Cầu Nhật Tân - Sáng 6/9/2012, Đại biểu QH Đặng Thành Tâm tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi Nga tham dự Hội nghị APEC, đến nay vẫn chưa về VN. Tị nạn: buộc phải tìm nơi trú ẩn ngoài đất nước thường trú của mình vì sợ bị bức hại, truy tố bởi lý do liên quan đến chính trị, tôn giáo, sắc tộc, quốc tịch... (theo Công ước của LHQ về Người tị nạn – UNCRSR). Như vậy, nếu Đại biểu QH Đặng Thành Tâm chưa bị bắt hoặc thủ tiêu thì về tính chất, ông đã thực sự trở thành người tị nạn chính trị ở nước ngoài.
Sáng 6/9/2012, đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã đi Nga tham dự Hội nghị APEC. Đóng chật 1 chuyên cơ có: Chủ tịch nước cùng phu nhân, Trợ lý CTN, Bộ trưởng NG Phạm Bình Minh; Chủ nhiệm VP Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Bí thư tỉnh Thái Nguyên Phạm Xuân Đương; Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng; Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông; Chủ tịch UBND Hải Phòng Dương Anh Điền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu; Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng; Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng đông đảo các sỹ quan an ninh, trợ lý, giúp việc, doanh nhân.
Cùng đi trong đoàn tháp tùng Chủ tịch nước có Đại biểu QH Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn SGI.
Ra nước ngoài trên chuyên cơ của Chủ tịch nước từ sáng 6/9/2012, đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm đến nay vẫn chưa về lại Việt Nam.
Ngày 7/9/2012, Ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng Văn phòng đại diện Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) tại HN, được cho là bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước theo Điều 263 Bộ Luật Hình sự
Ngày 8/9/2012, đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm gửi đơn kêu cứu khẩn cấp lên Bộ Chính trị, Quốc hội (chắc không cần gửi cho VP Chủ tịch nước vì cả ông Chủ và ông Chánh đều đang ở cạnh ông Tâm).
Ngày 2/10/2012, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6 (TP.HCM) gồm Đại biểu Đinh Thị Bạch Mai (Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP), Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP) đã đi tiếp xúc cử tri quận Bình Thạnh. Riêng Đại biểu Đặng Thành Tâm (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn SGI) thuộc đơn vị bầu cử số 6 vẫn vắng mặt tại cuộc tiếp xúc lần này.
Theo quy định hiện hành, việc quản lý đoàn ra nước ngoài thuộc phạm vi công tác của các cơ quan Đảng, đoàn thể, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao thực hiện theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Chiếu theo Quy chế quản lý đoàn ra đoàn vào của Ban Bí thư và căn cứ vào thành phần đoàn của Chủ tịch nước:
Thẩm quyền cử, cho phép ra nước ngoài:
- Chủ tịch nước do Thường trực Bộ Chính trị quyết định
- Bộ trưởng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Thứ trưởng do Bộ trưởng quyết định
- Bí thư tỉnh ủy do Bộ Chính trị quyết định
- Chủ tịch TP do Ban Bí thư quyết định
- Đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định
Hộ chiếu sử dụng:
Theo quy định tại NĐ 136/2007/NĐ-CP và 65/2012/NĐ-CP, ông Đặng Thành Tâm là đại biểu QH nên được cấp và sử dụng hộ chiếu ngoại giao.
Về chuyến đi dự Hội nghị APEC hôm 6/9/2012, Chủ tịch nước và toàn bộ thành viên đoàn tháp tùng đã về Việt Nam từ lâu song riêng Đại biểu QH Đặng Thành Tâm chưa trở về Việt Nam và vẫn “biệt vô âm tín” một cách khó hiểu.
Tị nạn: buộc phải tìm nơi trú ẩn ngoài đất nước thường trú của mình vì sợ bị bức hại, truy tố bởi lý do liên quan đến chính trị, tôn giáo, sắc tộc, quốc tịch … (theo Công ước của LHQ về Người tị nạn – UNCRSR).
Như vậy, nếu Đại biểu QH Đặng Thành Tâm chưa bị bắt hoặc thủ tiêu thì về tính chất, ông đã thực sự trở thành người tị nạn chính trị ở nước ngoài.
Trước đơn kêu cứu khẩn cấp mà ông đã gửi cùng sự mất tích đầy nghi vấn của Đại biểu quốc hội Đặng Thành Tâm, người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân tại cơ quan quyền lực cao nhất, các cơ quan chức năng cùng hơn 700 báo đài vẫn giữ thái độ vô cảm và im lặng. Thậm chí, ngày hôm qua, tờ Pháp luật TPHCM vẫn lạm dùng cụm từ “đi công tác” để chỉ sự vắng mặt này của ông Tâm.
Bây giờ thật đúng lúc để các bậc trí tuệ siêu phàm như Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) phát biểu một tiếng xem các cơ quan chức năng, cơ quan tuyên truyền nhà nước hành xử kiểu này thì thuộc diện trái đất tròn hay “trái đất vuông”? (xin mượn đúng từ của ông phát biểu đêm Trung thu vừa qua trên VTV1 – đoạn cuối clip này).
Lịch sử tồn tại của chính quyền do Đảng lãnh đạo đã chứng kiến một số vụ tị nạn chính trị nổi tiếng như: Vụ 40 cán bộ cao cấp của Đảng đồng loạt xin tị nạn chính trị trong đó có Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Nguyễn Minh Cần; Chính Ủy sư đoàn 308, Phó chính ủy Quân khu khu III Đại tá Lê Vinh Quốc; Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân Thượng tá Đỗ Văn Doãn. Vụ Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Văn Hoan. Vụ Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, Đại tá Bùi Tín (con trai cụ Bùi Bằng Đoàn – Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam). Trong các vụ tị nạn chính trị nói trên, không xét về động cơ xin tị nạn, thì giống nhau ở chỗ những người xin tị nạn đều đã bị hoặc có nguy cơ bị bức hại vì lý do chính trị nếu họ ở trong nước.