Chúng ta sẽ bay tới đâu? - Dân Làm Báo

Chúng ta sẽ bay tới đâu?

Nguyễn Thị Từ Huy (Tiasang) - Chúng ta có thể có mọi thứ: có máy bay, có tàu hỏa, máy tính, nhà cao ốc, các khu biệt thự…, nhưng cũng rất có thể chúng ta sẽ thiếu vắng chính con người. 

Từ một chuyến bay…

Chiều 19 tháng 7 tôi bay từ Đà Nẵng về Sài Gòn trên chuyến bay mang số hiệu VN1303 của Hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines, khởi hành lúc 17h40. Tôi luôn chọn Vietnam Airlines mỗi khi phải di chuyển bằng máy bay. Không chỉ đối với Hãng hàng không, tôi luôn chọn dùng hàng Việt Nam, một cách để ủng hộ doanh nhân và nền kinh tế Việt Nam, dù rằng tôi chẳng có nhiều tiền nên cũng chẳng ủng hộ được bao nhiêu. 

Minh họa: Khều

Máy bay bay được khoảng 15 phút thì tôi bắt đầu thấy lạnh và tôi bị ho gần hai tháng chưa khỏi. Nhìn quanh không thấy tiếp viên, tôi phải đi xuống tận cuối khoang để hỏi xin một cái chăn. Và một tiếp viên trả lời tôi: “Xin lỗi chị, chúng tôi không còn chăn nữa”. Tôi hỏi: “Tại sao?” Anh ta trả lời: “Chúng tôi chỉ phát chăn cho 20% khách hàng”. Tôi ngạc nhiên: “Tại sao?”. Anh ta thản nhiên trả lời: “Đó là chính sách của Hãng. Chúng tôi phát hết rồi. Sao chị không yêu cầu từ đầu?”. Tôi nói: “Thật là khó hiểu, sao Hãng lại chỉ phục vụ cho 20% khách hàng?” Tôi trở lại chỗ ngồi, một tiếp viên khác đến, và giải thích cho tôi đúng y chang những gì người kia vừa nói.

Khi tôi hỏi: “Thế trẻ em bị lạnh thì sao? người già bị lạnh thì sao? có người đột nhiên nhiễm lạnh mà ốm thì sao? mùa đông thì sao?” thì câu trả lời duy nhất mà tôi nhận được: “Chị thông cảm! Đây là chính sách của Hãng”. Anh ta bình thản nhìn tôi ngồi lạnh cóng co ro tự ủ ấm bằng cách khoanh chặt hai tay. Tôi nói: “Sao Hãng có thể có một chính sách vô nhân đạo như vậy? Chưa kể chúng tôi trả không ít tiền cho mỗi chuyến bay, mà một cái chăn mỏng cũng không có. Sao có thể đối xử với khách hàng như vậy?” Nói đến đó thì tôi chợt hiểu ra rằng, Hãng hàng không Quốc gia chỉ coi chúng tôi là khách hàng, không coi chúng tôi là con người.

…tới một xứ sở nơi con người có nguy cơ bị biến mất

Ở đây không còn là vấn đề phục vụ tốt hay tồi, mà là vấn đề sức khỏe của con người. Nhưng cả tiếp viên lẫn Hãng hàng không chẳng cần quan tâm. Đối với Hãng, khách hàng chỉ là đối tượng kinh doanh, họ không còn được coi là con người nữa, họ lạnh thì họ phải tự chịu lấy, họ ốm vì đi máy bay bị lạnh thì họ phải tự chịu lấy. Khách hàng chỉ là phương tiện giúp Hãng kiếm lợi nhuận mà thôi.

Cái lạnh trên máy bay không bằng cái giá lạnh bên trong khi mà tôi cảm thấy rằng tôi có thể phát bệnh, hay phóng đại lên một chút: tôi có thể chết rét ở đó và những tiếp viên kia vẫn lặp đi lặp lại: “Chị thông cảm, chính sách của Hãng là như vậy”. (Có khác gì một vở kịch phi lý?) Nhưng thực ra tôi chẳng hề phóng đại chút nào, nếu ta nhớ lại rằng bao nhiêu trẻ sơ sinh, bao nhiêu sản phụ đã bị bỏ rơi cho đến chết trong bệnh viện. Chẳng khó tìm thông tin trên báo. Tôi đã tận mắt chứng kiến một bệnh nhân bị bỏ mặc đến chết trong bệnh viện. Anh ta ngã xuống hành lang, người nhà chạy đi tìm bác sĩ và y tá khắp nơi mà không tìm thấy. Lúc đó bạn tôi cũng chạy đi tìm bác sĩ hộ họ, nhưng cũng không có kết quả. Cuối cùng, rất lâu sau, khi y tá khiêng cáng đến thì anh ta chỉ còn những cơn co giật cuối cùng. Từ đó tôi bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ khủng khiếp đó: “bị bỏ rơi đến chết ngay trong chính bệnh viện”. 

Đối chiếu với câu chuyện trên máy bay, ta thấy bản chất sự việc là một: trẻ sơ sinh, sản phụ, hay bệnh nhân nói chung, đối với bác sĩ chỉ là khách hàng mà thôi, họ không còn được coi là con người nữa. Trong trường học cũng không khác gì trong bệnh viện. Bằng giả, chức danh dởm, điểm giả, nhà trường tổ chức ném phao cho học sinh… vì sao? Vì rốt cuộc học sinh cũng chỉ là đối tượng hoặc để phục vụ mục đích lợi nhuận của nhà trường, hoặc để phục vụ cho bảng thành tích của nhà trường, học sinh cũng không còn được coi là con người nữa. Các giá trị mà lẽ ra giáo dục và nhà trường phải hình thành cho học sinh: trung thực, tự trọng, cao thượng, can đảm, trọng chính nghĩa, thượng tôn pháp luật…, các giá trị ấy biến mất cùng với việc đào tạo con người bị thay thế bằng đào tạo khách hàng. Dĩ nhiên trong trường học không diễn ra cái chết vật lý như trong bệnh viện, nhưng đó là cái chết về tinh thần, cái chết của tâm hồn và các giá trị người

Chúng ta có thể có mọi thứ: có máy bay, có tàu hỏa, máy tính, nhà cao ốc, các khu biệt thự…, nhưng cũng rất có thể chúng ta sẽ thiếu vắng chính con người. 

Và ta bay về đâu?

Vietnam Airlines là hãng hàng không của đất nước tôi. Tôi lên tiếng về chính sách của nó không phải vì tôi muốn tẩy chay hay muốn đả phá nó, mà vì muốn rồi đây tôi có thể tự hào về nó. Vì hãng hàng không quốc gia là diện mạo của quốc gia. Như mọi công dân khác, như mọi công dân ở những đất nước khác, tôi muốn có thể tự hào về đất nước tôi, về các dịch vụ, các hoạt động, các thành quả và các sản phẩm của đất nước tôi. Và tất cả những thứ đó đều được tạo ra bởi con người. Nếu con người biến mất, con người biến chất, thì làm sao mong những thứ được nó tạo ra có thể tử tế được?

Tôi có bạn làm việc ở Vietnam Airlines. Bài viết này có thể làm bạn buồn, nhưng bạn là người hiểu biết, bạn cũng hiểu như tôi rằng chất lượng công việc, sự hoàn thiện, chỉ có thể có được khi có sự phân tích, thảo luận, trao đổi, góp ý kiến. 

Bạn cũng hiểu như tôi rằng nếu như chúng ta không đối xử với nhau như những con người, nếu như trong tất cả mọi lĩnh vực con người đều bị bỏ quên dưới những mục đích khác thì đến lượt mình, chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả, dưới hình thức này hay hình thức khác. Bởi lẽ những người làm việc trong lĩnh vực hàng không cũng sẽ có lúc phải vào bệnh viện, cũng có con cái đến trường. Những người làm việc ở lĩnh vực giáo dục cũng có lúc đi máy bay. 

Chúng ta nghĩ rằng mỗi người cố gắng tự bảo vệ mình. Nhưng trong khi tự bảo vệ mình lại hại người khác thì chúng ta có tự bảo vệ mình nổi không? Những người trồng rau rào riêng một khoảnh đất để trồng rau sạch cho nhà mình. Những người trồng lúa cũng trồng riêng một mảnh đất cho nhà mình ăn. Những người chăn nuôi để riêng một khu vực chăn nuôi cho gia đình. NHƯNG kẻ trồng rau thì phải đi mua gạo, người trồng lúa thì phải đi mua rau, mua gà. Người nuôi gà cũng phải ăn gạo và rau…Rút cuộc sự tự bảo vệ thành ra vô nghĩa lý. 

Và tất cả chúng ta rồi sẽ bay về đâu ?





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo