Sau hơn 9 giờ quan sát công an ở Bạc Liêu - Dân Làm Báo

Sau hơn 9 giờ quan sát công an ở Bạc Liêu

An Thanh - VRNs (19.09.2012) – Sài Gòn – Hai ngày qua, chúng tôi thật sự mệt, nên chưa thể viết gì để thông tin trực tiếp cho quý vị thân hữu gần xa quan tâm đến sự kiện chúng tôi đi Bạc Liêu cầu siêu cho bà Đặng Thị Kim Liêng nhân 49 ngày bà chết, một cái chết oan khuất, và nhất là sau đó, cả năm người chúng tôi và cô Tạ Khởi Phụng, em út chị Tạ Phong Tần, đều bị bắt vào đồn công an làm việc hơn 3 tiếng đồng hồ.

Chúng tôi đối diện với công an tỉnh Bạc Liêu từ lúc xuống khỏi xe taxi để vào nhà bà Liêng, lúc 9 giờ sáng, đến lúc rời đồn công an phường 1, thành phố Bạc Liêu lúc 18 giờ 30 là hơn chín tiếng đồng hồ được quan sát cách làm việc của công an. Ở Việt Nam nói đến công an là nói chung của cả hai ngành: cảnh sát và an ninh. Chúng tôi muốn nói chữ “công an” với cả hai ngành đó tại Bạc Liêu là công an vừa hèn, vừa tàn bạo vừa phí pháp vừa vô trách nhiệm.


Công an hèn


Theo tự điển Tiếng Việt, do Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia biên soạn, Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn phát hành năm 2006, thì “Hèn” có nghĩa là “kém bản lĩnh, thường do nhát sợ đến mức đáng khinh”.

Điều này hoàn toàn chính xác với công an Bạc Liêu trong hơn 9 tiếng đồng hồ của ngày 16.09.2012, chúng tôi quan sát được.

Ngay từ đầu hẻm dẫn vào nhà bà Đặng Thị Kim Liêng, tại quán cà phế cóc của bà Tửng, an ninh mật vụ, năm sáu anh, cầm máy quay phim, điện thoại di động hướng về chúng tôi chụp hình quay phim cách len lút, từ trong quán, khi chúng tôi vừa bước xuống taxi để vào nhà bà Liêng.

Tại nhà, sau khi các nghi lễ cầu siêu và xả tang cho những người con ở xa, không thể hàng ngày cúng mẹ được, chúng tôi đưa cho hai anh Phú và Tuấn, mỗi người một bao thư, mỗi bao thư có hai triệu của những người quen của chúng tôi không nhờ chuyển tận tay cho các con bà Liêng, vì họ bận không thể trực tiếp xuống cúng viếng bà được. Khi mọi việc cầu siêu và dùng cơm trưa với gia đình xong, chúng tôi đi với anh Phú, và cô Phụng, hai người em của chị Tạ Phong Tần đi bộ ra phố theo hướng khu vực hành chánh của tỉnh. Ngang qua trụ sở Đảng cộng sản Việt Nam tại Bạc Liêu, tại trụ đèn bên phải, trước vọng gác của công an trong cổng Tỉnh ủy, nơi được công an nói với dân rằng bà Liêng tự thiêu, nhưng không một người dân nào ở vùng đó làm chứng chuyện này.

Vừa thấy chúng tôi đi, những nhân viên mật vụ chạy toán loạn theo, cứ hai người trên một xe gắn máy. Chúng tôi thấy một số xe tháo bản số ra, một số xe gọi điện thoại í ới. Chúng tôi dừng chân vừa để nói chuyện, vừa để đợi nhau, thì họ vội dừng lại giả lơ, đợi chờ. Khi chúng tôi vừa đi thì họ lại tiếp tục chạy theo.

Gần đầu đường Lê Duẫn, chúng tôi thấy có quán nước bình dân, nên ghé vào ngồi uống đợi đến giờ ra bến xe. Vừa ngồi xuống, tức khắc hai người, rồi hai người nữa, hai người nữa cũng vào quán và ngồi xa xa chúng tôi. Khi chúng tôi giả bộ đưa điện thoại di động về phía đó, họ vội vã kéo ghế quay mặt đi phía khác để tránh. Cô an ninh áo khoát hồng đến sau, cũng ngồi với họ. Anh an ninh mặc quần sọt màu ca ki, áo thun xanh lơ, và anh mặc áo trắng chạy vội qua cửa hàng thời trang đứng canh từ xa. Đối diện là quán cà phê, nhiều xe gắn máy cũng vội vã tấp vô.
Hai viên an ninh đang che mặt

Nhóm an ninh ngồi ở quán đối diện



Sợ, kéo ghế quay mặt ra chỗ khác

Ngồi ở quán gần hai tiếng, mà vẫn chưa đến giờ ra xe, nên cô Phụng dẫn chúng tôi đi siêu thị cho biết. Trước đó, anh Phú có bạn cần gặp ở nhà nên xin phép về nhà trước. Trước đó nữa, vợ chồng anh Tạ Minh Tuấn, từ Sài Gòn đi xe gắn máy về Bạc Liêu cúng thất tuần cho mẹ, giờ xong lại về bằng xe máy.

Đang đi đường, anh Tuấn và vợ bị an ninh Bạc Liêu chặn ở cầu Nàng Ghềnh, cách TP. Bạc Liêu khoảng 20 km và đưa ngược về trụ sở công an TP. Bạc Liêu. Tại đây an ninh đã lục soát người ông Tuấn và yêu cầu cho biết từng khoản tiền trong người anh do ai đưa cho và thu hết. Sau đó họ ép anh ký vào một tờ giấy mà anh không rõ nội dung, chỉ nhớ an ninh dọa rằng sẽ truy tố anh về tội đánh người cách đây 5 năm, nếu anh không chịu ký. Anh Tuấn đã ký vào giấy đó mà không biết trong đó viết cái gì. Nhưng công an vẫn không cho về, lúc 8 giờ tối, anh đe dọa lao đầu vào tường để tự tử ngay tại trụ sở công an thì họ mới cho vợ chồng anh đi. Sau đó anh gọi cho cô em út là Tạ Khởi Phụng vừa kể vừa khóc trong điện thoại.

Công an là một lực lượng chính quy, hưởng lương từ tiền thuế của những phu thợ hồ như anh Phú và anh Tuấn, của các cô gái làm thợ móng tay, uốn tóc như cô Phụng và cô Tú, của những cái kẹo cái bánh mà các cháu nội ngoại bà Liêng ăn hàng ngày. Đời sống của những người đã nghèo đó phải nghèo hơn đi để nuôi công an, với hy vọng công an sẽ là những người bảo vệ dân, nhưng với những gì đã mô tả cách vắn gọn thì công an thi hành sứ mạng của mình cách lén lút, dùng những thủ đoạn đe dọa và cướp đoạt chữ ký của công dân, trấn lột tiền phúng điếu của người chết.

Công an tàn bạo

Khi vừa vào siêu thị, các cổng vào của siêu thị Vinatexmark tức khắc nhan nhản an ninh mật vụ xuất hiện. Nhiều người theo chúng tôi vào hẳn bên trong. Lúc đầu chúng tôi định gởi đồ để vào các gian hàng mua sắm, nhưng có người lưu ý, có thể bị công an kiểm túi cách bất hợp pháp và lấy cắp đồ tại siêu thị, nên chúng tôi chỉ ngồi xem khách mua hàng. Bên ngoài, cảnh sát 113 đã đậu sẵn xe ở bên đường, khá nhiều xe gắn máy đóng vai xe thồ, nhưng khách yêu cầu chở lại từ chối.

Lúc 3 giờ kém, chúng tôi quyết định gọi taxi để họ đưa chúng tôi ra bến xe cho yên, thì công an và an ninh bắt đầu bầy trò tàn bạo.

Chúng tôi xin trích lời tường thuật của cô Phụng với website BBC: “Nó giả bộ nó đụng xe, xong nó nhào lại nó túm ông cha, rồi nó bắt mấy người đi chung. Tôi mới la lên là tại sao bắt người ta vậy, mấy người này đi xuống cúng, mẹ tôi thiêu chết người ta xuống cúng, làm sao mà bắt người ta. Hai đứa nó mặc đồ sơ-vin nó nhào vô nó táng Phụng hai cái. Xong nó xô vô xe, nó bắt như bắt tù vậy đó. Cha Thanh cũng bị [đánh] nữa, nó quăng cha Thanh đánh bật một cái vào taxi vì cha Thanh cũng nhỏ xíu à”.

Chị Dương Thị Tân và Lư Thị Thu Trang cũng bị bẻ tay và bị đánh.

Trên xe, cô Phụng gọi điện thoại báo cho gia đình biết đang bị công an bắt, thì những nhân viên an ninh thò tay qua cửa xe giật điện thoại, anh công an 113 mang bảng tên Nguyễn Ngọc Anh, ngồi ghế ngang với tài xế taxi quay xuống ra lệnh “giật điện thoại của nó”, và đưa tay phụ cho bên ngoài làm được việc đó.

Xe bắt đầu chạy, chị Trang nói chuyện điện thoại, tường trình sự việc cho anh Phạm Bá Hải thì công an 113 tên Anh lại quay xuống ra lệnh và trách mắng anh công an 113 trẻ hơn tên Trần Chí Dũng, ngồi cùng hàng ghế với chị Trang: “Sao không giật điện thoại của nó, mà ngồi yên vậy. Giật đi”.

Với việc làm của công an 113 tên Anh cho thấy, những người theo dõi, vây đánh và cướp giật điện thoại của chúng tôi không phải là côn đồ hay quần chúng tự phát nào cả, mà chính là an ninh mật vụ.

Hành vị tàn bạo đó là hành vi của côn đồ lại được công an thực hiện thì ở Bạc Liêu công an và côn đồ là một ! tàn bạo như nhau.

Công an phi pháp

Vào đồn công an phường 1, Tp. Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Nhuận bảo chúng tôi chờ để bắt bọn côn đồ về rồi giải quyết, nhưng nhìn ra sân thì họ đứng đầy sân đó, và số khác thì đang chạy quay chạy lại trên xe trước đồn, mà công an phường có bắt ai đâu?

Cuối cùng thì họ cũng tách chúng tôi ra từng người để tra hỏi. Họ làm mất nhiều giờ để yêu cầu chúng tôi tường trình lại việc họ dàn dựng để bắt chúng tôi, như thể chờ lãnh đạo công an tỉnh xuống giải quyết vậy. Trong phần trình bày, chúng tôi nói rõ hành vi côn đồ của công an mặc sắc phục và thường phục đối với chúng tôi với danh tánh cụ thể.

Anh Đinh Chí Thiện, người cùng đi với chúng tôi cho biết khi công an yêu cầu kiểm tra máy chụp hình, anh không cho thì họ đã đọc lệnh khám xét, những không cho anh Thiện xem lệnh đó, nên anh Thiện nói thẳng với họ: “Các anh đọc lệnh xạo !” Họ cũng đọc lệnh khám xét với chị Tân, những cũng không cho chị Tân đọc lệnh này. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu quả thật đó là lệnh thật thì không cho người bị khám xét xem trực tiếp là vi phạm về tố tụng hình sự, còn nếu đó là “lệnh xạo” thì công an vi phạm hình sự. Người thực hiện hành vi phi pháp này là thiếu tá Nguyễn Minh Đức, số hiệu 460-455.

Một nhân viên an ninh bảo với tôi: “Xin anh ra nói với bà kia để bả hợp tác”. Tôi trả lời: “Chính các anh phải ở đây để trả lời rõ ràng cho tôi câu hỏi tại sao bắt chúng tôi vào đây, chứ không phải giải quyết ai khác !” Anh ta bỏ chạy.

Một viên mật vụ, có thể là lãnh đạo, ít là lãnh đạo an ninh cấp thành phố không mặc quân phục đến hỏi tên tôi. Tôi hỏi lại: “Anh là ai, tên gì, chức vụ gì mà hỏi tôi?” Những viên an ninh và công an mặc sắc phục đứng trong phòng, khoảng 8, 9 tên, người thì tỏ ra hung hăng, người thì tỏ ra sợ. Còn viên an ninh này nói: “Tôi tên Thật, công an viên phường 1”. Đây là một điều dối trá, nhưng không để mất giờ mình, tôi hỏi: “Các anh thật sự bắt tôi vào đây vì lý do gì?”

Anh này trả lời, vì tôi chụp hình ở khu vực cấm chụp hình. Tôi nói: “Ở đâu, tỉnh ủy hả? Nơi đó xấu chứ có phải phong cảnh đẹp đâu mà chụp hình?” Anh ta im lặng rồi đề nghị cho xem máy chụp hình để chứng minh điều tôi nói. Tôi không có máy chụp hình, mà chỉ có điện thoại di động, nên đưa cho họ xem, với cam kết của họ là không đọc tin nhắn, không kiểm tra các cuộc gọi và phải kiểm tra tại chỗ.

Họ đồng ý và điệu một nhân viên IT đến với chiếc laptop để làm việc. Sau khi kiểm tra tất cả các dữ liệu của tôi, không hề có hình nào trong khu vực hành chánh đó thì anh “Thật” đó bắt đầu tìm cách chuồn, hối thúc nhân viên kỹ thuật nhanh nhanh cho qua. Nhân viên IT đã cố tình xóa trong dữ liệu của tôi 6 files hình không liên quan đến điều họ nói, mà là những tấm hình an ninh mật vụ, tôi đã chụp được. Nhưng thực ra, họ đã không làm được điều họ muốn, vì chuyện phục hồi lại dữ liệu không phải là chuyện khó. Nhưng quan trọng, đó là hành vi phi pháp của công an.

Công an vô trách nhiệm

Khi không tìm được điều họ cần tìm, họ tỏ ra ban ân huệ cho chúng tôi: “Các anh chị về đi!” Chúng tôi bảo về là làm sao? Thì họ bỏ chạy, người cửa trước, kẻ cửa sau, để lại ông Nhuận phó công an phường chịu trận.

Chúng tôi yêu cầu:

- Bồi thường danh dự cho chúng tôi, vì tự nhiên dùng bạo lực bắt chúng tôi ngay giữa đường, đông người qua lại.

- Bồi thường cho chúng tôi tiền xe, vì vé xe đã mua, và xe đã chạy, mà các anh cố tình câu lưu chúng tôi cách phi pháp.

- Phải lo xe đưa chúng tôi về Sài Gòn ngay trong đêm nay.

Ông Nhuận nói: “Các anh chị thông cảm, chúng tôi chỉ là cho mượn chỗ, còn họ là xếp của tôi ! Xin các anh chị ra về”.

Một người hỏi, không còn xe thì chúng tôi đi đâu bây giờ? Ông Nhuận nói: “Ở đây có khách sạn, các anh chị ra đó ngủ”. Người ấy hỏi tiếp: “Ai sẽ thanh toán tiền đó?” Ông Nhuận im lặng như thể không nghe.

Nhiều người trong chúng tôi còn nói nhiều với ông Nhuận về nhận xét của họ với công an Bạc Liêu. Nói chung là rất tệ.

Công an từ tỉnh xuống thành phố rồi phường ở Bạc Liêu đều không có trách nhiệm gì với hành vi quấy nhiễu dân chúng. Khi bắt người thì dùng bạo lực và chửi bới như côn đồ, khi làm sai thì bỏ chạy như tội phạm.

Sự hèn nhát, bạo tàn, phi pháp và vô trách nhiệm của công an Bạc Liêu hành xử với chúng tôi hôm nay cũng giống những gì họ đã đối xử với anh Chí Đức và chị Bùi Hằng trong các đợt biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược ở Hà Nội năm 2011, cũng như sự hành hung và bắt cóc của họ đối với Hùnh Thục Vy, tháng 7.2012 vừa qua.

Nói chung công an là như thế, họ không còn là lực lượng bảo vệ dân !

An Thanh, CSsR


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo