An ninh mời tôi lên đồn: Bày tỏ thái độ trên Facebook về việc xăng tăng giá LÀ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT!
Paulo Thành Nguyễn - Là vi phạm hành chính. Là vi phạm nghị định 38 và 73/ CP. Là lôi kéo người khác. Là làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Là kích động. “Xã hội là một gia đình thu nhỏ, chính quyền cũng giống như cha mẹ. Nếu trong gia đình mà con cái không bằng lòng điều gì là bỏ đi, là xuống đường thì gia đình đó làm sao hạnh phúc, xã hội làm sao ổn định được.” Là... phải gỡ bỏ tất cả các bài viết liên quan và thời gian sắp tới không được tái phạm...
*
Tôi hơi bất ngờ khi nhận “thư mời” làm việc với phía an ninh vào ngày thứ Sáu, nhưng đã từ chối sau đó vì bận tiếp khách hàng. Buổi làm việc đã dời lại vào sáng thứ bảy 08/9 theo yêu cầu của tôi.
Tôi đến trễ 30 phút sau khi nhận điện thoại từ phía công an khu vực là “mấy ổng đang ngồi chờ”. Lúc đến nơi tôi nhận ra 3 người quen mặt trong số 5 anh an ninh đang ngồi cà phê trước cổng. Anh Trung, người từng làm việc với tôi về lời kêu gọi “biểu tình chống Trung Quốc” ngày 01/7, giới thiệu là đại diện cho chính quyền để làm việc với tôi về nội dung liên quan đến bài viết “Khi giá xăng tăng liên tục” và những bình luận xung quanh sự việc này.
Anh Trung cho rằng việc viết bài và nhận định của tôi làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Theo như anh Trung cho biết là có một số người đã đi xe đạp, mang theo biểu ngữ trước trụ sở Petrolimex để phản đối tăng giá xăng và cơ quan an ninh đã kịp thời can thiệp giải tán sau đó.
“Xã hội là một gia đình thu nhỏ, chính quyền cũng giống như cha mẹ. Nếu trong gia đình mà con cái không bằng lòng điều gì là bỏ đi, là xuống đường thì gia đình đó làm sao hạnh phúc, xã hội làm sao ổn định được.” - Anh Trung giải thích.
Tôi trả lời rằng: “Thứ nhất, bài viết và những bình luận của tôi chỉ bày tỏ thái độ của tôi trước việc tăng giá tùy tiện và thiếu minh bạch của các doanh nghiệp xăng dầu. Đó là quyền tự do bày tỏ thái độ của tôi. Còn việc có những người bày tỏ theo tinh thần bài viết thì có thể nó cùng tâm tư với họ, tôi không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm hành động của người khác. Nhưng theo quan điểm của tôi thì cách bày tỏ ôn hòa như vậy phù hợp với xã hội tự nhiên và quyền công dân mà Hiến pháp quy định.
Thứ hai, chính quyền là đầy tớ của nhân dân, không phải là cha là mẹ của dân. Ngay cả theo cái khái niệm so sánh bất xứng đó của anh, dù anh ví chính quyền cũng như cha mẹ thì cho tôi hỏi nếu con anh nó la, nó khóc nó bỏ ăn khi không đồng ý với anh việc gì đó thì anh có bóp cổ cho nó im hoặc bắt nhốt nó không? Đó là thái độ tự nhiên của con người, anh ah!”
Anh Trung ngưng một lúc rồi nói tiếp: “Nhưng hành vi này vi phạm hành chính, cụ thể là vi phạm nghị định 38 và 73/ CP". Rồi anh lấy nghị định được in sẵn trích dẫn cho tôi nghe chương II điều 7, mục 2đ "Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự" và 3d "Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".
Tôi không đồng ý gọi việc này là hành vi vì hành vi là hành động vi phạm pháp luật, còn việc viết bài và bình luận nó chỉ thể hiện suy nghĩ của tôi, anh không thể cấm mọi công dân Việt Nam suy nghĩ và bày tỏ suy nghĩ được.
Anh giải thích là không phải cấm suy nghĩ nhưng viết như vậy là kích động, là lôi kéo người khác. Sau đó anh trích dẫn nghị định 73 và giải thích xoay vòng chủ yếu là khẳng định việc viết bài của tôi là vi phạm pháp luật.
Sau một hồi giải thích, phân tích, viện dẫn nghị định 73, anh ghi vào biên bản làm việc và hỏi tôi là “Sau khi nghe giải thích như vậy Thành có cảm thấy hành vi của mình là sai và không tái phạm nữa không? ”
Tôi nói là tôi không thấy gì sai và không đồng ý cách hỏi mớm ý như vậy.
- Sao lại không sai, để anh giải thích thêm một lần nữa cho Thành hiểu…
Tôi cắt ngang “Anh không cần giải thích thêm nữa, tôi hiểu luật và hoàn toàn không đồng ý với cách giải thích của anh, và anh cũng không nên cố áp đặt người khác phải hiểu luật theo quan điểm của mình!”
Và tôi cũng nói thêm là “Tôi sẽ không ký biên bản làm việc này vì tôi cảm thấy không có nghĩa vụ phải ký những điều tôi không đồng ý”.
- Đây là buổi làm việc, phải có biên bản, nếu Thành không đồng ý thì có thể ghi vào đó “không đồng ý” rồi ký tên.
- Tôi không đồng ý là tôi không ký chứ không cần ý kiến làm gì, theo tôi đây là buổi trao đổi quan điểm vì tôi không có tội gì để làm việc với các anh”
- Được rồi, nếu Thành không ký anh sẽ kêu người làm chứng.
Sau đó anh Trung đi ra ngoài nghe điện thoại. Khoảng 15 phút sau anh quay lại với vẻ mặt rất “an ninh” và tuyên bố:
“Anh đã giải thích cho Thành hiểu hành vi của mình, bây giờ anh thay mặt cho chính quyền thông báo cho em biết là hành vi của Thành đã vi phạm pháp luật, cụ thể là NĐ 38 và 73/CP. Cơ quan đề nghị Thành gỡ bỏ tất cả các bài viết liên quan và thời gian sắp tới không được tái phạm.
Thành có quyền không đồng ý và không ký tên nhưng nếu Thành tiếp tục vi phạm, cơ quan sẽ tổng hợp tất cả sai phạm của Thành từ năm 2011(biểu tình chống Trung Quốc) đến nay để xử lý.”
- Anh không cần phải cảnh cáo hay hăm dọa, tôi đủ lớn và đủ nhận thức để chịu trách nhiệm tất cả việc mình làm. Nếu các anh thấy tôi sai thì cứ truy cứu, bắt giam. Còn những gì tôi viết tôi sẽ không gỡ bỏ và sắp tới nếu có điều gì tôi thấy bức xúc tôi cũng sẽ tiếp tục viết và bày tỏ thái độ của mình.
- Được rồi, Thành không ký biên bản làm việc phải không?
- Tôi-không-ký.
Anh nhờ công an khu vực đi mời tổ trưởng dân phố đến làm chứng nhưng hình như không đồng ý nên mời anh Đạt, hàng xóm tôi đến. Gặp mặt tôi, anh Đạt tỏ vẻ hơi ngại nên nhiều lần ra ngoài to nhỏ với anh khu vực. Sau đó anh Trung giải thích, đọc nội dung biên bản và đưa cho anh Khoa khu vực cùng anh Đạt ra ngoài ký làm chứng.
Đến đây thì anh Trung dịu giọng “Coi như công việc đến đây là xong, giờ anh em mình nói chuyện tình cảm trên tinh thần người anh khuyên người em. Dù sao thì anh cũng nhỏ hơn ba em 10 tuổi thôi, anh công tác trong ngành cũng hai mươi mấy năm rồi nên anh chỉ muốn khuyên cho em tốt hơn thôi. Có thể nói em là người đàn ông may mắn, có địa vị xã hội, là giám đốc một công ty, lại mới cưới vợ đẹp. Thôi bây giờ lo làm ăn, mua nhà rồi sau này còn sinh con cái, đừng quan tâm mấy chuyện đó nữa. Dành đầu óc vừa lo xây dựng gia đình còn quan tâm mấy chuyện kia nữa dễ căng thẳng, dễ mất hạnh phúc gia đình. Còn có gì khó khăn hay bức xúc thì cứ nói anh, trong khả năng có thể thì anh sẽ giúp em. Anh sẽ cầu nguyện thêm cho em và Kim Tiến.”
Tôi cũng nhẹ nhàng trả lời rằng: “Em cám ơn anh, em chỉ mâu thuẫn với anh trên quan điểm còn về phần con người giữa anh em mình thì em bình thường. Mỗi người mỗi cuộc sống, mỗi công việc. Không ai muốn rước rắc rối vào mình đâu anh nhưng cuộc sống là sự tương quan lẫn nhau mà. Tính của em thích thẳng thắng và quan điểm của em rất rõ ràng, việc gì bức xúc em sẽ bày tỏ và điều gì em cảm thấy sai trái em sẽ phải lên tiếng.”
Giờ đây, khi ngồi viết những dòng chữ này tôi cũng vẫn tin tưởng rằng mỗi công dân đều không những có quyền mà còn có nghĩa vụ nói lên những quan điểm của mình về mọi vấn đề trong xã hội. Từ giá xăng dầu ảnh hưởng đến đời sống của dân mình cho đến việc đất đai, đảo biển bị xâm lấn.
Tôi nhớ đến lời anh công an tên Trung nói về hoàn cảnh của tôi... "lo làm ăn, mua nhà, xây dựng gia đình..." và nghĩ rằng: đúng, như mọi người, tôi lúc nào cũng lo làm ăn, mua nhà, xây dựng hạnh phúc gia đình... nhưng tôi muốn lo làm ăn trong một xã hội làm ăn minh bạch, phát triển đồng đều cho mọi người dân và không phục vụ cho một thiểu số nào. Tôi muốn mua nhà, có một căn nhà nhỏ, đầm ấm trong một ngôi nhà Việt Nam toàn vẹn, độc lập và tự chủ mà bao nhiêu thế hệ trước đã hy sinh xương máu để lại cho thế hệ chúng tôi. Tôi muốn xây dựng hạnh phúc gia đình trong hạnh phúc chung của dân tộc, người sống với người trong tình thương yêu, bình đẳng và tôn trọng nhau. Trong hạnh phúc đó, những đứa con của vợ chồng tôi, sau này khi khôn lớn sẽ tìm thấy được hạnh phúc đích thực khi chúng có được niềm hãnh diện và hạnh phúc để nói với bất kỳ ai trên thế giới này: tôi hãnh diện được làm người Việt Nam.
Niềm hãnh diện đó chỉ có thể bắt đầu bằng tự do được nói, được nghe mọi điều mình suy nghĩ về cuộc sống mà không bị "mời", không bị gán ghép là vi phạm luật, không bị ép buộc phải ký vào biên bản.
Niềm hạnh phúc đó chỉ có thể có được khi mà những người phục vụ trong guồng máy chính phủ, những người được dân bầu, được lãnh lương từ tiền thuế của dân không tự cho mình là bậc cha mẹ của dân.
Nguồn: Facebook Paulo Thành Nguyễn