Đào Tuấn - 4,1 tỷ đồng cho một lễ khởi công, cho dù đối với một cảng trung chuyển tầm cỡ…quốc tế, kể ra cũng là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Nhưng hóa ra, 4,1 tỷ đồng cho lễ khởi công Vân Phong vẫn chưa phải là giới hạn cuối cho biểu tượng của sự lãng phí mang tên Vinaline.
Tháng 10-2009, lễ khởi công dự án Cảng trung chuyển Quốc tế Vân Phong đã được Vinaline tổ chức đặc biệt hoành tráng. Sau này, độ “hoành tráng” được mô tả bằng một con số trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ: Theo quy định, lễ khởi công chỉ được phép tiêu tối đa 50 triệu đồng, song Vinalines đã chi tới 4,144 tỉ đồng để tổ chức.
Ngay sau đó, trả lời câu hỏi “tiền đâu”, TGĐ Vinaline, ông Dương Chí Dũng đã sử dụng thuật ngữ “phát huy tối đa nội lực của chính mình”. Nào là huy động từ quá trình tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, trích lợi nhuận ra đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hàng hải. Nào là huy động nguồn vốn từ công tác sắp xếp cổ phần hoá các doanh nghiệp của ngành hàng hải. Rồi thì “Huy động vốn thông qua các nguồn tiền niêm yết các cổ phiếu của các doanh nghiệp đã cổ phần ra thị trường chứng khoán trong nước và tới đây sẽ niêm yết ra thị trường quốc tế”. Và ghê nhất là việc “Thuê tư vấn nước ngoài đánh giá các hệ số tín nhiệm của Vinalines để tự phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra nước ngoài để thu hút tài chính vào các dự án trọng điểm có hiệu quả”...
Tất cả đều là ảo, đều là những “con cua trong lỗ” khi mà tại thời điểm khởi công dự án, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ “chưa có tổ chức tài chính nào bảo đảm vốn đầu tư cho dự án”. 4,1 tỷ đồng cho một lễ khởi công, cho dù đối với một cảng trung chuyển tầm cỡ… quốc tế, kể ra cũng là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Nhưng hóa ra, 4,1 tỷ đồng cho lễ khởi công Vân Phong vẫn chưa phải là giới hạn cuối cho biểu tượng của sự lãng phí mang tên Vinaline.
Cuối năm ngoái, Dự án phải tạm dừng sau khi đã khởi công được 2 năm để “khảo sát lại địa chất”. Và giờ, 3 năm sau lễ khởi công hoành tráng, Vân Phong phải tạm dừng trong hoàn cảnh hàng trăm cọc thép đóng dở, hoặc không đảm bảo quy chuẩn do… thừa độ dài, đã gỉ sét; các hạng mục trị giá hàng trăm tỷ đồng khác đang bị bỏ hoang, người chịu trách nhiệm trực tiếp, ông Dương Chí Dũng, vừa bị bắt giữ. Và đặc biệt là vốn đầu tư, do thời gian kéo quá dài, đã “đội” từ 3.000 tỷ năm 2007, lên gấp đôi (6.000 tỷ) vào thời điểm khởi công, và giờ đã “dự kiến” lên tới hơn 10 ngàn tỷ. Không biết bao nhiêu tiền của, công sức, và cả tâm huyết giờ coi như đổ cả xuống sông, xuống bể.
Tổng thư ký Hội Khoa học Kỹ Thuật Biển TP HCM, ông Doãn Mạnh Dũng, có lần lấy số liệu lượng hàng hóa nhập khẩu trong nước và hàng trung chuyển năm 2010 vào khoảng 1,05 triệu TEU, đã ước tính số tiền bị thất thoát do nguồn lực của cảng Vân Phong không được khai thác vào khoảng 336 triệu USD/năm. Kể từ khi ý tưởng xây dựng Cảng Vân Phong được khởi xướng năm 1997, đã 15 năm trôi qua, cảng trung chuyển quốc tế chiến lược, động lực cho kinh tế biển, không chỉ của miền trung, vẫn nằm trên giấy. Và vẫn sẽ còn nằm trên giấy chưa biết đến bao giờ. Bởi lời “kêu gọi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng Dự án” thực ra cũng giống với việc thừa nhận sự bất lực. Đổi lại, chỉ nhẹ như bấc là một lời nói “thông cảm” của Bộ trưởng Bộ GTVT.
4 năm trước nhà khoa học ngay thẳng Doãn Mạnh Dũng đã viết rằng: “Yếu tố tự nhiên tốt sẽ đem lại lợi nhuận còn lớn hơn cả sức lao động mà con người phải bỏ ra”. Chỉ có điều, ông Dũng, và tất cả những người quan tâm đến Vân Phong quên mất một điều rằng yếu tố tự nhiên cần phải có sức lao động của con người, chứ không phải chỉ những lời chém gió, dù là của người đứng đầu một tập đoàn kinh tế nhà nước từng được xem là hùng mạnh. Bỏ hoang tài nguyên chiến lược, dù với bất cứ lý do nào, có lẽ, đó mới là sự lãng phí lớn nhất.