Đào Tuấn - Ngày 12-8, một sinh viên ĐH Quốc gia đặt câu hỏi rất ngộ nghĩnh trong buổi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giao lưu trực tuyến: Cháu thấy chú ít có ý kiến, không có nhiều tuyên bố về những vấn đề của ngành mình?
Bộ trưởng đánh giá đây là câu hỏi “mang tính thời sự”, và ông trả lời, cũng ngộ nghĩnh không kém: Tôi không phải là không phát biểu, nhưng chủ trương của chúng tôi là lắng nghe và nếu có vấn đề bức xúc thì trân trọng lắng nghe, có biện pháp giải quyết kịp thời. Bộ trưởng còn nói thêm “Tôi cho rằng không phải là không có khả năng nói, mà tôi tập trung hơn vào thực hiện, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo, tiếp thu ý kiến của nhân dân, tháo gỡ các vấn đề đặt ra”.
Vấn đề đặt ra đối với người dân cũng như doanh nghiệp giờ có lẽ chỉ xoay quanh 2 chữ “tồn kho”. DN chết trong tình trạng tồn kho vì thiếu vốn, vì chi phí đầu vào quá cao. Người dân buộc chặt túi, ngảnh mặt với hàng tồn kho, mà nhiều trường hợp đã bán dưới giá thành. Ấy thế là ngay trong ngày 13-8, giá xăng tăng.
Biểu hiện sinh động nhất xung quanh sự thao túng của các doanh nghiệp đầu mối với cơ quan quản lý không phải là những tấm biển “hết hàng”, “mất điện” ở ĐBSCL mà ở chi tiết các cây xăng bán cầm chừng “không quá 300 ngàn đồng” ngay giữa thủ đô.
Ngày 12-8, Bộ trưởng khảng khái: Nhà nước giao cho ngành Công Thương nhiệm vụ đảm bảo trong bất kỳ tình huống nào đủ xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân bằng bất cứ giá nào…Chưa có lúc nào chúng ta để xảy ra tình trạng thiếu hàng, thiếu nguồn cung cấp, mà nếu có chỉ là cục bộ ở một vài điểm trong thời gian ngắn.
Sự cục bộ đó, vài thời điểm đó, rơi ngay vào 10 tiếng trước khi giá xăng tăng lúc cuối giờ chiều ngày 13-8.
Liệu các cây xăng có thực sự “thiếu nguồn cung”, cục bộ trong vài tiếng trước khi giá xăng tăng? Hay là sự tình cờ có tính chất truyền thống đó đang cho thấy sự bất lực trong chức năng “điều tiết”, quản lý của liên bộ?
Ừ thì điều hành cơ chế xăng dầu theo thị trường. Nhưng liệu có công bằng khi để DN tự định giá trong bối cảnh hoàn toàn chưa có thị trường cạnh tranh? Nhưng vai trò quản lý nhà nước của liên bộ Tài chính- Công thương ở đâu khi giá xăng- không phải là “lá rau con cá” mà là mặt hàng chiến lược, gắn với mấy chữ “an ninh năng lượng” là “đầu vào” của hầu hết các ngành sản xuất- lại tăng, 2 lần trong chưa đầy 2 tháng, giữa lúc Chính phủ, và chính Bộ Công thương đang nỗ lực đưa ra những đề án giải cứu DN? Chưa kể đến việc Bộ Tài chính thậm chí còn “cơ mưu” đến mức một mặt gật đầu với việc tăng giá, mặt khác vẫn yêu cầu “giữ mức trích 300 đồng mỗi lít xăng nộp quỹ bình ổn”.
Phải chăng đời sống của người dân, những khó khăn của DN không quan trọng bằng “cái ví của Nhà nước”?!
Cũng ngày 13, Ủy viên ủy ban kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, TS Trần Hoàng Ngân có lẽ không tình cờ cho rằng niềm tin sẽ suy giảm khi lạm phát sẽ quay trở lại. “Điều quan trọng là đừng khi nào thấy “thừa” trong sự thận trọng với việc quay trở lại của lạm phát”- ông nói với Vneconomy.
Thưa Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ông có thể không cần phát biểu nhiều, nhưng xin ông hãy lắng nghe người dân và các DN để có những hành động không chất thêm “củi” lên những tấm lưng đã quá cong gập của người dân cũng như các DN.
Đào Tuấn