Đào Tiến Thi (Blog Nguyễn Thông) - Trong cuộc biểu tình ngày 5-8-2012 vừa rồi, con trai tôi, cháu Đào Lê Tiến Sỹ, sinh viên vừa học xong năm thứ nhất Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội đã bị công an quận Hoàn Kiếm bắt và giam giữ một ngày tại Trung tâm Lưu trú Lộc Hà (Đông Anh, Hà Nội), nơi trước kia gọi là Trung tâm Phục hồi Nhân phẩm, vốn là nơi cải tạo dành cho gái mại dâm. Cùng bị bắt với cháu có khoảng 6, 7 cháu khác cũng là thanh niên, sinh viên.
*
Kính gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận
Tôi là Đào Tiến Thi, hiện đang công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, địa chỉ 187B Giảng Võ, Hà Nội.
Thưa Bộ trưởng
Như Bộ trưởng biết, trong mấy năm qua nhà cầm quyền Trung Quốc có rất nhiều hành động gây hấn ngang ngược đối với Việt Nam như liên tục ngăn cản, bắt giữ, đánh đập, đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam ra làm ăn trên vùng biển của mình (trong khi đó chính tàu của họ ngang nhiên vào đánh bắt trong vùng biển của ta), và hành động nghiêm trọng nhất là 2 lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta vào mùa hè năm ngoái, khiến dư luận phẫn nộ. Mùa hè năm nay, nhà cầm quyền Trung Quốc còn đi những bước trắng trợn và ngang ngược hơn. Chỉ trong hơn một tháng qua, chúng đã tiến hành mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nâng cấp hành chính quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thành thành phố Tam Sa, đưa 30 tàu cá ra đánh bắt 18 ngày tại vùng biển Trường Sa, và hiện nay đang rầm rộ đưa 23.000 tàu cá ra vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Cả cộng động quốc tế phẫn nộ và lo lắng trước các hàng động trên của Trung Quốc huống chi người Việt Nam. Đối với chủ quyền của chúng ta, đó là những hành động ăn cướp trắng trợn, trực tiếp cướp đi miếng cơm manh áo của ngư dân làm ăn trên biển, và nguy hiểm hơn, những hành động đó tiếp tục leo thang ngày một nhanh, khiến tính mạng của cả dân tộc Việt Nam đang ở thế cực kỳ nguy hiểm. Một phần biển đảo của chúng ta đã bị mất vào các năm 1974, 1988, nay nguy cơ tiếp tục bị mất thêm và có nguy cơ mất nước hoàn toàn. Không những thế, đây là nỗi quốc nhục của cả dân tộc ta, một dân tộc với gần 90 triệu dân, đứng thứ 13 trên tổng số gần 200 dân tộc trên toàn cầu, đủ tư cách là một dân tộc lớn, hơn nữa là một dân tộc anh hùng đã từng chiến thắng những đội quân xâm lược hung dữ nhất thế giới.
Chính vì những điều trên mà chúng ta hiểu vì sao nhân dân Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình nhằm bày tỏ sự phẫn nộ đối với quân xâm lược và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của mình.
Trong cuộc biểu tình ngày 5-8-2012 vừa rồi, con trai tôi, cháu Đào Lê Tiến Sỹ, sinh viên vừa học xong năm thứ nhất Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội đã bị công an quận Hoàn Kiếm bắt và giam giữ một ngày tại Trung tâm Lưu trú Lộc Hà (Đông Anh, Hà Nội), nơi trước kia gọi là Trung tâm Phục hồi Nhân phẩm, vốn là nơi cải tạo dành cho gái mại dâm. Cùng bị bắt với cháu có khoảng 6, 7 cháu khác cũng là thanh niên, sinh viên.
Trong thời gian bị giam giữ, cháu đã bị công an thẩm vấn, tra xét, đe dọa, coi việc biểu tình như một hành động tội lỗi.
Ngay trong thời gian bị giam giữ, công an đã gọi nhà trường đến bảo lãnh, và hiện nay công an giao cho nhà trường xử lý.
Việc này chưa biết kết cục ra sao nhưng trước hết chúng tôi thấy công an đã can thiệp thô bạo vào công việc của nhà trường. Con trai tôi năm nay 19 tuổi, là tuổi thành niên, không cần đến sự bảo lãnh của nhà trường trong trường hợp trên. Nếu cháu sai phạm ngoài xã hội, công an, chính quyền cứ việc xử lý theo pháp luật, còn nhà trường hoạt động trong phạm vi những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nội quy của nhà trường.
Xin nói thêm với Bộ trưởng rằng, trường hợp con tôi vẫn là may mắn. Gia đình cháu sống tại Hà Nội, bố mẹ đều là nhà giáo và chúng tôi ủng hộ việc làm chính nghĩa, cao cả đó của con mình, nên luôn là chỗ dựa tinh thần cho cháu. Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội là một khoa có thể nói rằng là nơi chuyên dạy về tình yêu Tổ quốc và lòng nhân ái (bao gồm tình yêu đồng bào và tình yêu nhân loại), và lại đào tạo lớp lớp thầy cô đi dạy tình yêu Tổ quốc và lòng nhân ái, không bao giờ đi chống lại tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào của các cháu, cho nên tuy lúc đầu có bối rối, nhưng sau khi tìm hiểu sự việc, con người, tấm lòng của cháu, các thầy cô ở đây đã có những chia sẻ nhất định, không truy bức, không xúc phạm cháu như thường thấy diễn ra trong những trường hợp tương tự. Do đó, tuy đến nay chưa có kết cục nhưng chúng tôi cũng tạm yên tâm. Ngoài ra chúng tôi còn được một số giáo sư có uy tín, được cộng đồng mạng theo sát và ủng hộ.
Nhưng chính vì thế tôi lại vô cùng xót thương và lo lắng cho các cháu khác không được điều kiện như con tôi. Ví dụ các cháu ở quê, thân cô thế cô trên đất Hà Nội. Ví dụ các cháu có bố mẹ ít hiểu biết. Ví dụ các thầy cô ở các trường không được như các thầy cô ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Sẽ có những cháu mà gia đình và thầy cô do không đủ hiểu biết hoặc do quá sợ hãi mà lại tiếp tục hành hạ các cháu chẳng kém công an. Biết đâu có cháu còn bị nhà trường “hãm” trong suốt thời gian học còn lại, bị mất đi nhiều cơ hội tốt. Và biết đâu có cháu còn bị đuổi học nếu chủ trương kiểu như Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, số học sinh, sinh viên gặp nạn không chỉ là những cháu bị bắt, mà nhìn chung cháu nào đã đi biểu tình nếu nhà trường biết cũng đều bị rắc rối ít nhiều. Trong cuộc biểu tình ngày 8-7, tôi có gặp một sinh viên Đại học Luật Hà Nội phải “thay hình đổi dạng” khi đi biểu tình. Cháu nói rằng năm ngoái đi biểu tình đã bị nhà trường gọi lên kiểm điểm rồi. Nếu ngư dân ta hiện nay đi làm ăn trên biển của mình nhiều khi phải đi như kẻ ăn trộm trước sự săn đuổi của tàu Trung Quốc đã là việc đau xót thì việc các sinh viên phải ngụy trang lòng yêu nước ngay giữa thủ đô tự do như cậu sinh viên Đại học Luật Hà Nội lại càng đau xót và bi hài hơn.
Thưa Bộ trưởng
Như Bộ trưởng biết, giáo dục tình yêu Tổ quốc, tình yêu con người là mục tiêu số một của nhà trường XHCN của chúng ta. Và nhà trường của chúng ta trong suốt thời gian từ khi lập nước (1945) đến hết thập kỷ bảy mươi của thế kỷ XX đã làm xuất sắc nhiệm vụ này, chính vì thế mà lớp lớp thanh niên hào hùng ra trận, làm nên chiến thắng vĩ đại trong ba cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc: chống Pháp, chống Mỹ, chống Trung Quốc xâm lược. Yếu tố quyết định thắng hay bại không ở chỗ quân đội, vũ khí mà ở chỗ biết khơi dậy lòng yêu nước của mỗi công dân hay không mà thôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Chính lúc này đây, lúc giặc đã lăm le ngoài bờ cõi, đã làm chủ một phần biển đảo của ta, tinh thần yêu nước ấy cần phải được khơi dậy, đặc biệt là trong nhà trường. Tiếc thay, càng gần đây, việc giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng sống cao cả cho tuổi trẻ ngày càng sa sút. Chúng ta hằng ngày, hoặc đọc trên báo chí hoặc tận mắt chứng kiến những hiện tượng vô cảm, những lối sống ích kỷ, tham lam, những hành động bạo lực dã thú bất chấp luật pháp và đạo lý.
Trong bối cảnh trên, việc làm như con trai tôi và một số cháu thanh niên, sinh viên khác thật vô cùng đáng quý. Những điều hay lẽ phải được thầy cô và sách giáo khoa dạy đã thấm sâu vào tâm hồn, vào nhận thức của các cháu, và các cháu đã biến nó thành hành động cụ thể, thiết thực một cách hoàn toàn tự giác. Nó là những hoa trái đầu mùa mà hiện nay đã hơi hiếm hoi của ngành giáo dục mà biết bao công sức dạy dỗ, rèn luyện mới có được. Vậy thì cớ sao bây giờ lại đang tay bẻ gãy, đập nát, tự mình phủ định việc làm của mình, đi ngược hoàn toàn với mục tiêu giáo dục? Đấy không chỉ là tội lỗi mà còn là việc làm phản giáo dục đến quái gở. Người xưa có chuyện một người đi câu mang cái giỏ không đáy, cho nên dù câu được bao nhiêu cá thì cuối cùng vẫn về không. Ấy là người ta muốn nói về loại người ngu đần hoặc là loại người đi câu nhưng không có mục đích lấy cá mà vì mục đích khác. Chẳng lẽ bây giờ chúng ta cũng dạy học sinh yêu nước theo kiểu ấy? Nhiều người muốn dẹp biểu tình yêu nước của sinh viên luôn lý luận rằng “Đã có Đảng và Nhà nước lo”, hay “Để khi nào Đảng và Nhà nước yêu cầu đã, bây giờ cứ học tốt đi”, đó cũng là một thứ lý lẽ tự phản lại điều đã dạy. Nó trái hoàn toàn với khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có”, trái với hình ảnh của những Trần Quốc Toản, Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Phạm Văn Nghị, Võ Thị Sáu,... những người đó có bao giờ nói “đã có vua (hay sau này là Đảng) lo” đâu.
Do vậy tôi đề nghị Bộ trưởng, với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục, trước việc làm sai trái của ngành công an và của nhiều cấp chính quyền, phải tích cực bảo vệ các cháu, dứt khoát không tiếp tay để truy bức, kỷ luật các cháu. Việc làm sai trái của Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh như năm ngoái - ra thông báo sẽ đuổi học sinh viên nào đi biểu tình chống xâm lược - là một việc làm phi pháp, trái đạo lý, trái hẳn chính những điều họ dạy cho sinh viên của họ, không biết Bộ trưởng đã xử lý hay chưa?
Chúng ta phải sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật và đạo lý, chứ không phải như những cỗ máy vô cảm. Phải phản đối và xử lý những việc làm sai trái, kể cả những nghị định, quyết định vi hiến, trái luật, trái đạo lý. Trong trường hợp cụ thể thấy không nên biểu tình thì người lãnh đạo phải có cách ứng xử nhân văn, đúng luật, và tôi tin rằng sự có lý có tình sẽ được các cháu ủng hộ ngay. Bắt bừa, quy chụp bừa, miễn sao dẹp được thì thôi là cách tiêu diệt lòng yêu nước.
Còn nếu thực sự thấy không cần giáo dục lòng yêu nước, xin Bộ trưởng hãy cho loại ra khỏi chương trình những Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sỹ, Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến,... loại ra khỏi chương trình những bài học lịch sử về Hùng Vương, về Hai Bà Trưng, Lý Bí, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ,... về Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ,...
Để con em chúng ta hôm nay khỏi ôm theo lòng yêu nước đau đớn và vướng vào những hệ lụy oan khốc.
Thưa Bộ trưởng
Tôi viết ra những điều trên trong nỗi xúc động và bất bình cao độ của một phụ huynh, của một nhà giáo, của một công dân, của một trí thức luôn luôn đau đáu với vận nước và sự nghiệp giáo dục. Trong nỗi xúc động đó, nếu có chỗ nào lời lẽ quá căng thẳng xin Bộ trưởng thông cảm.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
*(Ghi chú: tác giả gửi thẳng cho blog này)