BBC - Công an tỉnh Hà Tĩnh quyết định khởi tố vụ án hình sự sau sự kiện người dân bao vây đập phá trụ sở UBND xã Yên Lộc đêm 14/8 - sáng 15/8.
Báo Lao Động nói Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an Hà Tính "khởi tố vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng và Bắt giữ người trái pháp luật" xảy ra tại xã Yên Lộc, huyện Can Lộc.
Theo công an tỉnh, vụ việc bắt nguồn từ hôm 29/6, khi hai anh em ông Đặng Văn Định (33 tuổi) và Đặng Văn Công (27 tuổi) - cùng trú tại xóm Tràng Sơn, xã Yên Lộc đã "thuê anh Nguyễn Văn Thành lái máy xúc đào mương dẫn nước, lấn chiếm sân bóng của xóm".
Công an Hà Tĩnh nói "chính quyền địa phương đã yêu cầu anh em Định, Công phải dừng ngay hành vi nói trên. Định và Công đã tấn công lại lực lượng chức năng".
Công an tỉnh còn cáo buộc: "Ngày 14/8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Can Lộc đã bắt tạm giam về tội chống người thi hành công vụ đối với Đặng Văn Công. Mẹ của Công và một số người khác đã đến trụ sở UBND xã la ó, đòi thả Công."
Tuy nhiên cáo buộc trên không giống những gì mà nhân chứng tại xã Yên Lộc mô tả cho BBC hôm 16/8.
Theo nhân chứng có mặt tại địa phương, vào ngày 29/6 Ban Chấp hành chi đoàn TNCS xóm Tràng Sơn "cùng toàn thể đoàn viên thanh niên đã thuê máy về múc mương thoát nước và xây bao" để nâng cấp sân bóng chung của xóm.
"Trong lúc các đoàn viên thanh niên đang háo hức làm, ông phó chủ tịch UBND xã (Dương Chí Thanh) đến bắt dừng lại. Mọi người bức xúc tranh cãi với ông phó chủ tịch xã."
Người dân địa phương còn cho hay: "Trước đó, các đoàn viên được thông tin xã quyết định bán sân bóng này nên các đoàn viên và mọi người tham gia càng thêm bức xúc".
'Không có xô xát'
Người này cũng nói ông Đặng Văn Công "lấy một tấm ván mỏng trong đống củi của một gia đình gần sân bóng đòi đánh ông Thanh", nhưng có người can ngăn nên không có chuyện gì xảy ra.
Theo người này, không có xô xát gì cho tới khi việc tu bổ sân bóng này hoàn tất hôm 29/6.
Đây là sân chơi thể thao với tổng diện tích 3.000 mét vuông, nơi mà theo người dân, "mỗi chiều đều rất sôi động".
Trong quá trình tranh chấp, chính quyền đã nhượng bộ khi quyết định không bán sân bóng nữa, nhưng lại ngăn cản việc tu sửa, cũng như không giữ lời hứa thả người dân bị cáo buộc là tham gia xung đột như cam kết với dân.
Việc điều tra vụ đập phá trụ sở UBND bị cho là sẽ khó khăn vì con số người tham gia khá đông, lên tới hàng trăm người, và khó xác định ai là người trực tiếp đánh các vị quan chức.
Gần đây, các vụ người dân manh động tấn công cơ quan công quyền xảy ra khá thường xuyên như các vụ tranh chấp ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, vụ Ecopark ở tỉnh Hưng Yên và mới nhất là vụ tranh chấp đất ở xã Nam Viêm, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc giữa hàng chục hộ nông dân với chính quyền địa phương.
Vụ lớn gây chú ý nhiều tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, từ đầu năm tới nay, tuy vậy vẫn chưa có kết luận chính thức cuối cùng.