Đào Tuấn - Lý thuyết tiệm cầm đồ sẽ đúng, nếu như không có những con nợ gắn mác “vina” bởi thứ tài sản mà chúng đem “cầm cố” tại ngân hàng thì hoặc là nguồn lực công, thực ra cũng là của nhân dân, hoặc là những con tàu lên lão, hoặc tệ hơn, những chiếc ụ tàu đồng nát.
72h trước khi Thống đốc “thi vấn đáp”, số nợ 2.000 tỷ của “cánh chim đầu đàn ngành xây dựng Việt Nam”- Vinaconex được công bố. 2 “con nợ” lớn nhất là Sở Xây dựng Hà Nội và 2 doanh nghiệp con của EVN. 24h sau đó, Tổng giám đốc Cảng Cam Ranh thổ lộ với… báo chí nỗi lo 200 tỷ mà Cam Ranh sắp phải ôm thay Vinalines. Nhưng những số nợ trăm tỷ, ngàn tỷ này thực ra chỉ đóng vai trò những quân cờ đôminô. Trong một hiệu ứng mà quân cờ đầu tiên- Vinashin với món nợ 3.345 tỷ đồng, đã khiến ngân hàng Habubank rớt nước mắt xóa tên sau hơn 20 năm tồn tại. Thật khốn khổ phải ở vào thời buổi mà mình vừa là chủ nợ của một món nợ khó đòi, vừa là con nợ của nhiều món nợ không thể trả.
Và bây giờ, hẳn nhiều người sẽ cảm thông cho lời tâm sự của một cổ đông Habubank: “Việc cấp tín dụng cho Vinashin từng một thời được xem là niềm tự hào của ngân hàng chúng tôi so với các nhà băng khác. Không ngờ, chính Vinashin lại là một trong những nguyên nhân chính khiến chúng tôi mất thanh khoản ‘không phanh’ nhanh như thế”.
Trước phiên “thi vấn đáp” của Thống đốc, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng là 4,75%, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng; là 10% theo thông báo chính thức của Thống đốc trên diễn đàn QH; là 8,6% theo công bố của Thanh tra NHNN; là 13% theo đánh giá của Fitch và là 11% theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia. Thống đốc Nguyễn Văn Bình hôm qua chỉ nói “Cứ cho là 8,6-10%” dù ông đánh giá tỷ lệ nợ xấu này là “xấu, là “hết sức đáng báo động”, nhưng “chưa đến mức độ hốt hoảng, nguy kịch quá”. Thậm chí người đứng đầu Ngân hàng nhà nước còn mỉm cười tự tin khi nói về “lý thuyết tiệm cầm đồ” trong mua bán nợ xấu: Tỷ lệ trích quỹ dự phòng hiện được hơn 70 ngàn tỷ và 84% các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo, chiếm tới 135% giá trị khoản nợ. “Chỉ cần bán khoản nợ 10 đồng với giá 3 đồng thì ngân hàng sẽ không còn nợ xấu, DN cũng hết nợ xấu, lại có thanh khoản”- ông tính toán đầy lạc quan.
Lý thuyết tiệm cầm đồ sẽ đúng, sẽ chính xác, sẽ hiệu quả, nếu như không có những con nợ gắn mác vina. Bởi thứ tài sản mà các vina đem ra “cầm cố” tại ngân hàng hoặc là nguồn lực công, thực ra cũng là của nhân dân, hoặc là những con tàu lên lão, hoặc tệ hơn, những chiếc ụ tàu đồng nát.
Chỉ một vina đã khiến một ngân hàng bị xóa tên trên bản đồ tài chính và nhiều ngân hàng khác lao đao, chưa nói đến sự chết chùm của các DN đối tác một thời. Và sau các loại vina, quân cờ tiếp theo chính là các DN còn lại. Thật khó có thể đưa ra được một con số chính xác số DN đã “chết” khi những quân đôminô tiếp tục đổ xuống hàng ngày. Nhưng không khó để nhìn thấy nguyên nhân của những cái chết: Thiếu vốn, nếu có cũng là mức lãi suất mà bây giờ có “buôn đất” cũng không trả nổi lãi. Bởi ngay cả khi “quyết tâm chính trị” và “lời hiệu triệu” của Thống đốc về một mức lãi suất 15% được cho là có hiệu quả trong thực tế, thì hôm qua, không biết đã là lần thứ bao nhiêu, các vị đại biểu QH lại tiếp tục phản ánh về tình trạng: Khoản vay với lãi suất 15%, nhưng có tới 2/3 số tiền được các ngân hàng gợi ý gửi lại tiết kiệm, thực chất được vay với lãi suất hơn 18%.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hôm qua đã gợi ý để Thống đốc thể hiện quyết tâm chính trị, rằng: Liệu với quyết tâm chính trị của Thống đốc thì đến cuối năm này, hoặc đến 31-6 năm sau, nợ xấu có giảm không? Giảm cỡ bao nhiêu? Thống đốc hôm qua đã nhận trách nhiệm trước khoản nợ xấu vượt xa ngưỡng an toàn 3% này. Nhưng câu trả lời về thời hạn của ông là “Trong nhiệm kỳ này”.
Dẫu sao, cũng có một thông tin có hậu để có thể kỳ vọng vào huyết mạch tài chính không bị ngừng trệ vì những cục máu đông- nợ xấu. Đó là việc Thanh tra Chính phủ đã chính thức kiến nghị tạm dừng thành lập mới các tập đoàn kinh tế nhà nước do nguyên nhân chủ yếu là “đầu tư dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả; một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao…”.
Bởi nợ xấu chỉ có thể về ngưỡng an toàn khi những chiếc “máy xay tiền” được “rút điện”.