Nguyễn Hưng Quốc (VOA Blog) - Thế là phiên tòa xét xử ba blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), Tạ Phong Tần và Anhbasaigon (Phan Thanh Hải) dự định tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 7 tháng 8 năm 2012 lại bị hoãn. Đây là lần hoãn thứ ba. Lần hoãn thứ nhất là vào ngày 17/4; lần thứ hai là vào ngày 15/5.
Thường, có hai lý do chính:
Thứ nhất, hoãn để có thời gian bổ sung hồ sơ tội trạng. Nhưng trong vụ án này, chắc chắn đó không phải là lý do. Cả ba người đều bị bắt và kết tội vì tuyên truyền chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản chất của tuyên truyền là tính tập thể và tính công khai. Người ta không thể tuyên truyền với chính mình. Tuyên truyền bao giờ cũng là tuyên truyền với người khác. Việc tuyên truyền với người khác có thể được diễn ra dưới hai hình thức: rỉ tai (bằng miệng) và phổ biến ý tưởng bằng văn bản (hoặc bản in hoặc bản điện tử). Cả ba người đều là nhà báo, hơn nữa, như họ thường được gọi, là blogger, nhà báo trên môi trường mạng.
Như vậy, toàn bộ các tài liệu gọi là tuyên truyền chống phá chế độ của họ đã được phổ biến, từ đó, đã được tập hợp đầy đủ trong hồ sơ tội trạng. Công việc đó chẳng có chút khó khăn gì cả. Hơn nữa, toàn bộ các thiết bị điện tử của họ, từ computer bàn đến computer cầm tay, từ CD và video đến các thẻ nhớ (USB), từ máy chụp hình đến điện thoại di động của họ đều đã bị tịch thu. Việc tìm chứng cứ lại càng dễ dàng. Ngoài ra, họ bị bắt cũng đã lâu. Điếu Cày Nguyễn Văn Hải thì đã bị bắt từ 20/4/2008, tức, cho đến nay, đã được hơn bốn năm. Tạ Phong Tần bị bắt từ ngày 5/9/2011 đến nay đã được ngót một năm. Anhbasaigon Phan Thanh Hải thì bị bắt ngày 18/10/2010, đến nay đã gần hai năm. Trong bản cáo trạng dài 17 trang của tòa án mà tờ báo mạng Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam nhận được và đăng tải trên trang nhà, các công tố viên khoe là đã có đầy đủ bằng chứng về tội trạng của họ.
Thứ hai, tòa án còn loay hoay suy tính về bản án. Trên nguyên tắc, điều này không khó. Khó nhất là xác định tội trạng. Mà điều này thì người ta đã làm rồi: Tội của họ thuộc khoản 2 điều 88 trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi và bổ sung năm 2004). Nguyên cả điều 88 như sau:
“Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.”
Sau khi đã xác định tội trạng, người ta chỉ cần theo các khung án mà phạt. Theo khung án này, cả ba blogger sẽ bị phạt từ 10 đến 20 năm tù giam. Đó là trên lý thuyết. Trên thực tế, ở các nước dân chủ, khi tuyên án, người ta đều xét đến các yếu tố giảm trừ; ở các nước độc tài, người ta còn xét cả các yếu tố chính trị. Về phương diện chính trị, ở Việt Nam, có hai yếu tố được chú ý và cân nhắc nhiều nhất: một, ý nghĩa răn đe đối với các tội phạm, và quan trọng hơn, với những người có thể có khuynh hướng hành động như tội phạm; và hai, dư luận quốc tế đối với bản án. Hai yếu tố ấy đi theo hai chiều khác hẳn nhau. Ở yếu tố thứ nhất, nhà cầm quyền Việt Nam thường muốn tăng bản án lên thật nặng. Để người ta sợ. Nhưng ở yếu tố thứ hai, Việt Nam thường phải chùn tay: Họ không muốn quốc tế nhìn họ như những tên độc tài tàn bạo một cách man rợ. Do đó, họ phải giảm bản án xuống, có khi trượt ra ngoài mức tối thiểu đã định trong khung án. Việc giảm án này càng rõ khi áp lực từ bên ngoài càng mạnh mẽ.
Trong thời gian vừa qua, nhiều lãnh tụ Tây phương, đặc biệt ở Mỹ, cũng như nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng bênh vực cho ba blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Anhbasaigon Phan Thanh Hải. Phản ứng trước những sự bênh vực này, phía Việt Nam chịu ảnh hưởng chủ yếu từ những toan tính sắp tới của họ trong các bàn hội nghị: Họ đang muốn gì và chấp nhận trả giá đến đâu cho những điều họ muốn. Những mục tiêu ấy thường có tính chất ngắn hạn, do đó, rất khó tiên đoán. Tuy nhiên, nhìn chung, trong tháng 8 này, Việt Nam không có cuộc họp quan trọng nào với Mỹ nên khả năng hoãn vụ án để tránh né sự xung đột về nhân quyền có lẽ không có.
Vậy thì lý do chính để hoãn phiên xử là gì?
Theo tôi, là vì sợ.
Thứ nhất, sợ biến ba blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Anhbasaigon Phan Thanh Hải thành những anh hùng trước mắt quần chúng. Sự thực, lâu nay họ đã được nhiều người xem là anh hùng. Nhưng sự biểu dương tính anh hùng của họ chủ yếu diễn ra trên mạng, một thế giới ảo, còn khá xa lạ với đại đa số quần chúng Việt Nam. Họ không muốn sự biểu dương ấy được cụ thể hóa trước tòa án. Khi được cụ thể hóa như vậy, tính anh hùng sẽ trở thành một biểu tượng. Khi những kẻ phản kháng trở thành biểu tượng anh hùng, nhà cầm quyền, dù muốn hay không cũng trở thành biểu tượng của tội ác.
Thứ hai, họ sợ tự biến mình thành tội phạm. Không có gì khó bằng kết tội những người yêu nước vô tội. Chỉ cần một sự kết án vụng về hoặc một lời tự biện hộ hùng hồn của các bị can, nhà cầm quyền sẽ trở thành những tên phản quốc đang tìm cách trấn áp những kẻ đang tích cực vận động tranh đấu chống lại âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Điều này, trên thực tế, đã xảy ra và hiện đang ngấm ngầm trong dư luận. Điều chính quyền sợ nhất là biến nó thành một sự hiển nhiên trước mắt tất cả mọi người.
Chính vì hai nỗi sợ ấy, từ trước đến nay, trong các vụ án tương tự, nhà cầm quyền luôn luôn chủ trương xử kín. Để không ai nhìn mặt bị can. Không ai nghe lời biện hộ của luật sư hay của chính bị can. Nghĩa là không cho anh hùng có cơ hội trở thành anh hùng quần chúng. Và không cho tội phạm được lộ mặt là tội phạm.
Ngoài ra hai lý do chính nêu trên, còn thêm lý do này nữa: cái chết do tự thiêu để phản đối chính quyền của bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của Tạ Phong Tần, vào ngày 30 tháng 7 vừa qua. Hình ảnh một phiên tòa xét xử một người phụ nữ có mẹ vừa mới chết một cách thảm khốc như vậy rất dễ gây ấn tượng xấu trước thế giới. Khi hình ảnh phiên tòa nhập vào hình ảnh bà mẹ tự châm lửa đốt mình, Việt Nam sẽ hiện ra dưới mắt thế giới không phải chỉ như những kẻ chà đạp lên tự do mà còn như những tên giết người dã man. Chắc chắn đó là điều nhà cầm quyền Việt Nam sợ nhất.
Bà Đặng Thị Kim Liêng chỉ là một phụ nữ chất phác và thương con. Bà tự thiêu vì quá phẫn uất. Bà không có ý định sử dụng cái chết của mình như một thứ vũ khí chính trị. Nếu có, bà đã chọn một thời điểm khác. Và một địa điểm khác. Như ngay trước tòa án ở Sài Gòn. Vào ngay cái ngày xử án, chẳng hạn. Lúc ấy ngọn lửa thiêu đốt bà không chừng sẽ thiêu đốt cả cái đám người đang nhẫn tâm trấn áp con gái của bà. Và cả nước của bà. Không chừng.
Nguyễn Hưng Quốc