Âu Vượng (Diễn Đàn Công Nhân) - "Trong chiến tranh CS luôn tuyên truyền công nhân , nông dân là giai cấp lãnh đạo để kêu gọi hy sinh xương máu nhiều nhất. Còn trong hòa bình thì chúng cướp đất ruộng, đẩy nông dân trôi vạt đến những thành phố lớn bán sức lao động rẻ mạt để kiếm cái ăn.
Ngày nào cộng sản còn cầm quyền, thì ngày đó quyền lợi của người lao động còn bị bóc lột, nông dân còn bị mất đất, và người dân sẽ không có tự do" (THÀNH ĐÔ).
Người dân các xóm: Nà Đoỏng, Nà Lũng của xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng (Cao Bằng) đang oằn mình chống chọi với chuyện thiếu lương thực, khói bụi, ô nhiễm... Nguyên nhân người dân đưa ra là do mỏ sắt, mỏ đá nơi đây "hành" họ hàng chục năm qua.
Ruộng mất, dân đói
Chúng tôi tìm đến xóm Nà Lũng, xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng, nơi được coi là trung tâm của mỏ sắt Nà Lũng thuộc Cty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng. Từ khi mỏ này đi vào khai thác rầm rộ từ những năm 1993 của thế kỷ trước, đã góp phần xô đẩy cuộc sống sung túc, yên bình của người dân xưa kia, khiến họ đi dần vào đường cùng, ngõ cụt của sự tăm tối và thiếu thốn.
Trên đường vào xóm Nà Lũng chỉ thấy công trường khai thác quặng sắt tan hoang, với những trạm gác kiên cố. Bốt bảo vệ có người ngồi trực 24/24 giờ để kiểm soát sự xuất hiện của người lạ. Ai muốn đi vào xóm Nà Lũng phải có giấy giới thiệu của Cty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng, hoặc chí ít cũng phải có cái “gật đầu” của bảo vệ thì mới qua nổi trạm kiểm soát ngặt nghèo này.
Sau khi khai thác hết quặng sắt, moong bỏ hoang hóa nhiều năm nay
Nói là thôn có dân cư sinh sống nhưng toàn cảnh thì tan hoang, đìu hiu đến lạnh người. Trên đường vào Nà Lũng, phải gắng mắt nhìn vút lên phía trên sườn núi cao mới thấy những nhà dân cheo leo; phía bên trái vốn là đồng lúa tươi tốt của dân Nà Lũng ngày xưa, nay biến thành thung lũng toàn những hang hố sâu hoắm, nước xanh lè...
Chúng tôi phải nói là vào nhà bà Hoàng Thị Hiên, một hộ nghèo khó, để thăm đứa con của bà Hiên bị liệt bẩm sinh từ nhỏ, thì bảo vệ mỏ mới chịu gật đầu.
Bà Hiên vẫn phải nuôi người con tật nguyền trong gian khó
Biết chúng tôi là nhà báo đến nắm tình hình đời sống người dân gần mỏ sắt Nà Lũng, người dân trong xóm đến "vây" để tố lãnh đạo mỏ sắt Nà Lũng không quan tâm đến đời sống người dân. Nào là bị mất đất sản xuất, không có nước để trồng cấy lúa, ô nhiễm môi trường, đường đi lầy thụt, trẻ em trong xóm đi học thì cực nhọc như bị trời hành… Tất cả nỗi khổ, cái khó ấy được người dân khẳng định do mỏ sắt gây nên.
Ông Hoàng Văn Thắng, sinh năm 1958, gầy còm, mái tóc đã rụng thưa, răng rụng, móm mém như ông cụ ngoài 80 tuổi, bộc bạch: Nà Lũng ngày trước có khu ruộng dưới thung lũng, nơi mỏ sắt đã khai thác quặng, đất đai màu mỡ lắm, dân làm một vụ ăn cả năm chẳng hết thóc. Dân Nà Lũng trước đây không giàu nhưng chẳng ai lo thiếu gạo ăn.
Không còn đất trồng lúa, gia đình ông Thắng dựa vào ít ngô để sinh sống
Năm 1993, Cty đến khoanh vùng khai thác quặng, ông Thắng cũng như những hộ gia đình khác nhanh chóng giao đất cho mỏ sắt. Nhà ông có 3.500 m2 đất ruộng lúa và 3,5 ha đất vườn rừng giao cho mỏ khai thác quặng sắt, và được hứa khi nào đào xong quặng, Cty sẽ hoàn thổ để trả lại gia đình trồng lúa. Ông vội vã nhận ít tiền đền bù, cũng chỉ đủ dựng được mỗi cái nhà ở trên sườn núi là hết sạch.
Hết ruộng trồng lúa nên thiếu gạo ăn quanh năm, ông Thắng cũng như bao người dân Nà Lũng bắt đầu dạt đi lên núi khai phá đất rừng, mở rẫy trồng ngô, năm nào được mùa ngô thì bán bớt ít ngô để mua gạo về nấu bữa cơm trắng ăn cho đỡ thèm. Cuộc sống cực nhọc và khốn khó ấy làm cho người ông lão hóa nhanh như thân ngô trên nương khô khát.
Mơ lời hứa của cán bộ thành hiện thực
Nhớ lại ngày xưa, ông Thắng chỉ mơ ước đến một ngày nào đó, lời hứa của mấy vị cán bộ đến thống kê đền bù đất ruộng nhà ông sớm trở thành hiện thực. Đó là hoàn thổ từng đám ruộng như ban đầu, trả lại cho dân để cho con cháu có ruộng cày cấy, thóc lúa đầy bồ như thời ông còn nhỏ.
Trong xóm Nà Lũng có 7 trai tráng được mỏ sắt tuyển dụng vào lao động bán thời vụ, khi nào có việc thì họ gọi đến làm, lúc ít việc cho nghỉ ở nhà. So với những người dân khác trong thôn thì 7 người này xếp vào diện may mắn là có cơm ăn việc làm.
Bảo vệ (xem ra hơi bị giống tàu) mỏ cấm phóng viên chụp ảnh
Ở Nà Lũng, gia cảnh bà Hoàng Thị Hiên, 55 tuổi, cơ cực hơn cả. Chồng bà Hiên mất từ năm 1987. Một mình bà chèo chống nuôi hai người con. Trong đó, cô con gái của bà nằm liệt gường từ nhỏ. Năm nay cô đã ngoài 20 tuổi nhưng bà Hiên vẫn phải bón từng miếng cơm, thay đồ cho cô như con nít. Năm 2008, moong quặng sắt Nà Lũng đào sâu, đám ruộng lúa duy nhất của gia đình bà Hiên còn sót lại sau những đợt thống kê đền bù cũng đã bị cạn nước, đất cứ nứt nẻ toang hoác nên không thể trồng lúa, gia đình bà chuyển sang trồng ngô.
Cũng hơn chục năm qua, nhà bà Hiên luôn bị thiếu đói lương thực tới mấy tháng trong năm. Người con trai và cô con dâu của bà Hiên phải đi làm thuê mướn khắp nơi cũng chỉ kiếm được tiền mua gạo ăn bữa no, bữa đói. Bà Hiên chia sẻ với giọng buồn bã: Chẳng biết mỏ lấy người làm công nhân thế nào. Đứa con dâu của tôi khỏe mạnh lắm, nó cũng học Trường Cao đẳng Luyện kim tại Thái Nguyên hẳn hoi, nhưng xin vào mỏ, họ cũng chẳng nhận, ruộng thì họ thu hết rồi. Khổ thật!
Chính vì thuộc diện cực kỳ khó khăn nên gia đình bà Hiên mới được Hội Chữ thập đỏ giúp xây dựng một ngôi nhà để sinh sống. Về gia cảnh bà Hiên, những người dân xóm Nà Lũng chỉ biết nói những câu thương hại, chua xót. Thấy nhà có khách lạ, chị Đoàn Thị Đào, con dâu bà Hiên, đang ở bên nhà hàng xóm cũng chạy về pha trà mời khách.
Trong câu chuyện sâu thẳm của mình, Đào buồn bã cho biết: "Mấy lần xã với mỏ mời gia đình em đi họp thống kê đền bù đất lúa, để mỏ mở rộng diện tích khai thác, em đều thay mặt gia đình đi dự họp. Họ nói là cứ ký để mỏ sắt lấy hết đất ruộng, họ sẽ bố trí cho mỗi nhà mất ruộng trồng lúa được một suất công nhân. Em cứ tưởng sau đền bù đất là được vào làm công nhân, vì em có bằng cao đẳng, hệ chính quy về nghề luyện kim hẳn hoi. Thế nhưng, mọi thứ chỉ là lừa dối. Em đã 2 lần đến Văn phòng mỏ nộp hồ sơ xin việc. Trong đơn xin việc cũng nói rõ là gia đình đã bị mỏ thu hồi hết ruộng, nên nguyên vọng chính muốn được vào làm công nhân. Đã mấy năm rồi vẫn chẳng thấy ai gọi đến em".