đi qua, tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, đoạn chạy qua khu đô thị mới Usilk - City và khu đô thị mới Dương Nội (quận Hà Đông - Hà Nội), đã xuất hiện “hố tử thần” rộng hàng trăm mét vuông

Chưa hết bàng hoàng trước cảnh đoạn đường rộng cả trăm mét vuông bất ngờ sụt xuống để lộ toàn bộ hệ thống đường ống thoát nước đã bị vỡ và nền móng tan hoang sâu nhiều mét, ông Nguyễn Văn Hải (ngụ phường La Khê, quận Hà Đông) kể: Hiện tượng sụt đất xuất hiện từ trước 8 giờ ngày 19-8. Chỗ sụt lún lan rất nhanh, “ngoạm” sâu vào mặt đường theo kiểu hàm ếch và hình thành một miệng hố hình phễu rộng hàng trăm mét vuông, sâu 4-5 m.

“Nuốt” trọn cổng chào

Chỉ trong vài giờ, “hố tử thần” đã “ăn” hết làn đường Lê Văn Lương đi từ Hà Đông vào trung tâm TP Hà Nội và vượt qua cả dải phân cách. Thậm chí, cổng chào lớn làm bằng inox được lắp đặt từ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010) cũng bị “nuốt” trọn.

Kết quả của sự sụt lún kinh hoàng này là toàn bộ làn đường bị chia cắt hoàn toàn, các phương tiện giao thông không thể lưu thông. May mắn là vụ sụt lún xảy ra vào ngày nghỉ, lưu lượng phương tiện qua lại ít nên không có thiệt hại về người.

Đường Lê Văn Lương xuất hiện “hố tử thần” rộng hàng trăm mét vuông

Để tránh nguy hiểm cho người tham gia giao thông và các hộ dân sống quanh khu vực sụt lún, Sở GTVT TP Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan bịt ống nước cách “hố tử thần” gần 1 km để chống xói mòn, hạn chế sự lan rộng thêm của “hố tử thần”; tiến hành phân luồng giao thông tạm thời, điều tiết phương tiện đi qua các tuyến đường khác.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội, cho biết từ các thông tin ban đầu, có thể nhận định mặt đường Lê Văn Lương bị sụt lún là do tác động của ngoại cảnh. Theo ông Giáp, độ sâu cuối cùng của “hố tử thần” vẫn chưa thể đo được do nước liên tục chảy và tác động làm đất bị trôi.

Có vấn đề về chất lượng?

Trả lời báo chí về việc nghi ngờ chất lượng thi công tuyến đường, ông Giáp cho biết nguyên nhân xuất hiện “hố tử thần” là do công trình nhà cao tầng của Công ty Sông Đà - Thăng Long làm sát ngay ven đường mới rút cọc cừ chống mép vệ đường nên mặt đất phía dưới bị rỗng. Thêm vào đó, do mưa to kéo dài trong vài ngày qua, nước đã ngấm sâu làm yếu nền đường, bẻ gãy đường ống nước.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Hà Đông, biên bản hiện trường cho thấy vị trí điểm sạt lở thuộc Km 4+160 đường Lê Văn Lương kéo dài, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, sát với công trường đang thi công tòa nhà chung cư của Công ty Sông Đà - Thăng Long. Khu vực thi công công trường có độ sâu so với mặt đường khoảng 12 m, vách móng thẳng đứng.

Trước sự cố đứt đôi tuyến đường Lê Văn Lương, GS - TSKH Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, Trưởng Ban Kỹ sư của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, khẳng định chất lượng công trình có vấn đề. Theo ông Tiến, hầu hết các vụ sụt lún, trượt lở đều do 3 nguyên nhân chính là nền đất, hệ thống thoát nước phía dưới và con người.

Ông nói: “Việc sụt lún cắt ngang con đường với khoảng cách lớn là hiện tượng trượt một khối đất lớn do mất trạng thái cân bằng. Tác nhân trực tiếp vẫn là trận mưa lớn nhưng nguyên nhân sâu xa là do đơn vị tư vấn thiết kế có thể đã không thẩm định, đo kiểm được toàn bộ địa chất cả tuyến đường; quá trình thi công con đường hoặc các công trình xung quanh xảy ra thiếu sót trong đào đắp nền móng...”.

Tuyến đường Lê Văn Lương được khánh thành, đưa vào sử dụng từ cuối tháng 9-2010. Chủ đầu tư dự án là liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng đô thị (đơn vị thành viên của Tập đoàn Nam Cường Hà Nội).

9 người chết, 14 bị thương

Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (Ban Chỉ đạo), tính đến sáng 19-8, bão số 5 đã làm chết 9 người (Hà Nội 1, Yên Bái 1, Bắc Giang 1, Lào Cai 1, Vĩnh Phúc 3 và Sơn La 2), 14 người bị thương, 166 nhà bị sập, hơn 20.500 ha lúa bị ngập, 900 m3 đường bị sạt lở…

Mưa bão đã tiếp tục làm sạt lở đê tả sông Thương ở Bắc Giang, kè Quy Phú đê hữu sông Hồng ở huyện Nam Trực - Nam Định, mái thượng lưu đê tả sông Rạng ở Hải Dương và đê tả Cà Lồ ở Hà Nội.

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã cử đoàn công tác đến một số địa phương để xác định mức độ ngập úng và thiệt hại về lúa, hoa màu.

Bão số 5 vừa tan, bão Tembin đã xuất hiện

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết bão số 5 vừa tan thì sáng sớm 19-8, một cơn bão mới đã xuất hiện ngoài khơi Philippines - cơn bão thứ 14 ở Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm nay - có tên quốc tế là Tembin. Đếnchiều tối cùng ngày, tâm bão cách đảo Luzon khoảng 230 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất đạt cấp 9, giật cấp 11.

Dự báo, trong 1-2 ngày tới, bão Tembin di chuyển chậm theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 5-10 km, sau đó chuyển hướng Bắc - Bắc Tây Bắc vào đảo Đài Loan và sẽ mạnh lên cấp 12, giật cấp 14.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão ở vùng Đông Bắc biển Đông, từ ngày 21-8, sẽ có gió bão mạnh cấp 8, cấp 9; vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 13-14 và có mưa dông; biển động dữ dội.

T.Dũng - B.M.Tăng

Bài và ảnh: BẢO TRÂN


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo