Viên đá Trường Sa và những bản án treo - Dân Làm Báo

Viên đá Trường Sa và những bản án treo

Đào Tuấn - Để hiểu mức độ bất bình, uất ức trong thái độ của dư luận có lẽ chỉ cần nhắc lại 2 từ “khốn nạn” mà rất nhiều bạn đọc đã không thể kìm nén khi đọc những dòng tin, dù chỉ 100 chữ- về câu chuyện “ăn đá” mà “cả tiền nhân, hậu thế đều không dung tha” trên báo chí.

Đúng vào ngày Công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 được thảo luận tại nghị trường, Huyện ủy Tánh Linh, Bình Thuận có quyết định xử lý hành vi tham nhũng của một Phó bí thư huyện đoàn bằng hình thức…cách chức.

Đây là những thông tin chính thức: Với cương vị là phó bí thư phụ trách, ông này đã biển thủ hơn 50 triệu đồng tiền quỹ “Góp đá xây Trường Sa” và Quỹ thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam; chiếm đoạt hơn 24 triệu đồng của đơn vị; lợi dụng chức vụ giới thiệu người thân thực hiện dự án nuôi nhím “giúp thanh niên làm giàu”, với số tiền 70 triệu đồng để chiếm đoạt đến 60 triệu.

Số tiền tham nhũng, dù chỉ vài chục triệu, nhưng tính chất của nó là đặc biệt nghiêm trọng. Để hiểu mức độ bất bình, uất ức trong thái độ của dư luận có lẽ chỉ cần nhắc lại 2 từ “khốn nạn” mà rất nhiều bạn đọc đã không thể kìm nén khi đọc những dòng tin, dù chỉ 100 chữ- về câu chuyện “ăn đá” mà “cả tiền nhân, hậu thế đều không dung tha” trên báo chí. Không bất bình không được khi hành vi tham nhũng đó khiến những thanh niên nghèo không thể thoát nghèo chứ chưa nói tới “làm giàu” khi tiền dự án làm giàu lọt gần hết vào túi quan tham. Không uất ức không xong khi những người người dân nghèo từng “bổ ống, moi lợn” góp đá xây Trường sa cảm thấy tổn thương, mất mát khi giờ không còn biết những đồng tiền mồ hôi của mình sẽ góp vào đâu, xây cái gì! Và cái mất mát lớn nhất là người dân không thể lạc quan với cuộc chiến chống tham nhũng khi mà các vị quan tham “ăn tất”, ngay cả đến viên đá bảo vệ biển đảo.

Kịch bản nào sẽ xảy ra đối với vị quan chức này: Ông sẽ “hạ cánh an toàn” nếu sắp đến tuổi nghỉ hưu? Sẽ bị xử lý hành chính nghiêm khắc “cách chức”, “khai trừ”? Sẽ bị ra tòa và sau đó hưởng án treo vì đã “nộp lại tiền tham nhũng”? Câu trả lời còn ở thì tương lai, nhưng rất có thể, hình thức xử lý đối với hành vi này sẽ theo kiểu “mưa to như mưa nhỏ, mưa nhỏ như không mưa”, hình thức mà Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nhận định là “Chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn nhiều người có hành vi tham nhũng với tài sản có giá trị lớn nhưng chỉ bị xử phạt kỷ luật hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo”.

Khi mà các nghị sĩ đang loay hoay với các phương án về cơ quan phòng chống tham nhũng nên đặt ở đâu, để có thể phát hiện tham nhũng một cách triệt để nhất, thì những vụ án tham nhũng bị phát hiện đang được “chuyển tội danh” sang các tội danh khác có khung hình phạt nhẹ hơn. Nhan nhản các trường hợp khác “vận dụng luật” để các vị quan tham được hưởng hình phạt dưới khung luật định; hoặc cho hưởng án treo, hoặc cải tạo không giam giữ; thậm chí chỉ phạt tiền, cảnh cáo. Ở Phú Thọ, ở Vĩnh Phúc, ở Cà Mau thậm chí 80% các “quan tham” được “hưởng” mức án dưới khung hình phạt; 50% được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ. Tỷ lệ cao bất thường và không hề cá biệt này cho thấy việc phát hiện tham nhũng đã khó, nhưng cái khó hơn là thái độ đối với tham nhũng.

Tham nhũng có chống được không, phụ thuộc vào thái độ của người chống tham nhũng. Thái độ của người chống tham nhũng thế nào, biểu hiện ngay chính trong những bản án treo. Chừng nào mà những hình thức “xử lý hành chính nghiêm khắc” còn được áp dụng với những vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng, chừng nào những quan chức tham nhũng còn được hưởng những bản án treo, chừng đó- không chỉ là những viên đá xây Trường Sa, mà “đất cát của nông dân, xi măng sắt thép của các công trình, thuốc của người nghèo, gạo của người đói, tiền từ thiện của người bị bão lũ, mồ hôi xương máu của đối tượng chính sách, áo cơm từ thiện cho trẻ thơ nghèo khuyết tật, cho đến cả hài cốt các liệt sĩ”- vẫn sẽ là những thứ mà người ta có thể tham nhũng.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo