Tình thế hiểm nghèo như thời Tự Đức - Dân Làm Báo

Tình thế hiểm nghèo như thời Tự Đức

Huỳnh Ngọc Chênh - Triều đình nhà Nguyễn bị nhồi sọ vào đầu tư tưởng luôn cho Trung Hoa là trung tâm vũ trụ, là số một thế giới nên tòng phục và ỷ lại, không thèm giao tiếp với thế giới bên ngoài, thực hiện triệt để chủ trương bế quan tỏa cảng. Do vậy mà họ đã ngu lại thêm ngu hơn, không biết một chút thông tin gì về sự phát triển như vũ bão của Tây phương. Đến khi giặc Pháp đến tận nhà gõ cửa bằng vài phát súng thì cuống cả lên, cả triều đình bạt nhược, từ tâm lý bài Tây chuyển qua tâm lý sợ Tây đến u mê.

Quân đội của triều Nguyễn xây dựng ra để trấn áp nhân dân bảo vệ triều đình là chính và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nầy. Gần 400 cuộc nổi dậy của nông dân đều bị dìm trong máu, trí thức có chút ý phản biện đều bị gông cùm đày ải. 

Chuyên vào việc trị an là đàn áp nhân dân nên khi đối diện với giặc ngoài, quân đội bị làm cho méo mó ấy và không được sự ủng hộ của nhân dân, chỉ đánh được vài trận đã thua, thậm chí có nơi chưa đánh đã thua. Francis Garnier chỉ với một nhúm quân chưa tới 100 người với 3 tàu chiến con con, kéo quân theo đường sông từ ngoài biển vào đến Hà Nội đánh chiếm thành một cách dễ dàng không thể nào ngờ nỗi.

Vua Tự Đức và triều đình Huế sợ Tây đến mức khiếp nhược, lúc nào cũng ra lệnh cho quân đội kiềm chế vì sợ chọc giận giặc Pháp. Thậm chí sau khi quân miền núi và quân Cờ Đen tự ý về chiếm lại được Hà Nội giết sạch bọn Garnier thì cũng vội vàng ký ngay hòa ước Giáp Tuất đầy bất lợi để mong giữ lại triều đình. 

Quân Pháp biết sự khiếp nhược của Tự Đức nên chả cần đánh đấm gì nhiều, họ vừa hù dọa lại vừa vút ve với những lời hứa hão huyền để thực hiện chính sách tằm ăn dâu, lấn dần. Hôm nay họ lấy ba tỉnh miền Đông, hôm sau triều đình Huế lại dâng tiếp cho họ ba tỉnh miền Tây để cầu hòa, rồi họ ra lấy Hà Nội lần thứ nhất bất thành nhưng vẫn hù dọa triều đình ký với họ hòa ước bán nước Giáp Tuất. Điều 2 của hòa ước đó là triều đình Huế được Pháp cho nương tựa và bảo vệ trước mọi kẻ thù. Nhờ chính giặc bảo vệ ngai vàng thì làm sao ngai vàng không đứng vững! Rồi Pháp cứ thế lấn tới, ra thôn tính Hà Nội lần thứ hai và đặt ách thống trị trên toàn VN. Và họ rất giữ lời hứa, vẫn cho triều đình nhà Nguyễn tiếp tục tồn tại (trong ô nhục).

Phải chi Tự Đức đừng sợ dân (vì trước đó đã lỡ đàn áp nhân dân trong máu), phát vũ khí cho dân, phát động chiến tranh nhân dân, kêu gọi toàn dân đứng lên cùng triều đình đánh Pháp thì dễ gì với một nhúm quân chưa đến 100 người mà Pháp đến hai lần ra chiếm được Hà Nội.

Ngày nay đất nước lại đứng trước tình thế cùng cực hiểm nghèo trước họa xâm lăng của Trung cộng.
Trung cộng cũng đang chơi con bài của Pháp: vừa vút ve xoa dịu với những lời đường mật anh em, vừa dương oai đe nẹt để tìm cách lấn dần theo kiểu tằm ăn dâu.

Sau hội nghị qui phục ở Thành Đô năm 1992, VN tìm được nơi nương tựa để bảo vệ sự tồn tại của Đảng cầm quyền. Đổi lại, Trung cộng kiếm được một mớ đất ở vùng biên giới và những lợi thế áp đảo trên Biển Đông. Từ đó, Trung cộng lấn dần mỗi khi mỗi ít, qua mỗi lần gặp gỡ cấp cao "thắm tình hữu nghị" giữa hai đảng, cho đến ngày hôm nay, họ chính thức ra mắt cái gọi là thành phố Tam Sa, với đầy đủ các cơ quan dân sự và quân sự, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với vùng lãnh hải là toàn bộ Biển Đông ăn sát vào vùng biển chủ quyền của VN. Như thế là VN không còn biển.

Tàu đánh cá của ngư dân ta lấp ló ra khơi là họ đuổi bắt, đâm chìm. Tàu thăm dò dầu khí của ta bị họ cắt cáp. Vùng biển của ta bị họ phân lô mời thầu. Trong khi đó ngay hiện nay họ đưa đến vùng Trường Sa của ta đến 23 ngàn tàu đánh cá thuộc loại tầm cỡ, không loại trừ có vũ trang. Đồng thời hàng trăm máy bay chiến đấu của họ đang lao xuống vùng trời biển Đông chưa biết nhằm vào chuyện gì.

Nhà cầm quyền VN phản ứng lại như thế nào? Kiềm chế, kiềm chế và tiếp tục kiềm chế để bảo vệ tình hữu nghị. Thậm chí còn tổ chức lễ lạc nầy nọ biểu lộ lòng biết ơn đời đời với họ. Cấm tuyệt dư luận lên tiếng phản ứng và đàn áp quyết liệt người dân bày tỏ lòng yêu nước qua các cuộc biểu tình chống Trung cộng.

Đó là bề ngoài. Còn bên trong thì sao? VN đang ngấm ngầm tìm đồng minh hỗ trợ: Mỹ, Ấn, Nga, Nhật, Asean. Mỹ là nước hỗ trợ hiệu quả nhất, nhưng điều kiện họ đưa ra lại quá ngặt nghèo cho đảng là phải có nhân quyền thật sự cho nhân dân VN. VN đành bỏ qua. Các nước còn lại thì cũng chỉ đủ sức ủng hộ miệng khi Trung cộng tấn công.

Đành tự lo vậy. Mà cũng chỉ Đảng và nhà nước lo thôi chứ nhân dân không được can dự vào. Vũ khí được mua sắm cũng đáng kể, tốn cũng bộn tiền. Tuy nhiên quân đội có được quyền chống trả không hay lại vẫn tiếp tục kiềm chế theo kiểu trận Gạc Ma, cứ tay không đứng trơ ra đó làm bia cho quân địch nã đạn vào.

Theo tất cả những gì VN ứng xử với Trung cộng kể từ hội nghị Thành Đô đến nay thì Trung cộng đang biết tỏng rằng, quân đội VN nhận được lệnh từ trên cao là phải tuyệt đối kiềm chế, không mắc mưu khiêu khích (nghĩa là địch có khiêu khích tới đâu cũng phải chịu nhục nín nhịn), không tấn công trước, nếu cuối cùng phải dùng hỏa lực để chống trả thì cũng chống trả vừa phải ở mức tự vệ...

Theo chủ trương đó, thì hầu hết mọi người đều dự đoán rằng, nay mai Trung cộng sẽ chiếm toàn bộ Trường Sa mà không tốn một viên đạn.

Dường như VN còn khoảng 23 hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. 23 ngàn tàu cá của Trung cộng vừa chia đủ để bao vây mỗi hòn đảo của ta bằng 1000 tàu. Mỗi tàu đánh cá lớn của Trung cộng có khoảng trên 10 ngư phủ, 1000 tàu có trên 10 ngàn người. Họ cứ cho dân họ tay không tràn lên đảo, quân ta có dám bắn họ không? Mà có bắn thì cũng không xuể. Tuy nhiên theo lệnh phải kiềm chế không bắn họ. Thế là mất đảo.

Phải làm gì để cứu nước? 

Yếu thì phải biết hợp tung, liên hoành. Trong thì phải tìm sức mạnh từ sự đoàn kết của toàn dân, kích thích lòng yêu nước của toàn dân, rồi dân sẽ lo được. Lịch sử cho thấy, khi quân và dân là một thì VN luôn luôn thắng Tàu.

Ngoài thì không còn cách nào khác, ngoài cách phải tìm đến với quốc gia có thể kiềm chế được Trung cộng hiện nay, đó là Mỹ. Sự ủng hộ của Mỹ sẽ làm cho cái đầu nóng của Trung cộng nguội bớt lại, họ phải toan tính thiệt hơn trước khi muốn xâm chiếm các hòn đảo của ta. Nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đang dang tay ra chờ VN cải thiện nhân quyền, bởi họ không muốn để Trung cộng hoành hành ở biển Đông và Châu Á.

Tuy nhiên, dường như đảng đã có cách của riêng mình, nên đến bây giờ vẫn rất bình thản trước những diễn biến sôi sục ngoài Biển Đông. Đảng vẫn lo việc nội an là chính. Vẫn lo xử các blogger, lo theo dõi bắt bớ những người biểu tình, bỏ qua ngoài tai tất cả mọi góp ý của các nhân sĩ trí thức... Vì nội bất an thì có thể mất đảng chứ ngoại xâm Tàu cộng thì khỏi lo, đảng vẫn còn. Bạn hứa thế.

Y như thời triều đình nhà Nguyễn.

Huỳnh Ngọc Chênh

NHỮNG BÀI LIÊN QUAN:


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo