Nguyễn Văn Khải - Ông già Ôzôn (Danlambao) - Sáng sớm chủ nhật 19-8-2012, trời mưa lác đác. Tôi phải mặc áo mưa để treo cờ Tổ quốc ở trước cổng nhà mình trong hẻm 175/5/167 phố Định Công. Lúc đó cả hẻm hình như vẫn còn ngủ yên. Tôi phải mắc vội cờ vì đã hẹn xuống Hà Nam giúp dân làm và treo đèn LED. Tiếc quá, sau 8h đang đi ra ga Giáp Bát để bắt xe buýt thì bà con Hà Nam lại gọi điện lên: trời dưới này vẫn đang đổ mưa rớt bão to lắm, thầy đừng xuống vội. Nhưng ngay sau đó, từ Tuyên Quang, Tế Tiêu, Hoài Đứ, Vĩnh Long, Gia Lai lại có người gọi xin Anolyt chữa bệnh lở loét cho trẻ nhỏ, tôi rất mừng: Ngựa Tái Ông họa phúc biết về đâu - ít nhất hôm nay sẽ giúp được mấy gia đình đỡ khổ, đỡ mất tiền chữa bệnh cho con cháu.
Tranh thủ khi họ chưa đến, tôi ghé về nhà ở 42 Thợ Nhuộm thắp hương cho bố và mẹ. Ngày 19-8-1945, bố tôi là bí thư đoàn thanh niên Cứu Quốc và Đội trưởng đội tự vệ của xã Hà Cầu, Thị xã Hà Đông; mẹ tôi là hội viên hội phụ nữ Cứu quốc của chợ Đồng Xuân đã tham gia biểu tình giành chính quyền ở Hà Nội. Sau đó, về tham gia giành chính quyền ở Hà Đông.
Ngày 21-8-1945, bố tôi đã chỉ huy đội tự vệ và quần chúng tấn công trại Bảo An của Tỉnh. Khi chính quyền VNDCCH được thành lập, bố tôi là ủy viên quân sự của Tình Hà Đông. Trong đình làng có ảnh bố tôi chụp với Đội tự vệ và Đoàn thanh niên cứu quốc xã Hà Cầu dưới khẩu hiệu: "Thà chết còn hơn làm nô lệ”.
Sau đó tôi và vợ tôi đến bệnh viện Thanh Nhàn thăm Bác Huấn gái, chị vợ mẹ tôi, cũng đã tham gia giành chính quyền 09-08-1945 nhưng lại trong tổ do chiến sĩ thuộc Đội tự vệ của bố tôi chỉ huy. Khi đánh chiếm trại Bảo An, con gái bác Hạng (anh bố tôi) là chị Nguyễn Thị An và anh Bạch Văn Ngô (con chị gái bố tôi) đã hi sinh. Dù có bận thế nào, tôi cũng phải về Hà Cầu để thắp hương cho các anh các chị, nhất là cho bố mẹ tôi ở nghĩa trang.
Phố Trường Chinh Không cờ
Từ Định Công tới Thợ Nhuộm, tôi chỉ thấy có ba lá cờ đã cũ, rách, bạc màu treo ở phía trước cửa hàng đồ gỗ Mỹ Hà; cửa hàng Mobifone và trước cổng ĐH Kinh tế Quốc dân. Đi dọc Thợ Nhuộm, Bà Triệu, Trần Khất Chân, Võ Thị Sáu, Thanh Nhàn không nhìn thấy lá cờ nào và từ bệnh viện về nhà cũng không thấy lá cờ nào.
Phố Lê Thanh Nghị không cờ
Tôi chợt nhớ tới những ngày tháng 8 của những năm 1953-1954, ở vùng tự do Thanh Hóa, lúc ấy tôi còn rất nhỏ nhưng sao mà vui thế! Suốt ngày tập hát, tập múa, lấy hạt bưởi phơi khô để tối đốt là đuốc, căng da ếch để làm trống... Đêm nào cũng đi múa, hát tới khuya mới về. Những năm trước 1965, ngày 19-08 nào tôi cũng đi xem đua xe đạp quanh bờ Hồ, xem đua thuyền ở đấy vào buổi chiều và buổi tối thì xem ca nhạc, mà chủ yếu là ca nhạc quần chúng, có khi kéo dài từ hôm 15 rồi. Còn hôm nay bão đang tan, không khí trong lành, đường phố sạch sẽ, thỉnh thoảng trên đường lại thấy cái loa của các phường nói chuyện khủng hoảng thế giới, người nước ngoài thất nghiệp... Sao mà tôi thấy thèm được trẻ lại vài chục tuổi để vừa đi vừa hát những bài ca yêu nước mà bố mẹ, anh chị, thầy cô giáo, bè bạn dạy truyền khẩu.
Đúng hẹn từ sau 11h, rất nhiều người đến lấy Anolyt, tất nhiên đây là quà tặng của tôi đối với họ. Tất cả đều để xe ở ngoài cổng, nên khi dắt xe đi đều chạm má và lá cờ tôi treo. Ít nhất có hai người ngạc nhiên nói: “Ơ! Có mỗi Bác treo cờ Việt Nam à?” và “Bác yêu nước bằng nhiều hành động quá”. Tôi cười: “Tôi yêu nước bằng những cách của tôi, không cần chỉ thị của ai cả”.