CA Hải Phòng giải thích việc bắt nguyên Phó Chủ tịch Tiên Lãng - Dân Làm Báo

CA Hải Phòng giải thích việc bắt nguyên Phó Chủ tịch Tiên Lãng

Báo Đất Việt - Chánh Văn phòng CA Hải Phòng giải thích các lý do bắt ông Khanh vì tội "hủy hoại tài sản" của ông Đoàn Văn Vươn. Tuy nhiên, việc gia đình ông Vươn cũng như Phó Chủ tịch liên chi hội Thủy sản Tiên Lãng từng bênh vực ông Khanh không được nhắc tới

Ngày 22/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hải Phòng đã tống đạt quyết định khởi tố 4 bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, thời gian 4 tháng, để phục vụ công tác điều tra về tội "hủy hoại tài sản." 

Có ý kiến đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các ông Bùi Thế Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng; ông Nguyễn Văn Hiền, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng. 

Chiều 25/10, Thượng tá Phạm Duy Diên, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Công an thành phố Hải Phòng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này. 

- Trước khi bị bắt giam, ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng kiến nghị rằng bản thân không có tội, bị bắt oan. Đề nghị Thượng tá cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra, 4 bị can Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa, Phạm Đăng Hoan và Lê Thanh Liêm, bị khởi tố là do hành vi của các đối tượng này đã phạm vào điểm a, khoản 3, Điều 143 Bộ luật Hình sự “Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.” 

Riêng đối với ông Nguyễn Văn Khanh, khi còn đương chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, được Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng giao làm Trưởng ban cưỡng chế thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn. 

Trong quyết định cưỡng chế 3312/QĐ-UBND ngày 25/11/2011 của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng không có nội dung phá dỡ các công trình xây dựng, tài sản, nhưng ông Khanh đã ra thông báo số 225/TB-BCĐ ngày 28/12/2011, với nội dung phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ cưỡng chế, trong đó phân công cho tổ 2 tháo dỡ nhà trông đầm của ông Đoàn Văn Vươn. Khi thực hiện, ông Khanh đã chỉ đạo tổ này phá dỡ cả nhà ông Đoàn Văn Quý - nơi không nằm trong phạm vi cưỡng chế. 

Ông Nguyễn Văn Khanh
Ngày 5/1/2012, khi tổ chức cưỡng chế, ông Khanh là người chỉ đạo trực tiếp, ra lệnh cho tổ cưỡng chế phá dỡ các công trình trên tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn. Ông Khanh còn là người gọi điện thoại thuê máy ủi đến hiện trường để phá dỡ nhà ông Đoàn Văn Vươn. 

Đến nay, ông Khanh vẫn chưa nhận thức được hành vi của mình, loanh quanh chối tội, đổ tội cho người khác; không cộng tác với cơ quan điều tra. Trong khi đó, tội “Hủy hoại tài sản” theo khoản 3, Điều 143 Bộ luật Hình sự là rất nghiêm trọng, mức án rất cao (từ 7 đến 15 năm). Do vậy, cần phải bắt giam để điều tra theo quy định của pháp luật. 

- Nếu tội danh nghiêm trọng như vậy tại sao không bắt giam cả ba ông Hoa, Hoan và Liêm? 
nguyenvankhanh-tienlang.jpg
- Ngay khi có quyết định khởi tố vụ án, các ông Hoa, Hoan, Liêm đã có thái độ thành khẩn khai báo, nhận rõ hành vi phạm tội của mình và sẵn sàng tự giác bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Kết quả điều tra cũng cho thấy ông Hoa, Hoan và Liêm cùng một số người khác chỉ là người thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Do vậy, không cần thiết phải tạm giam. 

- Ngay sau khi có quyết định khởi tố 4 bị can, Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng có đề nghị truy cứu trách nhiệm liên đới đối với ông Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch huyện Tiên Lãng. Ngay trong đơn của ông Nguyễn Văn Khanh gửi cơ quan chức năng cũng nêu ông Khanh thực hiện sự chỉ đạo của ông Lê Văn Hiền và ông Bùi Thế Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng. Thượng tá có thể nói rõ để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này? 

- Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố nhận được tường trình của ông Khanh, đã tiến hành điều tra nhưng chưa đủ căn cứ để kết luận việc này. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, khi có đầy đủ căn cứ sẽ áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết, không ngoại trừ một ai; sẽ không có “vùng cấm,” không kể người đó ở cương vị nào, nếu có hành vi vi phạm pháp luật cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật

- Theo đơn của ông Khanh, ngay từ đầu ông Khanh đã phản đối việc cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn. Cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa Thượng tá? 

- Theo kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố, đến nay không có bất cứ văn bản nào thể hiện ông Khanh phản đối việc cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của ông Vươn; lời khai và tường trình của ông Khanh tại cơ quan điều tra chưa một lần thể hiện việc ông Khanh phản đối chủ trương của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng về việc cưỡng chế đầm của ông Vươn. Cũng chưa có lời khai nào của các đối tượng thể hiện nội dung phản đối của ông Khanh đối với việc cưỡng chế. 

- Ngày 8/2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án nhưng đến ngày 22/10/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra mới khởi tố bị can. Thưa Thượng tá, như vậy có kéo dài và quá thời hạn quy định của pháp luật? 

- Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện việc điều tra theo đúng luật, việc khởi tố bị can nằm trong thời hạn luật cho phép. Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra chịu sự giám sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố và của cơ quan điều tra cấp trên.


*

Nhưng... nhưng mà... 
Mời các bạn trong thôn đọc lại "truyện xưa tích cũ" để nhớ lại ai là tổng tư lệnh "hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay" huỷ hoại tài sản nhân dân.


Giám đốc CA Hải Phòng nói về vụ nổ súng bắn 6 chiến sĩ 

Qua 8 lần giải quyết hòa giải không được, Tòa án cũng đã xử, nhưng đối tượng Vươn lại kiên quyết giữ, không giao đầm cho địa phương, do đó cưỡng chế là hoàn toàn đúng luật. 

Liên quan đến vụ chủ thầu Đoàn Văn Vươn huy động cả nhà dùng mìn, súng chống trả lực lượng cưỡng chế tài sản, PV đã có buổi phỏng vấn Đại tá Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng. 

* Trong vụ cưỡng chế tài sản ở Tiên Lãng, có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cưỡng chế một cái đầm thôi mà đem hàng trăm quân xuống đó, làm như thế để rồi bị thương cho bao nhiêu người, việc đó có đáng làm không, thưa Đại tá? 

* Thực ra vấn đề mà các bạn vừa hỏi cũng là suy nghĩ của một số vị lãnh đạo. Tôi đã từng trả lời các đồng chí ấy rằng, các đồng chí nhận thức sai lầm hết cả. Việc cưỡng chế đầm là một việc làm hết sức bình thường, mang tính chất hành chính, thủ tục của Ủy ban huyện người ta làm. Cái này làm theo thủ tục thông thường, người ta làm đúng. Qua 8 lần giải quyết hòa giải không được, Tòa án cũng đã xử rồi nhưng đối tượng Vươn lại kiên quyết giữ, không giao đầm cho địa phương, thế thì địa phương phải cưỡng chế là hoàn toàn đúng luật. 

Đại tá Đỗ Hữu Ca trong buổi phóng vấn (Ảnh: VnMedia) 

Ở vụ việc này, chỉ có cái là đơn vị huyện cưỡng chế, kể cả công an, quận đội, các ban ngành, người ta ra cưỡng chế nhưng không nắm chắc được tình hình đối tượng. Đoàn Văn Vươn có biện pháp chống đối, nhưng tổ cưỡng chế lại không nắm được cho nên để xảy ra chuyện có thiệt hại về về quân số. Nhưng mà cái đó là cái riêng. Khi chúng tôi đưa quân xuống là để bắt tội phạm bởi đối tượng đã nổ súng chống trả người thi hành công vụ, đã làm các chiến sĩ của chúng tôi bị thương. 

Hơn nữa, Vươn đã dùng mìn, dùng tất cả các biện pháp nguy hiểm đến tính mạng con người thì tôi phải dùng lực lượng mạnh để tôi trấn áp. Đây là hai vấn đề khác hẳn nhau. Thông tin đã rất rõ ràng nhưng mỗi người hiểu một kiểu. Sau đó, tôi yêu cầu họp báo ngay để thống nhất được việc đấy. Trên đường đi từ đấy về đây tôi đã làm xong báo cáo tôi gửi về Bộ rồi. 

* Tức là ban đầu, lực lượng công an có mặt tại hiện trường chỉ đảm bảo yêu cầu bảo vệ vụ cưỡng chế thôi, đúng không thưa Đại tá? Vậy khi Đại tá xuống chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường thì diễn biến ra sao? 

* Đúng vậy! Khi tôi điều thêm quân có mặt tại hiện trường thì các đối tượng đã rút khỏi đó. Cũng may là chúng đã rút rồi, nếu không chúng tôi buộc phải dùng biện pháp mạnh để trấn áp, hậu quả có thể sẽ nghiêm trọng hơn. Hôm ấy, cả tôi và 4 đồng chí Phó giám đốc đều trực tiếp có mặt ở hiện trường để chỉ đạo tác chiến. Chúng tôi đã tính đến phương án xấu nhất nên phải chuẩn bị đầy đủ súng, đạn rồi. Khi tôi có mặt, chưa nhận định được các đối tượng đã rút khỏi đó nên mọi phương án tác chiến vẫn được triển khai. 

Trong sự vụ này, 2 trung đội cảnh sát đặc nhiệm đã được điều động xuống hiện trường phối kết hợp với lực lượng ở đồn biên phòng phục ngoài bờ sông. Ngoài ra còn lực lượng cảnh sát bảo vệ.... Rất may là người dân xung quanh ủng hộ cho việc cưỡng chế. 

Hiện trường vụ nổ súng (Ảnh: VNE) 


Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng, nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng, đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả. 

* Thưa Đại tá, chỉ ít phút sau vụ nổ súng, lực lượng đông đảo của công an đã có mặt thì cho dù đối tượng có rút khỏi đó đi chăng nữa, cũng không thể đi quá xa. Tại sao ta chưa bắt hết được các đối tượng ngay khi đó?

* Khoảng 30 phút sau tôi mới xuống được đến hiện trường. Địa hình bãi bồi ấy rất hiểm trở, bao quanh là nước và bụi cây. Hơn nữa, bộ phận biên phòng chốt ở ngoài không thông thạo địa hình. Có thể, các đối tượng đã trà trộn vào những người hiếu kỳ đứng xem ngay khi mìn phát nổ, khi mà lực lượng công an đang phải tiến hành đưa những người bị thương ra xe đi cấp cứu. 

Vào thời điểm xảy ra sự việc, bên trong ngồi nhà theo quan sát lúc đó có 3 người con trai và một phụ nữ. Riêng đối tượng Nguyễn Thị Thương cũng có mặt trong nhà nhưng khi xảy ra sự việc chúng tôi chưa biết tại sao lại lên được bờ. Có hầm ở trong nhà nhưng không có hầm đi chỗ khác. Về chi tiết này chúng tôi đang làm rõ. Những người khác liên quan đến vụ việc, chúng tôi bắt trong thành phố. Cơ quan công an đang làm rõ. 

Hiện chúng tôi vẫn đang truy bắt đối tượng Đoàn Văn Quý (em trai của ông Đoàn Văn Vươn - chủ khu đất cưỡng chế). Bắt thêm 3 người nữa mới kết thúc vụ án. Tất cả đều là anh em bên vợ hoặc chồng của gia đình, không có người ngoài tham gia vào sự việc. Giờ sự việc đã rõ. Hồ sơ giam giữ đang được hoàn thiện.

* Nguyên nhân nào khiến các đối tượng chống trả quyết liệt như thế, thưa Đại tá?

* Thực chất, Đoàn Văn Vươn đã khai thác diện tích đấy ấy 16 năm nay rồi. 16 năm nay, ông ta có đóng góp được đồng nào đâu, nhưng cái đấy không phải là căn nguyên vấn đề. Theo kế hoạch phát triển, sắp tới trên diện tích đất ở vùng đó sẽ tập trung xây dựng một sân bay quốc tế của cả khu vực phía Bắc này, để thay cho sân bay Nội Bài. Mà nơi ấy là tâm điểm của sân bay mới. Với công trình đặc biệt quan trọng như thế thì đền bù sẽ rất lớn. Ông Vươn cố giữ lại như thế để lấy đền bù khi dự án được triển khai. Chính vì thế nên xảy ra chuyện ấy, nếu là chỗ khác thì không vấn đề gì. Dự án sân bay được xây dựng bởi phải đưa sân bay ra sát biển, để tận dụng khoảng không ngoài biển.

Nếu như giao đất cho ông Vươn thì sau này đền bù sẽ phải trả theo giá đất được giao, giá rất cao, phải mấy chục tỷ chỗ ấy. Nhưng nếu là đất anh thuê thì hết thời hạn thuê phải trả, người ta sẽ hỗ trợ cho anh về phần kiến trúc xây trên ấy. Hai cái ấy khác nhau hoàn toàn. Cho nên ông ta đã tìm mọi cách để chống đối. Ông ta vẫn giữ quan điểm, đất tôi canh tác phải được giao cho tôi nhưng thực tế là nếu anh muốn canh tác tiếp thì chỉ được thuê. Chỉ có tranh cãi nhau mỗi chữ “giao” và “thuê” thôi. Ông Vươn cho rằng, theo Luật đất đai, ai sử dụng trước năm 1993 thì được giao đất như đất ở.

* Vậy còn nguồn gốc vũ khí mà các đối tượng sử dụng thưa ông?

* Về nguồn gốc của khẩu súng, trước đó Quý có đưa tiền và nhờ người đi mua song người này lại chưa mua được nên y đã mua sẵn với giá 15 triệu đồng. Còn về đạn, sau khi đối tượng kia mua súng không thành, Quý lại tiếp tục đưa mẫu vỏ đạn đi mua. 

Khi xảy ra sự việc, người này đứng lẫn trong đám đông, kiểm tra người thì phát hiện mẫu vỏ đạn mang trong túi. Người này cũng đã khai nhận hành vi của mình là được Quý nhờ đi mua.

* Xin chân thành cảm ơn Đại tá!./. 

Theo VnMedia 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo