Hồng Chính Quang (GDVN) - “Một con người như Dương Chí Dũng mà được đưa vào vị trí lãnh đạo cao thì hoàn toàn không đúng quy trình về công tác cán bộ”, tướng Thước nói.
Sau hơn 90 ngày bỏ trốn, cuối cùng Dương Chí Dũng đã bị bắt. Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa 8, 9, 10 xung quanh vụ việc này.
Bắt được Dương Chí Dũng là một thuận lợi lớn
PV: Theo ông, việc cơ quan điều tra bắt được Dương Chí Dũng có ý nghĩa như thế nào đối với công tác điều tra các sai phạm tại Vinalines?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Việc bắt được Dương Chí Dũng là một thuận lợi để sau này kết luận về những sai phạm ở Vianlines dưới thời ông này còn làm Chủ tịch HĐTV. Điều đó thể hiện được sự quyết tâm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 mà cụ thể là xử lý những sai phạm liên quan đến quy định nhà nước về quản lý kinh tế như Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói. Rõ ràng việc bắt được Dương Chí Dũng là điều kiện tốt để làm rõ những vấn đề còn tồn tại tại Vinalines cũng như Vinashin – những vấn đề mà Bộ Chính trị cho rằng cần phải tiếp tục điều tra.
Không chỉ vậy, việc bắt được Dương Chí Dũng còn góp phần lớn vào công tác điều tra làm rõ những sai phạm tại Vinalines như lâu nay người ta vẫn thắc mắc về công tác bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng vào vị trí Cục trưởng Cục Hàng hải. Việc bắt được Dương Chí Dũng sẽ có điều kiện để làm rõ hơn trách nhiệm của những người ở chức vụ cao hơn có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp trong vụ việc này. Cho nên đối tượng Dương Chí Dũng bị bắt thực sự là một thuận lợi rất lớn.
Dương Chí Dũng bỏ trốn là có vấn đề ở “mắt xích” nào đó
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
PV: Trước khi bắt được Dương Chí Dũng có nhiều thông tin cho rằng ông Dương Chí Dũng đã bị sát hại. Theo ông, tại sao lại xuất hiện những thông tin kiểu như thế này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đối với những tin “hỏa mù” kiểu như vậy thì mình phải theo dõi xem đối tượng tung tin đó nhằm mục đích gì. Tôi không muốn nói về vấn đề này và cũng không dự đoán một khía cạnh nào cả vì chưa có cơ sở mà phải căn cứ vào thực tế: Tại sao Dương Chí Dũng lại trốn được? Quan trọng nhất là phải làm rõ vấn đề này.
Lâu nay, dư luận đặt câu hỏi làm cách gì mà Dương Chí Dũng trốn được ngay trước khi cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt. Có lẽ vấn đề đó để sau này khi sự việc được làm sáng tỏ thì các nhà chức trách liên quan sẽ trả lời thỏa đáng với dư luận. Tôi nghĩ rằng có vấn đề ở mắt xích nào đấy cần phải được làm rõ. Áp lực bây giờ là buộc các nhà chức trách phải tìm cho được mắt xích ấy như thế nào.
Bắt được Dương Chí Dũng thì vấn đề ông này bỏ trốn như thế nào cũng sẽ được làm rõ
Nếu làm rõ được vấn đề này thì sẽ đi vào được vấn đề các sai phạm của Dương Chí Dũng. Tất nhiên anh ta phải chịu trách nhiệm rồi nhưng cơ quan cấp trên, những bộ phận phía trên anh ta phải chịu trách nhiệm đến đâu cũng phải được làm rõ.
Nghị quyết của Bộ Chính trị nói rõ rằng, trong vụ Vinalines và Vinashin còn có những vấn đề còn cần phải được điều tra. Như vậy bây giờ bắt được Dương Chí Dũng sẽ là yếu tố quan trọng để Bộ Chính trị kết luận được các vấn đề sai phạm tại Vinalines và Vinashin.
Trong Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu tới việc giao cho các cơ quan chức năng điều tra làm rõ để có thể đưa ra kết luận cuối cùng một cách nghiêm túc theo đúng tinh thần Nghị quyết TƯ 4: làm rõ trách nhiệm thuộc về ai và tại sao lại để xảy ra như vậy.
PV: Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Bộ Công an cũng như tập thể cán bộ chiến sỹ tham gia truy bắt Dương Chí Dũng?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi không biết vì sao mà Dương Chí Dũng lại bỏ trốn được. Vấn đề này để các nhà chức trách tiếp tục làm rõ và khi đã bắt được Dương Chí Dũng rồi thì hoàn toàn có thể làm rõ vấn đề này. Đây là thắng lợi của ta.
Nhưng tôi nghĩ, trước áp lực theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4, tất cả những vụ việc phải được kết luận rõ và đưa ra trước công luận, Bộ Chính trị mới có căn cứ để ra kết luận về trách nhiệm của những người có liên quan.
PV: Thưa ông, ngày 6/9, một tờ báo có đưa thông tin về phong cách làm việc của ông Dương Chí Dũng ngày còn làm Chủ tịch HĐTV của Vinalines thể hiện một sự thiếu trách nhiệm rất lớn...
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Một thông tin từ một tờ báo đưa thì đó chỉ là cái để mình theo dõi chứ lấy cái đó mà khẳng định đó là một vấn đề đúng hay không đúng để rồi đưa ra một quyết định hay một ý kiến thì tôi nghĩ là chưa nên.
Nhưng rõ ràng khi đã bắt được Dương Chí Dũng rồi thì sau này tình hình như thế nào chúng ta sẽ sớm được biết, kể cả tác phong làm việc của ông này khi còn ở Vinalines. Tuy nhiên, nếu bất kỳ ai ở một vị trí ở một cơ quan nhà nước mà làm việc không nghiêm túc, không thể hiện được trách nhiệm thì đều là sai trái và có tội với dân…
Và những hành vi như vậy cần phải được làm rõ, lên án để còn giáo dục đội ngũ cán bộ; nhất là những người được nhà nước và nhân dân giao phó trách nhiệm phục vụ cho tổ chức và cho đất nước.
Công tác cán bộ tổ chức hỏng sẽ gây hậu quả khôn lường
PV: Trong bối cảnh hiện nay, ông có ý kiến gì về công tác bổ nhiệm Dương Chí Dũng?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nghị quyết TƯ 4 có đề cập đến 3 vấn đề lớn: vấn đề suy thoái, công tác tổ chức cán bộ và trách nhiệm cá nhân. Một con người như Dương Chí Dũng mà được đưa vào vị trí lãnh đạo cao thì hoàn toàn không đúng quy trình về công tác cán bộ. Hai yếu tố là đưa những người không có năng lực hoặc là lúc chọn thì đưa người tốt rồi những sau đó tha hóa dần xét dưới góc độ tổ chức cán bộ đều liên quan đến trách nhiệm trong việc bổ nhiệm người không đúng. Công tác tổ chức cán bộ hỏng vì động cơ vụ lợi, móc ngoặc, lợi ích nhóm… chọn người không tốt vào thì sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
PV: Cho đến thời điểm này, ông đánh giá thế nào về công tác tự kiểm điểm của những cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc của Dương Chí Dũng khi việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nhiều ý kiến nêu trước công luận rồi là nhận trách nhiệm mà cuối cùng không hiểu cái trách nhiệm ấy là cái gì cả thì nói như vậy quá dễ. Chính vì cái kiểu nhận trách nhiệm đó cho nên buộc phải có Nghị quyết TƯ 4. Nhận trách nhiệm đó là trách nhiệm như thế nào? Mức độ như thế nào? Tại sao lại để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy? Trách nhiệm đến đâu? Thái độ khắc phục hậu quả như thế nào? Đó mới gọi là có trách nhiệm.
Nếu mà nói theo kiểu đồng chí A mắc lỗi, tôi là cấp trên tôi nhận trách nhiệm về mình rồi thôi thì không thể chấp nhận được. Một câu nói không như vậy thì ai chẳng nói được. Cái khắc phục khuyết điểm mới là cái đích của việc tự phê bình. Việc một số cán bộ nhận trách nhiệm trước Quốc hội rồi để đó là không đúng với tinh thần nghị quyết TƯ 4. Ở nước ngoài, khi cấp dưới có lỗi thì người ta từ chức…
Hồng Chính Quang
Theo báo Giáo dục Việt Nam