Nguyệt Triều (Vnexpress) - Khẩu phần ăn mỗi ngày của công nhân phía Bắc chỉ đáp ứng 90% nhu cầu dinh dưỡng lao động nam, 70% năng lượng nữ. Chất lượng bữa ăn thấp, đến 72% là bột đường mà nghèo đạm, béo, thừa hóa chất bảo quản.
Phát biểu trong hội thảo bàn về tình trạng ngộ độc bếp ăn tập thể khu công nghiệp diễn ra ở Bình Dương sáng nay, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Bạch Mai, Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, chất lượng bữa ăn của công nhân khu vực phía Bắc chưa đáp ứng nhu cầu cơ thể.
Viện này cùng với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm mới đây đã tiến hành một cuộc khảo sát, kiểm tra chất lượng bữa ăn trung bình của công an khu vực. Kết quả cho thấy khẩu phần ăn cả ngày của công nhân chỉ đáp ứng khoảng 90% nhu cầu dinh dưỡng cho lao động nam, đạt 70% so với nhu cầu năng lượng cần thiết của cơ thể phái nữ.
Cũng theo kết quả này, bữa ăn công nhân không chỉ nghèo về giá trị dinh dưỡng mà chất lượng cũng khá thấp. Trong thành phần bữa ăn chỉ có 12% protein, 16% chất béo, còn lại 72% đến từ các chất bột đường như gạo, khoai...
Bên cạnh đó, việc sử dụng thực phẩm chưa qua chế biến còn nhiều dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật cũng là một vấn đề được các chuyên gia sức khỏe lo ngại. Kết quả thử nhanh nguồn thực phẩm đầu vào của Viện dinh dưỡng quốc gia cho thấy có đến 20-25% thực phẩm tồn dư lượng chất bảo quản thực phẩm, hàn the gây, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Nguồn cung cấp thực phẩm chế biến sẵn lại sử dụng nhiều loại chất phụ gia, nhất là trong các bữa ăn sáng.
"Chất lượng khẩu phần ăn, dinh dưỡng trong bữa ăn của công nhân hầu hết mất cân đối về dinh dưỡng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân, giảm khả năng lao động", bà Mai cảnh báo.
Cũng tại hội thảo, có ý kiến cho rằng nguyên nhân bữa ăn cho công nhân kém chất lượng là do doanh nghiệp, cơ sở nấu ăn tiết giảm chi phí dẫn đến việc lựa chọn đầu vào thực phẩm kém chất lượng. Từ đó dẫn đến nguy cơ thực phẩm kém chất lượng, gây ngộ độc tập thể do ăn phải món không đảm bảo vệ sinh.
Một ca ngộ độc thực phẩm tại Bình Dương. Ảnh: Nguyệt Triều.
Tiến sĩ Trần Quang Trung, Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, trong vòng 6 năm qua, cả nước đã xảy ra 927 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 31.000 ca, 229 người chết. Tại các tỉnh khu vực phía Nam, từ năm 2009 đến 2011 cũng đã ghi nhận 171 vụ ngộ độc với hơn 6.300 người mắc bệnh, 35 ca tử vong. Trong đó, riêng tỉnh Đồng Tháp có đến 12 trường hợp chết vì ngộ độc thực phẩm.
Cả nước có 256 khu công nghiệp, khu chế xuất, riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 65 khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ năm 2007 đến 2011, khu vực phía Nam có gần 7.000 công nhân ngộ độc trong 72 vụ việc, không ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Cũng trong khoảng thời gian này, ở Bình Dương, theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, xảy ra 27 vụ ngộ độc trên 400 ca đều được cứu chữa kịp thời. Còn Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM công bố từ năm 2006 đến nay, thành phố có 126 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 9.400 ca, 5 trường hợp tử vong. Nguyên nhân được cho là do phương tiện vận chuyển, thiết bị bảo quản, hâm nóng thức ăn trước khi phục vụ tại các nhà ăn, chế độ bảo quản chưa hợp vệ sinh...
Các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc tập thể trong công nhân, có thể do quá trình chế biến, bảo quản thức ăn dẫn đến nhiễm vi sinh. Ngoài ra, một bộ phận cơ sở chế biến đã thiếu kiểm tra, giám sát trong khâu chế biến dẫn đến thực phẩm kém vệ sinh, bị nhiễm khuẩn...