Nguyễn Hoàng Long (Danlambao) - Đất nước đang bị tàn phá bởi một thế lực độc tài, tham lam, ngu tối và tàn ác.
Chính trị là niềm tin và ước mơ cuả con người. Người hoạt động chính trị là những con người lý tưởng. Họ sẵn sàng dấn thân và hy sinh cho những giá trị tinh thần, đôi khi mơ hồ. Thời đại nào, xã hội nào cũng có những con người thuộc tầng lớp này. Đây là nhân tố làm thay đổi và thúc đẩy xã hội tiến về phía trước.
Mặc dù chưa làm được cuộc cách mạng để thay đổi tận gốc xã hội, nhưng sự hy sinh của họ đã làm đánh động lương tâm con người. Không nằm nguyền rủa trong bóng đêm, không ngồi lai rai nơi góc phố để quên đi nỗi uất ức của một kẻ bất đắc chí, họ âm thầm thắp lên một ngọn lửa trong tim mình. Chính trị làm say mê lòng người.
Người hoạt động chính trị là người có đời sống tinh thần khỏe mạnh để không a-dua theo đám đông. Một dòng máu ngang tàng luôn chảy trong người để nuôi dưỡng khí phách một dân tộc.
Đối với họ, nghề nghiệp không phải để tìm kiếm sự giàu sang mà mưu cầu điều tốt đẹp cho xã hội. Công việc là để thỏa mãn niềm đam mê và thực hiện ước mơ thời trai trẻ. Trong quá trình hành nghề, họ hiểu được những đau đớn, bất công của xã hội và những sai lầm của thể chế? Thủ tướng Lý Quang Diệu, tổng thống Abraham Lincohn… là những luật sư đã làm thay đổi lịch sử đất nước mình. Mỗi nghề luôn có cái nghiệp của nó.
Hoạt động chính trị mà đi ở tù là chuyện bình thường, bởi vì không một chế độ độc tài nào chấp nhận những kẻ muốn thay đổi hay lật đổ mình. Nhưng thay đổi luôn là sự vận động tất yếu của mọi xã hội. Không có sự đổi mới về mặt chính trị, đất nước sẽ già cỗi, xơ cứng và sụp đổ.
Nhà tù là công cụ của luật pháp. Xã hội nào cũng có nhà tù. Không có nhà tù, trật tự xã hội mà luật pháp đó cai trị sẽ trở nên hỗn loạn. Không có nhà tù, quyền lực của nhà nước không có chỗ để thực thi.
Về nguyên lý, luật pháp đặt ra không phải để bắt bỏ tù công dân. Mục tiêu của luật pháp là bảo vệ các quyền tự do công dân không bị xâm phạm và các giá trị chuẩn mực xã hội không bị phá hủy.
Nhưng, hệ thống luật pháp của chế độ độc tài được dựng lên, trước hết là để bảo vệ chế độ. Luật pháp đã trở thành đặc quyền của một nhóm người, cai trị và đè đầu cưỡi cổ dân chúng. Hậu quả tất yếu là nhà nước đó đã vi phạm quyền tự do công dân và hủy hoại đạo đức xã hội.
Khi bị bắt thì phải được xử án. Một xã hội dân chủ không thể có chuyện bắt chui, bắt nguội và xử kín. Sắc lệnh 003 của Hồ Chí Minh ký năm 1967 là vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất. Ông ta ra lệnh chính quyền bắt tù chung thân hoặc tử hình những người bị gán cho cái tội phản cách mạng, mà không cần xét xử? Người tù xuyên thế kỷ, Nguyễn Hữu Cầu, bị tù chung thân là dựa trên sắc lệnh này.
Tòa án là nơi lương tâm con người đối mặt với công lý. Cúi đầu trước vành móng ngựa được xem là cử chỉ hối lỗi. Trâng tráo được xem là cách hành xử của kẻ mất trí. Ngăn cấm bị can được quyền tranh tụng tại tòa là bản chất của một chế độ độc tài.
Một chế độ đã mất đi nhiều cơ hội quý giá để hoàn thiện hệ thống tư pháp, khi không biết lắng nghe những lời phát biểu của đương sự tại tòa.
Tội nhẹ tội nặng, án ngắn án dài cũng là án, là vi phạm điều luật hình sự. Giam người không có tội là bắt oan. Bắt giam oan sai thì phải bồi thường. Nhưng cả một chế độ sai trái từ trong trứng nước; tội chất thành núi, lỗi chảy thành sông thì lấy gì mà bồi thường? Hậu quả là chế độ vẫn chễm chệ cai trị dân chúng cho đến ngày tàn lụi.
Sau khi tòa tuyên án, nếu bị cáo không làm đơn kháng án thì đương nhiên chấp nhận bản án. Còn kháng án thì bị quy chụp là “ngoan cố”, sẽ bị ép cung cho đến ngày xử phúc thẩm.
Phạt tù là bị giam giữ trong 4 bức tường. Tường cao hay thấp, phòng chật hay rộng thì không gian đi lại của người tù chỉ quanh trong 4 bức tường đó. Xà-lim ngột ngạt, tối tăm và nóng bức chỉ có 4 mét vuông, bước tới 2 bước là đụng phải bờ tường.
Mặc dầu ở trong 4 bức tường của nhà tù, nhưng chế độ CS không gọi họ là “tù nhân” mà là “phạm nhân”. Rõ ràng đây là sự xuyên tạc và bóp méo định nghĩa. Phạm nhân là những người vi phạm pháp luật, dùng từ “phạm nhân” để biện hộ cho sự vi phạm nhân quyền của chế độ độc tài. “Đảng và nhà nước không bỏ tù ai hết, đảng chỉ giam giữ những người vi phạm pháp luật”. Nhưng sự thật là nhà tù CS đang biệt giam và cưỡng bức tù nhân.
Ngay cả những người CS mà còn sợ nhà tù CS, huống chi những người bị bỏ tù. Nếu ai không tin, xin hỏi mấy ông quản giáo? (Họ dùng từ “quản giáo” nghe có vẻ nhân văn hơn là “cai tù”). Nhà tù Sơn La, chuồng cọp Côn Đảo… cũng không khắc nghiệt bằng cái xà-lim CS. Chưa có ông cai tù nào bước vô trong đó được 5 phút, trong khi người tù phải chịu đựng ròng rã cả năm trời.
Chế độ CS tuyệt nhiên không công nhận có “tù nhân chính trị”. Hai chữ “tù nhân” đã không chấp nhận rồi, thêm hai chữ “chính trị” theo sau làm cho từ ngữ trở nên nhạy cảm. Đây là tính chất phản động nhất của một nhà nước độc tài, họ đã phủ nhận sạch trơn mọi khác biệt về tư tưởng và quan điểm.
Tục ngữ VN có câu “chín người mười ý”, nhưng gần 90 triệu dân VN chỉ có một ý nghĩ duy nhất: Ý đảng. Ai nói trái ý đảng, đồng nghĩa với việc sẽ bị tống vào tù.
Trong tù, ông cán bộ giáo dục nói rằng; “Sau 4 bức tường lớn là 4 bức tường nhỏ, và sau 4 bức tường nhỏ là 4 bức tường nhỏ hơn nữa. Đừng để sống trong 4 bức tường nhỏ xíu đó, đừng để người khác hạn chế quyền tự do đi lại và giao tiếp của anh”. Lời lẽ nghe có vẻ thân thiện nhưng đầy đe dọa. (Có lẽ ông ta đã từng nói hàng trăm lần như vậy khi giáo dục tù nhân). Ông ta muốn ám chỉ đến cái xà-lim kỷ luật, nơi đó người tù bị cùm chân và mỗi ngày được 2 chén cơm muối.
Hết án, người tù được thả ra bằng Quyết định Thi hành xong Án phạt tù. Có lăn tay chỉ điểm đàng hoàng, để tránh tình trạng thả lộn hay đánh tráo tù nhân.
Mãn hạn tù nhưng chưa được trả quyền công dân. Đa số tù chính trị đều bị quản chế. Họ sợ người tù đi lại, tuyên truyền, lôi kéo, kích động dân chúng. Quản chế là một phần bản án của tòa.
Quản chế được hiểu nôm na là quản lý và hạn chế một số quyền tự do cá nhân. Quản chế là hình thức của tù treo.
Trong thời gian bị quản chế, không gian đi lại của anh là cái phường đang cư trú. Đi ra khỏi phường là phải được phép của chính quyền phường. Đi ra khỏi quận thì phải được cấp quận cho phép… Luật thi hành án đã quy định như vậy. Sự cho phép đi lại, chẳng qua, là để giải quyết nhu cầu bức thiết của cá nhân.
Trong một ngày biết bao nhiêu việc anh phải đi ra khỏi khu vực địa lý của phường, không lẽ cứ mỗi lần đi là lên báo cáo? Ông Chủ tịch phường hay ông Trưởng đồn Công an đâu có thời gian để chứng thực cái chuyện đi lại này? Vô hình trung cái lệnh quản chế đã mất tác dụng.
Trước tòa án, bị cáo không cho mình có tội và chính quyền đã sai lầm khi bắt giam. Bị cáo phủ nhận mọi cáo trạng của nhà nước độc tài thì làm sao có thể chấp hành lệnh quản chế một cách đơn giản như vậy được?
Trong tù, cứ 3 tháng 1 lần, làm kiểm điểm theo 4 tiêu chuẩn thi đua để được giảm án. “Nhận rõ tội lỗi, thật thà hối cải…” Tội gì mà nhận? Một bè lũ tham nhũng đang hoành hành, tàn phá đất nước chưa bị buộc tội. Những người cất lên tiếng nói của lương tri thì tội gì?
Điều 88 của bộ Luật hình sự là vi hiến, là vi phạm quyền tự do ngôn luận, là không tôn trọng “Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền” và “Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị” mà chính phủ VN đã đặt bút ký.
Lý luận là như vậy! Nhưng chính quyền vẫn dựa vào bản án của tòa để gây khó khăn cho những ai không chấp hành lệnh quản chế, bằng cách ép buộc họ trở lại địa phương… Bạo quyền mà!
Đối với người hoạt động chính trị, tinh thần mới là điều quan trọng. Dù thân xác ở đâu thì tư tưởng vẫn như dòng suối nguồn tuôn chảy. Sống ở thời đại bùng nổ thông tin và kết nối, với một cái máy tính trong tay, anh có thể liên lạc với tất cả mọi người, dù ở chân trời góc bể. Chỉ những kẻ duy ý chí và ngu dốt mới cấm đoán sự suy nghĩ của người khác? Không ai có thể ngăn chặn sự truyền đạt tư tưởng con người, thậm chí sau khi họ chết.
Cả đất nước VN như một cái nhà tù lớn, nhà tù hình chữ S phình to ở hai đầu. Người dân nào cũng ở tù hết, thì tù treo cũng chẳng có nghĩa lý gì? Chỉ khác là anh thuộc tầng lớp nào trong xã hội? Nếu anh thuộc típ người thích tự do ngôn luận và chính trị, anh sẽ gặp khó khăn với chính quyền. Còn thuộc típ người tự do ăn nhậu, tự do sa đọa sẽ được chính quyền tung hê.
Trước đây, CSVN tố cáo thực dân Pháp dùng rượu bia để đầu độc tinh thần thanh niên, u mê quần chúng và giết chết sự phản kháng của người dân. Hiện nay CS còn tài giỏi hơn thực dân, phong kiến trong các chính sách đầu độc này. Tình trạng ăn nhậu, say xỉn trong xã hội hiện nay đến mức báo động.
Máu me đổ trên đường nhiều quá. Chính quyền treo biểu ngữ: “Không tham gia giao thông khi uống rượu bia” để chứng tỏ có quan tâm đến tính mạng của người dân. Như vậy sau khi uống rượu bia, họ sẽ đi về đâu? Công an chặn người đi xe trên đường, đo nồng độ cồn trong máu để phạt vi cảnh; nhưng tai nạn giao thông không hề giảm bớt và chết chóc vẫn liên tục xảy ra. Tai nạn giao thông tăng cao chỉ là một hệ lụy trong xã hội mà con người ta không làm chủ tinh thần của mình?
Trước khi Liên Xô sụp đổ, tệ nạn nghiện rượu tràn lan trong bộ máy chính quyền và dân chúng, đến nỗi tổng thống Gorbachop phải ra sắc lệnh cấm rượu bia. Đảng và nhà nước VN chẳng ngu gì cấm? Ai thèm thì cứ uống!
Sau cơn thèm khát, xã hội trở nên bải hoải. Tinh thần hỗn loạn. Toàn dân chán chường, quan chức rệu rã, bọn tay sai cũng mệt mỏi.
Trong xã hội CS có rất nhiều thành phần a-dua, u mê và hung hăng. Những kẻ ăn theo chính sách và trục lợi. Chú dân phòng mỗi tối xách gậy đi quanh xóm, anh thanh niên xung kích tay cầm ba trắc có quyền phạt xe đậu không đúng lề đường.
Từ một người dân lành ít học, đảng trao cho họ bộ đồng phục và cây ba trắc, biến họ thành tên tay sai đắc lực. Điều nguy hiểm là những tên tay sai cứ nghĩ mình thực sự có quyền lực như những vị tai to mặt lớn, chỉ khác là quyền lực được thể hiện bằng sức mạnh cơ bắp. Những chiếc ba trắc vụt tới tấp trên đầu, trên lưng 2 nhà báo VOV ở Tiên Lãng đã giải thích cho sự thô bạo này.
Vất bỏ cây gậy trên tay của họ là điều không dễ dàng. Không ai có thể tước đoạt quyền lực của người khác, ngoại trừ những kẻ đã ban cho họ.
Mọi quyền lực trong xã hội đều bắt nguồn từ cái quyền cơ bản nhất là quyền công dân. Không có quyền tự do công dân, quyền lực của nhà nước đương nhiên dẫn đến sự lạm quyền.
Những kẻ độc tài, đừng hy vọng, xây dựng được một nhà nước pháp quyền trong khi từng ngày từng giờ ra lệnh đàn áp nhân dân.
Một nhà nước muốn cai trị tốt xã hội thì luật pháp phải được xây dựng trên giá trị con người. Không có nhân quyền, sức mạnh của các lực lượng xã hội không cùng một hướng để phát triển đất nước mà đang triệt tiêu lẫn nhau. Mâu thuẩn giữa nhân dân và chính quyền ngày càng sâu rộng và không thể thỏa hiệp được.
Sự bất mãn của dân chúng đã lên đến cùng cực, chỉ cần một mồi lửa nhỏ sẽ biến thành đám lửa lớn thiêu đốt tất cả.
Toàn dân muốn thay đổi. Cả nước muốn thay đổi để thoát khỏi tình trạng u ám, ngột ngạt và bại hoại này, nhưng những kẻ nắm quyền lực không muốn thay đổi.
Đất nước đang ở trong tình trạng lâm nguy. Ngoài lãnh hải, ngoại bang gây hấn, xâm chiếm từng vùng biển của tổ quốc. Chính quyền nhu nhược, sợ hãi không dám phản ứng, nhưng lại thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến. Chính quyền đã cố tình giết chết tinh thần phản kháng của dân chúng.
Tinh thần con người thì vô hình, nhưng luôn mạnh mẽ và bền vững hơn mọi giá trị vật chất. Tinh thần là nguyên khí của quốc gia. Khi tinh thần không còn thì dân tộc đó đang sống trong cảnh nô lệ.
Nguyễn Hoàng Long