Báo chí ở Việt Nam thời gian gần đây được bật đèn xanh viết những bài chỉ trích hành động bá quyền của Trung Quốc trên Biển Ðông. Một số bài viết dẫn chứng các tư liệu lịch sử chứng minh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Nhưng đây có vẻ là lần đầu tiên, người ta thấy một văn bản như Bản tuyên bố của Trung Ương Hội Nghề Cá Việt Nam gọi hành động của Trung Quốc là “hành động xâm lược.”
Bản tuyên bố của Trung Ương Hội Nghề Cá Việt Nam hôm 3 tháng 8 gởi đến chính phủ, Bộ Ngoại Giao và các cơ quan truyền thông ở Việt Nam còn gọi hành động của Trung Quốc là phi pháp và “yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay hành động kể trên.”
“Thời gian qua, Trung Quốc đã liên tục có nhiều hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam và gần đây khi lệnh cấm biển đơn phương của phía Trung Quốc hết hiệu lực (1 tháng 8, 2012) thì hàng chục nghìn tàu cá của Trung Quốc đồng loạt triển khai hoạt động đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ðây là hành động xâm lược của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.” Bản tuyên bố viết.
Phóng ảnh bản tuyên bố của Trung Ương Hội Nghề Cá Việt Nam đề ngày 3 tháng 8, 2012 ký tên ông chủ tịch là Tiến Sĩ Nguyễn Việt Thắng.
Ông Thắng từng là thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn Việt Nam.
Hôm 1 tháng 8, truyền thông Trung Quốc đồng loạt loan tin nước này sẽ đưa khoảng 23,000 chiếc tàu đánh cá tràn xuống biển Ðông để đánh bắt hải sản khi lệnh cấm đánh cá hàng năm trên biển này hết hạn.
Trong số 23,000 tàu cá này, có gần 9,000 tàu đánh cá của tỉnh Hải Nam và 14,000 tàu của tỉnh Quảng Ðông.
Mới tuần trước, ngày 30 tháng 7, 2012, Tân Hoa Xã loan tin “Ngày 28 tháng 7, tại Hà Nội, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cho biết, Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam coi trọng cao phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, đây là chủ trương nhất quán và xem xét ưu tiên nhất trong chính sách ngoại giao quốc phòng của Việt Nam.”
Tân Hoa Xã, dịp này, viết thêm rằng, “Trước thềm kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã tổ chức gặp mặt các cán bộ Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam từng được đào tạo tại Trung Quốc trong các thời kỳ. Phát biểu trong tại cuộc gặp, Bộ Trưởng Phùng Quang Thanh đã điểm lại sự viện trợ của Trung Quốc dành cho cuộc đấu tranh giành độc lập đất nước và giải phóng dân tộc của Việt Nam, Việt Nam sẽ luôn luôn khắc sâu trong trí nhớ việc Trung Quốc dành sự viện trợ to lớn và chân thành cho Việt Nam.”
Phía ông đại tướng bộ trưởng Quốc Phòng của “Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam” được Tân Hoa Xã kể lại những lời tốt đẹp về tình nghĩa Hoa-Việt trong khi ông chủ tịch Hội Nghề Cá lại đang tố cáo “Trung Quốc xâm lược.” Ðây là hai dấu hiệu tương phản trong mối quan hệ “16 chữ vàng” và “tinh thần 4 tốt” của hai nước cộng sản anh em “núi liền núi, sông liền sông.”
Ngày 21 tháng 7, 2012, tờ Hoàn Cầu Thời Báo ở Bắc Kinh cho hay hai tàu đánh cá của Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Nga. Khi bị tàu tuần của Nga bắt giữ đã chống lệnh nên bị bắn. Các tàu này bị bắt và thuyền trưởng sẽ bị Nga truy tố ra tòa. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã không dám làm gì ngoài những lời yêu cầu Nga “đối xử nhân đạo” với các người bị bắt.
Trong số hàng chục ngàn tàu đánh cá cỡ lớn của Trung Quốc tràn xuống biển Ðông cào vét tôm cá, hải sản, nhiều chiếc ngang nhiên khai thác không những gần các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn vào sâu các vùng đặc quyền kinh tế dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam như báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 16 tháng 7, 2012 tố cáo.
Bản tuyên bố của Hội Nghề Cá Việt Nam. (Hình: Facebook)
“Ngư trường gần bờ ở Quảng Ngãi ngày càng cạn kiệt, nhưng tàu cá Trung Quốc vẫn tiến vào để càn quét, vơ vét kiểu tận diệt. Với ngư dân Quảng Ngãi và miền Trung, kinh nghiệm đánh bắt có thừa, không thua ngư dân bất cứ nước nào. Thế nhưng, ngư dân Trung Quốc với tàu sắt to, công suất lớn, gấp 3-4 lần, thậm chí cả chục lần so với tàu thuyền ngư dân ta, vì thế, mỗi lần gặp tàu cá Trung Quốc, ngư dân ta đành cuốn lưới chào thua.” SGTT viết.
Trước tình hình như vậy, không thấy Hà Nội có biện pháp gì cụ thể bảo vệ ngư trường cho ngư dân của mình.
Tờ SGTT kể rằng, “Phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Quảng Ngãi, ông Phan Huy Hoàng, khẳng định: tàu cá Trung Quốc tiến về biển miền Trung và các quần đảo của Việt Nam càng nhiều, ngư trường của ta càng bị hẹp lại, ngư dân ta càng bị ép bởi ngư dân Trung Quốc.” (TN)