SGTT.VN - Trước tình hình hàng chục ngàn tàu cá Trung Quốc, với sự hỗ trợ của tàu bán quân sự tiến vào Biển Đông, ngư dân ta vẫn tiếp tục ra khơi.
Tuy nhiên, tâm trạng ra khơi lần này khác những lần trước. Ngư dân nói họ không sợ tàu to của Trung Quốc, mà chỉ sợ tài sản của mình bị người Trung Quốc cướp, tàu bị đập phá và ngư trường ngày càng teo tóp dần.
Quen cảnh bị... doạ
Ngư dân lấy nhiên liệu, đá để chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Phạm Anh |
Có mặt ở làng cá Cổ Luỹ, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) sáng ngày 5.8, chúng tôi chứng kiến nhiều tàu cá đang chuẩn bị ra khơi. Hỏi ra mới biết có khoảng mười tàu đi đánh lưới cá chuồn mới vào bờ được ba ngày và nay đang tranh thủ ra khơi đồng loạt vào ngày 6 và 7.8. Thuyền trưởng tàu QNg 97 437TS Nguyễn Tấn Công nói tàu anh vốn làm nghề lưới cá chuồn, nay chuyển sang đi câu cá gù (cá bò) đèn ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Hỏi có biết chuyện hàng chục ngàn tàu cá Trung Quốc đang tràn xuống Biển Đông, trong đó có vùng biển Trường Sa? Thuyền trưởng Công trả lời “biết”. Nhưng việc bị Trung Quốc doạ đã quen rồi, và “biển mình thì mình đi, không sợ tàu to của Trung Quốc”.
Mấy phiên đánh lưới cá chuồn gần đây, khi tàu của ngư dân mình chạy ngang qua các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa là ngư dân Trung Quốc... hù doạ ngay. Công nói: “Bây giờ thấy tàu cá của ta thì ngư dân Trung Quốc sẽ gọi tàu kiểm ngư hay hải quân đến đuổi đi”.
Thuyền trưởng Công còn cho hay, ở Hoàng Sa, chuyện gặp tàu cá Trung Quốc và tàu thăm dò dầu khí có vài ba tàu quân sự đi kèm là chuyện... thường ngày. Mỗi khi thấy tàu Trung Quốc thì tàu của ngư dân ta bỏ chạy, nhưng có khi chạy không thoát. “Có bận, thấy nó mà chạy không kịp, nó liền cho tàu càn vào lưới hàng chục kílômét mình đang đánh, làm lưới tan hoang hết. Đành phải quay ghe về, chịu lỗ trăm triệu đồng tiền tổn phí. Giờ ra khơi chỉ lo Trung Quốc cướp tài sản, đập phá tàu”.
Tàu QNg 92 912TS của thuyền trưởng Cao Văn Thành (thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa) cũng từng có lưới cá chuồn dài 8 hải lý (khoảng 170 triệu đồng) bị tàu Trung Quốc càn vào rách tan hoang. “Đi đánh cá ở Hoàng Sa, Trường Sa là chịu cảnh Trung Quốc chèn ép kiểu này. Ai chưa một lần bị hoạ này mới là lạ”, Thành nói vẻ ngao ngán.
Theo lời Thành, tổ đội đánh bắt của mình luôn có mười tàu, đánh cá cách nhau 6 hải lý. Thế nhưng khi gặp tàu to của các cơ quan hữu quan Trung Quốc, lại có súng lớn... tàu cá của ta đành thúc thủ, không dám đấu tranh. Có chăng, khi tàu này bị đuổi, tàu kia đến lấy lưới ở dưới biển mang về giúp.
Ruộng của mình đang cày, bị người khác lấy mất
Đến nay, không chỉ có gần 9.000/23.000 tàu cá của tỉnh Hải Nam mà hàng trăm tàu cá của tỉnh Quảng Đông cũng đang được Trung Quốc xua xuống Biển Đông, tiến về phía Nam.
Với hàng chục ngàn tàu và hàng trăm ngàn ngư dân trên Biển Đông, ngư dân ta cho rằng, Trung Quốc thực tế đã áp đảo số tàu cá của ngư dân ta, chèn ép ngư dân ta. Nói cách khác, tàu cá Trung Quốc sẽ tự tung tự tác, độc chiếm ngư trường của ngư dân Việt Nam và các nước trong khu vực.
Chính động thái “lấy ngư dân đi tiên phong” trên Biển Đông này của Trung Quốc đã gây khó khăn hơn cho ngư dân Việt Nam. Ông Trần Văn Hùng, thuyền trưởng tàu QNg 92 554TS (thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa) cho hay, trước đây, đánh cá chuồn chỉ đi 150 – 200 hải lý, tổn phí chỉ từ 50 – 60 triệu đồng/phiên biển. Còn nay, phải đi 500 hải lý, ra ngoài hải phận quốc tế để đánh cá, tổn phí phải gấp 2 – 3 lần. “Nếu đi gần thì gặp tàu Trung Quốc đuổi bắt, chèn ép khó làm ăn. Biết Hoàng Sa nhiều cá nhưng đành bó tay”, ông Hùng nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hùng, phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn nói rằng, gần đây ngư dân trên địa bàn xã đã hạn chế đi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa. “Tàu nào có đi thì không dám đi xa như trước, mà đi các đảo ở gần đất liền. Thời gian đi cũng rút ngắn lại, vì sợ mất tài sản, nếu bị Trung Quốc bắt và đập phá tàu”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng ngư dân không sợ gì tàu lớn Trung Quốc, nên vẫn ra khơi. Tuy nhiên, có một số tàu đánh bắt ở Hoàng Sa đã chuyển sang ngư trường vùng biển Trường Sa đánh bắt cho an toàn hơn.
Ông Phan Huy Hoàng, chủ tịch hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết, với tình hình Trung Quốc đưa tàu cá ồ ạt tiến xuống Biển Đông, sẽ xảy ra tranh chấp ngư trường với ngư dân Việt Nam. “Tức nước vỡ bờ”, rất có thể sẽ xảy ra va chạm giữa ngư dân với nhau. “Đó cũng là điều mà ngư dân lo lắng khi ra khơi lúc này. Bởi ruộng của mình đang cày mà bị người khác dùng máy cày xuống cày lấy mất, thì ai cũng sẽ phản kháng”, ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, hiện nay bảo vệ ngư dân chính là bảo vệ ngư trường, mà bảo vệ ngư trường chính là bảo vệ biển đảo. Vì vậy Nhà nước cần có biện pháp thực tế và hiệu quả để bảo vệ ngư dân đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.
BÀI VÀ ẢNH: PHẠM ANH
Trung Quốc lại đập phá tàu của ngư dân Việt Nam
Mới đây, một tàu cá của ngư dân Lý Sơn đã bị Trung Quốc đập phá. Theo đồn biên phòng 328 Lý Sơn, đó là tàu QNG 66 379TS của Phạm Văn Quân ở thôn Đông, xã An Vĩnh, với sáu lao động. Khoảng 13 giờ ngày 28.7, khi đang khai thác rong biển ở vùng biển Hoàng Sa thì có hai tàu màu xám mang cờ Trung Quốc chạy đến và thả canô cho tám kiểm ngư chạy vòng quanh tàu để quay phim, chụp hình. Sau đó, canô đưa tám kiểm ngư áp sát tàu ngư dân, bắt sáu lao động trên tàu dồn về mũi tàu và đập phá, vứt tài sản trên tàu QNg 66 379TS xuống biển (phao neo tàu, 400m dây neo, bình ắcquy, hai bình gas, ba tấn rau câu, ba phuy nước ngọt, cùng nhiều vật dụng cá nhân và tài sản khác). Sau khi đập phá xong, tàu Trung Quốc bỏ đi.