Đố bà con biết các đồng chí quan to PHÊ cái gì!? - Dân Làm Báo

Đố bà con biết các đồng chí quan to PHÊ cái gì!?

Dân Làm Báo - Đọc cái "tít" trên báo điện tử Chính phủ của chú Phỉnh thấy mà... phê: "Bộ Chính trị, Ban Bí thư gương mẫu kiểm điểm để cấp dưới noi theo". Đọc hết bài báo 2500 từ của đám đầy tớ ta lại càng phê hơn nữa. Nếu như mấy đồng chí nghiện thuốc, phê xong chẳng biết trời trăng là gì, thì người đọc xong bài viết này cũng chẳng biết trời trăng gì luôn. Không tin, đố bà con biết mấy bố đồng chí ta phê cái gì!? Lại còn "cấp dưới noi theo"! Kiểu này chắc chết!!! Chết thiệt!. (Mấy hàng chữ đỏ lòm là do Dân Làm Báo nhiều chuyện, ngứa ngáy xía vào cơn phê đang đã điếu của các đồng chí quan lớn đảng ta.)

*

Bộ Chính trị, Ban Bí thư gương mẫu kiểm điểm để cấp dưới noi theo 

(Chinhphu.vn) – Ngày 13/8, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng. 

Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng 

Các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; lãnh đạo các Ban đảng Trung ương; Bí thư Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên… dự Hội nghị. 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương đã tổ chức việc nghiên cứu, quán triệt triển khai thực hiện và đã đạt được kết quả bước đầu, hiện nay đang chuẩn bị triển khai kiểm điểm tự phê bình và phê bình. 

Bộ Chính trị, Ban Bí thư gương mẫu kiểm điểm 

Vừa qua, việc chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được làm nghiêm túc, kỹ càng, trên tinh thần khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh; thể hiện tính gương mẫu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

(Đố bà con đọc xong tìm thấy dữ kiện, thông tin cụ thể nào cho thấy các ngài kiểm điểm gương mẫu? - mà gương mẫu kiểm điểm là sao ta!?. Ngược lại, kiểm điểm không gương mẫu là cái giống gì!?)

(chắc là theo các đồng chí ấy gương mẫu là nghiêm túc, kỹ càng, khách quan, sự thật... vậy là đủ rồi. Tin không tin ráng chịu. Lại còn THỂ HIỆN tính gương mẫu của BCT, BBT nữa chứ. Ngon thiệt! nếu BCT, BBT đã có sẵn đức tính gương mẫu thì tự phê làm gì cho phí thì giờ, tiền thuế của nhân dân. Mà hỏi thiệt các quan: trong lịch sử cai trị của các quan, có lần nào các quan kiểm điểm đã... bị làm KHÔNG nghiêm túc, KHÔNG kỹ càng, KHÔNG trên tinh thần khách quan, KHÔNG nhìn thẳng vào sự thật, KHÔNG đánh giá đúng sự thật, KHÔNG... không nể nang, né tránh; KHÔNG thể hiện tính gương mẫu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.!?)

Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm theo trình tự: tập thể trước, cá nhân sau; trong kiểm điểm cá nhân, đồng chí Tổng Bí thư kiểm điểm trước, sau đó lần lượt đến các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư, tiếp đến là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác. 

Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong 4 ngày. Khai mạc cuộc kiểm điểm, đồng chí Tổng Bí thư đã nêu rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đợt tự phê bình và phê bình lần này; xác định rõ yêu cầu phải đạt được, trách nhiệm nêu gương của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và mỗi đồng chí thành viên. 

(vậy trong 4 ngày này các đồng chí quan to phê... cái gì? mấy... cữ, mấy... điếu, ngất ngư ra sao? Chẳng lẽ đồng chí tổng bí khai mạc, nêu rõ ý nghĩa rồi... lăn đùng ra... phê, không còn nhớ sau đó cả đám phê như thế nào!?)

Tiếp đó, sau khi nghe Văn phòng Trung ương Đảng trình bày dự thảo Báo cáo kiểm điểm, tất cả các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu, có đồng chí phát biểu 2 lần; phát biểu dài nhất gần 2 giờ; ít nhất trên 30 phút. Nội dung phát biểu được các đồng chí chuẩn bị kỹ; các vấn đề nổi cộm của tập thể trên cả 3 nội dung cấp bách đã nêu trong Nghị quyết đều được đặt ra để phân tích. Không khí thảo luận chân thành, thẳng thắn, xây dựng. Kết luận phần kiểm điểm tập thể, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định những ưu điểm cơ bản và chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm đã rõ và yêu cầu tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề quan trọng nảy sinh trong quá trình kiểm điểm. 

(cái dự thảo báo cáo kiểm điểm này hình dáng ra sao? Nội dung chuẫn bị kỹ bà con dân đen có được đọc không? những ưu điểm cơ bản, hạn chế là cái giống gì? Lui tới các quan cứ "chân thành", "thẳng thắn", "xây dựng" mà nhân dân chẳng biết các quan ta chân thành, thẳng thắn, xây dựng cái... mẹ gì!

À, đồng chí nào phê một cú tới gần 2 tiếng dzậy ta. Coi bộ chắc là anh 4 Long An lôi đầu anh 3 Cà Mau ra... phê quá!)

Về kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân trong 12 ngày, chia làm 2 đợt. Đợt 1 trong năm ngày (từ 21-25/7) kiểm điểm tự phê bình và phê bình 4 đồng chí lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Uỷ viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Bình quân thời gian kiểm điểm mỗi đồng chí trên 1 ngày. Các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều tham gia đóng góp ý kiến. 

(Má ơi, mỗi đồng chí phê trên 1 ngày! Tội lỗi gì mà lắm thế! Có 4 mạng tứ trụ triều đình, bản chất thì đầy tính gương mẫu, có gì mà phê lâu vậy ta. Cho bà con biết chút được không? Còn nếu đến mức hư đốn đến mức phải cần 1 ngày để tự phê thì các quan làm ơn... tự tử cho rồi. Để người khác ra làm đầy tớ cho nhân dân.)

Đợt 2, trong bảy ngày (từ 1-7/8), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn lại. 

Các bản tự kiểm điểm của cá nhân được trình bày trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư được chuẩn bị kỹ, kiểm điểm nghiêm túc. Các ý kiến góp ý chân tình, thẳng thắn; các vấn đề được các tổ chức Đảng và cá nhân góp ý với cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều được trình bày, phân tích góp ý. Sau khi kiểm điểm tập thể, từng đồng chí đối chiếu, hoàn thiện lại bản kiểm điểm cá nhân. 

(Đã chuẩn bị kỹ, kiểm điểm nghiêm túc, vậy mà còn phải đối chiếu - xem đứa nào không phê hết lòng (?), rồi lại hoàn thiện... Các đồng chí phê kỹ thật!)

Kết luận phần kiểm điểm cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thẩm tra, xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan đến một số đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và báo cáo Bộ Chính trị (trong tháng 9/2012) để có kết luận cụ thể. 

(thôi đi mấy bố. Cụ thể mốc xì. Các đồng chí lại tiếp tục tái diễn cái màn chân tình, thẳng thắn, nghiêm túc, xây dựng và chẳng có ma nào biết cái gì là cụ thể!)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việc thực hiện công tác phê bình, tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 phải thực sự cầu thị, thành khẩn, làm chặt chẽ, theo đúng quy trình, phải bám sát vào Nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương. - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng 

3 bài học lớn 

Có 3 bài học kinh nghiệm lớn được đúc rút qua việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Thứ nhất, chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình, phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện rất nghiêm túc, cẩn trọng, chu đáo, chặt chẽ và khoa học, với nhiều điểm nổi bật khác với kiểm điểm hằng năm, giữa nhiệm kỳ và các đợt kiểm điểm của các khoá gần đây. Cụ thể, về tổ chức, có Bộ phận Thường trực và Tổ giúp việc không chuyên trách hoạt động theo quy chế, chương trình; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các Ban của Đảng; tổng hợp, tập hợp các ý kiến góp ý; chuẩn bị tài liệu kỹ, đúng quy trình, quy chế; gửi tài liệu sớm (10 ngày) trước khi kiểm điểm... 

Tổ chức lấy ý kiến các cấp uỷ, tổ chức đảng, các chi uỷ (hoặc chi bộ) nơi cư trú, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng và tương đương góp ý chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước khi kiểm điểm. 

Việc tổng hợp, tập hợp ý kiến góp ý của các tập thể, cá nhân bảo đảm khách quan, trung thực và gửi cho tất cả các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tập hợp nguyên văn ý kiến của các cá nhân (không để tên) góp ý cho cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị bản kiểm điểm cá nhân chu đáo, nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị. Nhiều đồng chí viết bổ sung bản kiểm điểm cá nhân ba lần trước và trong quá trình kiểm điểm tập thể và cá nhân. 

(Vờ đi mấy vụ mơ mơ màng màng "nghiêm túc, cẩn trọng, chu đáo, chặt chẽ và khoa học, với nhiều điểm nổi bật khác..." cụ thể của các quan trong cú phê kỳ này là "Cụ thể, về tổ chức, có Bộ phận Thường trực và Tổ giúp việc không chuyên trách hoạt động theo quy chế, chương trình; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các Ban của Đảng; tổng hợp, tập hợp các ý kiến góp ý; chuẩn bị tài liệu kỹ, đúng quy trình, quy chế; gửi tài liệu sớm (10 ngày) trước khi kiểm điểm..." Đây là bài học lớn thứ nhất!?)

Thứ hai, trong kiểm điểm, nhìn chung, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu; không khí thảo luận thẳng thắn, góp ý dân chủ, đoàn kết, chân thành. Hầu hết các vấn đề nổi cộm, bức xúc được các tập thể và cá nhân góp ý với tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều được đặt ra, phân tích, mổ xẻ. Khi kiểm điểm cá nhân, tất cả các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu góp ý cho đồng chí mình, nhiều đồng chí phát biểu lần 2, có trao đổi qua lại giữa các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cùng một vấn đề. Cuối cùng đồng chí Tổng Bí thư thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận về kiểm điểm của từng đồng chí (Bộ Chính trị sẽ ban hành các kết luận này để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương). 

(rồi có báo cáo cho toàn đảng, toàn dân không hay dấu như mèo dấu...?)

Qua kiểm điểm đã làm rõ hơn, sâu hơn ưu, khuyết điểm và hạn chế của tập thể và các cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số vấn đề quan trọng cấp bách về xây dựng Đảng (về trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước, nhất là về các vụ việc Vinashin, Vinalines; về thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XI và công tác cán bộ; về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; về một số dư luận bức xúc liên quan đến cá nhân, gia đình, vợ con,...);… 

(he he, ba Dũng ơi! sao cái phần này cha con nó dí đồng chí dữ dzậy)

Thứ ba, ngay trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thực sự cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục ngay một số khuyết điểm đã rõ, không chờ tới khi tổ chức kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cụ thể là tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận,... của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Bộ Chính trị đã đề xuất và trình Hội nghị Trung ương 5 thảo luận, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Lập lại Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012). 

Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và một số đề án về công tác cán bộ khác để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. 

Các đại biểu dự Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng 

Một số yêu cầu đặt ra 

Phát biểu kết luận Hội nghị cán bộ toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được toàn Đảng, toàn dân và đồng tình, nhất trí rất cao, vì đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

(toàn dân có biết chi mô để mà đồng hành, nhất trí rất cao!!! mấy đồng chí thiệt là ba xạo!!! Còn nguyện vọng của nhân dân? Các đồng chí có ngon mở một cuộc trưng cầu dân ý, có Liên Hiệp Quốc "chứng giám" là biết nguyện vọng của nhân dân ra sao liền)

(thêm 1 chút, nguyện vọng của nhân dân là đủ rồi, cần gì phải "nguyện vọng chính đáng". Bộ có cái thứ "nguyện vọng nhân dân không chính đáng" - trừ khi các đồng chí muốn người ta hiểu ngầm rằng nguyện cái gì thì nguyện, vọng cái gì thì vọng nhưng phải "hợp gu" với "nguyện vọng" của các đồng chí. Còn không thì... miễn chính đáng (tức là nguyện vọng phản động!?).

Phê bình và tự phê bình là một giải pháp, nhưng là một giải pháp rất quan trọng. Lần này chúng ta làm có ý nghĩa mở đầu, bắt đầu làm ngay từ cấp trên làm xuống, cho nên phải làm phải rất chặt chẽ, phải làm cho được thành công và phải đạt yêu cầu. Hiện Bộ Chính trị đang chuẩn bị xây dựng một văn bản nêu rõ tiêu chí thế nào là đạt yêu cầu, thế nào là không đạt yêu cầu và phải làm lại. 

(vậy chứ bao nhiêu lần phê... muốn chết trước đây, từ thời bác còn sống đến khi bác qua đời, từ thời bác qua đời cho đến khi bác vẫn sống mãi trong lòng quần chúng... là phê dỏm, phê láo, không thành công, không đạt yêu cầu!?)

Việc thực hiện kiểm điểm phê bình và tự phê bình phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo nếu chúng ta làm lần này không tốt, nguy cơ lại tiếp tục giảm sút lòng tin và như thế là vô cùng nguy hiểm. Đây là sức ép đối với chúng ta nhưng đây cũng là một cơ hội lớn để xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. 

(muốn tốt thì bạch hoá! tốt cái gì, xấu cái gì, đứa nào tốt, đứa nào xấu. Đầy tớ sao lại đi dấu chủ. Muốn dân tin mà dấu như mèo dấu thì có... chó nó tin!)

Đây là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi phải phân tích, mổ xẻ ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình, tổ chức của mình. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh, không phải đấu tranh giữa người này và người kia mà là đấu tranh trong chính bản thân của mỗi con người, giữa cái chính và cái tà, cái tốt và cái xấu vì lợi ích của tập thể và cá nhân. 

(mấy bác dành độc quyền lãnh đạo đất nước. Chuyện đất nước chớ có phải chuyện tu hành mà đấu tranh chính tà, trong mỗi con người!. Đứa nào hư thì tống cổ nó đi để người tốt vào phục vụ đất nước. Bộ cái đất nước này là cái chùa để các bác ngồi đó đấu tranh chính tà trong cái con người mà  ai cũng biết rất ư là tham quyền cố vị của các bác!)

Sau khi phân tích, chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ yêu cầu, việc thực hiện công tác phê bình, tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 phải thực sự cầu thị, thành khẩn, làm chặt chẽ, theo đúng quy trình, phải bám sát vào Nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương để làm cho tốt, làm bài bản, công phu, tỷ mỉ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đặc biệt, phải có quyết tâm rất cao, niềm tin lớn, tìm ra cách làm khả thi theo lộ trình và bước đi chặt chẽ. Làm không thành công phải làm lại, không làm theo kiểu hình thức, chiếu lệ. 

Cuối cùng, phải có kết luận cho tập thể, có kết luận cho từng cá nhân. Việc gì làm được ngay thì làm, việc gì kết luận được ngay thì kết luận, việc gì cần phải có thời gian thì phải cho làm tiếp, kể cả điều tra, xác minh, làm rõ… 

Bên cạnh đó, trong quá trình tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình vẫn phải luôn đảm bảo công việc thường xuyên của cơ quan, đơn vị,… 

Chúng ta đang bước vào thời điểm rất thiêng liêng và hệ trọng, làm những công việc thiêng liêng và hệ trọng không chỉ cho mỗi bản thân chúng ta, đối với từng tổ chức mà đối với toàn Đảng, toàn dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. 

Nguyễn Hoàng


*

Xong. Hết. Chấm dứt. Bà con trong thôn có ai biết được mấy đứa đầy tớ đầu sỏ này xấu-tốt ra sao, ưu-khuyết như thế nào và chúng phê và tự phê cái gì không? Chủ nhân "chúng mình" mà không biết đầy tớ "chúng nó" quậy ra sao thì nhà tan cửa nát là đúng quá rồi!!!


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo