Chất vấn gì với Thống đốc Nguyễn Văn Bình? - Dân Làm Báo

Chất vấn gì với Thống đốc Nguyễn Văn Bình?

Mạnh Quân - Không khó để hình dung những câu chất vấn sẽ được đặt ra với Thống đốc NHNN tuần này ở Thường vụ QH. Chắc chắn, chúng vẫn xoay quanh vấn đề điều chỉnh lãi suất, giải quyết nợ xấu, việc sáp nhập các ngân hàng…

Theo chương trình kỳ họp đang diễn ra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chiều mai (21/8), các thành viên của UBTVQH và các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm sẽ thực hiện chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình về một số vấn đề điều hành chính sách tiền tệ.

Phiên chất vấn này được chờ đợi từ lâu, sau khi tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, mặc dù được nhiều ĐBQH yêu cầu nhưng Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã không phải đăng đàn. Mặc dù vào thời điểm đó, nhiều vấn đề bức xúc về điều hành chính sách tiền tệ được đặt ra như lãi suất quá cao, việc sáp nhập một số ngân hàng, doanh nghiệp khó khăn trong vay vốn…

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Minh Thăng

Cho đến thời điểm này, mặc dù lãi suất đã hạ đáng kể nhưng độ nóng của những vấn đề trên vẫn không hề suy giảm. Cho nên, tuy là phiên chất vấn được thực hiện ở phạm vi hạn hẹp hơn: chỉ là một căn phòng nhỏ với vài chục vị ủy viên UBTVQH và một số ĐBQH thực sự quan tâm đến dự nhưng chắc chắn, những vấn đề mà Thống đốc phải trả lời cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.

Không khó để hình dung những câu hỏi chất vấn sẽ được đặt ra với ông Nguyễn Văn Bình. Chắc chắn, đó vẫn là những câu hỏi xoay quanh vấn đề điều chỉnh lãi suất, giải quyết vấn đề nợ xấu, việc sáp nhập các ngân hàng…

Mặc dù vừa qua, NHNN đã có những điều chỉnh nhằm giảm lãi suất nhưng thực tế, lãi suất vẫn còn là rất cao để những doanh nghiệp dù có phương án sản xuất, kinh doanh tốt có lợi nhuận sau khi phải trả lãi cho ngân hàng. Hơn nữa, qua thông tin phản ánh của các doanh nghiệp, cho dù lãi suất đã được hạ và có thể hạ thấp thêm trong thời gian tới 1-2% thì việc tiếp cận, vay vốn các ngân hàng cũng không hề dễ dàng bởi những vấn đề như nợ xấu (cũ) chưa được giải quyết; thị trường còn ảm đạm, đầu ra cho sản xuất kinh doanh còn khó khăn.

Có thể sẽ có cả những câu hỏi chất vấn về hướng điều hành của Thống đốc NHNN thời gian tới và yêu cầu đưa ra những lý giải. Bởi đến thời điểm này, điều hành lãi suất thế nào để vừa kiềm chế được lạm phát, ngăn ngừa khả năng lạm phát có nguy cơ nhen nhóm trở lại; vừa khiến cho doanh nghiệp có thể vay được vốn, đưa tiền vào sản xuất kinh doanh… thực sự là một bài toán cần sớm được có câu trả lời.

Những thông tin về tình trạng nợ xấu quá cao và được công bố mỗi lúc mỗi khác, cho dù đã được lãnh đạo NHNN giải thích nguyên nhân, lý do ở chỗ này, chỗ kia, chắc chắn vẫn chưa thể làm an lòng các ĐBQH tâm huyết.

Bởi có những khoản nợ xấu từ doanh nghiệp này, tập đoàn kia có thể còn chưa được tính toán hết… Rồi việc dự định thành lập công ty xử lý nợ liệu là phải là giải pháp tốt nếu trông vào thực tế hoạt động trong nhiều năm qua của Công ty Mua bán, xử lý nợ của Bộ Tài chính? Liệu việc lấy tiền từ nguồn thu thuế của dân, của doanh nghiệp để xử lý những khoản nợ xấu do đầu tư phiêu lưu bất chấp hậu quả, do việc làm ăn yếu kém, thậm chí do những hành vi tiêu cực khiến việc sản xuất, kinh doanh thua lỗ, không trả được nợ ở nhiều doanh nghiệp có công bằng và chấp nhận được không? 

Nợ xấu chắc chắn là vấn đề nhức nhối nhất trong thời điểm này, như chính lãnh đạo Văn phòng Chính phủ nêu trong họp báo gần đây, nó là một điểm nghẽn - một "cục máu đông" của nền kinh tế, gây cản trở, khó khăn cho những hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Nhưng rất có thể, sẽ có câu hỏi được đặt ra, vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát của hệ thống thanh tra, giám sát tài chính, ngân hàng ở đâu bởi khoản nợ xấu khổng lồ hiện nay cũng không phải bỗng chốc được sinh ra, trong vài tháng mà nhiều năm trở lại đây.

Sẽ không thể không có những câu hỏi chất vấn về việc sắp xếp, sáp nhập các ngân hàng trong thời gian qua và dự kiến sắp tới như thế nào bởi có những hoạt động sáp nhập như cuộc sáp nhập 3 ngân hàng đầu tiên:ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) tại TP.HCM… cho đến giờ này chưa được đánh giá là cuộc sáp nhập thành công bởi thanh khoản của ngân hàng hợp nhất vẫn là một dấu hỏi.

Người ta chưa thấy rõ vai trò của NHNN trong cuộc sáp nhập này cũng như với cuộc sáp nhập ngân hàng Habubank vào ngân hàng SHB… Rất có thể, câu hỏi về một số cuộc mua bán, thâu tóm cổ phiếu, giành quyền điều hành ở một số ngân hàng vừa qua có đúng luật không cũng được đặt ra.

Và, để đảm bảo lạm phát không quay trở lại, sẽ phải có sự phối hợp thế nào giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong những tháng cuối năm, khi mà Chính phủ chủ trương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư trong 6 tháng cuối năm? Đây cũng là câu hỏi đại biểu có thể đặt ra cho Thống đốc.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo