Chính trị hay tà trị! - Dân Làm Báo

Chính trị hay tà trị!

Trần Trường Sa (Danlambao) - Xưa nay, theo thói quen, những hoạt động xấu xa núp lén dưới thế lực của chính quyền hoặc do chính quyền chỉ đạo nhằm đạt mục đích của người có quyền thế thì người ta thường cho đó là “thủ đoạn chính trị”. Hơn ai hết, chính quyền là cơ quan thực thi pháp luật, chính quyền phải tuân thủ pháp luật; vậy thì những hoạt động vi phạm pháp luật có sự bảo kê của chính quyền hoặc chính quyền làm lơ hoặc ngay cả chính quyền thực hiện thì sao gọi là “chính trị ” được. Phải gọi là “thủ đoạn tà trị” mới đúng!

Ngày nay, nước nào cũng có bộ luật cao nhất là Hiến pháp. Không bàn đến bản hiến pháp ấy có văn minh, có tiến bộ hay không; mọi hoạt động xã hội dưới sự kiểm soát của chính quyền cũng không được vi phạm bất cứ điều khoản nào của bản hiến pháp đó. Có như vậy mới gọi là “chính trị” được. 

Khi một số phe nhóm, cá nhân tham gia chính quyền vì một mục đích nào đó, dùng một số biện pháp để đánh lừa, gài bẫy làm mất uy tín đối phương nhưng hoàn toàn không vi phạm pháp luật thì đó mới là “thủ đoạn chính trị”. Ví như vụ Tổng giám đốc quỷ tiền tệ thế giới vì “máu dê” mà bị sập bẩy làm lở chuyến tàu tranh cử Tổng thống Pháp. Ấy là thủ đoạn chính trị tầm cỡ thế giới. 

Ta hãy xem qua kỳ tranh cử Tổng thống 2009 tại Hoa Kỳ thì rõ. Khi đang tranh cử ở vòng chọn ứng cử viên đảng Dân chủ, Obama và bà Hillary có từ thủ đoạn chính trị nào đâu để hạ thấp uy tín đối phương. Nhưng khi Obama trúng cử Tổng thống thì bà Hillary lại trở thành một ngoại trưởng xuất sắc của chính quyền Obama. Thủ đoạn chính trị vốn có nghĩa không xấu, đừng làm hoen ố nó. 

Quan chức cấp nhà nước cộng sản Việt Nam quả là quá vụng về ở khoản thủ đoạn chính trị kiểu này. Thường thì họ dễ bị sập bẩy chứ chẳng gài được ai, sau khi bị sập bẩy rồi thì họ phải “cả vú lấp miệng em” bưng bít thông tin, gọi là để bảo vệ uy tín lãnh đạo. Khi cần việc gì theo ý họ (có khi cho lợi ích của dân, có khi cho lợi ích phe nhóm, có khi cho lợi ích cá nhân và gia đình họ) là họ thẳng tay vi phạm hiến pháp, vi phạm nhân quyền. Bởi vậy cho nên mới tạo ra một đống pháp luật hỗn độn như hiện nay. Hàng loạt điều luật vi hiến vẫn tồn tại, hàng loạt nghị định trái luật vẫn được áp dụng, hàng loạt nghị quyết của đảng bộ các cấp cứ việc ban hành mà không cần xem xét có vi phạm các điều luật có liên quan hay không. Mặn miệng mà nói thì đây là tình trạng “hiếp dâm chính trị tập thể”

Tình trạng bắt giữ người trái phép xảy ra ngày một phổ biến; ném vật dơ vào nhà công dân thường được chính quyền ưa dùng để trừng trị những kẻ rành luật – cứng đầu; cho côn đồ gây gỗ, ăn vạ là cách đối phó với những kẻ hay tố cáo sai phạm của các cấp lãnh đạo, hay kiện tụng lôi thôi; khủng bố tinh thần, bao vây kinh tế những người bất đồng chính kiến, bôi nhọ, vu khống người yêu nước; lén lút thủ tiêu đổi thủ chính trị... không thể coi là “thủ đoạn chính trị” như nhiều người hiện nay thường gọi. Vì như thế sẽ làm xấu đi vóc dáng tốt đẹp vốn có của chính trị. 

Chính trị thuộc quyền sở hữu của toàn dân. Những ai có ý đồ làm chính trị là làm cho cuộc sống người dân ngày một tốt đẹp hơn. Quyền làm chính trị không là quyền của riêng ai. Thật đáng buồn khi có ai đó nói lên sai trái của một cấp chính quyền nào đó thì bị gán ngay cho một câu “mày định làm chính trị hả?”. Nếu là tôi thì tôi sẽ trả lời: “vâng, tao muốn làm chính trị đấy, làm cho xã hội, xóm phường công bằng hơn”. Tiếc thay, nhiều người trong xã hội ta hiện nay rất sợ bị gán cho hai từ “chính trị”. Bởi vậy mà hành vi nào xấu có liên quan đến chính quyền thì người ta coi đó là “thủ đoạn chính trị”. Không! Phải gọi là “tà trị” mới đúng. 

Sản phẩm của tà trị là gì? 

- Là một xã hội băng hoại về đạo đức, lối sống, do từng người dân tự sản sinh ra kháng thể để đối phó với tà trị. Muốn được việc nhanh chóng, họ chấp nhận tuân theo luật rừng thì ít phiền phức tốn kém hơn là theo luật nhà nước; dần dần thành thói quen họ xem đó là điều hợp đạo lý. 

- Là một xã hội đầy bất công, ranh giới giàu và nghèo ngày càng nới rộng vì tiền của ngày càng chảy về các nhóm lợi ích có quyền thế. 

- Là một nền kinh tế kiệt quệ vì tiền vào túi tham quan không quay trở lại hoạt động tái sản xuất trong xã hội mà thành vàng bạc, đôla chảy ra nước ngoài. Sức sản xuất của xã hội bị tập trung vào việc làm ra những công trình kém chất lượng, kém thiết thực cho đời sống dân sinh, không tạo được hiệu ứng phát triển sản xuất. 

- Trí tuệ thanh thiếu niên ngày càng hao mòn, sức sáng tạo của tuổi trẻ dần bị cạn kiệt vì học sinh không được phép tranh luận với thầy cô, người học không được chê sách dở, chỉ chỗ sách sai, cấp dưới không dám phê bình, tố cáo cấp trên... 

- Là một xã hội câm lặng, sức đề kháng tập thể bị thủ tiêu, tình người dần phai nhạt để nhường chỗ cho sự vô cảm, đớn hèn và sợ hãi vì người ta cần tồn tại phần “con” trước đã, còn phần “người” thì ít ai quan tâm. “Tôi tồn tại bởi vì tôi biết sợ” là một câu thơ nổi tiếng của một nhà thơ cũng nổi tiếng đã hơn nửa thế kỷ. 

Cái hậu của tà trị là gì? 

- Hiểm họa mất nước lồ lộ ngay trước mặt! 

- Xã hội loạn ly không còn là nỗi lo mà đã hiện diện quá rõ ràng! 

Con đường đoạn hậu dành cho tà trị là gì? 

- Chỉ có một con đường duy nhất: “Giải cộng nhi thoát!” 


18 / 08 /2012




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo