Bản chất tôn giáo của đảng ta - Dân Làm Báo

Bản chất tôn giáo của đảng ta

Anh Nguyên (Danlambao) - Từ ganh tị, sang kèn cựa, đố kị và hằn học sử dụng bạo lực không thương xót nhằm tước đoạt cho được cái mảnh đất tâm linh vẫn nguyên thuần phác của các tôn giáo, chỉ đơn thuần để tranh thủ được cái đám đông còn đang khờ khạo kia, đó là phương diện thể hiện rõ nhất cái “bản chất tôn giáo” của “đảng ta”.

Con đường vận động, tổ chức hay giáo dục công chúng về cái “xã hội giải khát”, thực ra chỉ là xóa bỏ các thần của đám đông nhằm gầy dựng cho bằng được một “tôn giáo vô thần”; cũng thể như, để gầy dựng nên một chủ nghĩa xã hội công hữu tất cả các “chế độ tư hữu hằng ngày hằng giờ tái sinh chế độ người bóc lột người” phải bị tiêu hủy (!). Đáng nhẽ, kẻ vô thần phải là kẻ biết “hùa” với đám đông về thần của chúng chứ không phải là kẻ bác bỏ đám đông về sự hiện hữu của các thần (Marx), thì đảng lại tự biến mình thành hung thần của đám đông về sự tồn tại của các thần. 

Sự tôn kính thần ở đám đông không giản đơn chỉ là bởi sự ngu muội. Một sự suy nghĩ chín chắn và trách nhiệm sao không coi đó là cách biểu lộ thái độ tôn trọng giới tự nhiên? Bất kỳ một nghi lễ tôn giáo nào, suy cho cùng, cũng là để xin các thần linh chỉ dẫn giới phàm tục giảm bớt đi những dục vọng mọn hèn, ngõ hầu khỏi xúc phạm đến thanh danh của thần thánh, ví như đào bới giới Tây Nguyên hay lăm le đóng cọc xuống Hồ Tây để “cấp tốc hóa” quá trình làm giàu hoặc “rút gọn” đoạn đường mà con người có thể nghĩ ra, nhưng mà không được phép báng bổ thần: chọc giận giới tự nhiên! 

Ra đời khi cuộc khủng hoảng giá trị nhân văn đã đẩy đến cao điểm, chủ nghĩa tư bản sau khi hoàn tất quá trình tích lũy nguyên thủy mà trải nghiệm đau thương và chua xót của một thời vang bóng ấy là những dục vọng hèn hạ của con người, đảng đã nổi lên với ngọn cờ tinh thần như thời Phục hưng nhưng chỉ với tấm áo bào tả tơi và thanh gươm đang thời kỳ hoen gỉ. Con “nhuyễn thể” đinh ninh “mang được cọc cho rêu”, dường như yên tâm với cái “bánh vẽ” không thể nào rán chín kia là “tài sản tinh thần vô giá” trong mỗi gia đình, đã nhẹ nhàng rút mình khỏi vỏ ốc. Sức hấp dẫn của chủ nghĩa tư bản cả thực và danh, khiến nó phải thay hình đổi dạng: “Đi với bụt” thì mặc cà sa… với kinh tế thị trường nó thanh thản hóa thân thành con bạch tuộc. Và như để thật chính danh như một thực thể xã hội, nó tuyên ngôn cần phải ăn, uống, ở, mặc trước khi nghĩ đến đạo đức văn minh: người ta cần phải được ở trong lâu đài thì mới có thể sáng tạo nên tư tưởng thiên đường! Đó là sự kết hợp tài tình giữa “có thực/vực đạo” Đông Phương với tinh thần “duy lý” chất phác Tây Phương vật chất quyết định tư duy của chủ nghĩa duy vật biện chứng. 

Cả Nguyễn Phú Trọng lẫn giáo sĩ họ Tô, những cây đại thụ giáo điều, giờ như đã vỡ lẽ ra rằng, “Có tiền mua tiên cũng được” là thật. “Thiên đàng” hay “Chủ nghĩa xã hội”, thực ra chỉ là sao để có nhiều tiền. Những ngày ghé thân vào chủ nghĩa tư bản là những ngày “cặp mạn thuyền Rồng” để cầu cạnh các tước hiệu vàng son, hay xin xỏ danh phong chẳng hạn như “di sản văn hóa” hay công nhận cho một “nền kinh tế thị trường…” cương quyết không “đứt đuôi con nòng nọc”. Thành quả của cái gọi là công cuộc đổi mới do đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực ra chỉ là thứ “hồ”, mà “bột” không thể là cái gì khác hơn, nếu không phải là nguồn tài chính mồ hôi nước mắt của “giai cấp công nhân và nhân dân lao động” do bọn tư bản Phương Bắc vơ vét, được “bơm” vào thí xác!!! 

Thế nhưng, luật đời khi đã có “kẻ ăn ốc” thì tất phải có “người đổ vỏ”. Làm gì có được sự bình đẳng giữa các chất rắn, lỏng và khí trong tự nhiên. Bất bình đẳng về thực chất chẳng qua chỉ là điều mà con người nghĩ tới để tìm kiếm một sự bào chữa triết học cho một chế độ xã hội mới mà nó mong muốn có, hơn là tổ chức nên chế độ xã hội đó. Một hình thức xã hội tỏ ra tốt đẹp lúc này tại sao nó lại không thể tránh khỏi việc phải nhường chỗ cho một hình thức khác tỏ ra tốt đẹp hơn. Chẳng hạn, khi đặc trưng của một thời đại đã qua là mục nát nên cần thiết lập nên một nhà nước bởi kẻ chuyên quyền bạo chúa tuyệt đối, một nhà nước lý tưởng kiểu Machiavelli. Một nhà nước như thế, tuy đã khiến con người trở nên ít đồi bại hơn nhưng chính nó cũng đã tàn phá tự do xã hội của đa số con người. Việc tuân theo luật pháp khi không giúp ích gì được cho con người thì con người cũng nên bất tuân luật pháp, nếu nó có thể tránh được hình phạt. Một nhà nước khi đã không mạng lại cuộc sống hạnh phúc và có đạo đức thì là một nhà nước có hại, một điều luật không phục vụ cho những mục đích như thế thì tất yếu phải bị loại bỏ, nhất là điều luật xác lập quyền lực trực tiếp từ “thần” và có thể sử dụng sự đe dọa hình phạt muôn thuở để tăng cường quyền lực đó. Marx đã chẳng từng coi “cái gọi là sự phát triển lịch sử, nói chung, dựa trên tình trạng là hình thái cuối cùng coi các hình thái đã qua là những giai đoạn để đi tới bản thân nó”. Đã như thế thì có lẽ nào lại cứ “trăng Trung Quốc [là mãi vậy] tròn hơn trăng nước Mỹ” chỉ đơn thuần địa lý hai nước cách nhau một vòng bán cầu, khi “bên ni” gà dẫn con vào chuồng lại là lúc “bên tê” trời sáng ra là nhờ vào tiếng “gáy” của một láng giềng đồng loại! 

Đã đành “… sấm sét tư tưởng (một khi đã) đánh một cách triệt để vào cái mảnh đất nhân dân hãy còn nguyên vẹn, thì…” không có một cái gì là không định hình. Song có phải vì thế mà nhân danh lý tưởng giải phóng con người, đảng cứ phải tự tổ chức mình thành tia sét: “hệ thống chân rết” với các đức giáo chủ phân phong dưới sự trị vì của một hội đồng các đại giáo chủ. Còn nhớ, trong chế độ đẳng cấp Brahmana, quyền lực tuyệt đối và tối thượng không phải là tầng lớp Ksatiya (vua chúa, quý tộc, tướng lĩnh) mà là giới Brahmana (giáo sĩ, lễ sư) chuyên nghề “thuyết giáo và cúng tế”. 

Đóng thuế cho việc lễ nghi cúng tế, công chúng chỉ mong sao các vị lễ sư có đặc quyền giao tiếp được với thánh thần hãy chân thành bày tỏ giúp họ lòng khẩn cầu về một cuộc sống thái bình để họ có thể làm được cái bổn phận phụng dưỡng người già, dạy dỗ trẻ thơ, đặng người góa bụa đơn cô có chỗ cậy trông sống cho trọn tuổi, kẻ hèn mọn cút côi có chỗ nương dựa để được lớn khôn! 

Ước nguyện của dân đã mãi không vang đến nơi nhạy cảm nhất của “trái tim trong thế giới không có trái tim”! Nó bèn “dội” ngược trở lại… Giờ đây nhân dân giống như một gã si tình: nó khốn nạn bởi chính cái “lúm đồng tiền” mà nó đã trót yêu ở người tình của nó. 

Sự từ bỏ các “tôn giáo thuốc phiện”, đúng hơn là phá hoại các tôn giáo ấy, cốt sao trống chỗ cho đảng, hay là để đảng được tôn vinh lên hàng một “tôn giáo”. Chiến tranh tôn giáo để chiếm đoạt đức tin nhằm giành quyền kiểm soát đám đông khiến đảng ngày càng tỏ ra chỉ với duy nhất năng lực “tự do ngôn luận”. Mà nếu đảng có “nhỡ nhời”, ví dụ như: cái gì nặng sẽ rơi nhanh, hay ăn thật no nê ngô (bắp) sẽ tốt hơn ăn ngần ấy gạo, thì đó là những chỉ dẫn cho khoa học vượt lên chính mình!!! Thay vì cần phải bảo vệ được các đám đông, giờ đây đảng chỉ còn lại khả năng bảo tồn chính nó bằng cách “phóng tác” tim cho Gióng và Ngựa của ngài (?!)… Khi đã phán quyết cho một điều cụ thể nào đó là đúng thì ý thức con người là phải chấp nhận, không được nghi ngờ, nếu Thánh có ngủ quên, thì nghĩa là đức tin phải đến trước sự lý giải (?!). Vì thế, trụ sở đảng phải nhanh chóng thay thế được Nhà thờ, theo đó khách sạn, nhà hàng của các cơ quan đảng ở trung ương cũng như các tỉnh thành… phải được cơi nới thêm đủ sức “cạnh tranh” với chùa chiền, Phật tháp. 

Một khi đảng đã chạy theo kinh tế thị trường, cũng buôn bán kinh doanh mà lợi nhuận tối đa không là quy luật tuyệt đối, thì chỉ còn cái là “tát” vào “kinh tế chính trị học macxit”. Và khi mà đảng đã suốt ngày cắn bút để tính toán lỗ lãi thì thời giờ nào mà lo lắng cho dân: nhăn da trán, nhíu lông mày, rồi gạch đít (?!). Chính thế mà, do không còn kiểm soát được chính mình, trong cơn hoảng loạn “Đảng Thủ đô ta” hối hả tuyên bố không cơ cấu vào cấp ủy những cá nhân “giàu lên nhanh chóng”. Trước cuộc “Đại kết tập” lần thứ XI đâu đâu người ta cũng thấy bàn tán việc loại bỏ khỏi “đầu óc” thần thánh những tư tưởng tư sản hoang dã... Nhưng rồi sau cuộc “Đại kết tập” ấy, người ta được thấy “người dọn vườn” cố sức nhặt bỏ những con sâu chúa, và “bầu Kiên” đúng là một con sâu bự. Nhưng lại chẳng phải là sâu: nó là “con dê…”! 

Còn con sâu nay đã thành nhộng… và lần lần cắn kén bay đi y như Dương Chí Dũng ấy! 

Cỗ “đại xa” chỉ biết một cơ chế răm rắp “trên bảo/dưới nghe” của chế độ phân phong bị những đồng polymer mua đứt, trật khỏi đường rày. Người ta đổ tất cả lỗi “thượng bất chính/hạ tắc loạn” cho “bọn người bất mãn” (do nó tưởng tượng ra), thọc gậy bánh xe. Trong khi đáng ra cần phải nghiêm túc lắng nghe nguyện vọng của bọn người chưa có cơ hội thành “thế lực thù địch” kia, thì đảng ta – “cô gái ngủ trong lâu đài” thở dài buồn bã: ta coi như hết khả năng cám dỗ! Thôi đành “mạnh ai, nấy lo”. 

“Mạnh ai, nấy lo” làm tiêu tan hẳn cái “khát vọng của nhân dân”. Nhân dân đã bị cơn khát giày vò, giờ này giãy giụa trong cái gọi là “khát vọng” ấy… 

Thi thoảng từ trên chín tầng xanh đảng cũng “vi hành” trong “Chiếc áo của Hoàng đế”. Những lúc như “ngượng chết đi được” vì những câu tâng “có cánh”, đảng ý tứ giữ gìn: có được như thế là do cái nguyên lý tinh thần tự phê bình và phê bình sinh ra đấy! 

Thế là dân chúng lại được một phen hỉ hả! 

Còn nhớ cái lần hỉ hả đầu tiên, 17 triệu cá thể phù du miền Bắc tạo nên bữa tiệc âm thanh mà các cơ quan tuyên giáo đảng sắp xếp lại thành: “… có Đảng như ánh thái dương/sống yên vui trong tình yêu thương”. 

Lần hỉ hả này, muôn dân sẽ như ả gái tân, cố nhón gót nhìn qua đỉnh cao vòi vọi…, một trang đề huề lưng túi gió trăng với cái vuốt ve bằng mắt cùng với lời theo gió ngọt ngào! Nghe như trong đó có gió heo may… lời cam kết lúc từ biệt làm ả cứ băn khoăn: “vầng trăng ai xẻ…” 

Trải nghiệm cho hay, cứ mỗi lần các ả gái quê nghèo khó bức xúc đến cùng cực về cái chuyện “cả thèm” là mỗi lần chúng được “tháo van” để rồi đâu lại vào đấy… Thân phận không đổi thay, cái được đổi thay là một sự giãi bày “cụ thể mỗi tình hình cụ thể”. Chẳng hạn như, theo nguyên lý: “Chỉ cần sấm sét tư tưởng đánh một cách triệt để vào cái mảnh đất nhân dân hãy còn nguyên vẹn, thì…” lần này nó chuyển hướng “đánh” vào “đầy tớ cao cấp” của nhân dân. 

“Mũi dại thì lái chịu đòn”, nhân dân nỡ lòng nào để cho “ngọc thể” các công bộc của mình “tả tơi hoa lá” mà không thương xót cho đành! 

Thật lạ, chống kẻ thù ngoại xâm đảng ta giáo dục dân chúng sử dụng tầm vông, “bom ba càng”, thậm chí cả tẩm xăng vào người làm đuốc… Còn chống kẻ thù “nội xâm”, nguy hiểm hơn gấp vạn lần, đảng ta khuyên nhủ nhân dân đặt hết trông mong vào thứ “vũ khí phê phán”. Sự tin tưởng vào đảng phải được đặt trên cả đức tin tôn giáo, hay chí ít thì đảng cũng đã tin và thành công ngoạn mục khi nhồi nhét được vào đầu óc chúng sinh chính sự hồ đồ này. Cái thứ vũ khí phê phán được thay thế cho “sự phê phán bằng vũ khí” là sinh khí, là linh hồn của đảng bây giờ mới được đưa ra sử dụng, mà người sử dụng biết hơn ai hết nó chẳng có tác dụng gì ngoài công năng cho việc “bốc thơm”. 

Nhưng không riêng gì đảng ta, công chúng cũng rất ưa chuộng cái “tiếng”, nhất là “tiếng thơm”: “đàn cừu ngoan của đảng”. Trong khi Điều lệ Đảng lại quy định rất rõ rằng, Đảng là đầy tớ, là công bộc của nhân dân…, mà nếu ai đó có óc hài hước, “vui vẻ” đảo lại mệnh đề thì nó là thế này: Nhân dân là chủ ông của chế độ này! 

Một chế độ của những người thích đùa, trong đó Điều lệ Đảng “thản nhiên” trở thành nguyên tắc luật pháp trong phân xử một cách “dễ thương” như cách của các bé trên “sân golf” của nhà trẻ! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo