Đám cưới Hà Nội giống đám ma Bình Dương ở chỗ nào? - Dân Làm Báo

Đám cưới Hà Nội giống đám ma Bình Dương ở chỗ nào?

Tam Thái (Trái hay Phải/PhuNuToday) – Trong khi Hà Nội dự thảo quy định cán bộ tổ chức đám cưới không được quá 50 mâm, không làm tại nơi sang trọng, thì Bình Dương ban hành quy định mới về vòng hoa đám ma. Mà hai quy định lại có nét tương đồng mới thú, quý vị ạ.

Nhiều tờ báo ngày 28/9 cho biết, Hà Nội vừa thảo luận về dự thảo Chỉ thị tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố. Theo đó, cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý các cấp phải gương mẫu, đi đầu trong tổ chức đám cưới cho người thân, gia đình, số lượng khách mời không quá 300 người, tương đương 50 mâm cỗ. Ngoài ra, không tổ chức cưới nhiều lần, nhiều ngày và ăn uống ở những nơi sang trọng, tốn kém như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp…

Trước tiên, phải nói rằng đa số độc giả đều vô cùng hoan nghênh việc lãnh đạo Hà Nội bỏ thời gian vàng ngọc ra để bàn đến vấn đề này. Chẳng nói thì ai cũng biết, dựng vợ gả chồng là chuyện hệ trọng của cả một đời người, thành ra nếu Hà Nội có dành chút ít thời gian cho chủ đề này cũng là chuyện bình thường, kể cả trong bối cảnh CPI của thành phố vừa vọt tăng đột biến. Mà có khi chính vì giá cả tăng vùn vụt như thế nên người ta mới đặt ra vấn đề tiết kiệm trong cưới xin, lại càng hợp tình hợp cảnh hợp thời lắm lắm.

Cũng cần phải khẳng định một điều, có lẽ các vị lãnh đạo của Hà Nội muốn thông qua cái chỉ thị này mà chấn chỉnh lại những nét còn xộc xệch, chưa đẹp mắt, thậm chí kể cả những tiêu cực trá hình trong đám cưới. Riêng về cái này thì bấy lâu nay, người ta đã coi nó như chuyện bình thường ở huyện, với những ví von quen thuộc như khổ chủ thì “kinh doanh cỗ”, các vị khách đáng trọng thì “đi ăn cơm bụi giá cao”… Nhưng, ta cũng cứ thử mạnh dạn tư duy một tẹo xem lý lẽ của người Hà Nội ra sao.'

Chơi bài quẹt nhọ nồi. - Nguồn ảnh: Facebook

Lý do đầu tiên, theo như lời ông Chánh Văn phòng Thành ủy được VnExpress trích dẫn, việc tổ chức tại các khách sạn 5 sao sang trọng là không phù hợp tí nào với thu nhập chung của công chức. Đây quả nhiên là một lập luận chặt chẽ, khúc triết, vì nếu theo đúng như bảng lương chính thức, giấy trắng mực đen, thì các cán bộ, công chức nhà ta nghèo khó lắm! Hẳn quý vị còn nhớ có vị Thứ trưởng nọ đã từng ngậm ngùi thú nhận lương bộ trưởng 40 năm mới đủ tiền mua nhà thu nhập thấp kia mà. Chỉ mỗi tội, hình như ông Chánh Văn phòng đặt vấn đề hơi ngược, vì trên đời chắc không có kẻ nào điên rồ tới mức nghèo rớt mồng tơi mà lại hiên ngang tổ chức cưới ở khách sạn 5 sao hết.

Vả chăng, giả sử như các công chức có phung phí tiền của chính họ, thì đấy cũng là một cái quyền, vì hình như chưa thấy có quy định nào cấm công dân lãng phí tài sản của họ cả. Ấy là chưa kể nếu cưới ở khách sạn 5 sao là lãng phí thì không lẽ chúng ta xây khách sạn 5 sao chỉ nhằm mục đích nuôi chuột và gián hay sao? Thay vì soi xét xem người ta tiêu tiền như thế nào, ta hãy cứ để cho các vị “đầy tớ nhân dân” thoải mái tự do làm đám cưới linh đình, làm 1.000 mâm cỗ ở khách sạng 5 sao cũng cứ được đi, nhưng hãy ngay lập tức điều tra làm rõ họ lấy đâu ra tiền mà sang trọng? Người viết dám cá rằng với giải pháp này, tổ chức đám cưới ở các quán cơm bụi bình dân sẽ trở thành mốt mới trong cộng đồng đày tớ nhân dân.

Lập luận thứ hai do một vị lãnh đạo khác của Hà Nội đưa ra: Đám cưới phải tổ chức ở những nơi bình dân, phù hợp với mức thu nhập chung của mọi người, vì sẽ có cả người thu nhập thấp, thu nhập trung bình đi ăn cưới. Nếu tổ chức ở khách sạn 5 sao, những người này sẽ băn khoăn đưa bao nhiêu tiền mừng cưới, nếu đưa ít thì sau này sẽ nghĩ ngợi!

Nghe những lời lẽ hết sức thống thiết này, những người nghèo hẳn sẽ phải rơi nước mắt. Các cán bộ của chúng ta phải nói là bận trăm công nghìn việc, ấy vậy mà vẫn có thời gian để nghĩ tới chuyện người nghèo khổ tâm làm sao khi đi ăn cưới nhà giàu. Trên thực tế, tình huống này không phải không có, dù như các cụ nhà ta đã nói ngưu tầm ngưu mà mã tầm mã, một anh chàng khố rách áo ôm được đại gia mời đi ăn cưới kể cũng là hiếm gặp.

Cũng như chuyện nhà giàu có quyền xa hoa, thì người nghèo cũng có một cái quyền đối ứng: Ấy là nghiến răng nghiến lợi, bóp mồm bóp miệng để đi mừng đám cưới nhà giàu. Dĩ nhiên, trong mối quan hệ hết sức bất đối xứng này, giả sử như cái đám nhà giàu có lòng tử tế, coi nhẹ đồng tiền, họ cũng có toàn quyền từ chối nhận phong bì của người nghèo theo những phong cách hào sảng nhất, kiểu như sự có mặt của anh chị là niềm vinh hạnh của chúng tôi, các bác cứ đến uống rượu chung vui với chúng em là quý hóa lắm rồi, bày vẽ phong bì làm gì?

Vòng đi vòng lại, đến đây ta có thể nói huỵch toẹt ra điều mà có lẽ người soạn thảo chỉ thị muốn đề cập đến: Nhiều đám cưới đã trở thành nơi kinh doanh cỗ, là dịp để người ta hối lộ trá hình bằng những cái phong bì nho nhỏ xinh xinh nhưng lại dày dặn, múp míp. Và cái logic của tư duy là như thế này: Càng nhiều mâm, càng nhiều người, khách sạn càng sang trọng, thì phong bì sẽ càng nhiều, càng lắm, càng dày, nên muốn hạn chế thì tốt nhất là ta giới hạn lại.

Chẳng biết quý vị độc giả nghĩ sao về giải pháp chống tiêu cực này, nhưng người viết bài, đã sống qua mấy mươi năm cuộc đời với một chút ít hiểu biết về nhân tình thế thái, cũng đã từng dăm lần đi đám cưới với một động cơ không trong sáng lắm, thì thấy cần phải chúc mừng một số đối tượng coi đám cưới là cơ hội kiếm lời. Lý do là với quy định mới này, người ta có thể tốn một lượng cỗ ít nhất, rẻ nhất mà nguồn thu về không hề giảm đi, vì sẽ có vô khối người không được ăn cỗ nhưng vẫn phải gửi tiền mừng. Thật đúng là lợi đơn lợi kép!

Cộng đồng mạng cũng đang xôn xao về một đám cưới ở Vĩnh Phúc, nghe nói là của một cán bộ quèn cấp xã thôi. Theo thông tin trên báo Pháp luật&Xã hội, thì đám cưới này tuyệt nhiên không tổ chức tại khách sạn 5 sao hay khu du lịch cao cấp nào. Thay vào đó, đám cưới được tổ chức rất linh đình nhưng lại diễn ra tại... trường học và toàn bộ học sinh đã phải nghỉ học để dành chỗ cho đám cưới. Đã có ý kiến cho rằng, đây là một gợi ý hết sức bổ ích cho các cán bộ, công chức tại Hà Nội, nếu chỉ thị về việc cưới xin nói trên chính thức được ban hành.

Trong khi ấy thì, từ ngày 27/9, văn bản quy định cấm viên chức, công chức mang vòng hoa đến đám tang chính thức có hiệu lực tại Bình Dương. Văn bản rất dài và nội dung đề cập đến chuyện tang tóc đau thương, nhưng kể ra cũng có ít nhất một nét tương đồng với chuyện đám cưới 50 mâm đang gây xôn xao đất Kẻ Chợ.

Nét tương đồng ấy được báo Thanh Niên thể hiện trong đúng một câu gọn lỏn: Riêng về tiền phúng điếu thì văn bản không đề cập. Tức là, không cấm!

Tam Thái


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo