Mặc Lâm (RFA) - Thêm một đảng viên trẻ tuổi công khai tuyên bố rời khỏi hàng ngũ của Đảng Cộng Sản VN. Đó là anh Nguyễn Chí Đức, người nổi tiếng vì bị công an Hà Nội đạp vào mặt khi đi biểu tình chống Trung Quốc vào năm ngoái. Mặc Lâm phỏng vấn anh để tìm hiểu thêm căn nguyên khiến anh từ bỏ lý tưởng mà anh theo từ bấy lâu nay. Trước tiên anh cho biết:
Anh Nguyễn Chí Đức: Tôi phải đính chính đối với RFA là tôi không phải từ bỏ đảng mà chỉ xin ra khỏi đảng thôi. Trước khi mình vào thì mình có làm đơn, bây giờ mình cũng đúng thủ tục thì mình xin ra. Nhưng mà trước khi ra thì tuần trước chi bộ cũng làm việc với tôi để hỏi thăm tôi nguyện vọng về một vấn đề khác, nhân tiện tôi cũng trình bày là tôi muốn ra khỏi đảng. Tôi cũng trình bày sơ lược quan điểm của tôi tại sao tôi lại ra khỏi đảng mà trong khi đang yên lành lại xin ra.
Tôi cũng xin trình bày với quý đài RFA rằng đó là một quá trình dài của tôi chứ không đơn thuần là một quyết định nhất thời, mà điều chắc chắn là không phải do bất mãn vì công việc hay vì một xích mích nào cả. Tôi vẫn đi làm bình thường, mà thậm chí công việc và sự nghiệp của tôi nó còn thăng tiến hơn. Không đi biểu tình thì sự nghiệp còn thăng tiến hơn, nhưng tất cả là do tư tưởng ban đầu của tôi.
Trước đây trong trường đại học, lúc tuổi còn thanh niên mình thích hoạt động sôi nổi, phong trào. Mục tiêu của tôi là muốn cổ vũ thanh niên sống mạnh mẽ hơn, biết yêu thương mọi người hơn, không chỉ trong nội bộ mình mà đối với cả đồng bào của mình.
Mình thấy nếu mình muốn làm việc đó thì phải ra khỏi đảng thôi vì nếu mình ở trong tổ chức đảng cộng sản thì không làm được những việc mình mong muốn. Tại vì trong tổ chức đảng cộng sản có những ràng buộc bởi luật lệ, điều lệ. Kỷ luật mà! Mình theo tổ chức nào thì phải theo kỷ luật đấy. Mình có cảm giác là mình không hợp thì mình xin ra thôi.
Anh Nguyễn Chí Đức (áo carô cam, bìa phải) đang trò chuyện cùng bạn bè - Photo courtesy of nguyenxuandien's blog
Mặc Lâm: Thưa anh Nguyễn Chí Đức, dư luận trên mạng - đặc biệt là facebook- cho rằng một trong những nguyên nhân khiến anh ra khỏi đảng là do bị cấm đoán biểu tình chống Trung Quốc, anh nghĩ sao về những suy đoán này?
Nguyễn Chí Đức: Sự kiện mà mọi người biết tôi về chuyện biểu tình chống Trung Quốc thì nó cũng chỉ là một phần của người Việt Nam, bất cứ ai có máu dân tộc mạnh mẽ thì phải xuống đường thôi! Không hẳn là một cái gì to tát hay là một cái gì ghê gớm. Thật sự tôi rất buồn là vì sao?
Trong những cuộc biểu tình năm 2012 rất ít người Việt Nam xuống đường. Đó là cái đau lòng nhất của tôi. Những lúc như vậy đáng lẽ phải hàng trăm nghìn người xuống đường cơ. Như người dân Hồng Kông vừa rồi họ phản đối chính quyền trung ương Cộng sản Tàu về chuyện giáo dục đấy! Hàng bao nhiêu là học sinh của dân Hồng Kông xuống đường, trong khi đó Việt Nam bị Trung Quốc lăm le xâm lược mà tinh thần dân tộc Việt Nam lại rất yếu đuối. Đó là điều mà tôi thấy rất là buồn. Chả vui gì cả tại vì thấy trên thực tế bao nhiêu cuộc biểu tình vẫn chỉ từng ấy con người.
Rất là buồn! Mình sống ở thành phố Hà Nội đây thấy dân chúng rất thờ ơ họ chỉ lo chụp giựt, phải nói là sống rất tạm bợ. Kinh tế phát triển thì có thay đổi nhưng mà đời sống tâm hồn có cái gì đó nó xao lãng văn hóa dân tộc. Chẳng hạn bây giờ xã hội sống xô bồ chụp giựt, rất khác cách đây 20 năm. Cách đây 20 năm ngày xưa mình thấy tình nghĩa, có cái gì đấy rất mạnh mẽ và cuộc sống thật thà, còn bây giờ nhiều cái bị xao lãng. Chính quyền phải ý thức về điều đấy.
Vì sao?
Anh Nguyễn Chí Đức bị đàn áp khi xuống đường biểu tình chống Trung Quốc.
Mặc Lâm: Thưa anh, có người nghĩ rằng cái đạp của công an đối với anh vào năm ngoái vẫn còn hằn sâu trong lòng anh, đó là một nguyên nhân khác khiến anh từ giã đảng, anh nghĩ sao về ý kiến này?
Nguyễn Chí Đức: Nếu người ở xa, ở hải ngoại thì không nói đâu, còn nếu ý kiến đó là từ những người biểu tình mà hiểu thế thì chứng tỏ là họ vẫn chưa hiểu hết về tôi.
Kể cả bây giờ tôi không làm đơn ra khỏi đảng thì tôi vẫn thăng tiến, tại vì mối quan hệ của gia đình tôi có hơi khác tí nên tôi vẫn yên ổn, chả sao cả, kể cả viết blog cũng chả sao. Nhưng mà điều thôi thúc của tôi, căn cốt của tôi là người hoạt động trong đoàn thanh niên. Tôi cũng 36 tuổi rồi mà chả giúp được. Mình vào đảng vì mình nghĩ lý tưởng cộng sản sẽ thúc đẩy tinh thần dân tộc, làm cho đất nước Việt Nam hùng mạnh hơn, cũng như là làm cho mọi vấn đề xã hội nó tốt hơn, nhưng mình thấy có nhiều cái bất cập, chứ không phải vì những chuyện cá nhân đâu.
Lúc đầu tôi còn khuyên công an là đừng để vụ này làm ầm ra không hay. Tôi đã tiên liệu trước rồi nhưng mà về sau chẳng qua là họ làm tôi ức chế là họ đổi sự việc mà tôi đang là nạn nhân thành kẻ chống người thi hành công vụ, thành ra tôi bị ức chế. Cái cú đạp ấy đối với tôi nó chả quan trọng gì cả, nhưng mà cũng là một biến cố thúc đẩy nhanh hơn quá trình mà tôi từ giã đảng mà thôi. Không phải từ bỏ, vì nói từ bỏ thì cũng hơi quá. Ít ra mình cũng làm đúng theo tổ chức là xin ra.
Mặc Lâm: Xin được hỏi anh thêm một câu nữa. Liệu việc từ giã đảng có gây khó khăn cho anh trong việc làm ăn cũng như sinh hoạt tại địa phương mà anh cư ngụ hay không và anh đã tiên đoán là sẽ phải đối phó với vấn đề này như thế nào?
Nguyễn Chí Đức: Cái đấy thì tôi cũng chả để ý, nhưng mà căn bản thì tôi đã nói với tổ chức đảng là tôi muốn ra khỏi đảng nhưng tôi không chống đảng cộng sản. Tất nhiên là những điều tốt thì tôi ủng hộ, những điều nó gây phương hại đến lòng tự tôn dân tộc hay là một điều gì đấy làm hại đất nước thì tôi phản đối trong khả năng của tôi.
Thật ra tôi cũng chỉ là một người bình thường, trong cuộc sống mình không có suy nghĩ sâu như những nhà trí thức hay những nhà học thuật chuyên biệt thì họ có những phản biện khác. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản, thấy cái gì không đúng thì lên tiếng trên mạng, trên internet hay blog. Trong cơ quan thỉnh thoảng có vấn đề gì tôi không đồng ý thì tôi lên tiếng. Tôi lên tiếng nho nhỏ ở góc độ làm việc thôi. Trong họ hàng tôi rất nhiều người theo đảng, bố mẹ tôi dân Thanh Nghệ mà! dân Thanh Nghệ theo đảng rất nhiều. Các bác ấy ở xóm phố tôi thấy họ đều tốt thôi. Mình chả có ý định chống lại tổ chức đảng gì cả.
Mặc Lâm: Xin được cám ơn anh Nguyễn Chí Đức đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.
2012-09-13