Có học sinh Đà Nẵng không biết Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm? - Dân Làm Báo

Có học sinh Đà Nẵng không biết Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm?

Hải Châu (Infonet) - Có trường hợp học sinh Đà Nẵng dù đã học đến bậc THPT vẫn không biết quần đảo Hoàng Sa thân yêu đã bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm trái phép từ năm 1974 đến nay. Vậy ngành GD-ĐT đã giáo dục cho học sinh về biển đảo Việt Nam, về Hoàng Sa, Trường Sa như thế nào?

Từ những dòng cảm tưởng...

Như tin đã đưa, trong hai ngày 18 - 19/8, tại Đà Nẵng đã diễn ra "Hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam" do Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học LS Việt Nam phối hợp tổ chức. Một trong những vấn đề nóng được nêu lên tại hội thảo này là đưa các nội dung về lịch sử biển, đảo Việt Nam nói chung và nhất là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng vào sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh (HS) trong các trường phổ thông.

Các em học sinh Đà Nẵng ghi cảm tưởng tại gian trưng bày của UBND huyện đảo Hoàng Sa tham gia triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng - Ảnh: HC

Để bạn đọc hiểu rõ thêm về việc HS chúng ta đang được dạy - học về Hoàng Sa, Trường Sa như thế nào, chúng tôi xin giới thiệu một số dòng cảm tưởng của các em HS Đà Nẵng được in trong cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa" do NXB Thông tin - Truyền thông và UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) phối hợp xuất bản tháng 1/2012. Cuốn sách quý giá này không chỉ ăm ắp những tư liệu lịch sử về Hoàng Sa mà qua những dòng cảm tưởng của học sinh cũng cho thấy tình trạng báo động khi hiểu biết của khá nhiều em còn lơ mơ về lịch sử.

Những dòng cảm tưởng của các em học sinh về Hoàng Sa - Ảnh: HC

Là nỗi đau đáu của các em học sinh

Xin nói rõ thêm, những dòng cảm tưởng này được các em ghi vào sổ lưu niệm tại gian trưng bày của UBND huyện đảo Hoàng Sa khi tham gia triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/2010). Tại đó, 150 bức ảnh, hiện vật và tư liệu lịch sử về Hoàng Sa đã được UBND huyện đảo này đưa ra phục vụ công chúng. Đó cũng là lần thứ 2 một cuộc triển lãm chính thức về Hoàng Sa được Đà Nẵng tiến hành, lần trước được tổ chức năm 2001 tại Bảo tàng Tổng hợp TP.

Qua đây, có thể thấy tràn ngập trong tâm tư, tình cảm của các em HS là tình yêu hết sức chân thành dành cho huyện đảo xa xôi giữa biển khơi muôn trùng sóng gió, là sự khẳng định Hoàng Sa là phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, là lời tri ân những mồ hôi, xương máu mà cha ông ta đã đổ xuống để khai hoang, mở cõi, xác lập chủ quyền thiêng liêng đối với quần đảo này...

Nhưng thật đáng giật mình khi qua những dòng cảm tưởng này cũng cho chúng ta thấy các em HS còn hiểu biết rất mơ hồ, thậm chí sai lệch về những gì đang diễn ra đối với Hoàng Sa: "Hoàng Sa mãi mãi là quần đảo thân yêu của ta, của nhân dân TP Đà Nẵng nói riêng và mỗi công dân Việt Nam nói chung. Bởi vì những lý do đó, ngày đêm, từng phút, từng giây trên quần đảo Hoàng Sa dập dềnh sóng biển này đang có những chú bộ đội canh gác bảo vệ quyền độc lập của chúng ta, của đất nước Việt Nam" (em ĐT., đại diện tập thể lớp 10/7 trường THPT Hoàng Hoa Thám).

Có nghĩa, có những em HS của chúng ta (dù đã học đến bậc THPT, và ở ngay tại một TP có Hoàng Sa là một trong 8 quận, huyện trực thuộc) vẫn không hề biết quần đảo thân yêu này bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm trái phép từ năm 1974 đến nay. Nguyên nhân chính là nỗi đau đáu "chưa biết nhiều về Hoàng Sa", "chưa được đi tham quan Hoàng Sa" (em Thảo Vy, đại diện tập thể lớp 7/4 trường THCS Nguyễn Văn Linh) mà chúng ta có thể nhận ra từ tận sâu tâm khảm của các em qua những dòng cảm tưởng.

Phải bổ sung ngay tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa

"Được đi tham quan Hoàng Sa" là nỗi khát khao cháy bỏng không chỉ của các em mà còn của mọi người dân Việt Nam. Nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn trước mắt, chuyện giúp các em HS từ chỗ "chưa biết nhiều" đến chỗ hiểu biết rõ ràng, cụ thể, chính xác hơn về Hoàng Sa để nuôi dưỡng quyết tâm đấu tranh cho chủ quyền và sự toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam lại là chuyện mà người lớn, người có trách nhiệm, cụ thể là ngành giáo dục hoàn toàn có thể làm được ngay.

"Chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một trong những thành tựu nghiên cứu mới về lịch sử nhưng chưa được cập nhật vào sách giáo khoa của bậc học phổ thông và cần được đưa vào chương trình dạy - học sớm hơn!"

PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ (Chủ tịch Hội đồng bộ môn Lịch sử, Bộ GD-ĐT)

Vậy các em HS đã được giáo dục về Hoàng Sa, Trường Sa như thế nào? Tại hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông diễn ra ở Đà Nẵng trong hai ngày 18 - 19/8 vừa qua, PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ (Chủ tịch Hội đồng bộ môn Lịch sử, Bộ GD-ĐT) cho biết: Chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một trong những thành tựu nghiên cứu mới về lịch sử nhưng chưa được cập nhật vào sách giáo khoa của bậc học phổ thông và cần được đưa vào chương trình dạy - học sớm hơn!

PGS-TS Trịnh Đình Tùng (ĐHQG Hà Nội) cũng kêu lên: "Cần phải gắn nội dung bài học LS với thực tế cuộc sống. Vấn đề biển, đảo là vấn đề nóng bỏng của chúng ta hiện nay. Chúng tôi đề nghị phải có nguồn tư liệu bổ sung ngay trong năm học tới cho các trường về một số sự kiện cơ bản về Hoàng Sa và Trường Sa để có thể phục vụ cho công tác dạy học không phải chính khoá thì ngoại khoá trong các nhà trường!".

Đại diện lãnh đạo các cấp, các ngành chức năng đã trả lời như thế nào về vấn đề này? Xin mời bạn đọc tiếp tục theo dõi ở bài sau.

HẢI CHÂU


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo