Cuộc đấu tranh cho Nhân Quyền - Dân Làm Báo

Cuộc đấu tranh cho Nhân Quyền

Eleanor Roosevelt - Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch  - Trong xã hội những người tự do cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện. Chúng ta đều biết những mô hình của chủ nghĩa toàn trị-độc đảng chính trị, kiểm soát trường học, báo chí, truyền thanh, nghệ thuật, khoa học, và tôn giáo để củng cố quyền lực chuyên chế; đây là những mô hình lâu đời mà con người đã đấu tranh chống lại trong suốt ba ngàn năm. Những mô hình này là dấu hiệu của phản động, lạc hậu, và thoái hóa...

*

Lời người dịch: Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10 tháng Mười Hai 1948 tại Paris, qua Nghị Quyết 217 A(III). Có bốn mươi tám phiếu thuận, không có phiếu chống, và tám phiếu trắng (Bạch Nga, Tiệp Khắc, Ba Lan, Ả Rập Saudi, Ukrain, Liên Xô, Nam Phi, và Nam Tư). 

Eleanor Roosevelt (1884-1962) là người đóng vai trò rất quan trọng cho sự ra đời của Tuyên Ngôn. Bà đọc bài diễn văn này tại trường đại học Sorbonne, Pháp vào ngày 28 tháng Chín, 1948 ngay trước khi Tuyên Ngôn ra đời để bàn về nhân quyền và tự do mà mọi người trên hành tinh chúng ta phải có quyền được hưởng. 

Cuộc đấu tranh vì nhân quyền và tự do là cuộc đấu tranh liên tục và bền bỉ của từng nước và của từng thế hệ cho tới khi nào ánh sáng của tự do và nhân phẩm sáng ngời trên khuôn mặt của từng người ở mọi nơi. 

*

Tối nay tôi đến để nói với quý vị về một trong những vấn đề lớn lao nhất của thời đại chúng ta-đó là vấn đề gìn giữ quyền tự do của con người. Tôi đã chọn để thảo luận vấn đề này tại đây ở nước Pháp, tại trường Sorbonne, vì ở đây từ xa xưa cội rễ của quyền tự do của con người đã đâm mạnh và sâu vào lòng đất này và từ đất này những cội rễ ấy đã hút được dồi dào chất bổ dưỡng. Chính ở đây bản Tuyên ngôn Các Quyền của Con Người được công bố, và những khẩu hiệu cao quý của cuộc Cách mạng Pháp- tự do, bình đẳng, bác ái-đã kích thích trí tưởng tượng của con người. Tôi đã chọn để thảo luận vấn đề này tại Châu Âu vì nơi đây là nơi diễn ra những trận chiến lịch sử lớn nhất giữa tự do và chuyên chế. Tôi đã chọn để thảo luận vấn đề này trong những ngày đầu tiên của Đại Hội đồng vì vấn đề tự do của con người quyết định đến sự giải quyết những khác biệt chính trị tồn đọng và đến tương lai của Liên Hiệp Quốc. 

Những người sáng lập Liên Hiệp Quốc ở San Francisco đã nhận thức rất rõ tầm quan trọng của vấn đề này. Quan tâm đến sự gìn giữ và phát huy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản là trọng tâm của Liên Hiệp Quốc. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc nổi bật nhờ quan tâm sâu sắc đến các quyền và phúc lợi của những cá nhân nam và nữ. Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố rõ ràng ý định ủng hộ nhân quyền và bảo vệ phẩm giá nhân cách con người. Ý chính của Hiến Chương được nêu ra ngay trong lời mở đầu khi Hiến Chương tuyên bố: "Chúng tôi nhân dân của Liên Hiệp Quốc quyết tâm... tái khẳng định niềm tin vào nhân quyền cơ bản, vào nhân phẩm và giá trị của con người, vào các quyền bình đẳng giữa nam và nữ và giữa các quốc gia lớn và nhỏ, và... phát huy tiến bộ xã hội và chuẩn mực sống tốt hơn trong nền tự do rộng rãi hơn." Lời tuyên bố này phản ánh tiên đề căn bản của Hiến Chương là hòa bình và an ninh của nhân loại phụ thuộc vào sự tôn trọng lẫn nhau các quyền và tự do của tất cả mọi người. 

Một trong những mục đích của Liên Hiệp Quốc được tuyên bố trong điều 1 là: "đạt được sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, hay nhân đạo, và trong việc phát huy và khuyến khích sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, hay tôn giáo." 

Tư tưởng này được lập lại nhiều nơi trong Hiến Chương và đáng chú ý trong điều 55 và 56 các Thành viên cam kết hành động chung và riêng để hợp tác với Liên Hiệp Quốc nhằm thúc đẩy "sự tôn trọng và thực thi phổ quát nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo." 

Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất được giao cho Ủy Ban Nhân Quyền là soạn Luật Nhân Quyền Quốc Tế. Đại Hội Đồng khai mạc khóa họp thứ ba tại Paris cách đây vài ngày sẽ nhận được thành quả lao động đầu tiên của Ủy Ban trong nhiệm vụ này, đó là bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế. 

Sau nhiều công sức bản Tuyên Ngôn này cuối cùng được hoàn tất trong khóa họp vừa qua của Ủy Ban Nhân Quyền ở New York vào mùa xuân 1948. Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội đã gởi đến Đại Hội Đồng bản Tuyên Ngôn này mà không kèm theo ý kiến, cùng với các văn kiện khác được Ủy Ban Nhân Quyền đệ trình. 

Chúng tôi đã quyết định trong Ủy Ban của mình rằng Luật Nhân Quyền nên gồm có hai phần: 

1. Tuyên Ngôn có thể được chấp thuận qua hành động của các Nước Thành Viên của Liên Hiệp Quốc trong Đại Hội Đồng. Tuyên Ngôn này sẽ có sức mạnh đạo đức rất lớn, và sẽ nói với các dân tộc trên thế giới "chúng tôi hy vọng đối với tất cả mọi người đây chính là ý nghĩa của nhân quyền trong tương lai." Chúng tôi ghi lại ở đây những quyền mà chúng tôi coi là căn bản và phải có cho những cá nhân con người trên khắp thế giới. Không có những quyền này, chúng tôi tin sự phát triển nhân cách cá nhân trọn vẹn là điều không tưởng. 

2. Phần thứ hai của Luật Nhân Quyền, mà Ủy Ban Nhân Quyền chưa kịp hoàn tất do thiếu thời gian, là công ước dưới dạng hiệp ước sẽ được trao cho các nước trên thế giới. Mỗi nước, sau khi đã sẵn sàng phê chuẩn, sẽ phê chuẩn công ước này và sau đó công ước sẽ trở nên ràng buộc với những nước nào tham gia công ước. Mỗi nước đã phê chuẩn lúc đó sẽ có bổn phận phải thay đổi bất kỳ những điều luật nào của mình không phù hợp với những điểm trong công ước. 

Công ước này, tất nhiên, sẽ phải là văn kiện đơn giản hơn. Công ước không thể bày tỏ các nguyện vọng, mà chúng tôi nghĩ có thể cho phép trong Tuyên Ngôn. Công ước chỉ có thể khẳng định những quyền được luật pháp đảm bảo và công ước phải gồm có những phương pháp thi hành, và không có nhà nước nào đã phê chuẩn công ước lại có thể được phép coi thường nó. Chúng tôi vẫn chưa đồng ý về những phương pháp thi hành, Ủy Ban cũng không xem xét đầy đủ và kỹ lưỡng những phương pháp này trong bất kỳ cuộc họp nào của Ủy Ban. Chắc chắn nên có cuộc thảo luận về toàn bộ vấn đề Luật Nhân Quyền thế giới này và Hội Đồng này có thể chấp nhận Tuyên Ngôn nếu họ đạt được sự đồng ý về nó. Việc chấp nhận Tuyên Ngôn, tôi nghĩ, nên khuyến khích mỗi quốc gia thảo luận ý nghĩa của Tuyên Ngôn với nhân dân mình vào những tháng sắp tới để họ sẽ sẵn sàng chấp nhận công ước hơn với sự am hiểu sâu sắc hơn về những vấn đề liên quan khi công ước được đệ trình, chúng tôi hy vọng, vào khoảng một năm nữa và, chúng tôi hy vọng, được chấp nhận. 

Tuyên Ngôn từ Ủy Ban Nhân Quyền đã được toàn thể các nước thành viên chấp nhận ngoại trừ bốn phiếu trắng- Liên Xô, Nam Tư, Ukraine, và Byelorussia. Lý do cho điều này là sự khác biệt cơ bản về khái niệm nhân quyền như chúng tồn tại ở những nước này và ở các Nước Thành Viên khác trong Liên Hiệp Quốc. 

Khi thảo luận trước Hội Đồng, tôi nghĩ chúng ta nên bày tỏ rất rõ ràng và dễ hiểu những khác biệt này là gì và tối nay tôi muốn dành ít thời gian giải thích rõ ràng những khác biệt này với quý vị. Theo tôi có lý do hợp lý để dành ra thời gian suy nghĩ chín chắn và rõ ràng về chủ đề phải chăng nhân quyền, tức sự chấp nhận và tuân theo những quyền này, là nguồn gốc, tôi tin, của cơ hội hòa bình trong tương lai, và của cơ hội củng cố tổ chức Liên Hiệp Quốc cho tới lúc nó có thể duy trì hòa bình trong tương lai. 

Chúng ta phải hiểu rõ ràng tự do là gì. Nhân quyền căn bản vốn đơn giản và dễ hiểu: tự do ngôn luận và tự do báo chí; tự do tôn giáo và thờ phượng; tự do hội họp và quyền kiến nghị; quyền của con người được an toàn trong nhà mình và không bị lục soát và bị bắt giữ vô lý và không bị bắt giam và bị trừng phạt độc đoán. 

Chúng ta không được để cho các thế lực phản động lừa dối chúng ta qua việc họ ra sức làm hoen ố những lời cao cả của truyền thống tự do của chúng ta để từ đấy làm rối cuộc đấu tranh. Dân chủ, tự do, nhân quyền cuối cùng đã có ý nghĩa rõ ràng đối với mọi người trên thế giới. Vì thế chúng ta không được cho phép bất kỳ quốc gia nào thay đổi ý nghĩa ấy để làm cho các từ này đồng nghĩa với áp bức và độc tài. 

Có những khác biệt căn bản xuất hiện ngay cả trong cách dùng từ giữa nước dân chủ và nước toàn trị. Chẳng hạn "dân chủ" đối với Liên Xô có nghĩa này nhưng lại có nghĩa khác đối với Mỹ và, tôi biết, tại Pháp. Tôi đã phục vụ từ buổi họp đầu tiên của ủy ban trù bị cho Ủy Ban Nhân Quyền, nên tôi nghĩ điểm này rõ ràng rất dễ nhận thấy. 

Các đại diện Liên Xô khẳng định họ đã đạt được nhiều điều mà chúng ta, ở các nước họ gọi là "dân chủ tư sản", không thể đạt được vì chính quyền họ làm chủ những thành tựu này. Còn chính quyền chúng ta dường như bất lực so với họ vì, xét cho cùng, chính quyền chúng ta do nhân dân làm chủ. Họ không diễn đạt như vậy- họ thường nói nhân dân ở Liên Xô làm chủ chính quyền bằng cách cho phép chính quyền có những quyền tuyệt đối nào đấy. Chúng ta, ngược lại, tin rằng những quyền nào đấy có thể không bao giờ được trao cho chính quyền, mà phải được giữ trong tay nhân dân. 

Chẳng hạn, Liên Xô nhất định khẳng định báo chí họ tự do vì nhà nước cho báo chí tự do bằng cách cung cấp máy móc, giấy in, và cả tiền lương cho những người làm việc ở báo. Họ tuyên bố rõ ràng không có sự kiểm soát về bài vở ở nhiều tờ báo mà họ trợ cấp theo cách này, chẳng hạn như báo công đoàn. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu như tờ báo đăng những ý kiến chỉ trích các chính sách và giáo điều căn bản của chính quyền cộng sản? Tôi chắc chắn họ sẽ tìm ra lý do chính đáng để dẹp tờ báo ấy. 

Cũng đúng là có nhiều trường hợp báo chí ở Liên Xô đã chỉ trích các quan chức cùng những việc làm của họ khiến các quan chức đó bị cách chức, nhưng khi chỉ trích như thế, báo chí không chỉ trích đến bất kỳ điều gì được coi là nền tảng đối với giáo điều cộng sản. Họ chỉ được chỉ trích phương pháp làm việc, cho nên ta phải phân biệt giữa những điều có thể được cho phép, chẳng hạn như chỉ trích cá nhân hay cách làm việc, với sự chỉ trích về giáo điều mà sẽ được coi là sinh tử đối với sự chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. 

Còn những khác biệt gì, chẳng hạn, giữa các công đoàn trong các nhà nước toàn trị và trong các nước dân chủ? Trong nhà nước toàn trị công đoàn là công cụ được chính quyền sử dụng để áp đặt nghĩa vụ, chứ không phải để khẳng định các quyền. Những tài liệu tuyên truyền nào mà chính quyền muốn công nhân có đều được cấp cho các công đoàn để từ đó được phân phát đến các đoàn viên. 

Các công đoàn của chúng ta, ngược lại, hoàn toàn là công cụ của chính các công nhân. Những công đoàn này đại diện cho các công nhân trong các mối quan hệ với chính quyền và với chủ và công đoàn tự do phát triển quan điểm riêng của mình mà không cần chính phủ giúp đỡ hay can thiệp. Nhũng khái niệm của các công đoàn chúng ta và của các công đoàn ở các nước toàn trị khác nhau một trời một vực. Rất ít có sự tương đồng. 

Ví dụ điển hình nhất về sự khác biệt căn bản này trong cách dùng từ, tôi nghĩ ta có thể nêu ra, là "quyền làm việc". Liên Xô khẳng định đây là quyền căn bản mà chỉ mình Liên Xô mới có thể bảo đảm được vì chỉ mình Liên Xô mới tạo việc làm toàn thời gian cho tất cả mọi người thông qua chính quyền. Nhưng quyền làm việc ở Liên Xô có nghĩa công nhân phải làm bất kỳ công việc nào do chính quyền giao mà không có cơ hội cho họ tham gia vào quyết định phân bổ này của chính quyền. Xã hội mà mọi người đều có việc làm không nhất thiết là xã hội tự do mà thực chất có thể là xã hội nô lệ; ngược lại, xã hội có sự bất ổn kinh tế lan rộng có thể biến tự do thành quyền sáo rỗng và vô vị cho hàng triệu người. Chúng tôi ở Hoa Kỳ cuối cùng nhận thức tự do nghĩa là tự do chọn công việc của ta, tự do làm việc hay không làm việc tùy ta muốn. Tuy nhiên, chúng tôi, ở Hoa Kỳ, cuối cùng cũng nhận thức rằng người dân có quyền yêu cầu chính quyền của họ không được để cho dân đói vì có khi những cá nhân không thể tìm được công việc họ quen làm và đây là quyết định được tạo ra bởi công luận thành hình từ cuộc khủng hoảng kinh tế mà đã khiến nhiều người thất nghiệp, nhưng chúng tôi ở Hoa Kỳ sẽ không coi chúng tôi đạt được bất kỳ tự do nào nếu chúng tôi bị bắt buộc tuân theo sự phân công công việc độc đoán hay chúng tôi bị sai bảo phải làm việc ở đâu và khi nào. Quyền chọn lựa đối với chúng tôi có vẻ như là một tự do cơ bản, quan trọng. 

Tôi rất cảm thông với nhân dân Nga. Họ yêu nước mình và luôn luôn dũng cảm chống lại những kẻ xâm lược để bảo vệ nước mình. Họ đã trải qua thời kỳ cách mạng, cho nên có một dạo họ bị cô lập với thế giới bên ngoài. Do đấy họ không mất đi sự nghi ngờ về các nước khác và khó khăn rất lớn ngày nay là chính quyền họ khuyến khích sự nghi ngờ này và dường như tin rằng chỉ có vũ lực mới tạo cho họ sự tôn trọng. 

Chúng tôi, ở các nước dân chủ, tin ở điều giống như sự tôn trọng và hành động quốc tế hỗ tương. Chúng tôi nghĩ người khác không nên đối xử với chúng tôi khác với cách họ muốn được đối xử. Chính sự can thiệp vào các nước khác đặc biệt kích động sự thù địch chống lại Chính phủ Xô Viết. Nếu chính phủ Xô Viết muốn cảm thấy yên ổn để phát triển các lý thuyết kinh tế và chính trị trong lãnh thổ của họ, thì họ phải cho người khác chính sự yên ổn ấy. Chúng tôi tin con người có quyền tự do sai lầm. Chúng tôi không xen vào chuyện của họ thì họ không nên xen vào chuyện của người khác. 

Vấn đề căn bản đối mặt với thế giới ngày nay, như tôi đã nói lúc đầu, là sự gìn giữ quyền tự do của con người cho cá nhân và sau đó cho xã hội trong đó cá nhân là một phần. Ngày nay chúng ta đang đánh trận chiến này một lần nữa như ngày xưa nhân dân đánh trận chiến này lần đầu vào thời Cách Mạng Pháp và vào thời Cách Mạng Mỹ. Vấn đề tự do của con người có tính chất quyết định bây giờ như vấn đề tự do của con người có tính chất quyết định vào thời đó. Tôi muốn nói với quý vị khái niệm của tôi về tự do của cá nhân có nghĩa gì ở nước tôi. 

Cách đây đã lâu tại Luân Đôn trong một cuộc thảo luận với ông Vyshinsky (1), ông ta bảo tôi trên thế giới không có những thứ như tự do cho cá nhân. Tất cả tự do của cá nhân đều bị các quyền của những người khác chi phối. Điều đó, tất nhiên, tôi thừa nhận. Tôi đã nói:"Chúng tôi tiếp cận vấn đề từ quan điểm khác; chúng tôi ở đây tại Liên Hiệp Quốc đang cố gắng bắt đầu hình thành những lý tưởng mà sẽ rộng rãi hơn về quan điểm, mà sẽ xem xét trước tiên các quyền của con người, mà sẽ xem xét điều làm cho con người tự do hơn: không phải các chính quyền, mà con người." 

Nhà nước toàn trị thường đặt các sắc lệnh do một vài người bên trên ban ra cao hơn ý muốn của nhân dân. 

Tất nhiên ta phải luôn luôn xem xét đến các quyền của người khác; nhưng trong nước dân chủ điều này không phải là sự hạn chế. Thật vậy, trong các nước dân chủ của mình chúng ta làm cho các quyền tự do của chúng ta vững chắc vì mỗi người trong chúng ta đều được mong đợi tôn trọng các quyền của những người khác và chúng ta được tự do làm ra luật pháp của chính mình. 

Tự do đối với nhân dân chúng ta không chỉ là quyền mà còn là công cụ. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do hội họp - những quyền tự do này đối với chúng ta không chỉ là những lý tưởng trừu tượng; chúng còn là các công cụ nhờ đấy chúng ta sáng tạo ra nếp sống, trong nếp sống ấy chúng ta có thể tận hưởng tự do. 

Đôi khi những quá trình dân chủ diễn ra chậm, và tôi biết một số nhà lãnh đạo chúng ta từng nói chế độ độc tài nhân từ sẽ đạt được cứu cánh mong muốn trong thời gian ngắn hơn nhiều so với thời gian phải mất khi trải qua những quá trình thảo luận dân chủ và qua sự hình thành công luận chậm chạp. Nhưng không có cách nào bảo đảm chế độ độc tài sẽ vẫn còn nhân từ hay quyền lực một khi rơi vào tay của một vài người sẽ được trả lại cho nhân dân mà không cần đến đấu tranh hay cách mạng. Qua kinh nghiệm chúng ta đã học được điều này cho nên chúng ta thà chấp nhận những quá trình dân chủ chậm chạp vì chúng ta biết những con đường tắt thỏa hiệp những nguyên tắc mà không thể nào thỏa hiệp được. 

Với chúng ta ý dân cuối cùng thể hiện qua các cuộc bầu cử tự do và trung thực, với những chọn lựa hợp lý về những vấn đề cơ bản và về những người ra ứng cử. Bỏ phiếu kín là điều cốt yếu đối với các cuộc bầu cử tự do nhưng ta phải có sự chọn lựa ở trước mặt mình. Tôi nghe chồng tôi nhiều lần nói người ta không bao giờ phải mất tự do của mình nếu họ giữ được quyền bỏ phiếu kín và nếu họ sử dụng lá phiếu kín đó một cách tốt nhất. 

Những quyết định căn bản của xã hội chúng ta đều được thực hiện qua ý muốn được bày tỏ rõ ràng của nhân dân. Vì thế khi chúng ta thấy những quyền tự do này bị đe dọa, thay vì tan rã, quốc gia chúng ta lại trở nên đoàn kết và các nước dân chủ sát cánh bên nhau thành nhóm đoàn kết cho dù chúng ta có những hoàn cảnh khác biệt và có nhiều căng thẳng về chủng tộc. 

Ở Hoa Kỳ chúng tôi có nền kinh tế tư bản. Đó là vì công luận ủng hộ hình thái kinh tế đó trong hoàn cảnh chúng tôi sống. Nhưng chúng tôi đã áp đặt những giới hạn nào đấy; chẳng hạn, chúng tôi có những luật chống độc quyền. Những luật này là chứng cứ pháp lý về sự quyết tâm của nhân dân Mỹ nhằm duy trì nền kinh tế tự do cạnh tranh và không cho phép các công ty độc quyền cướp đi tự do ấy của nhân dân. 

Các công đoàn của chúng ta phát triển vững mạnh hơn vì nhân dân cuối cùng tin đây là cách thích hợp nhằm bảo đảm các quyền của công nhân và tin quyền tổ chức và mặc cả tập thể duy trì cân bằng giữa nhà sản xuất thực sự và người đầu tư tiền bạc với người đứng đầu trong công nghiệp bảo vệ người lao động tay chân và cũng là người sản xuất ra của cải vật chất thực sự. 

Ở Hoa Kỳ chúng tôi đủ khôn lớn để không tuyên bố mình hoàn thiện. Chúng tôi thừa nhận chúng tôi có vấn đề kỳ thị nhưng chúng tôi nghĩ chúng tôi đang đạt được những tiến bộ không ngừng trong việc giải quyết những vấn đề này. Qua các quá trình dân chủ bình thường chúng tôi cuối cùng đang hiểu ra những nhu cầu của mình và hiểu cách chúng tôi có thể đạt đến sự bình đẳng hoàn toàn cho tất cả mọi người chúng tôi. Mọi người được phép thảo luận tự do về chủ đề này. Mới đây Tòa Án Tối Cao của chúng tôi đã ban hành những quyết định nhằm làm rõ một số luật để bảo đảm các quyền của tất cả mọi người. 

Liên Xô tuyên bố đã đạt đến thời kỳ khi tất cả các dân tộc trong biên giới nước họ chính thức được coi là bình đẳng và có các quyền bình đẳng và họ quả quyết họ không có sự kỳ thị đối với người thiểu số. 

Đây là mục tiêu đáng khen ngợi nhưng sự phát triển tự do cho cá nhân có những khía cạnh khác rất quan trọng và cần thiết trước khi cái việc không có sự kỳ thị có giá trị nhiều, nhưng những khía cạnh này không có ở Liên Xô. Nếu người ta không được phép hưởng các quyền tự do họ muốn mà họ thấy người khác có, thì người ta thường không phàn nàn về sự kỳ thị. Chính những quyền tự do khác này-những quyền tự do ngôn luận căn bản, tự do báo chí, tự do tôn giáo và lương tâm, tự do hội họp, tự do được xử án công bằng và tự do không bị bắt giam và trừng phạt độc đoán, những quyền tự do này chính quyền toàn trị không thể nào an tâm mà ban cho nhân dân họ nhưng những quyền tự do này mới thật sự ban ý nghĩa cho quyền tự do không bị kỳ thị. 

Niềm tin của tôi, và tôi chắc chắn cũng là niềm tin của quý vị, là cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do là cuộc đầu tranh rất quan trọng, vì sự gìn giữ tự do và dân chủ là cần thiết cho mục tiêu cao cả của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. 

Trong xã hội những người tự do cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện. Chúng ta đều biết những mô hình của chủ nghĩa toàn trị-độc đảng chính trị, kiểm soát trường học, báo chí, truyền thanh, nghệ thuật, khoa học, và tôn giáo để củng cố quyền lực chuyên chế; đây là những mô hình lâu đời mà con người đã đấu tranh chống lại trong suốt ba ngàn năm. Những mô hình này là dấu hiệu của phản động, lạc hậu, và thoái hóa. 

Liên Hiệp Quốc phải bám chặc vào di sản tự do đã giành được từ cuộc đấu tranh của các dân tộc mình; Liên Hiệp Quốc phải giúp chúng ta chuyển giao di sản ấy cho các thế hệ tương lai. 

Sự hình thành lý tưởng tự do và những ứng dụng của lý tưởng ấy vào thực tiễn cuộc sống hàng ngày ở nhiều vùng bao la trên trái đất là thành quả của công sức của nhiều dân tộc. Đó là thành quả của truyền thống tư duy tích cực và hành động can đảm lâu đời. Không có chủng tộc nào và không có dân tộc nào có thể tuyên bố đã làm hết tất cả mọi việc để đạt được nhân phẩm lớn lao hơn cho con người và tự do lớn lao hơn để phát triển nhân cách. Trong mỗi thế hệ và trong mỗi nước phải có cuộc đấu tranh liên tục không ngừng và phải đạt được những bước tiến mới vì đây rõ ràng là chiến trường nơi đứng im là thoái lui. 

Lĩnh vực nhân quyền không phải là một lĩnh vực có thể thỏa hiệp những nguyên tắc cơ bản. Công việc của Ủy Ban Nhân Quyền minh họa điều này. Tuyên Ngôn Nhân Quyền quy định: "Mọi người đều có quyền rời khỏi bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình." Đại diện Xô Viết nói ông ta sẽ tán thành quyền này nếu thêm vào nhóm từ - "phù hợp với thủ tục được ghi thành luật của nước đó." Rõ ràng là chấp nhận điều này sẽ không chỉ thỏa hiệp mà còn vô hiệu hóa quyền đã được ghi rõ. Trường hợp này minh họa hùng hồn tầm quan trọng của lời tuyên bố chúng ta phải luôn luôn cảnh giác không thỏa hiệp những nhân quyền cơ bản chỉ vì để đạt được sự nhất trí vì như thế đánh mất đi những quyền này. 

Theo tôi hiểu, thật không dễ dàng đạt đến sự nhất trí về những khái niệm khác nhau của chúng ta về chính quyền và nhân quyền. Cho nên cuộc đấu tranh nhất định sẽ khó khăn và trong cuộc đấu tranh này chúng ta phải cương quyết nhưng kiên nhẫn. Nếu chúng ta luôn luôn trung thành với những nguyên tắc của mình tôi nghĩ chúng ta có thể duy trì tự do và duy trì tự do một cách ôn hòa mà không dùng đến vũ lực. 

Tương lai phải chứng kiến việc mở rộng nhân quyền ra trên toàn thế giới. Những ai đã nhìn thấy dù thoáng qua tự do nhất định không bao giờ bằng lòng cho tới khi nào họ đã đạt được tự do cho chính họ. Nhân quyền, theo ý nghĩa đích thực, là mục tiêu cơ bản của luật pháp và chính quyền trong xã hội công bằng. Nhân quyền tồn tại tới mức độ nhân quyền được tôn trọng bởi mọi người trong mối quan hệ lẫn nhau và bởi chính quyền trong mối quan hệ với công dân. 

Thế giới nói chung ý thức những hậu quả bi kịch cho những người sống dưới ách cai trị của các chế độ toàn trị. Nếu chúng ta nghiên cứu việc Hitler lên nắm quyền, chúng ta thấy cách họ rèn ra những xiềng xích để trói buộc cá nhân vào cảnh nô lệ và chúng ta có thể thấy những xiềng xích tương tự đang được rèn ra ở những nước khác. Về chính trị con người phải được tự do để thảo luận và để đạt đến càng nhiều sự thật càng tốt và phải có ít nhất chế độ hai đảng trong nước vì khi chỉ có một đảng chính trị, quá nhiều thứ có thể lệ thuộc vào quyền lợi của độc đảng đó rồi đảng biến thành độc tài chứ không thành công cụ của chính quyền dân chủ. 

Tuyên truyền chúng ta chứng kiến trong quá khứ mới đây, giống như tuyên truyền chúng ta nhận thức trong những ngày nay, luôn tìm cách gieo rắc sự nghi ngờ, tìm cách phá hoại, và tiêu diệt tự do và độc lập của các dân tộc. Tuyên truyền như thế đặt cho tất cả các dân tộc vấn đề nên hoài nghi di sản các quyền của họ và vì thế thỏa hiệp những nguyên tắc mà họ đã sống theo, hay cố gắng chấp nhận thử thách, nâng cao cảnh giác hơn nữa, và luôn luôn vững vàng trong cuộc đấu tranh duy trì và mở rộng các quyền tự do của con người. 

Những ai tiếp tục bị tước đoạt danh dự họ có quyền được hưởng với tư cách con người nhất định không bao giờ cam phận mãi mãi trong cảnh tước đoạt ấy. 

Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là ngọn hải đăng soi sáng suốt trên con đường đưa đến thành tựu nhân quyền và những quyền tự do cơ bản trên toàn thế giới. Thử thách trước mắt không chỉ là mức độ nhân quyền và các quyền tự do đã đạt được, mà còn là hướng đi của thế giới hiện nay. Phải chăng có sự tuân theo trung thành các mục tiêu của Hiến Chương nếu một số quốc gia giới hạn nhân quyền và các quyền tự do thay vì phát huy sự tôn trọng và thực thi phổ quát nhân quyền và các quyền tự do cho tất cả mọi người như Hiến Chương kêu gọi? 

Nơi thảo luận vấn đề nhân quyền là tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Liên Hiệp Quốc đã được lập ra làm nơi gặp gỡ chung cho các nước, nơi chúng ta có thể cùng nhau xem xét những vấn đề chung và tận dụng những khác biệt của chúng ta về kinh nghiệm. Chính nhờ gắn bó bền chặc với dân chủ và tự do nên chúng ta tự nhiên luôn luôn sẵn sàng dùng những thủ tục dân chủ cơ bản của thảo luận và thương lượng trung thực. Như thường lệ bây giờ hy vọng của chúng ta là dù trong thế giới ngày nay chúng ta đối diện với những sự khác biệt lớn về phương pháp, nhưng với thiện ý dành cho lẫn nhau chúng ta có thể đạt đến cơ sở đồng ý chung. Chúng ta có mặt ở đây để tham gia vào những cuộc họp của Hội Đồng quốc tế cao cả này mà nhóm họp tại thành phố Paris xinh đẹp của quý vị. Tự do cho cá nhân là phần không thể tách rời của những truyền thống trân quý của nước Pháp. Với tư cách là một Đại Diện đến từ Hoa Kỳ, tôi cầu nguyện Đức Chúa Toàn Năng rằng chúng ta có thể thắng một chiến thắng mới nữa tại đây cho nhân quyền và những quyền tự do của tất cả mọi người. 


____________________________________

1) Andrei Y. Vyshinsky là Đại diện của Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc (chú thích của người dịch) 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo